Cùng với vụ truy nã quốc tế Trịnh Xuân Thanh, thông tin về những người nhà của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh nắm giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy địa phương này đã “nóng” trên các trang mạng xã hội.
Đây không phải là vụ việc đầu tiên được dư luận phản ảnh về tình trạng “tìm người nhà” trong tuyển dụng, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ.
Gần đây nhất là chuyện cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quy hoạch vợ mình làm cục phó... Điểm chung của nhiều vụ việc được dư luận nêu lên đó là các quyết định bổ nhiệm đều “đúng quy trình”.
Không khó lắm để cảm nhận được một sự mệt mỏi của người dân khi đón nhận những thông tin như thế, rồi sau đó là điệp khúc “đúng quy trình” lặp đi lặp lại. Đều là đúng quy trình, nhưng sau mỗi lần nghe lại thấy đắng đót, chua chát hơn...
Một câu hỏi được nghiêm túc đặt ra là tại sao thực trạng bổ nhiệm, đề bạt người thân của lãnh đạo lại ngày càng trở nên phổ biến ở nhiều cấp, nhiều ngành?
Dư luận không hoài nghi sao được khi có những cậu ấm, cô chiêu con bộ trưởng này, bí thư nọ “lớn nhanh như Phù Đổng”, được cất đặt vào các ghế giám đốc sở, bí thư huyện, lãnh đạo doanh nghiệp khi tuổi đời chỉ trên dưới 30 và tài năng chưa được chứng thực?
Nguyên đại biểu Quốc hội Lê Nam đặt ra vấn đề rất đáng suy nghĩ: tại sao thời xưa khi đất nước còn chiến tranh, quy trình bổ nhiệm cán bộ không nhiều tầng nấc thủ tục như bây giờ, các nhà lãnh đạo cấp cao cũng có nhiều anh em con cháu nhưng lại hiếm khi một lãnh đạo đặt con cháu mình vào các vị trí quan trọng trong bộ máy?
Nhiều vị lãnh đạo thời xưa đã để con mình được rèn luyện, thử thách nơi hòn tên mũi đạn.
“Có lẽ, vượt lên trên tất cả các quy định, quy trình là nhân cách của con người. Ngay trong thời điểm này thôi, khi dư luận hoài nghi về những bổ nhiệm, cất nhắc con cái của không ít lãnh đạo, thì nhân dân cũng dành sự kính trọng đối với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi biết những người con của ông chỉ làm những công việc và vị trí bình thường” - ông Nam bình luận.
Nhưng ông Nam cũng như nhiều cựu lãnh đạo, chuyên gia, đại biểu Quốc hội khi tôi đặt vấn đề này đều khẳng định rằng chúng ta không thể trông chờ vào đạo đức.
Khi những vị trí “quan viên” trong bộ máy công quyền đi liền với lợi ích, bổng lộc, khi nạn chạy chức, chạy quyền còn nhức nhối thì nhất thiết phải xem xét lại tính hợp lý của các quy định, quy trình để sửa đổi, bổ sung.
Chỉ có tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ bằng quy trình đúng, theo hướng công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, giám sát tối đa, giải trình thuyết phục thì mới chấm dứt được sự hoài nghi, bức xúc trong dư luận, nhân dân.
Được như vậy, những “người nhà” của lãnh đạo nếu có tài năng, đức độ và thật sự xứng đáng sẽ ngẩng cao đầu, đàng hoàng nắm giữ các vị trí trong bộ máy,
không còn phải chịu đựng sự dè bỉu, hoài nghi của người dân.
Theo Tuoitre