Việc Bộ Tài chính đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là chưa thuyết phục.
Việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng từ mức 3.000 lên 8.000 đồng/lít đã gây ra nhiều thắc mắc. Nguồn thu từ sắc thuế này đã được sử dụng ra sao? Mục đích tăng thuế là để BVMT hay chỉ để tăng thu ngân sách?
Thiếu thuyết phục
Phân tích số liệu do Bộ Tài chính vừa công bố cho thấy việc bộ này đề nghị tăng thuế để BVMT là chưa thuyết phục. Bởi số thuế thu được chi cho mục đích BVMT chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ.
Ví dụ năm 2016, tổng thu thuế BVMT lên đến 42.393 tỉ đồng trong khi mới chỉ chi cho mục đích này 12.290 tỉ đồng (gần 29% tổng thu).
Nhiều chuyên gia nhận xét chi cho mục đích BVMT như trên là ít bởi đáng lẽ tất cả phần thu thuế trên phải được dùng cho việc BVMT. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đặt vấn đề: “Số thuế này đang dư, vậy tại sao lại đề nghị tăng tiếp? Đó là điều cần phải suy nghĩ”.
Nhiều ý kiến khác cũng đặt vấn đề: Thực chất đề xuất tăng thuế xăng lên gấp 2-3 lần so với hiện nay để làm gì? Đại diện Bộ Tài chính khẳng định thuế BVMT nhằm góp phần hạn chế việc sử dụng sản phẩm, hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường... Tuy nhiên, bộ này cũng thừa nhận thuế BVMT góp phần ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước.
“Trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, nhiều giải pháp đã được thực hiện nhằm tăng cường huy động cho ngân sách, trong đó có thuế BVMT” - Bộ Tài chính cho biết.
Bình luận về điều này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung nói nếu khoản thuế này được đưa vào một quỹ, có thể là quỹ BVMT thì sẽ thuyết phục hơn.
“Như vậy sẽ làm cho người dân không có cảm giác rằng việc thu thuế BVMT là do áp lực ngân sách, thiếu hụt ngân sách. Còn nếu đưa khoản thuế này vào ngân sách chung thì không hợp lý” - TS Cung nhận xét.
Chưa thấy hiệu quả
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói việc đề xuất tăng thuế BVMT lẽ ra phải được đánh giá tác động đầy đủ và có căn cứ. Tuy nhiên, ông vẫn chưa thấy có cơ sở nào thuyết phục, nhất là những tác động đối với sức khỏe của doanh nghiệp và nền kinh tế.
“Hơn nữa, độ minh bạch trong việc sử dụng khoản thuế này chưa cao. Đó cũng là lý do khiến các cơ quan liên quan cần phải cân nhắc phương án tăng loại thuế này” - ông Phong bày tỏ quan điểm.
Đồng tình, luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), nhận định việc sử dụng nguồn thuế BVMT ngoài việc chưa minh bạch thì còn chưa thấy hiệu quả do thuế này mang lại. “Những vấn đề môi trường, đặc biệt là môi trường đô thị, vẫn chưa được giải quyết. Bởi vậy, việc đề xuất tăng thêm thuế xem ra không phù hợp” - ông Đức nói.
Ông Đức cũng cho rằng nếu đường phố sạch đẹp, nếu người dân được sống trong một môi trường trong lành như Singapore thì việc tăng thuế BVMT sẽ thuyết phục hơn. Bởi họ hiểu những khoản thuế thu được từ người dân thực sự sẽ quay trở lại phục vụ lợi ích của người dân. Từ đó mới tạo được sự đồng thuận trong xã hội.
TS Lê Đăng Doanh nêu quan điểm không đồng tình với đề xuất tăng thuế BVMT xăng, dầu. Ông đề xuất Quốc hội nên cân nhắc không chấp thuận đề xuất của Bộ Tài chính. “Mức tăng gấp 2-3 lần so với mức hiện tại là quá nặng nề với người dân, doanh nghiệp. Vì giá xăng dầu tăng cao sẽ ảnh hưởng đến lạm phát, tăng chi phí vận tải, giá thành hàng hóa, dịch vụ, giảm năng lực cạnh tranh” - ông Doanh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội, cho biết về nguyên tắc, các mức thuế và phí được quy định trong các luật phải được Quốc hội xem xét, phê chuẩn. Mức thuế BVMT mà Bộ Tài chính đề xuất đang ở mức dự thảo và còn “nằm” bên Chính phủ. Khi nào Chính phủ trình ra Quốc hội dự thảo luật này, lúc đó ủy ban mới thẩm tra và cho ý kiến. Ủy ban sẽ cân nhắc thận trọng vì xăng, dầu là đầu vào của hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất và đời sống của người dân.
“Tôi không đồng tình”
Bạn đọc Võ Tá Luân nhận xét: Tăng mạnh thuế BVMT chẳng khác nào tận thu, không nuôi dưỡng để có nguồn thu bền vững. Bao năm qua mỗi lít xăng người dân phải đóng 3.000 đồng thuế BVMT nhưng có sử dụng cho làm sạch môi trường chưa? Hay nó được sử dụng cho việc khác nhưng vẫn mang tiếng thu để làm sạch môi trường? Như vậy chẳng khác nào lấy tiền của dân nhưng lại không sử dụng đúng mục đích là BVMT.
"Do đó, tôi không đồng tình với việc tăng thuế BVMT thêm nữa. Hãy sử dụng thuế môi trường đã thu cho hiệu quả và đúng mục đích trước khi muốn tăng thêm"- bạn đọc Luân nói.
Phải làm rõ có hay không vay mượn danh nghĩa
Hiện nay mỗi lít xăng khách hàng phải bỏ ra hơn 8.000 đồng thuế, phí, trong đó riêng thuế BVMT là 3.000 đồng. Nếu mức thuế này tăng lên 8.000 đồng sẽ đẩy giá xăng lên rất cao. Điều này vừa gây áp lực lên túi tiền người dân vừa tạo ra tình trạng buôn lậu xăng dầu.
Hơn nữa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng yêu cầu công khai, minh bạch tiền thuế của dân. Do đó, Bộ Tài chính cần làm rõ tiền thuế BVMT được sử dụng ra sao, hiệu quả thế nào? Có tình trạng sử dụng thuế BVMT sai mục đích hay mượn danh nghĩa thuế BVMT để bù đắp bội chi ngân sách vì các khoản chi hội họp, tiếp khách... hay không?
TS LÊ ĐĂNG DOANH
___________________________
Bộ Tài chính cho biết Luật Thuế BVMT quy định chi ngân sách nhà nước cho BVMT là chi cho mục đích đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng BVMT công cộng, chi thường xuyên cho sự nghiệp môi trường. Ví dụ, chi cho hoạt động điều tra, thống kê chất thải, đánh giá tình hình ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường; hỗ trợ hoạt động tái chế, xử lý, chôn lấp chất thải, hỗ trợ xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Theo PLo