Thấp thoáng phủ đệ Cố đô

(Pháp lý) - Nói đến Hoàng tử, Công chúa, người ta nghĩ đến khung cảnh xa hoa; nói đến phủ đệ, người ta nghĩ đến tòa ngang dãy dọc, với biết bao kỳ hoa dị thảo như trong các bộ phim cổ trang về các triều đình phong kiến Trung Hoa, như tác phẩm Hồng lâu mộng với hai phủ Vinh Ninh vô cùng mỹ lệ… Nhưng đến Huế, thăm các phủ đệ của nhà Nguyễn, triều đình phong kiến cuối cùng của Việt Nam, chúng ta sẽ thấy khác, rất khác…

Sông Hương trước Vĩnh Ấm Viên
Sông Hương trước Vĩnh Ấm Viên)

1. Cố đô Huế, không chỉ là Kinh thành với Tử Cấm Thành lầu son gác tía; không chỉ là lăng mộ các vị vua, chúa nhà Nguyễn an nghỉ trong những vùng đồi gò rợp bóng tùng bách mà còn có các phủ đệ của hoàng thân, quốc thích. Các phủ đệ này như một gạch nối giữa cung đình và dân dã, làm nên một xứ Huế, một tính cách Huế khác biệt, vừa quyền quý vừa bình dị, vừa sang trọng vừa khiêm nhường.

Phủ đệ là nơi ở của hoàng tử, công chúa. Phủ là nơi ở của các hoàng thân, hoàng tử sau khi lập gia đình. Đệ là lối gọi tắt của từ đệ trạch, là nơi ở của công chúa sau khi được gả chồng. Khi chủ nhân của những phủ đệ đó về với tiên tổ thì nơi đó thành từ đường thờ phụng họ, vì thế người ta hay gọi chung là phủ từ.

Trong thời kỳ hoàng kim, nghe nói ở Huế có đến 150 phủ đệ mà tên tuổi vẫn còn vang bóng như: Phủ Tùng Thiện vương, phủ Kiên Thái vương, phủ An Hóa công, phủ Hàm Thuận công, phủ Tuy Lý vương, phủ Diên Khánh vương, phủ Phong Quốc công, phủ Ðịnh Viễn quận vương, đệ An Thường công chúa, đệ Ngọc Sơn công chúa… Đến nay, số lượng những phủ đệ này cũng hao mòn chỉ còn quá nửa, trong đó một số phủ đệ cũng bị xâm lấn, biến dạng vì nhiều lý do.

Tôi hỏi ông Nguyễn Phúc Vĩnh Ba, một nhà giáo nghỉ hưu, rằng muốn thăm phủ đệ thì nên thăm những điểm nào? Ông Vĩnh Ba cho hay, các phủ đệ không khác nhau nhiều, nên chỉ cần đi thăm phủ Tuy Lý là tiêu biểu nhất.

Đi Huế nhiều lần, ngang qua Vĩ Dạ, thấy cổng tam quan “Tuy Lý Vương từ môn” kín cổng cao tường, mà mong có dịp được vào thăm. Bởi lẽ, từ lâu lắm chúng tôi đã thuộc lòng câu “Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán/ Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường” nghĩa là: Văn như Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát vượt thời Tiền Hán; Thơ Tùng Thiện vương Miên Thẩm, Tuy Lý vương Miên Trinh hay hơn thời Thịnh Đường. Do đó, phủ Tuy Lý có gì “gần gũi” hơn những phủ đệ khác.

2. Cuối năm là mùa mưa ở Huế. Mưa liên miên suốt ngày, mưa từ ngày này sang ngày khác, nên chúng tôi thật thấm câu thơ của Nguyễn Bính “Giời mưa ở Huế sao buồn thế”. Ông Vĩnh Khánh, hậu duệ của Tuy Lý vương đưa chúng tôi đến thăm phủ trong lúc trời mưa rào rạt, khiến di tích thêm trầm lắng, u tịch. Qua cổng tam quan bề thế là bức bình phong lớn, đắp hình long mã đẹp mắt, mang ý nghĩa đây là ngôi Từ đường (phủ) được triều đình cấp kinh phí xây dựng. Sau bình phong là khoảng sân vuông vức và nhà tiền đường. Bên phải là hàng cau với những khóm cây cảnh, bên trái là dãy nhà ngang gia đình ông thủ từ sinh sống.

Nhà tiền đường đúng kiểu nhà rường Huế, một gian hai chái. Khác biệt rõ nhất so với nhà gỗ kẻ truyền Bắc Bộ là nhà rường Huế chủ yếu theo hình vuông, bốn mái, do đó diện tích sử dụng trong nhà rộng rãi hơn. Gian giữa, có bức hoành phi đề “Tiền triều Lê tiệp dư từ”, nghĩa là Từ đường thờ bà Tiệp dư triều trước, họ Lê.

Ông Vĩnh Khánh cho hay: Bà húy là Lê Thị Ái, con gái quan Cẩm y Hiệu úy Lê Tiến Thành, Tiệp dư của vua Minh Mạng, đức từ (thân mẫu) của Tuy Lý vương. Từ đường có án thờ phía trước thờ Phật Thích Ca, phía sau là án thờ bà Tiệp dư, sập thờ và trong cùng là khám thờ, đặt bài vị. Từ đường còn trưng bày, lưu trữ bộ ván khắc in những tác phẩm của Tuy Lý vương.

Tuy Lý Vương sớm nổi tiếng là người uyên bác, làm thơ hay và thạo cả nghề thuốc. Năm 1839, khi tròn 20 tuổi, được phong là Tuy Quốc công, ông được lập phủ riêng gọi là Tĩnh Phố, bên cạnh Ký Thưởng viên của Tùng Thiện vương Miên Thẩm. Ban đầu, phủ chỉ là ngôi nhà tranh, ông xin vua cha cho rước mẹ về phụng dưỡng. Ông chăm mẹ chí hiếu nên được mệnh danh là Ông Hoàng hiếu. Năm 1847, ông được xây phủ riêng ở Vĩ Dạ là chỗ này. Khi đó nơi đây có tên là Vi Dã.

Sao hoàng tử thứ 11 của vua Minh Mạng, thời kỳ đất nước hùng cường bậc nhất của nhà Nguyễn lại chỉ có thể làm nhà tranh? Vi Dã có lẽ mang nghĩa là cánh đồng cỏ lau, như vậy xưa kia nơi đây còn thôn dã lắm. Tôi băn khoăn hỏi lại ông Vĩnh Khánh.

Ông Vĩnh Khánh chia sẻ, sự thật lịch sử như vậy, ngân khố triều đình có hạn, mỗi hoàng tử ra lập phủ ngoài số tiền được cấp thì tự lo liệu. Nghe câu chuyện này, chúng ta hình dung thấy nét đơn sơ như bà con dân dã lấy vợ cho con rồi cấp cho ít vốn, dựng cho căn nhà rồi cho ở riêng.

Trước đó một năm, Tùng Thiện công Miên Thẩm, hoàng tử thứ 10 của vua Minh Mạng mua khoảnh đất bên sông Lợi Nông, lập ra Ký Thưởng Viên, rồi đón mẹ ra phụng dưỡng, mở đầu cho trào lưu các hoàng tử lập phủ bên ngoài Kinh thành, sống cùng bách tính, với nhân dân cần lao, theo ông Vĩnh Ba, đây là định hướng của chính vua Minh Mạng.

3. Tuy Lý Vương - Nguyễn Phúc Miên Trinh vốn thông minh, hiếu học nên được vua cha rất thương yêu. Có lúc ông bị bệnh, vua Minh Mạng bãi triều ở Văn Minh Ðiện, tự thân đến thăm hỏi. Ðó là chuyện rất hiếm thấy, việc này có ghi trong Thương Sơn cung từ: Bất thị Miên Trinh kim đới bệnh / Thử gian hà xứ đắc thiên hương? Nghĩa là: Miên Trinh chẳng bệnh hôm nay/ Hương trời lan đến chốn nào trong cung?

 Nội thất từ đường Tuy Lý Vương
Nội thất từ đường Tuy Lý Vương)

Ông từng được phong là Tuy Quốc Công, kiêm nhiếp Tôn nhân phủ Hữu Tôn nhân. Năm Thành Thái nguyên niên, ông vì tuổi cao đức trọng được cử làm Ðệ nhất Phụ chính Thân thần kiêm nhiếp Tôn nhân phủ. Năm Giáp Ngọ (1894), ông được thăng là Tuy Lý vương… Nhân sinh nhật thứ 40 của ông, vua Tự Đức có tặng đôi ông chú câu đối: Văn chất kiêm ưu, công kham đương thử/ Hiếu từ đại lạc, ngã diệc tự chi, nghĩa là: Văn và chất đều rực rỡ, ông nên nhận lấy lời khen này, Hiếu thảo là vui nhất, ta cũng giống thay.

Có thể nói Tuy Lý vương là một người tài đức, thành đạt, trường thọ và được quý trọng, nhưng ông hoàng ấy đã từng ở nhà tranh, mỗi khi tan chầu về nhà ông mặc áo vải thô, như người bình dân nơi thôn dã. Vì thế người ta còn gọi ông là Ông Hoàng áo vải. Dân chúng vẫn kể cho nhau nghe rằng, trước cửa phủ là lối bà con bán cá tôm gánh hàng ra chợ mỗi ngày, ông bèn cho trồng hàng cây trước cửa để bà con đi qua có bóng mát nghỉ chân. Mỗi khi ông ra ngoài, nếu thấy bà con đang hối hả gánh hàng đi chợ, bao giờ ông cũng nói gia nhân lùi lại để họ đi qua rồi mới ra, tránh cho bà con khỏi chào hỏi và nhường bước, khiến họ chậm buổi chợ.

Sau nhà tiền tế, Từ đường thờ Tuy Lý vương là ngôi nhà rường ba gian hai trái, được xây dựng kiểu nhà kép. Dải cổ diêm và bờ nóc được trang trí long, ly, quy, phụng bằng sành sứ có tính mỹ thuật cao. Hai bên sân xưa còn có nhà tả vu, hữu vu nhưng nay không còn. Trong từ đường có nhiều câu đối thờ và chân dung Tuy Lý vương. Ba gian chính được ngăn với hai chái bởi vách gỗ sơn vàng, trên đó chép lại những đối trướng phúng viếng Tuy Lý vương, khiến Từ đường có vẻ đẹp của chữ nghĩa, đúng với phong cách của ông. Hai gian chái thờ những người con mất sớm hay vô tự của Tuy Lý vương.

Trên một thanh gỗ mép cửa, có dòng chữ nhỏ, ghi tên con cháu đã đóng góp để dựng nên Từ đường này. Con cháu của Tuy Lý Vương có nhiều người hiền đạt. Từ đường được nâng cấp từ chính ngôi nhà Tuy Lý Vương sống lúc sinh thời. Đứng trong vương phủ này tôi có cảm giác tương tự như đứng ở một ngôi từ đường dòng họ nào đó, nó không có bóng dáng của lầu son gác tía. Những án thờ ở đây sơn son, hoa văn sơn vàng nhưng dường như sơn nhũ, không phải thếp vàng, và cũng chỉ có đục chạm mặt tiền, còn hai đầu và phía sau để trống. Ông Thủ từ Vĩnh Phú nói rằng, các cụ xưa sống rất thanh liêm, cần kiệm.

4. Ở Huế, Kim Long là một địa danh đặc biệt, vì nơi đây vốn là Trung tâm Đàng Trong thời chúa Nguyễn Phúc Lan, sau này là nơi lập phủ đệ của công hầu, khanh tướng nhà Nguyễn. Vì là vùng quý tộc nên con gái rất đẹp, và đương nhiên là rất thanh nhã như câu ca ai cũng thuộc: “Kim Long có gái mỹ miều/ Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều trẫm đi”. Và quả thật, nhiều vị vua có phi tần người làng Kim Long như Thành Thái, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Duy Tân...

Trong rất nhiều phủ đệ ở Kim Long, một trong những phủ nổi tiếng nhất là Vĩnh Ấm Viên, trong đó có từ đường thờ Trưởng Công chúa Diên Phước. Cổng tam quan cổ kính của Từ đường ngay sát bờ sông Hương, ai đi thuyền hay đi đường bộ lên chùa Thiên Mụ đều ngang qua di tích này.

Công chúa Diên Phước là con gái đầu của vua Thiệu Trị, mẹ là Từ Dụ Hoàng thái hậu, dưới bà có hai em, một em gái mất sớm năm 3 tuổi và vua Tự Đức. Năm 1846, Công chúa được gả cho Đô úy Nguyễn Văn Ninh, con của Chưởng phủ sự Thái bảo Hoằng Trung hầu Nguyễn Văn Trọng. Vua cha cho xây nhà này để Công chúa và Phò mã về ở. Công chúa sống hạnh phúc với chồng được có hai năm thì mất ở tuổi 24. Mấy năm sau chồng bà cũng qua đời.

Tam quan phủ thờ Công chúa Diên Phước bên bờ sông Hương
Tam quan phủ thờ Công chúa Diên Phước bên bờ sông Hương)

Vua Tự Đức rất thương xót chị, đã sai bộ Công xây dựng lại ngôi nhà thành Từ đường thờ Trưởng Công chúa Diên Phước. Vua nhiều lần đến đây dự lễ cúng giỗ chị và để lại mấy bài thơ bày tỏ lòng thương xót. Một lần đi thuyền qua phủ, vua viết: “Nuốt lệ dùng dằng ngoảnh đầu trông lại/ Khốn vì gió thổi thuyền đi quá nhanh”… Và sự kiện Công chúa qua đời được vua Tự Đức ghi trong bia “Khiêm cung ký” đặt tại Khiêm Lăng.

Hiện nay trong khuôn viên của di tích quý giá này, có quán cà phê Vĩnh Ấm Viên do con cháu của Công chúa kinh doanh. Cũng là cà phê, nhưng đến Vĩnh Ấm Viên, ta còn được đắm mình trong không gian văn hóa, lịch sử, nhất là được trò chuyện với những người gốc Huế. Ông chủ nhà mở cửa cho chúng tôi thăm di tích, ngôi nhà được Nhật Bản giúp trùng tu như nguyên trạng cách đây mấy năm. Gian giữa có hoành phi đề “Diên Phúc trưởng công chúa từ”, cách thiết trí cũng bao gồm bàn thờ Phật, phía sau là án thờ Công chúa, sập thờ và khám thờ. Ngôi nhà rường, cũng hình vuông, tương tự Từ đường Tuy Lý vương.

Phủ đệ của Công chúa như vậy cũng chỉ là ngôi nhà gỗ lợp ngói rộng rãi, nằm trong khuôn viên khu vườn rộng, không có bóng dáng của xa hoa. Trong sử có ghi, năm 1838 vua Minh Mạng đã định lệ: “Phủ đệ vườn tược nhà riêng và nghi trượng, phục sức, đồ dùng đều không được làm lâu đài ba nóc, tô điểm rồng phượng và các thứ xa hoa”.

Ông Tôn Thất Thống, chủ hãng rượu Minh Mang thang nổi tiếng nói rằng: Vẻ đẹp của các phủ đệ của Huế là hài hòa với thiên nhiên, tạo thành mô hình nhà vườn, nhiều cây lá hơn là các công trình xây dựng nguy nga, tốn kém.

5. Ngồi trò chuyện với các “mệ” trong Nguyễn Phước tộc và chúng tôi, chủ nhà cho biết: Công chúa Diên Phước được vua cha tự tay viết sách phong bằng bạc, với những lời lẽ trìu mến. Tiếc rằng, sau Hòa ước Nhâm Tuất, triều đình phải bồi thường chiến phí cho Pháp, nên sách bạc của Công chúa cũng như những trường hợp khác bị thu hồi, để đổi lại bằng sách đồng. Nay cuốn sách đồng đó là gia bảo, được cất giữ cẩn thận, cùng với một số đồ dùng khác của Công chúa mà vua cha ban cho.

Ông Vĩnh Ba chia sẻ, do chuẩn mực kiệm ước, ngân sách triều đình không dồi dào nên các vị Hoàng tử, Công chúa tùy theo chức tước mà được nhận các mức lương bổng khác nhau, nhưng nói chung là eo hẹp, không dư thừa. Với mức thu nhập đó, đa số lại rất đông con cháu nên cuộc sống vương giả cũng thanh đạm. Nhiều trường hợp, hoàng thân, hoàng tử phải xin vay tiền để sửa chữa phủ đệ khi hư hỏng hoặc gặp thiên tai, nhiều trường hợp phải xin vay lương bổng trước để chi dùng.

Xem ra, khác với Trung Hoa hay phương Tây thời Trung cổ, khái niệm phong kiến ở Việt Nam chỉ có ý nghĩa tương đối. Phong kiến có nghĩa là phong hầu và kiến ấp, nhà vua phong tước và cấp đất cho chư hầu, chư hầu được hưởng chế độ cha truyền con, được thu thuế của dân, có quân đội riêng… Nhưng ở Việt Nam, vua không phong đất cho chư hầu, hệ thống quan lại được tuyển chọn qua khoa cử, chọn những người có học vị để bổ nhiệm. Do đó, nhà Nguyễn phong tước Tùng Thiện vương, Thường Tín quận vương… nhưng chỉ có danh, không có nghĩa phủ Tùng Thiện - Sơn Tây hay phủ Thường Tín là đất phong. Do đó, có người còn nói: “Đem chữ phong kiến áp đặt vào toàn thể xã hội Việt Nam ngày xưa thì trật lất”...

Tác giả đứng trước phủ thờ Công chúa Diên Phước
Tác giả đứng trước phủ thờ Công chúa Diên Phước)

Các hoàng tử, công chúa vì thế cũng rất gần gũi với người dân. Tuy Lý vương có tài thơ trác tuyệt, thơ ông đa số thù tạc, ngâm vịnh nhưng ông cũng rất đồng cảm với tình cảnh đất nước, với dân nghèo. Bài Tuế mộ (Cuối năm) ông viết: “Bắc vọng lư diêm không trữ trục/ Nam lai bích lũy thượng can qua/ Cổn y nhục thực chung vô bổ/ Quý nhĩ xan anh đái nữ la”. Tạm dịch: Xóm làng cõi Bắc trơ khung cửi/ Đồn lũy miền Nam rộn lửa binh/ Áo gấm thịt quay nào bổ ích/ Thẹn phường tu luyện phép trường sinh.

Bài Tàm phụ từ (Lời người đàn bà nuôi tằm) ông viết (dịch nghĩa): Phụ nữ đều xách giỏ đi hái dâu/ Họ qua lại trên đường không ngớt/ "Thà bụng em chịu đói/ Chứ không để tằm ăn không no /Em đói, chỉ khổ một mình em / Nhưng tằm no thì nuôi sống cả nhà tám miệng ăn"/ Tơ ươm chưa lên khung cửi / Thì làm sao thành tấm lụa được?/ Thế mà ngoài cửa lý dịch đã đến/ Thôi thúc nạp thuế mau/ Chỉ muốn nộp đủ thuế cho quan/ Áo quần lam lũ không kể...

**

Đi thăm các phủ đệ duyên dáng, khiêm nhường trong những khu vườn “mướt quá, xanh như ngọc”, lắng nghe những câu chuyện xưa, khiến chúng tôi chợt nhớ những chuyện về Từ Dụ Hoàng Thái hậu. Trong cuộc sống hằng ngày, bà rất tiết kiệm và rất nghiêm khắc đối với sự lãng phí, xa hoa. Bà thẳng thắn phê phán tệ tham ô chức quyền. Bà nói: “Từ xưa đến nay, quan lại chỉ một chữ tham mà chưa trừ được. Mọt nước hại dân cũng từ đó mà ra. Làm quan mấy năm vị nào cũng giàu có gấp bội. Của ấy không lấy của dân thì lấy ở đâu? Nên phải quyết trừ”. Bà cũng bảo vua Tự Đức rằng: “Người trong dòng họ chớ lo việc không được làm quan, phải chuyên cần học hỏi, thi đậu vẻ vang gia tộc; chỉ lo là bất tài mà thôi. Ngoài ra, kẻ làm điều trái phép, Hoàng đế nên triệu về kinh, nghiêm trị để làm gương cho người ta biết”. Bà khuyên triều thần: "Một sợi tơ, một hột gạo cũng đều là máu mỡ của dân” nên phải tiết kiệm “để dùng vào việc nước”… Tinh thần gương mẫu, kiệm ước, tằn tiện tiền thuế của dân như thế, thật đáng trân quý xiết bao.

Ghi chép của NGUYỄN PHAN KHIÊM

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin