Tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện nhiều nội dung quan trọng trong Dự thảo Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

16/01/2024 07:30

(Pháp lý) - Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 15.1, Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng, khó, phức tạp, có tác động sâu rộng đến đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, người dân, doanh nghiệp .

1-1705382219.jpg

Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội khóa XV

18 nhóm nội dung của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 gồm 16 chương, 260 điều, bỏ 05 điều, sửa đổi, bổ sung tại 250 điều (cả về nội dung và kỹ thuật) so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, trên cơ sở nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng ý kiến ĐBQH và các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất các phương án chính sách về các nội dung đã báo cáo, đồng thời xin ý kiến tập trung thảo luận của Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 về 18 nhóm nội dung. Cụ thể, các nội dung xin ý kiến gồm: 

(1) Về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

 (2) Về không mở rộng phạm vi nhận chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (Điều 28);

(3) Về trường hợp tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản;

(4) Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm đối với tài sản gắn liền với đất (Điều 34);

(5) Về điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa (khoản 7 Điều 45);

(6) Về nguyên tắc lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các cấp (khoản 9 Điều 60);

(7) Về chỉ tiêu sử dụng đất được xác định trong nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện (Điều 65 và Điều 66);

(8) Về tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh, chỉ tiêu sử dụng đất cấp huyện (Điều 76);

(9) Về thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ (khoản 27 Điều 79);

(10) Về phát triển, khai thác và quản lý quỹ đất (Chương VIII); 

(11) Về mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội không sử dụng vốn ngân sách nhà nước;

(12) Về các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất;

(13) Về cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền (Khoản 3 Điều 138);

(14) Về tiền thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm (khoản 3 Điều 153);

(15) Về nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp (Điều 158);

(16) Về hoạt động lấn biển (Điều 190);

(17) Về đối tượng được sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế (khoản 1 Điều 201); quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp quân đội, công an khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế (điểm h khoản 3 Điều 201);

(18) Về không sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công.

2-1705382231.jpg

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Phương pháp định giá đất và vấn đề thu hồi đất… dành được sự quan tâm đặc biệt của nhiều ĐBQH

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến về các vấn đề trọng tâm của dự án luật như: Phương pháp định giá đất; bảng giá đất; các quy đnh về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia và công cộng; các quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư; thuê đất, thu hồi đất, đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất;…

Nhiều Đại biểu tiếp tục quan tâm góp ý phương pháp định giá đất. Một số đại biểu cho rằng kết quả định giá đất khi áp dụng phương pháp thặng dư được thực hiện trên các cơ sở giả định, ước tính. Trong khi đó, việc tính toán các yếu tố giả định trên rất phức tạp, kết quả định giá không chắc chắn, thiếu chính xác, có sai số lớn.… Do đó đại biểu đề nghị không quy định phương pháp thặng dư trong định giá đất.

Về việc ban hành bảng giá đất, có ý kiến đại biểu cho rằng, không thể xây dựng bảng giá đất một lần/năm mà nên áp dụng cho 5 năm/lần. Bởi, nếu một năm làm bảng giá đất một lần, phải có một tổ chuyên nghiên cứu thị trường để xây dựng bảng giá đất. Trong khi đó, việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật mất rất nhiều thời gian…

Đáng chú ý, nội dung tại điều 79 của dự thảo luật về việc "Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia và công cộng" nhận được sự quan tâm và tham gia ý kiến của nhiều đại biểu.

Các đại biểu cho rằng, tại khoản 27, Điều 79 quy định “dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng”. Tuy nhiên, nếu quy định như vậy, rất nhiều dự án xây dựng khu đô thị không thỏa mãn tiêu chí của khoản 27 Điều 79 thì cũng không được đấu thầu. Hay dự án sử dụng đất không phải đất ở thì không được phép thỏa thuận và cũng không được đấu thầu. Vậy những dự án này sẽ thực hiện theo phương thức nào? Do đó, các đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 27, Điều 79 để không vướng mắc khi luật ban hành.

3-1705382231.jpg

Đại biểu Hoàng Văn Cường- Đoàn ĐQBH thành phố Hà Nội phát biểu

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng quan tâm góp ý những quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Đồng thời đề nghị cần bổ sung quy định về xử lý trường hợp nếu quá 36 tháng kể từ ngày ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu thầu, UBND cấp có thẩm quyền chưa thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư để giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư trúng đấu thầu…

Tại phiên thảo luận, các đại biểu còn tập trung thảo luận nhiều chính sách quan trng khác như:  Vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong quản lý và sử dụng đất đai; Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất;  Điều kiện bán tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hằng năm; Lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;  Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất; Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; Chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; Quy định chuyển tiếp; Hiệu lực thi hành…

Nhiều ý kiến ĐBQH hiến kế các giải pháp ngăn ngừa sở hữu chéo, thao túng, chi phối hoạt động ngân hàng

Tại phiên thảo luận các đại biểu đã tập trung góp ý vào một số nội dung mới hoặc còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trong đó, các quy định nhằm ngăn ngừa sở hữu chéo, thao túng, chi phối hoạt động của ngân hàng là những nội dung quan trọng được nhiều ĐBQH quan tâm thảo luận

4-1705382231.jpg

Đại biểu Võ Mạnh Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Cụ thể, quy định về hạn chế thành viên của Hội đồng quản trị tại điểm b khoản 2 Điều 43 của dự thảo Luật, một số đại biểu đề nghị cần cân nhắc thận trọng hơn quy định này vì có thể sẽ gây nhiều vướng mắc trên thực tế. Đại biểu cho rằng, việc hạn chế điều kiện thành viên Hội đồng quản trị như dự thảo Luật có thể dẫn đến việc khó tìm được người đủ năng lực, kinh nghiệm, kiến thức để tham gia Hội đồng quản trị.

Theo đại biểu Võ Mạnh Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng mấu chốt vấn đề là cần kiểm soát các giao dịch, nhất là giao dịch cho vay của tổ chức tín dụng với doanh nghiệp khác mà thành viên Hội đồng quản trị kiêm nhiệm quản lý, điều hành. Do đó, biện pháp phù hợp hơn là quy định chặt chẽ về điều kiện và thủ tục cấp tín dụng đối với doanh nghiệp mà thành viên Hội đồng quản trị có lợi ích liên quan.

Về giới hạn tỷ lệ sở hữu quy định tại Điều 63 của dự thảo Luật, có ý kiến đại biểu cho rằng, mục tiêu tăng tính an toàn cho hệ thống ngân hàng là cần thiết, song biện pháp tiếp tục giảm tỷ lệ sở hữu tối đa chưa phải là giải pháp phù hợp vào thời điểm này. Đại biểu đề nghị nên giữ tỷ lệ sở hữu như quy định hiện hành. Đồng thời, Luật cần quy định chặt chẽ hơn về điều kiện và thủ tục cấp tín dụng cho ngân hàng liên quan tới cổ đông sở hữu cổ phần, không áp dụng hồi tố trong các trường hợp đã sở hữu trước ngày Luật này có hiệu lực.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội góp ý các qui định liên quan đến xử lý sở hữu chéo, ngăn chặn thao túng và chi phối của các tổ chức tín dụng. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định, đây là vấn đề rất quan trọng, cần phải tiến hành các biện pháp đảm bảo thống nhất xuyên suốt và tiến hành đồng bộ. Ví dụ như quy định về mở rộng đối tượng người có liên quan có xử lý được hết tình trạng sở hữu chéo, chi phối hay là thao túng tổ chức tín dụng hay không? Ông Thanh cũng dẫn trường hợp của ngân hàng SCB, dù bây giờ sở hữu của cá nhân chỉ 5%, "nhưng người ta lại nhờ người này, người ta mượn danh người kia đứng tên". Do đó, việc chỉ quy định trong luật không đủ mà phải trong cả công tác tổ chức triển khai thực hiện, giám sát như đại biểu đề xuất. Hiện nay đã có các đề án về công nghệ thông tin để có thể kiểm tra, giám sát các hoạt động này.

Đối với quy định về người liên quan, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh, cần mở rộng các đối tượng người có liên quan đến cả ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cô, dì, chú, bác, đến cả các cháu, tức là 5 thế hệ. Đây là một biện pháp cần thiết để có thể kiểm soát được tình trạng sở hữu chéo. Cạnh đó, dự thảo luật cũng đã tiếp thu ý kiến, đã giảm tỷ lệ sở hữu của các cổ đông là tổ chức, cổ đông và người có liên quan. Đối với cổ đông là tổ chức thì quy định hiện hành là 15%, dự thảo luật quy định giảm xuống 10%. Cổ đông, tổ chức và người có liên quan ở mức 20%, cũng quy định giảm xuống 15%...

5-1705382231.jpg

Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng

Liên quan đến biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng được can thiệp sớm, đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn Hải Phòng) cho biết, về can thiệp sớm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, dự thảo luật trình tại Kỳ họp này có bổ sung thêm quy định Ngân hàng Nhà nước phải có văn bản quyết định chấm dứt can thiệp sớm. Quy định này đã làm thay đổi bản chất của can thiệp sớm.

Theo ông Tân, thay đổi này đã chuyển can thiệp sớm từ cơ chế can thiệp từ sớm, từ xa của cơ quan quản lý sang trạng thái xử lý cụ thể. Với cơ chế can thiệp từ sớm, khi phát hiện tổ chức tín dụng thuộc trường hợp can thiệp sớm, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi tổ chức tín dụng thực hiện các yêu cầu, hạn chế để khắc phục các vấn đề trong hoạt động, để tổ chức tín dụng đó quay trở lại hoạt động bình thường.

Ngoài ra một số đại biểu còn bày tỏ băn khoăn về việc dự thảo lần này bỏ quy định về thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm trong xử lý nợ xấu (Điều 188 của dự thảo luật tại kỳ họp thứ 6). Bởi, trên thực tế việc thu giữ tài sản và bàn giao tài sản cho bên mua sau khi bán thành công gặp rất nhiều khó khăn, kéo dài nhiều năm và có nhiều trường hợp không thực hiện được do bên bảo đảm, bên giữ tài sản không hợp tác, có hành vi chống đối và làm đơn, thư khiếu kiện, cơ quan có thẩm quyền căn cứ quy định tại Khoản 11 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường từ chối thực hiện hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản. Đồng thời các tổ chức tín dụng rất khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ tài sản sau khi thu giữ. Để đảm bảo quyền lợi của các bên có liên quan cũng như việc thượng tôn pháp luật, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu lại cho phù hợp.

Về vấn đề này, đại biểu Phạm Đức Ấn - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho rằng, việc duy trì cơ chế chính sách theo Nghị quyết 42 và tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu là cần thiết; bởi vì thu hồi này không phải tạo ra đặc quyền đặc lợi cho gì cho tổ chức tín dụng mà việc thu giữ theo Nghị quyết để đảm bảo là quyền lợi chung mang tính xã hội nhiều hơn.

Tại phiên thảo luận, các ĐBQH cũng đã cho ý kiến và đưa ra đề xuất kiến nghị về quy định nhiều vấn đề quan trọng khác như quy định ngân hàng thương mại làm đại lý bảo hiểm nhân thọ; quy định về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; bảo vệ dữ liệu cá nhân;...

Xuân Trường (tổng hợp)
Bạn đang đọc bài viết "Tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện nhiều nội dung quan trọng trong Dự thảo Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin