Tháo gỡ cho doanh nghiệp trước “ám ảnh” thủ tục hành chính bằng cách nào?

(Pháp lý) - Trước thực trạng thủ tục hành chính vẫn là nỗi ám ảnh của không ít doanh nghiệp (DN), nhiều chuyên gia về kinh tế, pháp lý cho rằng, nên bỏ sự “giao thiệp” trực tiếp giữa người thực hiện thủ tục hành chính và người cấp giấy tờ để tránh phát sinh tiêu cực. Thay vào đó là hệ thống quản lý điện tử để tạo sự minh bạch, tiết kiệm thời gian, công sức cho doanh nghiệp.

Muôn kiểu “chèn ép” doanh nghiệp

Cuối năm 2018, một Trưởng phòng Quản lý Vận tải tại tỉnh Bạc Liêu đã nhận hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm, cắt thi đua sau khi bị tố “chèn ép” doanh nghiệp. Cụ thể, sau hai năm thành lập, Hợp tác xã Dịch vụ Vận tải Thắng Lợi đã phải gửi đơn cầu cứu khắp nơi vì cho rằng bị bà Nguyễn Ngọc Dung, Trưởng phòng Quản lý Vận tải phương tiện và người lái gây khó dễ. Theo đơn tố cáo, bà Dung được cho là có nhiều thiếu sót trong công tác quản lý dẫn đến việc tham mưu để Sở GTVT Bạc Liêu ra nhiều quyết định, biên bản gây thiệt hại về kinh tế cho Hợp tác xã Dịch vụ Vận tải Thắng Lợi.

Chỉ trong tháng 12/2017, bà Dung đã hai lần đề nghị Sở GTVT Bạc Liêu ra quyết định thu hồi phù hiệu 4 ô tô thuộc Hợp tác xã Dịch vụ Vận tải Thắng Lợi, với lý do hai phương tiện này không duy trì tình trạng kỹ thuật tốt. Song, Hợp tác xã Dịch vụ Vận tải Thắng Lợi đã cho kiểm tra và phát hiện 2 xe vẫn hoạt động tốt, 2 xe còn lại đã được thu phù hiệu từ lâu.

Sau khi nhận đơn thư phản ánh, Sở GTVT Bạc Liêu đã đưa ra kết luận, một phần nội dung mà HTX Thắng Lợi đưa ra là có cơ sở, tuy nhiên đây chỉ là thiếu sót của bà Dung trong quá trình thực thi công vụ, chứ không phải cố tình “chèn ép” hay gây khó dễ cho doanh nghiệp. Sở GTVT Bạc Liêu cũng đã tiến hành họp xử lý kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với những sai sót của Phòng Quản lý Vận tải Phương tiện và người lái mà đứng đầu là bà Nguyễn Ngọc Dung. Đồng thời, không xét thi đua khen thưởng cuối năm 2018 đối với cán bộ, công chức có liên quan thuộc phòng Quản lý Vận tải phương tiện và người lái…

Trước đó, vào thời điểm đầu tháng 11/2018, doanh nhân Tạ Quyết Thắng (Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sơn Trường) đã có bức thư ngỏ gửi tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Trong thư, ông Thắng giãi bày về những “đoạn trường” khi đi qua các cửa ải thủ tục hành chính của một doanh nghiệp.

Doanh nhân Thắng chia sẻ: “Đất nước muốn phát triển thì phải có đầu tư, cần phải có đội ngũ doanh nhân có tâm huyết. Nhưng thủ tục hành chính như hiện nay thì làm sao doanh nghiệp đầu tư được… Tôi đã gửi bức thư cho nhiều anh em doanh nghiệp, hầu hết ai cũng đồng tình, nhìn thấy nỗi khổ của mình trong đó”. Doanh nhân Thắng cho rằng, để tháo gỡ khó khăn tốt nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, Chính phủ, Nhà nước cần phải tháo gỡ các văn bản pháp luật trước.

Thủ tục hành chính vẫn là nỗi ám ảnh của doanh nghiệp

Trên đây chỉ là hai trong số nhiều ví dụ thực tế. Có thể nói thủ tục hành chính hiện nay vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều doanh nghiệp. Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Pháp lý, PGS - TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, đây là một trong những vấn đề nặng nề đối với doanh nghiệp, xuất phát từ việc quy định không cụ thể, không rõ ràng khiến cho một số cơ quan quản lý nhà nước lợi dụng quy định để “hành” các doanh nghiệp. “Mục tiêu phần lớn của một số quan chức là buộc doanh nghiệp phải có chi phí lót tay thì các thủ tục giấy tờ mới có thể dễ dàng và không tốn kém thời gian của doanh nghiệp”, ông Thịnh đặt vấn đề.

 

Ông Thịnh thông tin, thời gian vừa qua, Chính phủ đã có nhiều động thái trong việc cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý do các bộ ngành, địa phương đặt ra. Theo ông Thịnh, đây rõ ràng là một tín hiệu tích cực góp phần cải tổ thủ tục hành chính, giảm các chí phí không chính thức trong nền kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề thay đổi cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh hiện nay, nơi này nơi khác vẫn còn tình trạng hình thức. Một thực tế khá nhức nhối nữa đó là qua kết quả của cuộc thăm dò do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, phản ánh về việc doanh nghiệp phải “lót tay” khi có đoàn kiểm tra chuyên ngành, ông Thịnh dẫn chứng.

Đồng quan điểm với ông Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, trước những bức xúc của doanh nghiệp về thủ tục hành chín

Nhiều thủ tục hành chính vẫn là nỗi ám ảnh của doanh nghiệp (ảnh minh họa)
Nhiều thủ tục hành chính vẫn là nỗi ám ảnh của doanh nghiệp (ảnh minh họa))

h hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị chỉ đạo các bộ ngành địa phương phải tháo gỡ các rào cản trong điều kiện kinh doanh đối với các doanh nghiệp. Đối với các trường hợp doanh nghiệp đã có phản ánh lên các cơ quan cấp cao, ông Long kiến nghị, phải nghiên cứu vấn đề của từng doanh nghiệp để xem xét có đúng hay không?. Sau khi có kết luận mà doanh nghiệp vẫn “tố” các cơ quan hành chính thì các cơ quan chức năng cần xem xét và xử lý.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long)

Nhìn nhận thực tế từ hoạt động chuyên ngành, Luật sư Nguyễn Minh Trường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, rào cản từ thủ tục hành chính là hiện trạng thực tế mà các công ty luật thường xuyên phải đối mặt. Cụ thể, theo Luật sư Trường: “Trong lĩnh vực luật, nếu thực hiện một thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền hàng hóa cũng phải có giấy chứng nhận đại diện sở hữu trí tuệ mang tính độc quyền. Hay chính những luật sư hành nghề luật cũng gặp những vấn đề khó khăn về thủ tục hành chính hoặc những điều kiện kinh doanh có điều kiện”, Luật sư Trường dẫn chứng.

Theo Luật sư Trường, các doanh nghiệp hầu như đều gặp phải nhiều vướng mắc như trong thủ tục hải quan, hành chính, giấy phép con, các hoạt đầu tư kinh doanh,…. Những thủ tục trên được Luật sư Trường nhận định gây tốn quá nhiều thời gian của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp không thể tập trung vào vấn đề sản xuất kinh doanh.

Vị Luật sư cũng chỉ ra hiện trạng, thủ tục hành chính ở Việt Nam đa phần mang tính chất hình thức, đòi hỏi giấy tờ, hồ sơ, bản cứng,… Đồng thời, tất cả các yếu tố đăng ký kinh doanh hiện nay còn mang tính chất hình thức hoặc quản lý mang tính chất sổ sách, chứng từ. “Với cách quản lý như trên, nếu chúng ta không làm mạnh tay hay có các cải cách đột biến như hóa đơn điện tử, chứng từ, chữ ký điện tử thì câu chuyện đau khổ của doanh nghiệp trong lĩnh vực hành chính sẽ kéo dài mãi mãi”, Luật sư Trường nói.

Liên quan đến việc cấp phép cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, Luật sư Trường cũng chỉ ra những thủ tục cấp phép còn nặng về hình thức, hồ sơ giấy tờ, nặng về tham nhũng vặt. Đây cũng là những yếu tố khiến việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính còn gặp nhiều khó khăn.

Xây dựng hệ thống quản lý điện tử để tạo sự minh bạch

Các chuyên gia khi trao đổi với Phóng viên Pháp lý đều có chung nhận định, việc cải thiện, tháo gỡ cho các doanh nghiệp bị các cơ quan chèn ép không có nhiều chuyển biến, xuất phát từ câu chuyện các chế tài xử lý cán bộ sai phạm chưa hợp lý, chưa đủ răn đe.

Nhằm tăng cường xử lý các vụ việc chèn ép, “hành” doanh nghiệp, ông Thịnh đề xuất nên có các chế tài xử lý phù hợp với mức độ sai phạm đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, vị PGS này đề xuất, nên thành lập một cơ quan để lắng nghe ý kiến, bày tỏ của doanh nghiệp, để doanh nghiệp có thể giãi bày, phản ánh những mặt trái trong thủ tục hành chính hiện nay.

Để góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc xử phạt quá nhẹ các trường hợp chèn ép, nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp sẽ làm mất hiệu lực, tính pháp lý của nhà nước trong xử lí vi phạm từ thủ tục hành chính. “Khi xử lý không đúng mức độ sẽ khiến nhiều cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thủ tục hành chính “lờn” thuốc. Nếu sai phạm vượt quá mức độ xử lý hành chính thì phải đưa lên những cấp cao hơn để tìm ra giải pháp xử phạt thích đáng”, ông Long kiến nghị.

Đồng thời, vị chuyên gia kinh tế này cũng nhận định, việc công khai giám sát, nơi làm việc phải có ghi âm ghi hình khi làm việc với người dân, đồng bộ hóa các thủ tục điện tử, liên thông giữa các cơ quan, xử lý nghiêm các cán bộ nhũng nhiễu, chèn ép người nộp hồ sơ,… sẽ là các giải pháp thiết thực góp phần giảm thiểu tình trạng chèn ép doanh nghiệp trong thủ tục hành chính hiện nay.

Ở bình diện rộng hơn, Luật sư Nguyễn Minh Trường nhận định, nếu không có các thiết chế để thay đổi hệ thống pháp luật về các thủ tục hành chính thì sẽ còn những hiện tượng cán bộ nhũng nhiễu doanh nghiệp. Theo Luật sư Trường: “Cần phải có những thay đổi mang tính bước ngoặt. Ví dụ, từ việc phải đặt in hóa đơn, doanh nghiệp có thể mua hóa đơn, sau đó là cởi trói cho doanh nghiệp tự mua hóa đơn và bây giờ là phát hành hóa đơn điện tử. Như vậy, chúng ta đã có những bước tiến mang tính chất vượt bậc. Còn nếu chỉ thay giấy tờ này bằng giấy tờ kia, hệ thống này bằng hệ thống kia hay thay người quản lý thì không giải quyết tận gốc được vấn đề”.

Để tránh tình trạng một số quan chức “hành”, nhũng nhiễu doanh nghiệp thông qua các thủ tục hành chính, Luật sư Trường đề xuất, cần đơn giản thủ tục hành chính , công khai minh bạch, cắt bỏ các hồ sơ, chứng từ để doanh nghiệp “dễ thở” hơn. “Việc chúng ta cho phép đăng ký hồ sơ điện tử, công khai doanh nghiệp kinh doanh là một bước tiến trong việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, không phải duyệt điện tử xong rồi lại in thành văn bản, doanh nghiệp lại phải gặp chuyên viên về thủ tục hành chính và lại phát sinh tiêu cực”, Luật sư Trường phân tích.

Vị Luật sư này cũng cho rằng, nếu không có sự giao thiệp trực tiếp giữa người thực hiện thủ tục hành chính và người cấp giấy tờ thì sẽ không phát sinh tiêu cực. Do đó, nhà nước cần có hệ thống quản lý mang tính chất điện tử để tạo sự minh bạch, tiết kiệm thời gian, công sức cho doanh nghiệp.

Doanh nhân Tạ Quyết Thắng
Doanh nhân Tạ Quyết Thắng)

Trong thư ngỏ của doanh nhân Tạ Quyết Thắng gửi đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, ông đã đề đạt nguyện vọng được đối thoại với người đứng đầu các bộ, ngành để làm rõ bốn vấn đề: Tôi muốn hỏi Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Tại sao lại đưa ra một loạt các thủ tục để cấp phép xây dựng bỗng nhiên ngáng trở việc đầu tư?; Với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường: tại sao thủ tục cho thuê đất lại cần nhiều thủ tục đến thế, gây lãng phí nhiều thời gian và làm mất hết cơ hội đầu tư?; Với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: tại sao cứ phải có giấy phép xây dựng, ngân hàng mới cấp vốn tín dụng?; Với Bộ trưởng Bộ Tư pháp: nếu các cơ quan có chức năng làm chậm (hoặc không làm) những thủ tục hành chính liên quan tới quá trình đầu tư xây dựng gây tổn thất lớn cho DN (thậm chí DN còn bị phá sản) thì DN có kiện lên Tòa án hành chính được không?. Chỉ khi trả lời được những câu hỏi trên, mới mong cơ quan nhà nước thực tâm vào cuộc gỡ bỏ, tháo gỡ thủ tục hành chính tạo điều kiện cho DN làm ăn, phát triển – ông Thắng thẳng thắn.

Giang Nguyễn

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin