Thi hành án hình sự và sự can dự của luật sư

03/08/2016 03:29

(Pháp lý) - Thi hành án hình sự (THAHS) là giai đoạn cuối cùng trong tố tụng hình sự, một hoạt động mang tính quyền lực Nhà nước nhằm thực hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án trong thực tiễn. Mục đích của thi hành án không đạt được thì toàn bộ hoạt động của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử trước đó cũng trở nên vô nghĩa, trật tự kỷ cương xã hội bị vi phạm, quyền lực Nhà nước sẽ bị xem thường. Chính vì vậy, việc bảo đảm hiệu lực của các bản án, quyết định của Tòa án được thực thi là một yêu cầu khách quan trong hoạt động quản lý Nhà nước. Luật sư với vai trò, chức năng của mình trong hoạt động tố tụng hình sự cũng là một yếu tố quan trọng góp phần cho hoạt động THAHS diễn ra hiệu quả, công lý được thực thi nghiêm minh đúng pháp luật, bảo vệ quyền tự do, dân chủ của công dân, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

[caption id="attachment_145447" align="aligncenter" width="410"]Luật Thi hành án hình sự ra đời góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác thi hành án hình sự và đấu tranh phòng, chống tội phạm (ảnh: Cán bộ quản giáo dạy nghề cho phạm nhân chấp hành án hình sự) Luật Thi hành án hình sự ra đời góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác thi hành án hình sự và đấu tranh phòng, chống tội phạm (ảnh: Cán bộ quản giáo dạy nghề cho phạm nhân chấp hành án hình sự)[/caption]

Nhiệm vụ của THAHS là nhằm mục đích cảm hoá tư tưởng, giáo dục nhân cách, văn hóa, kỹ năng lao động của người chấp hành án từ đó giúp họ trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội, mặt khác góp phần răn đe, ngăn ngừa chung. Thi hành án hình sự có mối quan hệ hữu cơ với giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.

Hạn chế, nguyên nhân

Thi hành án hình sự trong những năm qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận với hàng vạn người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt, trở về với cuộc sống lương thiện. Thi hành án hình sự có những đóng góp quan trọng nhằm bảo đảm hiệu lực của các bản án, quyết định của Tòa án, góp phần giữ vững trật tự kỷ cương và ổn định an ninh chính trị - xã hội. Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực, hệ thống tổ chức và hoạt động thi hành án cũng bộc lộ những mặt hạn chế, vướng mắc sau: Số người tái phạm sau khi chấp hành án xong là tương đối cao, các số liệu thống kê được cho thấy một thực trạng đáng lo ngại ở nước ta là tỷ lệ tái phạm chiếm từ 25% đến 30%. Và còn một thực tế nữa là còn khoảng 8-12% số người chấp hành hình phạt xong đi đâu, làm gì, có tiếp tục phạm tội lại hay không, không ai quản lý và biết được (1); tính thiếu thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật hình sự khi mà Luật Thi hành án hình sự đã có hiệu lực thi hành được hơn 5 năm nhưng căn cứ hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù chưa rõ, thời điểm tính thời gian thử thách của án treo vẫn còn nhiều mâu thuẫn, đánh đồng tù chung thân với tù có thời hạn do cách tính thời hạn tù còn lại đối với tù chung thân sau khi phạm nhân đã được giảm xuống tù có thời hạn và giảm thời hạn lần đầu; những tiêu cực trong quá trình THAHS vẫn còn diễn ra, … Dù chức năng xã hội của luật sư được định rõ “ góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” (2). Nhưng thực tế những năm qua, đội ngũ luật sư Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình chủ yếu là tham gia tố tụng hình sự với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án hình sự hoặc với tư cách là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử mà chưa chú trọng đến vai trò của mình trong giai đoạn thi hành án hình sự. Hoạt động hành nghề của luật sư cũng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc ở giai đoạn cuối của tố tụng hình sự. Nên vai trò của luật sư còn mờ nhạt dù đây là giai đoạn quan trọng, quyết định sinh mệnh chính trị của người chấp hành án hình sự hoặc phạm nhân hình sự. Bởi vậy vẫn còn nhiều bất cập trong giai đoạn THAHS mà chưa được giải quyết triệt để do sự thiếu vắng luật sư, một hình thức bổ trợ hiệu quả việc giám sát hoạt động này.

Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập trên là do:

Nhiều nội dung của Luật Thi hành án hình sự chưa được tuyên truyền, giáo dục, phổ biến trong nhân dân nên ít người biết, hiểu ... người chấp hành án, phạm nhân hoặc thân nhân của họ có thể yêu cầu luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án ngay cả giai đoạn THAHS. Luật Thi hành án hình sự và văn bản hướng dẫn không có quy định nào về sự tham gia của luật sư vào quá trình thi hành án. Do đó, luật sư gặp nhiều khó khăn khi tham gia trong giai đoạn thi hành án hình sự.

Thi hành án hình sự là khâu cuối cùng của quy trình tố tụng hình sự nên rất dễ xảy ra sai sót do chủ quan cho rằng “đã vào tù đương nhiên là phạm tội” phải chấp nhận mọi sự rủi ro có thể xảy ra đối với phạm nhân hoặc cho rằng đã có án thì đương nhiên phải thi hành, không có “lối thoát” cho người chấp hành án hình sự. Một phần do sự hiện diện của luật sư những “người dấn thân vì công lý” kiên trì đấu tranh pháp lý đến cùng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người chấp hành án còn hạn chế.

[caption id="attachment_145448" align="aligncenter" width="410"]Luật sư tham gia bào chữa trong một phiên tòa hình sự Luật sư tham gia bào chữa trong một phiên tòa hình sự[/caption]

Trách nhiệm của Tòa án hình sự, cơ quan quản lý THAHS thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; cơ quan THAHS công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án cấp quân khu, cấp huyện, trại giam, ủy ban nhân dân cấp xã, phường trong THAHS chưa được đề cao bởi vậy vẫn còn những bản án để “người tình nghi phạm tội” bị tù oan hoặc án tù “tuyên không rõ, khó thi hành”. Việc giam giữ phạm nhân còn vi phạm các quy định của pháp luật hình sự, chưa bảo đảm các tiêu chí quốc tế về quyền con người của phạm nhân.

Việc giám sát THAHS của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trân Tổ quốc Việt Nam đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức trong THAHS chưa tích cực, thường xuyên và sâu sát nên vẫn còn nhiều sai phạm trong THAHS.

Vai trò của luật sư trong giai đoạn THAHS chưa được đề cao, ít có những người bào chữa, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự được bảo vệ triệt để đến cùng.

Giải pháp

Để vai trò luật sư được thể hiện rõ và có thể tham gia thường xuyên vào hoạt động THAHS thì cơ quan lập pháp, các nhà làm luật cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành có những quy định cụ thể về địa vị pháp lý của luật sư, quyền, nghĩa vụ và trình tự, thủ tục khi luật sư tham gia trong giai đoạn thi hành án hình sự. Đồng thời cũng cần hoàn thiện hơn về lĩnh vực pháp luật THAHS bảo đảm thống nhất, không chồng chéo, có tính dự liệu cao giữa Luật Thi hành án với các luật, văn bản hướng dẫn có liên quan, đặc biệt về quy trình, thủ tục thi hành án; căn cứ hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù; quy định về thời điểm tính thời gian thử thách của án treo; cách tính thời hạn tù còn lại đối với tù chung thân sau khi được giảm xuống tù có thời hạn để xét giảm thời hạn lần đầu.

Tăng cường mở các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật nói chung và lĩnh vực THAHS nói riêng đối với đội ngũ cán bộ, chiến sĩ cơ quan quản lý, cơ quan thi hành án, trại tạm giam, ủy ban nhân dân cấp xã và đơn vị quân đội có liên quan. Xác định rõ mọi hoạt động THAHS phải đạt được mục tiêu cao nhất là giáo dục, cải tạo người phạm tội; tạo điều kiện cho người chấp hành án sửa chữa lỗi lầm, tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, trở thành người có ích cho xã hội. Và luật sư, những chuyên gia pháp lý sẽ là lực lượng thỉnh giảng đắc lực cho các khóa học này bằng kiến thức pháp luật, tích lũy, kinh nghiệm thực tế khi hành nghề luật sư cũng như vai trò phản biện xã hội, góc nhìn từ người thứ ba sẽ có cái nhìn đa diện, tổng quát và chính xác nhất. Đồng thời cũng cần rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, văn hóa ứng xử trong thực hiện nhiệm vụ, tiếp xúc với người chấp hành án, phạm nhân và tử tù của các cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ quan, tổ chức thi hành án hình sự;

Bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh các hành vị bị nghiêm cấm trong Thi hành án hình sự. Tăng cường thực hiện phòng và chống việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, sách nhiễu trong THAHS hoặc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án hình sự.

Nâng cao trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý THAHS, cơ quan thi hành án hình sự, trại giam, ủy ban nhân dân cấp xã, phường trong thi hành án hình sự, đặc biệt chú trọng nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án trong thi hành án hình sự.

Đội ngũ luật sư cần tích cực, chủ động tiếp cận việc THAHS một cách kịp thời, đầy đủ và sâu sắc, quan tâm xem xét đến các quyết định thi hành án phạt tù, thủ tục hoãn, đình chỉ, miễn chấp hành án phạt tù, việc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Việc giam giữ phạm nhân (trong đó có phạm nhân nữ); chế độ học tập, học nghề, lao động, chăm sóc y tế của phạm nhân. Việc trả tự do cho phạm nhân, quy định đối với phạm nhân là người chưa thành niên. Luật sư cần tăng cường đóng góp ý kiến pháp lý thực tiễn có giá trị nhằm bổ sung, hoàn thiện pháp luật thi hành án hình sự.

Thi hành án treo, án phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ cần quan tâm đến thủ tục rút ngắn thời gian thử thách của người bị án treo; việc thi hành án phạt cảnh cáo, quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. Riêng việc thi hành án tử hình phải được xem xét kỹ lưỡng về việc thành lập Hội đồng thi hành án tử hình, việc hoãn thi hành án tử hình, hình thức và trình tự thi hành án tử hình.

Đẩy mạnh chức năng kiểm sát THAHS, giải quyết tố cáo trong THAHS và tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Lao động thương binh và xã hội, Bộ Giáo dục trong THAHS.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần làm tăng tính hiệu quả trong hoạt động thi hành án hình sự, vai trò của luật sư dần được khẳng định ở giai đoạn cuối của tố tụng hình sự, pháp luật về lĩnh vực Thi hành án hình sự ngày càng hoàn thiện, thống nhất và đồng bộ hơn. Qua đó góp phần thực hiện thành công chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, giữ vững kỷ cương, bảo đảm an ninh trật tự, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Ths. Lê Minh Đức

 

Bạn đang đọc bài viết "Thi hành án hình sự và sự can dự của luật sư" tại chuyên mục Bài nổi bật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin