Kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Thời gian qua, khu vực kinh tế này đã có những đóng góp nhất định đối với nền kinh tế đất nước nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Năng suất lao động còn thấp, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, cơ cấu sản phẩm, ngành nghề chưa đa dạng, chưa nhạy bén với thị trường.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trên là cơ chế chính sách cho khu vực kinh tế tư nhân chưa được hoàn thiện, chưa tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển; trong đó, chính sách thuế dù đã có nhiều hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển, nhưng trước yêu cầu mới, cần tiếp tục có sự đổi mới. Bài viết này nghiên cứu thực trạng chính sách thuế đối với khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam, qua đó làm rõ những ưu đãi về thuế đối với khu vực này.
Chính sách thuế trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam
Qua 4 giai đoạn cải cách thuế, chính sách thuế đã hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) ở Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã có hệ thống thuế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó khu vực KTTN được đối xử bình đẳng với các khu vực kinh tế khác.
Tuy nhiên, hiện nay, chưa có quy định khác biệt rõ nét về chính sách thuế đối với khu vực tư nhân nói chung mà chủ yếu tập trung hướng đến hai đối tượng trong khu vực KTTN là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và DN khởi nghiệp (DNKN).
Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu tổng quát: “Xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Để hỗ trợ được nhiều hơn cho khu vực KTTN, Thời gian qua, Bộ Tài chính không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật thuế trình Chính phủ, trình Quốc hội. Theo đó, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành như: Luật Thuế Bảo vệ môi trường (2010), Luật Thuế Sử dụng đất phi nông nghiệp (2011) thay thế cho thuế nhà, đất; ban hành Nghị quyết về Biểu khung thuế suất thuế tài nguyên (2013, 2015), Luật Phí và lệ phí (2015).
Chính phủ đã nhiều lần trình Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung các luật thuế trụ cột của hệ thống nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế...
Chiến lược cải cách thuế đã đề ra, Hệ thống chính sách thuế giai đoạn 2011-2020 thực hiện mục phát triển KTTN rất đa dạng, gồm: Xác định đối tượng phải nộp thuế, phải nộp phí; xác định thuế suất, ưu đãi thuế, thuế GTGT. Cụ thể:
Thuế thu nhập doanh nghiệp
Chính sách thuế TNDN chủ yếu tác động đến mục tiêu phát triển KTTN thông qua các ưu đãi thuế. Luật thuế TNDN năm 2003 và Luật Đầu tư 2005, các quy định về thuế và ưu đãi thuế được áp dụng thống nhất giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và khu vực có vốn đầu tư trong nước, khu vực KTTN được tiếp tục áp dụng các ưu đãi thuế rất cao.
Thứ nhất, đối với DNNVV.
Theo Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP, DNNVV được giảm 30% thuế TNDN phải nộp của quý IV/2008 và số thuế TNDN phải nộp của năm 2009. Theo Thông tư số 12/2008/TT-BTC, DNVVN có thu nhập từ các hoạt động sản xuất; hoạt động xây dựng, lắp đặt, dịch vụ du lịch và kinh doanh lương thực, phân bón được gia hạn nộp thuế 9 tháng kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế, bắt đầu từ quý I/2009.
Việc thực hiện khẩn trương các ưu đãi về chính sách thuế đã góp phần quan trọng giúp cácDN ổn định sản xuất - kinh doanh, tạo chuyển biến tích cực trong nền kinh tế. Hầu hết các DN khó khăn đã trở lại sản xuất, người lao động trở lại làm việc.
Hoạt động đầu tư trong nước khả quan, các lĩnh vực văn hoá, xã hội, y tế, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường có chuyển biến tích cực. Chính sách thuế này, cùng với các biện pháp hỗ trợ khác như giảm lãi suất đã tác động mạnh mẽ đến DN.
Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 21/2011/QĐ-TTg cho phép giãn thời hạn nộp thuế TNDN một năm đối với DNVVN thay vì 03 tháng như năm 2010.
Tiếp đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 8/2011/QH13, bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó chính sách ưu đãi thuế được sử dụng một cách mạnh mẽ, cụ thể: Giảm 30% số thuế TNDN phải nộp năm 2011 đối với DNVVN đã được giãn thuế và các DN sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.
Theo Luật thuế TNDN, trước ngày 01/01/2014 thuế suất thuế TNDN áp dụng chung là 25%, nhưng nhằm hỗ trợ các DN này vượt qua giai đoạn khó khăn, Bộ Tài chính ban hành quy định áp dụng thuế suất thuế TNDN là 20% từ ngày 01/7/2013, sớm hơn 06 tháng so với lộ trình thực hiện.
Năm 2017, Luật Hỗ trợ DNNVV được Quốc hội thông qua, theo đó, DNNVV được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế TNDN thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho DN theo quy định của pháp luật về thuế TNDN.
Các ngành nghề, lĩnh vực ưu đãi, địa bàn ưu đãi được thống nhất quy định trong Luật Thuế TNDN. Luật thuế TNDN quy định các khoản thu nhập được miễn thuế; các khoản thu nhập được ưu đãi về thời gian miễn, giảm thuế; ưu đãi về thuế suất.
Các DNNVV có các khoản thu nhập đáp ứng đủ các điều kiện thì sẽ được miễn hoặc hưởng ưu đãi thuế. Dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng khi đáp ứng đủ điều kiện lĩnh vực hoặc địa bàn là được áp dụng thuế suất ưu đãi có thời hạn, được miễn, giảm thuế một số năm.
Lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản là những lĩnh vực mà khu vực KTTN có nhiều khả năng tham gia, kể từ năm 2015 trở đi được áp dụng chính sách ưu đãi cao hơn.
Thu nhập của DN từ hoạt động này thực hiện tại địa bàn có điều đặc biệt khó khăn thì được miễn thuế, nếu dự án được thực hiện tại địa bàn khó khăn thì chỉ nộp thuế theo mức thuế suất đặc biệt ưu đãi là 10% và chỉ nộp 15% (thấp hơn mức thuế suất chung 20%) nếu dự án thực hiện tại địa bàn thuận lợi.
Ngoài ra, do chịu sự ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, một số DN được gia hạn nộp thuế TNDN tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP. Có thể thấy, thông qua các quy định về khuyến khích, ưu đãi đối với khu vực kinh tế tư nhân, thuế TNDN có vai trò quan trọng trong việc định hướng, tạo điều kiện cho các DN phát triển.
Thứ hai, đối với DNKN.
Từ ngày 01/01/2014, Luật số 32/2013/QH13 đã bổ sung thêm các khoản thu nhập được miễn thuế, trong đó: Thu nhập từ chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển giao cho tổ chức, cá nhân ở địa bàn có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Luật số 32/2013/ QH13 đã bổ sung quy định DN đang hoạt động có dự án đầu tư mở rộng vào lĩnh vực và địa bàn ưu đãi thuế nếu đáp ứng tiêu chí quy định của Luật thì được lựa chọn hưởng ưu đãi thuế theo dự án đang hoạt động cho thời gian còn lại hoặc được miễn thuế, giảm thuế đối với phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng mang lại.
Thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng bằng với thời gian miễn thuế, giảm thuế áp dụng đối với dự án đầu tư mới trên cùng địa bàn, lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN.
Thuế giá trị gia tăng
Về miễn, giảm thuế giá trị gia tăng
Thông tư số 93/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính đã bãi bỏ quy định đăng ký mẫu 06/GTGT đối với các DN mới thành lập sau 01 năm có nhu cầu tiếp tục nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được cộng đồng DN, đặc biệt là khu vực KTTN, các DNKN đánh giá cao.
Như vậy, đối với những DNNVV có mức doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên nếu thực hiện đầy đủ điều kiện về kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật thì được nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Các DN, hợp tác xã có doanh thu hàng năm dưới mức 1 tỷ đồng được áp dụng tính thuế GTGT theo phương pháp giản đơn.
Từ đó, tạo điều kiện cho DN nhỏ và siêu nhỏ dễ dàng kê khai, tính toán, giảm chi phí khi thực hiện các nghĩa vụ nộp thuế GTGT. Luật Thuế GTGT cũng quy định hàng hóa, dịch vụ của cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống sẽ không phải nộp thuế GTGT.
Về gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng
Năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về việc gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT cho các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Số thuế GTGT phải nộp được gia hạn nộp thuế bao gồm số thuế GTGT tại trụ sở chính và số thuế GTGT phải nộp tại địa phương nơi có hoạt động kinh doanh xây dựng.
Thuế xuất khẩu, nhập khẩu
Chính sách thuế XKNK có quy định góp phần tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy phát triển KTTN thông qua quy định về miễn thuế NK. Trong giai đoạn đầu của công cuộc Đổi mới, quyền kinh doanh XNK còn có sự thiên lệch về khu vực kinh tế quốc doanh, kéo theo các quy định về thuế XNK áp dụng cho khu vực KTTN chưa được thuận lợi so với khu vực khác.
Tuy nhiên, kể từ khi Luật Thương mại năm 1997 và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước năm 1998 được ban hành, khu vực tư nhân đã được ưu đãi và miễn giảm trong quá trình nộp thuế XNK. Ví dụ ưu đãi thuế đối với các DN công nghệ cao, doanh nghiệp KHCN, tổ chức khoa học và công nghệ.
Ngày 01/9/2016, Quốc hội thông qua Luật thuế XKNK số 107/2016/QH13 (thay thế Luật thuế XK, thuế NK số 45/2005/QH11), sửa đổi, bổ sung trường hợp thuộc đối tượng miễn thuế NK như: Quy định về miễn thuế hàng NK của dự án ưu đãi đầu tư; bổ sung quy định về miễn thuế NK đối với hàng hóa NK là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong nước chưa sản xuất được nhằm góp phần hỗ trợ lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp phát triển.
Các khoản phí và lệ phí
Chính sách huy động từ phí và lệ phí được thiết kế, xây dựng và áp dụng trong thực tiễn ở mức hợp lý, phù hợp với khả năng đóng góp của người dân và DN. Từ đó, đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng cao, bền vững, góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.
Thông tư số 200/2014/TT-BTC quy định rõ ràng về chi phí cho mục đích kế toán, phân định rõ chi phí được trừ cho mục đích tính thuế (Thông tư số 96/2015/ TT-BTC) giúp DN được chủ động trong kinh doanh và nâng cao vai trò quản trị để vừa bảo đảm hiệu quả kinh doanh, vừa tuân thủ tốt pháp luật thuế.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đã ban hành 12 thông tư và nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành các ưu đãi trong lĩnh vực thuế nội địa và phí, lệ phí. Trong quá trình thực hiện, hệ thống chính sách thuế, phí và lệ phí được sửa đổi bổ sung phù hợp với định hướng phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; góp phần chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia; khuyến khích thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế và các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam; thực hiện bảo hộ hợp lý, có chọn lọc, có thời hạn đối với sản phẩm, hàng hoá được sản xuất trong nước phù hợp với các cam kết, thông lệ quốc tế.
Thuế tài nguyên
Luật Thuế Tài nguyên ban hành năm 2009, có hiệu lực từ ngày 01/7/2010 thay thế Pháp lệnh Thuế tài nguyên năm 1998. Theo đó, khu vực KTTN được quyền thuê đất, được lựa chọn áp dụng chính sách giao/nhận quyền sử dụng đất có thu tiền để thực hiện các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh cũng như các dự án bất động sản. Chính sách đền bù, hỗ trợ được áp dụng như các khu vực kinh tế khác.
Cùng với đó, khu vực KTTN được quyền bình đẳng trong tiếp cận các nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước, được khai thác các tài liệu địa chất liên quan đến thăm dò tài nguyên thiên nhiên, được quyền tham gia đấu giá, đấu thầu các dự án khai thác mỏ, các dự án khai thác dầu khí, thủy điện, phát triển du lịch, khai thác các quyền kinh doanh.
Thuế sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp
Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012 có quy định chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với các dự án đầu tư như: Miễn thuế đối với đất của dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư; dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; dự án đầu tư thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; Đất của cơ sở thực hiện xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
Giảm 50% số thuế phải nộp đối với đất của dự án đầu tư thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư; dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện khó khăn; Cơ sở ươm tạo DNNVV, cơ sở kỹ thuật và khu làm việc chung hỗ trợ DNNVV được miễn, giảm tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định của pháp luật. Đối với ưu đãi về tiền thuê đất và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp thì có thể áp dụng ngay theo quy định pháp luật thuế hiện hành.
Đánh giá áp dụng chính sách thuế trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam
Chính sách thuế đã dần hoàn thiện nhằm hướng tới mục tiêu phát triển KTTN. Nhà nước đã ban hành các chính sách ưu đãi thuế như: Luật Thuế TNDN ưu đãi thuế, khuyến khích DN phát triển. Ưu đãi thuế thuế DN gồm: Ưu đãi về thuế suất và miễn, giảm thuế. Đối tượng được ưu đãi thuế là DN thành lập mới từ dự án đầu tư, không áp dụng đối với đầu tư mở rộng; nội dung ưu đãi thuế được thay đổi căn bản.
Trước đại dịch Covid-19, đã có nhóm các giải pháp về gia hạn thời hạn nộp thuế và các khoản thu ngân sách thông qua việc Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho các DN và hộ kinh doanh; giãn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích cả sản xuất và tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, các chính sách thuế ở nước ta vẫn còn một số tồn tại cần thực hiện các biện pháp khắc phục, cụ thể như:
Thứ nhất, các hành vi vi phạm pháp luật thuế của DN vẫn diễn ra phổ biến nhằm lợi dụng các chính sách ưu đãi để trốn thuế. Để giải quyết thực trạng này, các nhà lãnh đạo DNTN cần thay đổi tư duy, chấp hành hành nghiêm các quy định pháp luật về thuế.
Thứ hai, việc thực hiện giãn và giảm thuế cho DN sẽ khiến nguồn thu NSNN bị ảnh hưởng, nhưng chủ yếu là tác động đến thu NSNN. Để đảm bảo nguồn thu NSNN được thu đúng, thu đủ, cần tăng cường công tác quản lý thu cùng với sự tuân thủ pháp luật, ý thức trách nhiệm của mỗi DN đối với huy động nguồn thu NSNN.
Thứ ba, chưa có chính sách và pháp luật về thuế suất ưu đãi thuế TNDN cho DNNVV. Kể từ khi Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 đến nay vẫn chưa có chính sách, pháp luật ưu đãi về thuế suất thuế TNDN riêng biệt cho DNNVV để thực hiện ưu đãi thuế cho DNNVV mà Luật Hỗ trợ DNNVV 2017 quy định rõ: DNNVV được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế TNDN thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho DN theo quy định của pháp luật về thuế TNDN.
Thứ tư, chưa có chính sách, pháp luật ưu đãi về thuế TNDN cho hộ kinh doanh chuyển lên DNNVV. Đến nay, chưa có hướng dẫn, quy định rõ về chính sách miễn/giảm thuế TNDN cho DNNVV được chuyển từ hộ kinh doanh.
Việc ban hành ngay một chính sách, pháp luật ưu đãi về thuế cho DNNVV được chuyển từ hộ kinh doanh là cấp bách, một phần đảm bảo được tính thống nhất của Luật, một phần giúp cho các DNNVV có khả năng cạnh tranh tốt hơn và tăng việc làm cho người lao động.
Thứ năm, chưa áp dụng phương pháp tính thuế đơn giản cho DN siêu nhỏ. Để giảm thiểu chi phí thu thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, tạo ra sự minh bạch, tính tự tuân thủ thuế, nên quy định một số các trường hợp, mà cụ thể trong trường hợp này là các DN siêu nhỏ có thể áp dụng phương pháp tính thuế thu nhập DN theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng. Do đó, việc khắc phục những bất cập của chính sách thuế trước đòi hỏi của thực tiễn đặt ra là cần thiết.
Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu áp dụng để kịp sửa đổi các quy định pháp luật thuộc các lĩnh vực khác có liên quan và bảm đảm được tính đồng bộ của cả hệ thống thuế cũng như sự thay thế hoặc bổ sung cho nhau giữa các sắc thuế trong hệ thống.
Việc này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và kinh phí cho NSNN mà còn bảo đảm tính đồng bộ giữa chính sách với quản lý thuế, tạo thuận lợi cho cả người dân và cơ quan quản lý thuế, hải quan, từ đó khuyến khích khu vực KTTN phát triển.
Theo tapchitaichinh.vn
Nguồn bài viết: https://tapchitaichinh.vn/co-che-chinh-sach/chinh-sach-thue-doi-voi-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-o-viet-nam-334677.html