Trách nhiệm với cử tri

(Pháp lý) - Những năm gần đây, hoạt động của Quốc hội có tác động mạnh mẽ đến hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, nhất là những phiên giải trình, phiên chất vấn tại hội trường Diên Hồng được truyền hình, truyền thanh trực tiếp. Cử tri cả nước mong đợi HĐND địa phương cũng làm được như Quốc hội. Đó là mong muốn chính đáng của nhân dân. Trên thực tế, nhiều địa phương đã đổi mới hoạt động giám sát của HĐND và tạo được ấn tượng tốt với nhân dân. Nhưng còn nhiều địa phương chưa làm được, vẫn có nơi cử tri nhận xét HĐND “giám nhưng không sát”, giám sát lấy lệ… Nhiều vụ việc xảy ra ở không ít địa phương cho thấy vai trò giám sát của HĐND mờ nhạt. Phải chăng tính ràng buộc trách nhiệm của đại biểu HĐND với cử tri hiện nay thấp, chưa có áp lực đủ mạnh buộc các đại biểu HĐND phải làm việc trách nhiệm và quyết liệt hơn?

Hậu quả của giám sát lấy lệ , thiếu trách nhiệm với cử tri

Hồi đầu tháng 10, HĐND TPHCM đã tổ chức phiên họp giải trình về tình hình giải quyết khiếu nại trên địa bàn TPHCM. Tại phiên họp, nhiều đại biểu lưu ý tình trạng khiếu nại đông người, nhiều vụ việc, phần đúng thuộc về người dân như vụ khiếu nại tại dự án đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi, đặc biệt là tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Phiên họp giải trình của HĐND TPHCM về công tác giải quyết khiếu nại vào sáng 5/10 /2018
Phiên họp giải trình của HĐND TPHCM về công tác giải quyết khiếu nại vào sáng 5/10 /2018)

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM cho rằng TPHCM cần làm rõ vì sao những vụ khiếu nại kéo dài và không có điểm dừng, bởi nếu không có giải pháp, bức xúc của người dân sẽ tích tụ và bùng phát không cần thiết.

“Đoàn ĐBQH tiếp công dân, 75% khiếu nại liên quan nhà đất. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, cách trả lời của nhiều nơi không vì cái chung, chỉ đứng trên quan điểm của riêng mình. Có những văn bản trả lời chung chung, gần như để trả nợ cho việc tiếp nhận hồ sơ. Công dân không chấp nhận. Họ cần biết đúng sai trong các nội dung khiếu nại”, ông Khuê nói.

Đại biểu này trăn trở: Nhiều đơn thư khiếu nại vượt cấp. Người dân mượn qua kênh HĐND, MTTQ, ĐBQH để chuyển đơn đi. Vì sao? Phải chăng là vì giảm sút niềm tin? Trách nhiệm của cán bộ ở đâu? Người dân khiếu nại có đúng, có sai, còn chúng ta giải quyết đúng chưa hay trả lời “tận ngọn” khiến người dân bức xúc thêm.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu Văn phòng tiếp công dân và Thanh tra TPHCM phải cầu thị, nhìn thẳng vào sự thật khi xem lại con số thống kê trong báo cáo là 70% đơn thư của người dân là khiếu nại sai.

“Như bà con Thủ Thiêm khiếu nại nhà đất bị giải tỏa trong ranh hay ngoài ranh quy hoạch của dự án. Mình bác đơn của bà con. Tòa án cũng bác đơn nhưng bây giờ Thanh tra Chính phủ kết luận khác với mình. Dự án Khu công nghệ cao, mình không chấp nhận khiếu nại của bà con. Thanh tra Chính phủ kết luận bà con khiếu nại đúng. Mình phải cầu thị nhìn thẳng vào sự thật là mình giải quyết đã thỏa đáng chưa. Đây là những vấn đề liên quan đến lợi ích chính đáng của dân”, bà Tâm nhấn mạnh.

Và bà tâm tư: Tôi rất thấm thía. Phải đối thoại với bà con để hiểu và nắm vụ việc cụ thể, giải quyết vụ việc có lý có tình chứ không phải đối thoại lấy lệ rồi bác đơn. Hậu quả sẽ rất nặng nề nếu mình giải quyết không khách quan, không cầu thị… Tình trạng khiếu nại vượt cấp là do người dân không tin cơ quan giải quyết khiếu nại của địa phương.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng thừa nhận: Vụ khiếu nại đất đai đất ở quận 2, người dân thân sơ, thất sở. Bà con chịu đựng một ngày hai ngày còn được chứ cả chục năm thì chịu sao thấu. Dân bức xúc, trách móc đại biểu thì mình phải nghe. Mình không bảo vệ được bà con, giải quyết khiếu nại của bà con chậm quá.

Đúng như bà Chủ tịch HĐND nói, người dân ở Quận 2 đã chờ đợi quá lâu, đã nghe rất nhiều lời xin lỗi, nhưng điều mà họ cần là hành động, hành động của HĐND bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho họ.

Không bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri, rõ ràng là trong vụ Thủ Thiêm, HĐND TP HCM chưa làm hết trách nhiệm với cử tri của mình. Vậy thì HĐND có phải chịu chế tài nào không?

Đó là câu chuyện ở TP.HCM, còn ở Hà Nội và nhiều địa phương khác thì sao? Ở Hà Nội, trước đây có một thực trạng là hàng trăm dự án ôm đất bỏ hoang khắp các huyện như Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Quốc Oai, Hà Đông…dù được HĐND các quận huyện và thành phố giám sát nhiều lần nhưng vẫn “chứng nào tật ấy”.

Vẫn biết quyền của HĐND hiện nay được pháp luật trao cho là quyền giám sát. Nhưng HĐND khi giám sát thấy có “vấn đề”, sau đó có truy đến cùng, đã làm hết trách nhiệm chưa? Câu trả lời trên thực tế có những việc là có, nhưng không ít vụ, câu trả lời là giám sát lấy lệ, thiếu trách nhiệm.

Nguyên nhân nào?

Thực tế trong những năm qua, HĐND các cấp đã có nhiều đổi mới trong tổ chức và hoạt động, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự xã hội của địa phương. Tuy nhiên so với yêu cầu về chất lượng, hiệu quả mà hoạt động của HĐND cần đạt được để góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền vẫn còn khiêm tốn, chưa tạo ra chuyển biến mạnh mẽ, căn cơ, biểu hiện như: quyết sách có lúc có nơi chưa đi vào cuộc sống; hiệu quả giám sát chưa cao còn tình trạng nể nang, ngại va chạm, tiếp công dân và đôn đốc giải quyết các kiến nghị chính đáng của công dân còn bất cập. Trong nhiều nguyên nhân hạn chế, có nguyên nhân về cơ cấu, số lượng đại biểu kiêm nhiệm và chất lượng đại biểu.

Theo quy định của Hiến pháp, “Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên”.

Có một thực tế thấy rõ từ lâu: tỷ lệ đại biểu HĐND của chúng ta hiện nay vẫn kiêm nhiệm, ngoài chức trách là đại biểu hội đồng, họ còn là cán bộ lãnh đạo nhiều sở ngành, quận, huyện. Phải chăng cũng vì phải “đóng hai vai” nên không ít phiên chất vấn rất thiếu những cánh tay giơ lên từ ghế của đại biểu kiêm nhiệm. Phần chất vấn quyết liệt nhất vẫn thuộc về những đại biểu chuyên trách, những gương mặt vốn quá quen thuộc với cử tri. Phải chăng cũng vì đóng hai vai nên việc giải quyết những vấn đề bức xúc dân sinh của họ vẫn là “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Vậy nên để qui trách nhiệm ĐB chuyên trách đã khó, qui trách nhiệm ĐB kiêm nhiệm quả là còn khó hơn.

Theo quy định của pháp luật, HĐND có vị trí rất quan trọng (cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương), song cơ chế thực thi quyền lực còn thiếu quy định, thiếu những chế tài đảm bảo cho HĐND các cấp thực hiện được quyền lực của mình. Từ đó dễ dẫn đến tính hình thức trong hoạt động. Có thực tế, những nội dung được HĐND thông qua lại phải chờ quyết định (văn bản hướng dẫn) của UBND thì Nghị quyết của Hội đồng nhân dân mới đi được vào cuộc sống. Điều này làm giảm tính thực chất trong giá trị pháp lý Nghị quyết của HĐND, ảnh hưởng tới vị thế của HĐND.

Những quy định về tổ chức và thực hiện chức năng giám sát của HĐND cũng cần được quan tâm. Hiện nay, một số quy định thiếu ràng buộc pháp lý khiến cho hiệu quả trong hoạt động này chưa cao. Chính vì chưa có những chế tài cần thiết nên thời gian qua, ở một số địa phương, kết quả giám sát rất rõ ràng song chưa xem xét được trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền cũng như không giải quyết được triệt để những tồn tại của hậu giám sát. Làm sao để HĐND thực hiện quyền giám sát thật sự hiệu quả cũng như có chế tài cụ thể để phân định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, các chức danh Nhà nước được giám sát… là một trong những vấn đề cần được quan tâm xem xét hiện nay.

Quang cảnh một phiên họp của HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 (ảnh minh họa)
Quang cảnh một phiên họp của HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 (ảnh minh họa))

Thước đo mức độ hoàn thành trách nhiệm của đại biểu HĐND

Một cán bộ nguyên lãnh đạo HĐND TP Hà Nội cho rằng, hiệu quả giám sát phụ thuộc rất lớn vào sự tiếp thu, hành động của người đứng đầu cơ quan hành pháp. Nhưng bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân cũng phải làm hết chức năng nhiệm vụ của mình như giám sát đến cùng, công khai rộng rãi thông tin giám sát, kết quả giám sát đến cử tri, đến báo chí.

image003Trong một xã hội dân chủ và thượng tôn pháp luật, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, được pháp luật bảo vệ những quyền lợi chính đáng và bất khả xâm phạm. Những công dân yếu thế, những người dễ bị tổn thương càng cần sự ra tay bảo vệ kịp thời của cơ quan do họ cử ra, trao quyền.

Để làm tốt nhiệm vụ giám sát, trước hết mỗi đại biểu HĐND phải thể hiện trách nhiệm với cử tri, nhất là trong việc giải quyết đơn thư. Nếu các đại biểu HĐND đeo bám vụ việc đến cùng, sẽ có tác động đến các cơ quan chính quyền và góp phần “hạ nhiệt” bức xúc của người dân.

Để đi đến tận cùng vấn đề thì đại biểu HĐND phải truy trách nhiệm của người đứng đầu là Chủ tịch UBND tỉnh, huyện, xã. Tuy nhiên, không phải Đại biểu HĐND nào cũng đủ dũng khí chất vấn đến cùng đối với Chủ tịch UBND cùng cấp. Hiệu quả giám sát của một số đại biểu HĐND chưa cao, một phần là do cơ cấu đại biểu HĐND chưa hợp lý, năng lực của một bộ phận đại biểu HĐND chưa đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, tính ràng buộc trách nhiệm của đại biểu HĐND với cử tri thấp, chưa có áp lực đủ mạnh buộc các đại biểu HĐND phải làm việc trách nhiệm và quyết liệt hơn. Bởi nếu quan tâm giải quyết khiếu nại, bức xúc của người dân một cách chân thành thì có lẽ không ít những vụ khiếu nại nổi cộm sẽ được giải quyết dứt điểm, thấu tình, đạt lý.

Khi mà tính ràng buộc trách nhiệm của Đại biểu với cử tri còn thấp, khi mà pháp luật chưa có cơ chế rõ ràng để qui trách nhiệm và xử lý những đại biểu dân cử thiếu trách nhiệm với cử tri, thì rất khó mà đòi hỏi họ - những đại biểu dân cử làm hết trách nhiệm và quyết liệt để bảo vệ cử tri.

“Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”, đó là điều đã được khẳng định trang trọng trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do vậy, quyền lực của mỗi chức danh đều do nhân dân giao phó. Quyền lực phải đi đôi với trách nhiệm. Không làm hết trách nhiệm hoặc thiếu trách nhiệm cần phải nghỉ, đó là chế tài cần thiết.

Đã đến lúc cần xem lại, sửa đổi bổ sung các tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành trách nhiệm đại biểu HĐND với cử tri, trong đó việc quan tâm truy đến cùng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri là một trong những thước đo quan trọng mức độ hoàn thành trách nhiệm của người đại biểu. Đại biểu HĐND tín nhiệm thấp, thiếu trách nhiệm với cử tri cần được thay thế.

Về trách nhiệm của đại biểu HĐND đối với cử tri và nhân dân. (Trích Điều 115 Hiến pháp năm 2013)

- Đối với cử tri

+ Đại biểu HĐND phải liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu ra mình, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri với Hội đồng nhân dân và cơ quan nhà nước hữu quan ở địa phương.

+ Mỗi năm một lần vào cuối năm, kết hợp với việc tiếp xúc cử tri, đại biểu HĐND báo cáo với cử tri ở đơn vị bầu ra mình về hoạt động trong năm, nhiệm vụ năm tới của mình và của HĐND.

+ Sau mỗi kỳ họp HĐND, đại biểu HĐND có trách nhiệm báo cáo với cử tri về kết quả của kỳ họp, phổ biến và giải thích các Nghị quyết của HĐND, vận động và cùng với nhân dân thực hiện các Nghị quyết đó.

- Trách nhiệm tiếp xúc cử tri, tiếp công dân

+ Trong thời gian giữa hai kỳ họp, đại biểu HĐND có nhiệm vụ tiếp xúc cử tri ở đơn vị bầu cử của mình, phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân với HĐND và các cơ quan Nhà nước, báo cáo kết quả kỳ họp với cử tri, tuyên truyền thực hiện tốt pháp luật.

+ Đại biểu HĐND tiếp công dân nhằm thu thập ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của công dân; giải thích, tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho công dân; hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và nhận đơn thư của công dân để chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

+ Khi nhận được khiếu nại, tố cáo của công dân, đại biểu HĐND có trách nhiệm nghiên cứu và hướng dẫn công dân gửi khiếu nại, tố cáo đến đúng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Trong trường hợp cần thiết, đại biểu HĐND trực tiếp hoặc thông qua Thường trực HĐND chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để xem xét giải quyết. Đại biểu HĐND có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Lê Phúc

 

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin