So sánh dấu hiệu pháp lý và hình phạt một số tội danh thuộc nhóm tội tham nhũng ?

01/04/2021 21:55

(Pháp lý) - Căn cứ kết quả điều tra, ngày 17/3/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan, đồng thời ra Quyết định khởi tố đối với cựu chủ tịch Nguyễn Đức Chung về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Cựu chủ tịch Nguyễn Đức Chung vừa bị khởi tố thêm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

Trước đó, trong quá trình điều tra mở rộng vụ án hình sự Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan , xác định: ông Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Arktic đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy 3C của Công ty Watch water- CHLB Đức qua Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic do Nguyễn Trường Giang làm Giám đốc để xử lý, duy trì chất lượng hồ trên địa bàn thành phố Hà Nội trái quy định, gây thiệt hại tài sản Nhà nước

Nhiều bạn đọc quan tâm muốn tìm hiểu về dấu hiệu pháp lý của tội danh Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ được qui định trong BLHS 2015. Tội danh này so với một số tội danh khác như Tội nhận hối lộ và Tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản …có gì khác nhau ? Để giải đáp nhu cầu của bạn đọc, chúng tôi nêu ra dưới đây dấu hiệu pháp lý đặc trưng của ba trong số các tội danh thuộc nhóm tội tham nhũng để bạn đọc có thêm kiến thức về pháp luật hình sự.

Trước tiên, các tội danh trên đều có chủ thể là người có chức vụ quyền hạn và thuộc Nhóm tội phạm về tham nhũng được quy định tại mục 1 Chương XXIII của BLHS năm 2015 gồm 7 điều, từ Điều 353 đến Điều 359. Đó là các tội: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm quyền trong khi thi hành công vụ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi và giả mạo trong công tác.

Trong nhóm tội tham nhũng, chức vụ, thời gian gần đây, đã có nhiều vụ án, bị can bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” . Hành vi phạm tội quy định tại Điều 356 BLHS có sự tương đồng với hành vi có tính chất tham nhũng được quy định ở các Điều luật khác (như hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ).

Khung hình phạt cao nhất của tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là 15 năm tù. Nếu so sánh hình phạt của các tội danh thuộc nhóm tội tham nhũng thì hình phạt đối với tội “Nhận hối lộ” là nặng nhất, có mức án đến chung thân hoặc tử hình.

Những dấu hiệu pháp lý và hình phạt Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn và đã sử dụng chức vụ, quyền hạn đó một cách trái phép nhằm mục đích vụ lợi. Hành vị đó gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân là do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện được hành vi gây thiệt hại.

Khoản 1 Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định:“Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”. Khung thứ hai từ 05 năm đến 10 năm và khung thứ ba là từ 10 năm đến 15 năm tù.

Để bảo đảm sự phù hợp với thực tiễn xử lý loại tội phạm này, phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế, đồng thời nhằm cá thể hóa trách nhiệm hình sự, bảo đảm mức độ tương xứng giữa hình phạt với tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, Điều 356 BLHS năm 2015 đã quy định cụ thể hơn, thiệt hại về tài sản mang tính “định lượng”: “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…”. Như vậy, người nào lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ mà gây thiệt hại từ 10.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng sẽ bị truy cứu TNHS theo khoản 1 Điều này.

Điều luật cũng cụ thể hóa tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” ở khoản 2: "thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng"; cụ thể hóa tình tiết “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” ở khoản 3 bằng: "thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên" và quy định rõ “phạm tội nhiều lần” là “phạm tội 02 lần trở lên”.

Điều 356 BLHS năm 2015 không quy định tình tiết tăng nặng “gây hậu quả rất nghiêm trọng”,“ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, được quy định ở cùng một khung tại khoản 3 Điều 281 BLHS năm 1999, mà nâng mức định lượng tiền là tình tiết định tội, định khung hình phạt. Cụ thể, gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm (khoản 3).

Tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ có dấu hiệu pháp lý như sau:

1. Khách thể của tội phạm: Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trực tiếp xâm hại đến sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức; làm cho các cơ quan tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào Nhà nước.

2. Mặt khách quan của tội phạm: Hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tức là người phạm tội sử dụng quyền hạn được giao như là một phương tiện để thực hiện tội phạm. Tuy nhiên, tội phạm này không có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản. Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi làm trái công vụ như không làm hoặc làm không đúng không đầy đủ nhiệm vụ được giao. Để xác định được có sự lạm dụng chức vụ, quyền hạn thì phải tùy từng lĩnh vực, vị trí công tác khác nhau và trường hợp cụ thể, rồi so sánh với quy định của pháp luật để xác định chủ thể có thẩm quyền ra sao…, từ đó xác định chủ thể có hành vi vượt quá thẩm quyền theo luật định.

Hành vi phạm tội quy định tại Điều 356 BLHS có sự tương đồng với hành vi có tính chất tham nhũng được quy định ở các Điều luật khác (như hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ).

Đặc điểm để phân biệt hành vi có dấu hiệu của tội phạm này là về mặt pháp lý tuy chủ thể có chức vụ, quyền hạn nhất định, nhưng trong giới hạn luật định thì chủ thể không có thẩm quyền tiến hành nhiệm vụ và thực tế, không có điều kiện pháp lý làm phát sinh công vụ phải thực hiện, nhưng chủ thể đã lợi dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoạt động ngoài phạm vi pháp luật cho phép.

Hậu quả của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc, cụ thể là hành vi phạm tội phải gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Đối với hậu quả gây thiệt đến lợi ích của Nhà nước, tổ chức, công dân đòi hỏi phải có sự đánh giá toàn diện thì mới có thể kết luận được về loại thiệt hại này.

3. Chủ thể của tội phạm: Là chủ thể đặc biệt, người phạm tội phải có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật thì mới có điều kiện để thực hiện tội phạm. Từ nội dung này có thể hiểu chủ thể phải là cán bộ, công chức, khi đó hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của chủ thể mới có thể phát huy hiệu quả trên thực tế.

4. Mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi cố ý trực tiếp, động cơ phạm tội xuất phát từ động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân. Chủ thể nhận thức được hành vi của mình là trái luật, vượt ra khỏi giới hạn về thẩm quyền của họ, nhưng vì nhằm thu lợi bất chính mà chủ thể bất chấp pháp luật; hoặc vì nhằm thỏa mãn những vấn đề cá nhân như nhằm tạo thuận lợi cho bản thân trong việc đề bạt, bổ nhiệm; hoặc nhằm làm hài lòng cấp trên; hoặc nhằm tạo ra những thuận lợi cho người thân trong sản, kinh doanh; hoặc đơn giản là nhằm thỏa mãn sự ích kỷ của bản thân…

Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tức là người phạm tội sử dụng quyền hạn được giao như là một phương tiện để thực hiện tội phạm. Tuy nhiên, tội phạm này không có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản. Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi làm trái công vụ như không làm hoặc làm không đúng không đầy đủ nhiệm vụ được giao. Để xác định được có sự lạm dụng chức vụ, quyền hạn thì phải tùy từng lĩnh vực, vị trí công tác khác nhau và trường hợp cụ thể, rồi so sánh với quy định của pháp luật để xác định chủ thể có thẩm quyền ra sao…, từ đó xác định chủ thể có hành vi vượt quá thẩm quyền theo luật định.

Dấu hiệu pháp lý của Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản

1. Khách thể của tội phạm: Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản trực tiếp xâm hại sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và xâm hại đến quan hệ sở hữu (sở hữu của cá nhân).

2. Mặt khách quan của tội phạm: Mặt khách quan của tội phạm có các dấu hiệu đặc trưng sau:

– Hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm gồm hai loại hành vi: Hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn và hành vi chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn biểu hiện thông qua việc người phạm tội đã thực hiện những hành động vượt quá quyền hạn của mình hoặc không thực hiện đúng trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật hoặc thực hiện không đầy trách nhiệm để tạo điều kiện thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Sự lạm dụng chức vụ, quyền hạn được xem là phương thức thực hiện tội phạm này và phải xảy ra trước hành vi chiếm đoạt. Để xác định được có sự lạm dụng chức vụ, quyền hạn thì phải tùy từng lĩnh vực, vị trí công tác khác nhau và trường hợp cụ thể…, qua đó đối chiếu với quy định của pháp luật để xác định chủ thể có thẩm quyền ra sao, từ đó xác định chủ thể có hành vi vượt quá giới hạn thẩm quyền theo luật định.

Hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn là tiền đề để chủ thể thực hành vi chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng chiếm đoạt tài sản rất đa dạng, có thể là thủ đoạn uy hiếp về tinh thần người quản lý tài sản, có thể là thủ đoạn gian dối hoặc lợi dụng sự tin tưởng để chiếm đoạt. Các thủ đoạn trên sở dĩ tạo ra được điều kiện thuận lợi cho việc chiếm đoạt tài sản là nhờ người phạm tội có chức vụ, quyền hạn, nếu chủ thể không có điều kiện tiền đề này, thì rất khó thực hiện hành vi thứ hai trên thực tế.

Khoản 1 Điều 355 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định như sau: “Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:

(a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; (b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chưong này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.

– Hậu quả thiệt hại về tài sản từ 2.000.000 đồng trở lên. Đối với thiệt hại về tài sản dưới 2.000.000 đồng thì chủ thể phải thuộc một trong các trường hợp: Đã bị xử lý kỹ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chưong này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Đây là tội phạm có cấu thành vật chất, hành vi gây ra hậu quả trên thực tế thì tội phạm mới hoàn thành, nếu vì nguyên nhân khách quan mà người phạm tội không chiếm đoạt được tài sản của người khác thì hành vi thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

Chủ thể của tội phạm: Đối với tội phạm quy định tại Điều 355 trên thì chủ thể phải thỏa mãn dấu hiệu của chủ thể đặc biệt, tức là ngoài việc đủ tuổi và có năng lực trách nhiệm hình sự, phải là người có chức vụ, quyền hạn thì chủ thể mới có điều lạm dụng để tạo điều kiện cho việc chiếm đoạt tài sản của người khác.

Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp, có mục đích chiếm đoạt. Nếu chủ thể có hành vi lợi chức vụ, quyền hạn không có mục đích chiếm đoạt thì hành vi sẽ phạm vào tội phạm khác như tội phạm quy định tại Điều 356 hoặc Điều 357 BLHS.

Phân biệt lạm dụng chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn

Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP giải thích tình tiết 'lạm dụng chức vụ, quyền hạn' và 'lợi dụng chức vụ, quyền hạn' là dấu hiệu định tội tội phạm tham nhũng như sau:

“Lạm dụng chức vụ, quyền hạn” quy định tại khoản 1 Điều 355 của Bộ luật Hình sự là sử dụng vượt quá quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ được giao hoặc tuy không được giao, không được phân công nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực đó nhưng vẫn thực hiện.

“Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” quy định tại khoản 1 Điều 356 của Bộ luật Hình sự là dựa vào chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái, không làm hoặc làm không đúng quy định của pháp luật.

Về dấu hiệu pháp lý và hình phạt Tội Nhận hối lộ

1. Khách thể của tội phạm hối lộ: Khách thể của loại tội phạm này là hoạt động đúng đắn, bình thường, tính chuẩn mực trong công tác của cơ quan, tổ chức do nhà nước quy định. Đối tượng của tội nhận hối lộ phải là tiền của, tài sản hoặc những giấy tờ có giá trị tài sản. Trường hợp người có chức vụ không nhận tiền của, tài sản mà nhận tình cảm của người khác giới thì không coi là nhận hối lộ.

2. Mặt khách quan của tội phạm: Thể hiện ở hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận tiền của hoặc lợi ích vật chất khác dưới vất kỳ hình thức nào để làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu hoặc vì lợi ích của người đưa hối lộ. Hành vi nhận hối lộ được thực hiện trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác nhau (trường hợp sẽ nhận là trường hợp người có chức vụ chưa nhận tiền của hối lộ nhưng có căn cứ cho rằng đã có sự thỏa thuận về việc nhận hối lộ sau khi thực hiện xong một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ).

Trường hợp, người có chức vụ nhận quà biếu sau khi đã làm đúng chức trách của mình không được coi là nhận hối lộ bởi giữa người có chức vụ và người đưa quà biếu không có bất kỳ thỏa thuận nào về việc tặng quà biếu, người nhận quà biếu thực hiện công việc của mình đúng chức năng, quyền hạn, vô tư thì quà biếu được như sự biết ơn, có trước có sau, là tấm lòng, đạo đức của người Việt nam.

3. Mặt chủ quan của tội nhận hối lộ: Mặt chủ quan của tội phạm được thể hiện do hình thức lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội thấy trước họ là người có chức vụ, việc nhận tiền của là do lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhận tiền của hối lộ là trái pháp luật, trái với quy định của cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, người phạm tội đã mong muốn nhận được tiền của hối lộ.

4. Chủ thể của tội nhận hối lộ: Chủ thể của loại tội phạm này là người từ đủ 16 tuổi, có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định đồng thời phải là người có chức vụ, quyền hạn. Chức vụ, quyền hạn ấy liên quan trực tiếp đến việc giải quyết công việc của người đưa hối lộ. Trường hợp người có chức vụ nhưng chức vụ, quyền hạn của họ không liên quan đến việc giải quyết công việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì không coi là tội nhận hối lộ mà phạm vào tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Tội nhận hối lộ được qui định tại Điều 354 BLHS năm 2015. Tội có cấu thành do lỗi của người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Tùy mức độ vi phạm, sẽ bị xử phạt từ từ 2 đến 7 năm hoặc đến 15 năm; Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; hoặc gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên….

Phúc Anh

Bạn đang đọc bài viết "So sánh dấu hiệu pháp lý và hình phạt một số tội danh thuộc nhóm tội tham nhũng ?" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin