Thầy Phạm Thạnh - nguyên Hiệu trưởng trường THPT Kim Sơn B (Kim Sơn, Ninh Bình) kể có lần xem báo thấy học trò của mình tiếp xúc gần gũi với đồng bào dân tộc trong Tây Nguyên, thầy đã nghĩ: “Anh ấy rồi sẽ là Đinh Bộ Lĩnh thứ 2 của Ninh Bình”.
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, mỗi khi nhắc về cậu học trò Trần Đại Quang, thầy Phạm Thạnh, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Kim Sơn B (Kim Sơn, Ninh Bình) luôn dành những lời khen và không giấu nỗi tự hào với người trò chăm chỉ, cần mẫn năm nào.
[caption id="attachment_137999" align="aligncenter" width="410"]
GS.TS Trần Đại Quang tặng hoa, quà cho thầy Phạm Thạnh nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11.2014 tại trường THPT Kim Sơn B (Kim Sơn, Ninh Bình).[/caption]
Dưới tiết trời mưa phùn se lạnh, chúng tôi có dịp về trường THPT Kim Sơn B (Kim Sơn, Ninh Bình). Gặp thấy ai cũng đều phấn khởi, háo hức khi hay tin người cựu học trò của trường – Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang được bầu làm Chủ tịch nước.
Thầy Vũ Xuân Sinh – Hiệu trưởng Trường THPT Kim Sơn B không giấu nổi tự hào lật mở điện thoại, cho chúng tôi xem lại từng bức ảnh cũ thày trò nhà trường chụp chung với người cựu học sinh của trường – ông Trần Đại Quang nhân chuyến về thăm trường cũ dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11.2014.
“Các thầy cô trong trường luôn lấy tấm gương của bác Quang để dạy dỗ, hướng các thế hệ học trò tiếp nối phải noi theo” – thầy Sinh chia sẻ.
[caption id="attachment_138000" align="aligncenter" width="410"]
GS.TS Trần Đại Quang (khi còn là Bộ trưởng Bộ Công An) tặng dàn máy tính hiện đại cho trường THPT Kim Sơn B (Kim Sơn, Ninh Bình) nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11.2014.[/caption]
Nhưng có lẽ vui mừng, xúc động hơn cả là thầy Phạm Thạnh (81 tuổi). Thầy Thạnh nguyên là Hiệu trưởng trường THPT Kim Sơn B – người thầy năm xưa đã từng dạy dỗ Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Hơn 80 tuổi, mái đầu đã bạc trắng, nặng tai nên mỗi khi nói chuyện với khách, thầy Thạnh luôn phải có vợ túc trực bên để “phiên dịch”. Nhưng có điều lạ là khi nói về người học trò cũ của mình, thầy Thạnh lại tỏ ra minh mẫn hết mực.
Vừa pha chè mời khách, thầy Thạnh cười bảo: “Chè này của anh Quang biếu thầy tết vừa rồi đấy, uống tốt cho sức khỏe lắm”.
Rồi thầy kể: “Lúc đầu, trò Quang học ở trường Giáp bắc Ân Hòa. Khi đó trường toàn là nhà bằng tre, lợp bằng rạ, xung quanh tường đắp đất dày hàng mét, mỗi lớp có một nhà riêng. Đến năm 1968, nhà trường chuyển xuống đường ngang Ân Hòa. Anh Quang học ở đó đến năm 1971 thì ra trường”.
“Lúc học anh ấy là một người trò chăm chỉ, chịu khó và rất yêu thương bạn bè. Tôi còn nhớ hồi đó, mỗi khi học xong bài là tầm 11h đêm, anh Quang còn đi xem xem các bạn còn học hay đã ngủ. Bạn nào học khuya mà bài chưa giải được thì anh ý giảng cho bạn hiểu, đến khi xong bài mới thôi” – người thầy già nhớ lại.
[caption id="attachment_138001" align="aligncenter" width="410"]
Thầy Phạm Thạnh (81 tuổi) Nguyên là Hiệu trưởng trường THPT Kim Sơn B (Kim Sơn, Ninh Bình) (người thầy từng dạy học cho ông Trần Đại Quang).[/caption]
Ngày đó, thầy Thạnh là Bí thư đoàn trường, có nhiệm vụ chuyên theo dõi việc học của các lớp nên tất cả học sinh đều rất nể và ngại thầy. “Những bạn học giỏi, khá phải đi giúp đỡ các bạn học kém hơn. Điều kiện sống lúc đó cực kỳ khó khăn, thiếu thốn, thầy và trò đều rất khổ nhưng phong trào học tập do nhà trường phát động luôn được các phụ huynh, thầy trò thực hiện nghiêm túc. Anh Quang luôn là một trong những người có động lực mạnh mẽ nhất trong mọi hoạt động từ học tập tới sinh hoạt. Chính vì thế mà chất lượng của học sinh nhà trường đều rất tốt, từ việc lên lớp đến đỗ tốt nghiệp đều đạt hơn 90%”.
Rồi thầy Thạnh trầm ngâm nhìn xa xăm, vừa nhấp chén nước vừa ngậm ngùi. “Cùng lứa với anh Quang, ở trường này hàm đại tá, thiếu tướng có rất nhiều. Ai sau này cũng trở lại trường thăm thầy nên tôi biết nhiều lắm. Nhưng liệt sỹ cũng nhiều, có khi đến 50% là liệt sỹ, bởi năm 1971 khi vừa ra trường, nhiều anh đi bộ đội đến tận năm 1975, khi đất nước giải phóng hoàn toàn. Đó là 4 năm chiến tranh dữ dội ác liệt nhất nên có nhiều người hi sinh, trong đó có không ít trò của tôi” – giọng người thầy già chùng xuống.
Gần 50 năm các trò ra trường, mỗi người một nơi, nhưng thầy Thạnh vẫn dõi theo bước trưởng thành của các người học trò mình. “Đến giờ dù tuổi cao sức yếu nhưng tôi vẫn hay dặn dò con đi học trên thành phố mua sách báo ngành công an về đọc để biết thông tin về anh Quang đấy” – bà Hường, vợ thầy Thạnh, xen vào.
Thầy Thạnh kể, có lần xem báo thấy người học trò của mình tiếp xúc gần gũi với đồng bào dân tộc trong Tây Nguyên, không chỉ mình thầy mà nhiều người đều nghĩ rằng “anh ấy rồi sẽ là Đinh Bộ Lĩnh thứ 2 của Ninh Bình”.
Chia tay chúng tôi, thầy Thạnh nhờ chuyển lời chúc tới Đại tướng Trần Đại Quang: “Trở thành Chủ tịch nước, tôi chúc cho anh ấy luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, luôn làm tròn trách nhiệm cao cả của nguyên thủ quốc gia, làm được nhiều việc ích quốc lợi dân, mang lại hạnh phúc cho nhân dân”.
Theo Danviet