Chủ tịch THACO Trần Bá Dương: Hãy làm đúng, làm thật ngay từ đầu, có tâm trước, sống với nghề, làm từ nhỏ tới lớn với sự nỗ lực, kiên trì tích lũy từng bước một để bước vào đời là cách để khởi nghiệp thành công
Chủ tịch THACO Trần Bá Dương:”Muốn thành công hãy làm đúng, làm thật ngay
từ đầu”
Lãnh đạo một tập đoàn gần 20 ngàn nhân viên, nhưng ông vẫn có cách quản trị rất chi tiết. Ông cho rằng: Nếu không tư duy chi tiết, thì làm sao phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng? Khi hội nhập, các doanh nghiệp nước ngoài tràn vào thì làm sao chúng ta cạnh tranh với họ? Ví dụ: trong sản xuất, người Nhật nói rằng một trăm trừ đi một là số không, một ngàn trừ đi một cũng là số không, một triệu trừ đi một cũng là số không. Tôi vẫn khuyên các bạn nên làm quy trình chi tiết, nhưng phải khoa học, để đúc kết thành chuẩn mực, sau đó nhân bản nó để làm tốt hơn, bảo đảm sự chuẩn mực cho sản phẩm và dịch vụ.
Hãy làm đúng, làm thật ngay từ đầu, có tâm trước, sống với nghề, làm từ nhỏ tới lớn với sự nỗ lực, kiên trì tích lũy từng bước một để bước vào đời là cách để khởi nghiệp thành công, Chủ tịch THACO Trần Bá Dương chia sẻ. Trong cuộc sống và kinh doanh, ai chẳng có sai lầm, nhưng để tồn tại và phát triển thì phải đúng nhiều hơn sai. Chiến lược, suy cho cùng là mục tiêu và cách kinh doanh của mình, và phải điều chỉnh phương thức kinh doanh liên tục cho phù hợp. Một trong những cái sai lớn nhất là sai về tâm thế, vì khi công việc không như mong muốn, rất dễ nản, và mất tự tin. Còn nếu như sai do chưa hiểu hết và cố gắng hiểu. Sai do chưa làm đúng và cố gắng làm cho đúng thì tôi nghĩ không nên gọi là sai. Trường Hải có ngày hôm nay vì không có sai lớn, mà sai nhỏ thì không gọi là sai vì chúng tôi đã kịp sửa rồi.
Chủ tịch THACO Trần Bá Dương là người đặc biệt coi trọng hệ giá trị văn hoá kinh doanh Việt Nam. Tham luận tại Đại hội VCCI lần thứ VII, ông Trần Bá Dương nhấn mạnh việc nghiên cứu xây dựng hệ giá trị văn hoá kinh doanh Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát dữ dội trên cả nước và thế giới, đặc biệt là tình trạng phong tỏa dài ngày tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Trong bối cảnh đó, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã chung tay, đồng hành cùng các cấp chính quyền phòng chống dịch bằng nhiều hoạt động dấn thân và đóng góp tài chính rất lớn. Cùng với đó là những trăn trở và nỗ lực để duy trì sản xuất, giữ vững mục tiêu phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động và đã góp phần sớm đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường như hiện nay. Những hành động và ứng xử trên chính là biểu hiện sinh động và rõ nét về tính đặc thù, ưu việt và có tính kế thừa về văn hóa của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam chúng ta.
Để thực hiện được nhiệm vụ cao cả trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn và thách thức này, thì chúng ta cần nhận thức rằng: Văn hóa Kinh doanh của Việt Nam cũng là văn hóa của đội ngũ Doanh nhân Việt Nam sẽ có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của mỗi doanh nghiệp và lớn hơn là nền kinh tế của đất nước, nên ngay từ bây giờ chúng ta cần nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện và thực hiện ngay kế hoạch xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam theo tinh thần của văn kiện đại hội này là: “Nghiên cứu xây dựng hệ giá trị văn hoá kinh doanh Việt Nam, vừa bao gồm các giá trị văn hoá tinh hoa của dân tộc, vừa kết hợp hài hoà các giá trị của văn hoá kinh doanh của thế giới, đem lại bản sắc và giá trị thiết thực cho doanh nhân, doanh nghiệp nước ta trong thời kỳ hội nhập quốc tế… Gắn việc xây dựng văn hoá doanh nhân với mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội và tham gia phát triển xã hội mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra..”
Chủ tịch BRG Nguyễn Thị Nga: Chìa khóa để vững vàng trước mọi thử thách, cũng là cách để thành công, đó là “luôn chủ động trước mọi sự thay đổi”
Là những doanh nhân thế hệ đầu tiên của Việt Nam sau đổi mới, bà Nga đã trải qua nhiều thăng trầm, nên hiểu hơn hết về yêu cầu nắm bắt xu thế, hội nhập quốc tế. Bà là một trong những người đã sớm bắt tay với những thương hiệu hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực hoạt động. Điều này cũng có nghĩa phải đủ chuẩn, đủ mạnh, đủ bản lĩnh để bình đẳng trên các bàn đàm phán. Nhiều đối tác quốc tế đã dành sự tin tưởng vào năng lực và chiến lược phát triển bền vững của các doanh nghiệp trong hệ sinh thái BRG.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG: “Luôn chủ động trước mọi thay đổi”
Trong bài phát biểu trước Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và hàng trăm lãnh đạo doanh nghiệp tại Đại hội Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI) những ngày cuối năm 2021, bà Nga gửi đi một thông điệp quan trọng, đó là chú trọng yếu tố phát triển bền vững của các doanh nghiệp.
“Chúng ta cần sự cân đối hài hòa trên cả 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường. Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ, đổi mới quản trị, tiết kiệm nguyên liệu; có các chính sách để thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp phát triển bền vững. Doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, bền vững, đất nước mới hùng cường, thịnh vượng”, bà đề xuất.
Bà Nga đã luôn giữ vững tinh thần lạc quan và kỳ vọng: “Tôi tin đất nước sẽ có nhiều doanh nghiệp kiên cường. Tinh thần cầu thị và luôn tiến về phía trước của các doanh nghiệp sẽ là động lực cho sự phát triển của một đất nước. Cũng như chúng ta cùng chia sẻ khát vọng xây dựng đội ngũ doanh nhân có tinh thần cống hiến cho dân tộc”.
Với tư duy hiện đại và độc đáo, cùng khát vọng cống hiến cho cộng đồng, những công trình, dự án, sản phẩm, lĩnh vực mà Tập đoàn BRG tham gia đều đi theo “một sợi chỉ đỏ” mà người lãnh đạo luôn nhất quán theo đuổi. Đó là chất lượng cao và đẳng cấp vượt trội với tiêu chuẩn quốc tế, nhưng hoàn toàn khác biệt và mang những màu sắc mới.
Với BRG, năm 2023 tiếp tục là năm bận rộn với quan điểm về phát triển bền vững xuyên suốt trong tầm nhìn và sứ mệnh của Tập đoàn. Với một hệ sinh thái đa ngành rộng lớn, ở lĩnh vực nào, BRG cũng nỗ lực tạo những dấu ấn đặc sắc, riêng biệt và hội tụ những tiêu chí sản phẩm cao cấp nhất theo chuẩn quốc tế.
Với bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, hạnh phúc là khi ngọn lửa của tinh thần cống hiến, phụng sự xã hội được lan tỏa, gắn kết...
Doanh nhân Vũ Văn Tiền: Kinh doanh là một hành trình đầy rủi ro, có nhiều mạo hiểm và gian khổ. Phải có ý chí quyết tâm, mới lựa chọn nghề đầy chông gai như vậy
Ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn GELEXIMCO: “Phải có ý chí quyết tâm mới lựa chọn nghề kinh doanh”
Trên cương vị “thuyền trưởng” của Tập đoàn GELEXIMCO, sau gần 30 năm, ông đã gây dựng và dẫn dắt GELEXIMCO trở thành một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam trong các lĩnh vực: sản xuất công nghiệp, bất động sản, tài chính – ngân hàng và thương mại – dịch vụ, với tổng tài sản 52.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 14.500 tỷ đồng và tạo việc làm ổn định cho hơn 10.000 người lao động.
Trong số các lĩnh vực hoạt động của GELEXIMCO, công nghiệp luôn là thế mạnh và được ưu tiên đầu tư. Năm 2022 vừa qua, việc Tập đoàn GELEXIMCO ký thỏa thuận thuê đất và hạ tầng ở Thái Bình để xây dựng nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô lại một lần nữa khiến cái tên GELEXIMCO gây “sốt” thị trường, khiến ngành ô tô xôn xao. Theo đó, GELEXIMCO dự kiến đầu tư 19.000 tỷ đồng, tương đương 800 triệu USD để xây dựng Nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô, chia làm 2 giai đoạn. Theo thông tin được công bố, giai đoạn I có vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng, dự kiến được xây dựng từ quý I/2023, đưa vào hoạt động vào quý III/2024, sản lượng lắp ráp khoảng 50.000 ô tô một năm, sử dụng khoảng 1.200 lao động. Giai đoạn II với 11.800 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2030, nâng sản lượng lắp ráp khoảng 100.000 ô tô một năm, tạo việc làm cho 2.500 - 3.000 lao động.
Tại tất cả các dự án của mình, GELEXIMCO luôn ưu tiên lựa chọn công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Chiến lược phát triển bền vững, theo đuổi những giá trị thực đã được ông Vũ Văn Tiền xác định ngay từ khi xây dựng thương hiệu.
Bước đi này của GELEXIMCO một lần nữa tái khẳng định vị “thuyền trưởng” Vũ Văn Tiền đam mê công nghiệp đến mức nào. “Làm công nghiệp vất vả nhưng là cái lõi của kinh tế, tạo ra sự thay đổi ở các địa phương và đem đến nhiều công ăn việc làm cho xã hội”, ông Vũ Văn Tiền từng chia sẻ.
Với doanh nhân trẻ, ông chia sẻ “kinh doanh là một hành trình đầy rủi ro, có nhiều mạo hiểm và gian khổ. Phải có ý chí quyết tâm, mới lựa chọn nghề đầy chông gai như vậy. Trên đường lập nghiệp đều có không ít khó khăn, nếu đường đi không chuẩn, sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro”.
Trải qua bao thăng trầm của cuộc đời, doanh nhân Vũ Văn Tiền nhìn mọi việc bình tĩnh với các góc độ, khía cạnh khác. Ông tâm sự: “Khi thành đạt không tự mãn, khi gặp sóng gió không mềm lòng. Tiền bạc, vốn liếng có thể hết rồi lại có. Chỉ còn lại tình đời, tình người, ghi những dấu ấn tốt đẹp cho người thân, bạn bè, cộng sự là mãi mãi bền lâu”.
Chủ tịch Tập đoàn CMC Nguyễn Trung Chính: “Nếu bạn không có ước mơ, không đặt ra các mục tiêu cao để chinh phục nó thì cuộc đời cũng không thú vị. Và chỉ khi có mục tiêu như vậy thì mình mới phát triển và tiến bộ được”
Ông Nguyễn Trung Chính được mọi người biết đến khi đã rất dũng cảm từ bỏ vị trí “thanh cao” là làm cán bộ nhà nước để trở thành “con buôn”, và từng gặp khó vì chính sách “ưu đãi ngược”.
CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC - tập đoàn công nghệ lớn thứ hai tại Việt Nam. Bản thân ông Chính chỉ sở hữu gần 0.76% cổ phần của tập đoàn, giá trị khoảng hơn 45 tỷ đồng. Vợ ông là bà Lê Minh Thủy và có một người con là Nguyễn Mỹ Linh. Không như những vị chủ tịch khác, các thành viên trong gia đình của ông Chính đều không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu nào của công ty.
Sự nghiệp kinh doanh của ông đã trải qua nhiều thăng trầm. Vị doanh nhân này đã từng chia sẻ quan điểm: “Nếu bạn không có ước mơ, không đặt ra các mục tiêu cao để chinh phục nó thì cuộc đời cũng không thú vị. Và chỉ khi có mục tiêu như vậy thì mình mới phát triển và tiến bộ được. Tổ chức cũng thế thôi”.
Một trong những lý do chính thúc đẩy ông Nguyễn Trung Chính quyết tâm thực hiện được mục tiêu “khủng” trong thời gian ngắn, là từ thương vụ hợp tác chiến lược toàn diện với Samsung SDS. Công ty này thuộc tập đoàn Samsung, công ty dịch vụ công nghệ thông tin lớn nhất Hàn Quốc với doanh thu hơn 8 tỷ USD vào năm 2018.
Kể từ khi trở thành đối tác chiến lược với Samsung SDS, tập đoàn CMC của ông Nguyễn Trung Chính bắt đầu tăng trưởng trở lại trong vòng hai năm qua. Năm 2020, doanh thu và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lần lượt 5.181 tỷ và 241 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 6% và 15%. Đến năm 2021, trái ngược với các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 bùng phát ở nước ta, đây lại là năm ghi nhận kết quả kinh doanh cao nhất lịch sử của tập đoàn CMC. Doanh thu đạt hơn 6.290 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 21% so với cùng kỳ. Lãi ròng 317 tỷ đồng, cao hơn 31,5% so với năm 2021. Tổng tài sản của CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC ghi nhận vào ngày 31/3/2022 là hơn 6.255 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là gần 2.690 tỷ đồng.
Không chỉ tập trung vào việc tăng trưởng kết quả kinh doanh, ông Nguyễn Trung Chính còn muốn phát triển thêm nguồn nhân lực cho tập đoàn. Do đó đầu năm 2022, Tập đoàn Công nghệ CMC đã đầu tư vào lĩnh vực hoàn toàn mới là giáo dục, thông qua việc đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng để trở thành nhà đầu tư chiến lược của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Á Châu.
Doanh nhân Lý Ngọc Minh: “Muốn giải quyết vấn đề hiệu quả, phải luôn học hỏi từ những người giỏi nhất trong mọi lĩnh vực, học tắt, học sâu để đón đầu đổi mới sáng tạo”
Từ một người đam mê với những mơ mộng viển vông khi còn là một đứa trẻ, hiện tại, người đứng đầu Công ty TNHH Gốm sứ Minh Long I Lý Ngọc Minh luôn được các đối tác nước ngoài trân trọng gọi bằng cái tên “tổng công trình sư”.
Doanh nhân Lý Ngọc Minh cho rằng, ông luôn học hỏi từ những người giỏi nhất trong mọi lĩnh vực nhưng học rất sâu để giải quyết vấn đề. Đối với ông, học hỏi không phải là sự bắt chước, không phải là “con bò ăn cỏ” mà là “con tằm ăn lá dâu nhả ra tơ”. Tức phải “tiêu hóa” những điều mình học được. Muốn làm thành công thì phải hiểu sâu “nguyên lý vận hành” của việc mình muốn làm.
Nói về Minh Long, ông Lý Ngọc Minh cho biết, với những sản phẩm mang tính sáng tạo, đột phá, Minh Long đều cần khoảng thời gian dài, qua quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, cải tiến nhiều năm để mang đến một sản phẩm hoàn thiện. Điều này đặt ra cho người đứng đầu bài toán làm thế nào để tối ưu hóa thời gian trong khi vẫn đạt được hiệu quả cao nhất.
Ông “vua gốm sứ Việt” Lý Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long I: “Luôn học hỏi từ những người giỏi nhất”
Giải quyết bài toán này, Gốm sứ Minh Long vừa nghiên cứu nhu cầu thị trường để đáp ứng kịp nhu cầu khách hàng, vừa phải đi trước để đón đầu. Người “chỉ huy trưởng” của Minh Long chia sẻ doanh nghiệp này có 2 tiêu chí trong kinh doanh.
Thứ nhất, những sản phẩm đã được sản xuất trên thị trường thì luôn bán với chất lượng vượt sự mong đợi của khách hàng. Đó là lý do Gốm sứ Minh Long luôn mang đến những sản phẩm được yêu thích rộng rãi trên thị trường như ly, chai đựng nước có phong cách khác biệt, dòng sản phẩm linh vật của năm…
Thứ hai, đối với những sản phẩm chưa được sản xuất thì luôn cung cấp những thứ khách hàng mơ ước. Chẳng hạn nồi dưỡng sinh là sản phẩm mà ông Minh phải mất hơn 20 năm để hoàn thiện và đưa ra thị trường. Nồi dưỡng sinh có yếu tố khác biệt là chín sâu, luộc không nước, có thể chiên, rang, nướng, hướng đến bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường.
Cùng với thời gian tạo ra sản phẩm dài, quá trình đổi mới của doanh nghiệp cũng sẽ mất không ít thời gian. Có thể nói, để đổi mới sáng tạo, người thuyền trưởng Lý Ngọc Minh đã tìm ra và áp dụng những giải pháp, quy luật của riêng mình. Học tắt hiểu sâu, cải tiến những điều cũ để tạo ra cái mới, hoặc trở thành người tiên phong để đem đến sản phẩm khác biệt.
Nhìn về bức tranh tương lai của gốm sứ Minh Long, ông Minh cho rằng, quá trình đổi mới sáng tạo sẽ luôn tiếp tục và không có điểm dừng. Theo ông, người đi trước không những là người dẫn dắt, mà còn cho người đi sau thấy được con đường mà họ đi đến thành công. Do đó, những người trẻ không chỉ có thể tiếp nối sự nghiệp mà còn có thể sáng tạo ra những cái mới để thay thế cái cũ.
TOP 10 doanh nhân tiêu biểu nhất Việt Nam năm 2022
1. Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
2. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải
3. Thiếu tướng Nguyễn Quốc Dũng, Tư lệnh Binh đoàn 11, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty Thành An, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty 789.
4. Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn GELEXIMCO
5. Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Công ty Cổ phần Thực phẩm sữa TH
6. Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn BRG-BRG GROUP
7. Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thái Holdings
8. Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời
9. Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Điều hành Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghệ CMC
10. Ông Lý Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Minh Long