Thương hiệu Auchan và đằng sau vụ kiện trăm tỉ

12/09/2020 09:12

Trong các ngày 21/8, 27/8 và 4/9, TAND Q.10, TP.HCM đã mở phiên tòa sơ thẩm vụ tranh chấp hợp đồng thuê mặt bằng (HĐT) giữa Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tổng hợp An Lạc (An Lạc) và Công ty TNHH MTV Marone - một công ty TNHH có vốn đầu tư nước ngoài (Marone). Phiên tòa thu hút sự quan tâm của dư luận vì số tiền đòi bồi thường quá lớn.

Yêu cầu đền bù thiệt hại lên tới 119 tỉ đồng

Theo đó, An Lạc khởi kiện với mức yêu cầu đền bù thiệt hại lên tới 119 tỉ đồng, sau đó rút xuống còn 110,5 tỉ đồng theo Đơn sửa đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện ngày 27/7/2020. Với con số yêu cầu bồi thường thiệt hại “khủng” này, vụ kiện đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ của dư luận cũng như của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

An Lạc và Marone đã ký kết một HĐT với thời hạn 20 năm để Marone kinh doanh siêu thị và cho thuê lại một phần mặt bằng. Ngay sau khi HĐT được ký, Marone đã thanh toán 5 năm tiền thuê và 1 năm tiền đặt cọc cho An Lạc. Tuy nhiên, do việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, Marone đã nhiều lần chia sẻ với An Lạc và tìm kiếm một thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước hạn hoặc chuyển nhượng cho một đơn vị thứ 3 khi mới sử dụng mặt bằng được hơn 2 năm.

Từ chối cả 2 phương án trên cũng như không chấp nhận tiến hành bất cứ một cuộc gặp hòa giải nào dù Marone nhiều lần đề nghị, An Lạc đâm đơn khởi kiện và cáo buộc Marone về hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng gây thiệt hại lớn cho An Lạc. Theo Đơn khởi kiện bổ sung mới đây, An Lạc yêu cầu Marone: Bồi thường số tiền 110,5 tỉ đồng (tương ứng 15 năm tiền thuê còn lại) và bàn giao, hoàn trả toàn bộ mặt bằng thuê cho An Lạc kinh doanh, sử dụng.

Bên cạnh đó, dựa vào các đơn yêu cầu của An Lạc, TAND Quận 10 đã đưa ra Quyết định phong tỏa số tiền hơn 12 tỉ đồng trong tài khoản ngân hàng của Marone mở tại Ngân hàng BNP PARIBAS Chi nhánh TP.HCM. Việc phong toả này diễn ra trong bối cảnh Marone đang gặp nhiều khó khăn và rất cần nguồn tài chính để chi trả cho người lao động.

Vấn đề lớn nhất đặt ra trong vụ kiện này chính là mức thiệt hại mà An Lạc phải gánh chịu. An Lạc cho rằng Marone đơn phương chấm dứt hợp đồng, yêu cầu bồi thường thiệt hại về tiền thuê đất trong HĐT. Khi nhìn lại tiến trình trao đổi của hai bên trước khi diễn ra phiên tòa, thì Marone chưa từng có thông báo chấm dứt hợp đồng và luôn khẳng định HĐT vẫn còn hiệu lực. Trước tòa, An Lạc cũng không đưa ra cơ sở pháp lý chứng minh Marone đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Kinh doanh bị ngưng trệ

Theo quy định của pháp luật, thiệt hại phải là giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra. Tuy nhiên, An Lạc đã nhận từ Marone khoản tiền thuê mặt bằng trong vòng 5 năm và cả 1 năm tiền đặt cọc. Vậy, thiệt hại thực tế và trực tiếp An Lạc phải gánh chịu thực sự là bao nhiêu là vấn đề cần chứng minh và HĐXX chắc chắn sẽ đánh giá rất khách quan.

Bồi thường thiệt hại hay bài toán kinh tế?

Số tiền Marone đã thanh toán cho An Lạc là 37 tỉ đồng (bao gồm tiền thuê và 1 năm tiền đặt cọc). Nếu cộng thêm 110,5 tỉ đồng mà An Lạc yêu cầu Marone bồi thường thì số tiền lên đến 147 tỉ đồng, chưa kể các khoản lợi mà An Lạc sẽ thu được khi lấy lại mặt bằng để khai thác trước thời hạn 2037.

Tại phiên tòa, bị đơn cho rằng, theo hợp đồng mua bán có trong hồ sơ, An Lạc đã nhận chuyển nhượng Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất tại mặt bằng này chỉ với giá là 47 tỉ đồng từ Công ty cổ phần sản xuất thương mại may Sài Gòn (GAMEX). Chưa kể tới việc mặt bằng trước khi cho thuê chỉ là nhà kho (theo hồ sơ cung cấp tại tòa) nhưng khi cho thuê, Marone đã đầu tư toàn bộ kinh phí cải tạo, sửa chữa, lắp đặt để có được hiện trạng ngày hôm nay.

Bên cạnh đó, kinh doanh quá khó khăn khiến Marone buộc phải đóng cửa chuỗi siêu thị mang thương hiệu Auchan. Đại diện của bị đơn chia sẻ rằng Marone, cùng với mong muốn duy trì hoạt động kinh doanh siêu thị tại các mặt bằng thuê, cung cấp tiện ích cho cư dân xung quanh, đảm bảo quyền và lợi ích cho các chủ đầu tư mặt bằng như đúng trong các hợp đồng đã ký và đặc biệt là cố gắng duy trì được công việc cho lực lượng lao động trực tiếp làm việc tại các siêu thị này, đã thương thảo thành công với chủ đầu tư 18 mặt bằng, chuyển nhượng êm thấm cho bên thứ ba, là Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. HCM, còn được biết qua chuỗi siêu thị mang thương hiệu Coop Mart.

Trái với sự hỗ trợ, hợp tác của chủ đầu tư 18 mặt bằng đã chuyển nhượng thành công đó, An Lạc kiên quyết không chấp nhận, dù toàn bộ quyền và lợi ích tại HĐT được chuyển nhượng không chút ảnh hưởng nào. Lý do liên tục được An Lạc đưa ra là mong muốn được hợp tác với thương hiệu Auchan, tập đoàn bán lẻ thứ 3 trên thế giới, nên nếu bên nhận chuyển nhượng không phải một công ty liên kết hay chịu sự kiểm soát nào của Marone thì sẽ không chấp nhận.

Lý do nào để An Lạc nhất nhất yêu cầu phải là thương hiệu Auchan kinh doanh trên mặt bằng thì mới chấp nhận dù HĐT không hề quy định?

Bị đơn cho rằng: Hợp đồng thuê mặt bằng còn chưa chấm dứt, Marone cũng đã thanh toán tiền thuê 5 năm cộng thêm một năm tiền cọc, An Lạc lại nhất quyết từ chối việc chuyển nhượng hợp đồng thuê cho một bên thứ ba đối với khoảng thời gian còn lại. Vậy mục đích kinh tế ở đây được VKS đề cập trong phiên tòa còn bao gồm những khoản lợi nhuận nào khác ngoài tiền thuê mà An Lạc có thể thu về từ mặt bằng này?

Hội đồng xét xử đang nghị án, dự kiến sẽ tuyên án vào ngày 11/9.

Theo tapchitoaan.vn

Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/xet-xu-xet-xu/thuong-hieu-auchan-va-dang-sau-vu-kien-tram-ti

Bạn đang đọc bài viết "Thương hiệu Auchan và đằng sau vụ kiện trăm tỉ" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin