Thuế GTGT sẽ giữ nguyên mức thuế phổ thông là 10%

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thuế GTGT sẽ giữ nguyên mức thuế phổ thông là 10%, không nâng lên 11 - 12% như dự thảo ban đầu.

Trong phiên thảo luận phiên thảo luận về kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày làm rõ thêm về các vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm. Trong đó Bộ trưởng đã nêu rõ về định hướng sửa đổi, bổ sung, xây dựng các sắc thuế như thuế GTGT, thuế bảo vệ môi trường, thuế tài sản.

 

 Thuế GTGT sẽ giữ nguyên mức thuế phổ thông là 10%, không nâng lên 11 - 12% như dự thảo ban đầu
Thuế GTGT sẽ giữ nguyên mức thuế phổ thông là 10%, không nâng lên 11 - 12% như dự thảo ban đầu)

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết tiếp thu các ý kiến đóng góp, thuế GTGT sẽ giữ nguyên mức thuế phổ thông là 10%, không nâng lên 11 - 12% như dự thảo ban đầu, đồng thời kết cấu lại các hàng hoá, dịch vụ chịu thuế ở mức 0%, 5%, đảm bảo công bằng và hạn chế các chính sách an sinh xã hội được lồng ghép trong chính sách thuế làm mất tính trung lập của thuế.

Về thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), sẽ nghiên cứu theo hướng mở rộng đối tượng, mở rộng cơ sở thu thuế, điều chỉnh mức thuế hợp lý, phù hợp với nhu cầu bảo vệ môi trường và định hướng tiêu dùng trong tình hình mới.

Bộ trưởng cho biết về thuế tài sản, phương án ban đầu đưa ra đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp và sẽ được tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh trong thời gian tới. Trong đó, định hướng nghiên cứu, xây dựng luật là tạo công bằng xã hội, trên cơ sở quản lý xã hội, định hướng thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch tài sản, đảm bảo công tác phòng chống tham nhũng và "mục tiêu tăng thu ngân sách là mục tiêu thứ yếu".

Theo người đứng đầu ngành tài chính, một trong những mục tiêu của ngành là cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, người nộp thuế thông qua công tác tuyên truyền pháp luật về thuế và các biện pháp cưỡng chế thuế, đẩy mạnh hoạt động của các trung gian tư vấn thuế.

Đồng thời, tăng cường hoạt động của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, kế toán, xác định đúng trọng tâm, đối tượng, địa bàn, lĩnh vực có rủi ro cao để tiến hành xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật.

Về thu ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Chúng ta thực hiện 2 năm 2016, 2017 đều vượt khá so với dự toán. Cụ thể, năm 2016 vượt 9,3%, năm 2017 vượt 6,3% so với dự toán. Tỷ trọng lưu động và ngân sách nhà nước bình quân là 25,2% GDP, trong đó từ thuế và phí là 21,3% GDP. Trong khi mục tiêu này đặt ra là huy động không thấp hơn 23,5%, trong đó từ thuế và phí khoảng 21%, góp phần đảm bảo các nhiệm vụ chi cho ngân sách. Cơ cấu thu, chuyển dịch tích cực.

Cùng với đó, tỷ trọng thu nội địa bình quân 2 năm đạt 80% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước, trong khi giai đoạn 2011-2015 là 68%. Tỷ trọng thu từ dầu thô giảm còn 3 đến 4% thu ngân sách. Thu ngân sách trung ương chiếm tỷ trọng 55% - 56%. Thu ngân sách địa phương chiếm khoảng 44% - 45% tổng thu ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, Chính sách thu tiếp tục được hoàn thiện theo hướng giảm nghĩa vụ nộp thuế, trong đó thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 23 xuống 20% năm 2016. Tính chung các khoản ưu đãi, thực chất doanh nghiệp chỉ phải nộp thuế thu nhập khoảng 15%. Đặc biệt, khối doanh nghiệp FDI được nhận nhiều ưu đãi nên chỉ nộp khoảng 10%.

Về chi ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay: Kết quả 2 năm 2016 và 2017 đã kiểm soát chặt chẽ hơn về chi và vay nợ trong phạm vi khả năng nguồn lực của nền kinh tế. Tập trung cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước, tỷ trọng chi đầu tư phát triển 2 năm 2016, 2017 bình quân đạt 27% tổng chi ngân sách nhà nước, cao hơn mục tiêu đề ra là 25%, 26%. Tỷ lệ chi thường xuyên 2 năm 2016, 2017 khoảng 62% đến 63% và riêng dự toán năm 2018 là 61,7%. Mục tiêu là giảm xuống dưới 64%, trong khi chúng ta vẫn thực hiện mục tiêu tăng lương cơ sở là 7%/ năm.

Theo Congly

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin