Đã và đang diễn ra tình trạng cán bộ tiếp dân ở T.Ư bị đánh, bị hành hung, bị chửi mắng, lăng mạ bởi chính những người khiếu nại, tố cáo. Tình trạng này phản ảnh một thực tế là một bộ phận người dân đã quá bức xúc và cái cung cách tiếp dân có điều gì đó chưa ổn.
Phải thành lập các văn phòng tiếp dân T.Ư là do hệ quả việc giải quyết tố cáo, khiếu nại ở các địa phương làm không tốt, không hết trách nhiệm, không giải quyết triệt để dẫn tới người dân không còn cách nào khác là kéo lên T.Ư kêu oan. Rõ ràng, đây là hiện tượng “mũi dại, lái chịu đòn”.
Những tố cáo, khiếu nại của dân đến T.Ư đều tập trung trong các lĩnh vực quản lý đất đai, khai thác khoáng sản, tài nguyên, môi trường,... là những việc động đến quyền lợi thiết thân, sự mưu sinh của gia đình họ, tương lai của con cháu họ.
Khi họ đã buộc phải rời nhà, ăn vạ, nằm vật để tiếng kêu của họ vọng tới T.Ư, có nghĩa là họ đã ở bước đường cùng, dễ hiểu là họ trong tâm trạng phẫn uất như thế nào và rất dễ trút giận lên người đang tiếp họ, họ còn bị chi phối bởi một tâm lý là cho rằng cùng cán bộ với nhau cả nên bao che, bảo vệ cho nhau, không thiện chí trong việc giải quyết đơn thư của họ.
Cách giải quyết đơn thư khiếu nại hiện vẫn còn tình trạng chuyển đơn lòng vòng. Chính quyền địa phương thường lách luật bằng cách không ra quyết định mà chỉ thông báo để tránh người dân khởi kiện ra tòa.
Thậm chí dùng những cách không “quang minh, chính đại” như hứa hẹn, “câu giờ” đợi hết thời hiệu để không thụ lý nữa. Có địa phương áp dụng giải quyết sai luật, dẫn chiếu văn bản pháp luật hết hiệu lực hoặc tệ hại hơn, làm ngơ, ỉm đi trước khiếu nại, tố cáo của nhân dân tại địa phương mình quản lý. Vì thế, những trường hợp bị như thế này đều kéo về T.Ư.
Mặc dù có quy định phải tiếp dân hàng tháng của những người đứng đầu chính quyền địa phương, bộ, ngành nhưng thực tế, ít ai thực hiện điều này một cách nghiêm túc, cũng là tác nhân đẩy những người khiếu nại lên T.Ư.
Không thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân song những vị lãnh đạo này không hề hấn gì, dù chỉ là nhắc nhở, phê bình khi bị phát hiện.
Bên cạnh những giải pháp tức thì như tăng cường an ninh cho các trụ sở tiếp công dân, lựa chọn cán bộ có kiến thức, có tâm thì cần có hình thức giải quyết kịp thời, nghĩa là các cơ quan tiếp công dân phải được trao quyền lực giải quyết, ý kiến hoặc quyết định thì bên dưới phải tuân thủ, nếu không phải chịu một chế tài nào đó.
Đồng thời, có quyền chấm dứt một hành vi khiếu nại nếu xét thấy không đúng. Như vậy, hiệu quả của việc tiếp dân ở T.Ư mới phát huy tác dụng trong cuộc sống!
Theo Phapluatplus