Tham vấn chính sách, quy định kinh doanh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên môi trường điện tử

26/05/2022 06:47

Đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện cơ chế, hệ thống thông tin của Cổng tham vấn, các chuyên gia mong muốn khắc phục được các tồn tại trước đây và trở thành kênh tham vấn thuận tiện, hữu dụng nhất khi cơ quan nhà nước tham vấn ý kiến doanh nghiệp, người dân.

6-1653443184.jpeg

Ảnh minh họa.

Cổng Tham vấn quy định kinh doanh đang được phát triển để trở thành một dịch vụ tích hợp trên trang web của Văn phòng Chính phủ. Nó đóng vai trò như một kênh tập trung để các doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm đóng góp ý kiến với các cơ quan nhà nước. Cổng tham vấn được thiết kế như một công cụ kỹ thuật số để nhận trực tiếp ý kiến của các doanh nghiệp về các quy định kinh doanh cần sửa đổi, các phương án cải cách và các quy định kinh doanh dự kiến sẽ được ban hành. Cổng tham vấn sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lên tiếng về các quy định kinh doanh hiện hành không phù hợp, là rào cản đến hoạt động kinh doanh; các quy định đang được lên kế hoạch ban hành; và có kế hoạch đơn giản hóa và cắt giảm các quy định kinh doanh.

Cổng tham vấn quy định kinh doanh sẽ là cầu nối và là công cụ để thu hút ngày càng nhiều chủ thể là cá nhân, doanh nghiệp và hiệp hội tham gia tích cực trong tham vấn chính sách, sáng kiến lập pháp và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, Cổng tham vấn cũng sẽ ngày càng góp phần minh bạch hóa và loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết hoặc gây phiền hà cho kinh tế phát triển.

Đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện cơ chế, hệ thống thông tin của Cổng tham vấn, bà Nguyễn Thị Mai Sương, Trưởng Ban Pháp luật Nghiệp vụ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá việc xây dựng cơ chế tham vấn điện tử là cần thiết, đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm trình Chính phủ xây dựng Cổng Tham vấn hiệu quả sát thực tiễn, đảm bảo chất lượng. Về vấn đề phản hồi các ý kiến góp ý bà Nguyễn Thị Mai Sương đề nghị đơn vị thường trực cập nhật thông tin từ các hiệp hội, doanh nghiệp làm cầu nối chuyển đến cơ quan soạn thảo ban ngành để sớm sửa đổi chính sách hiệu quả nhất. "Các cơ quan, bộ, ngành cần làm tốt hơn việc xây dựng khuôn khổ pháp lý gắn với phản ánh từ các hiệp hội, doanh nghiệp, khi nhận được phản ánh nên sớm có nghiên cứu chỉnh sửa chính sách phù hợp", bà Nguyễn Thị Mai Sương nói. Về phía các Hiệp hội, bà Mai Sương cho rằng cần cố gắng chủ động đề xuất kịp thời với Chính phủ, cơ quan bộ, ngành về cơ chế chính sách đã ban hành nhằm sửa đổi đưa vào thực tiễn có hiệu quả.

Đặc biệt, cần có cơ chế phản hồi lại các góp ý cơ chế chính sách. "Hiệp hội Ngân hàng nhận thấy NHNN đã có cơ chế phản hồi tương đối cập nhật đầy đủ nhưng với nhiều cơ quan khác không có sự phản hồi hoặc là sự tham gia góp ý không được liên tục, đề xuất không được sửa đổi", bà Mai Sương nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Quyền, đại diện Hiệp hội Vận tải cho rằng việc hình thành Cổng tham vấn ý kiến doanh nghiệp, hiệp hội khi xây dựng chính sách là rất cần thiết. Thực tế cho thấy có nhiều doanh nghiệp chưa có điều kiện đóng góp ý kiến vào quá trình tham vấn nhưng cũng có nhiều trường hợp ý kiến tham gia không được tiếp thu, trao đổi, do đó, ông Quyền cho rằng việc tham vấn đi vào thực chất thì nên hình thành Tổ tham vấn bên cạnh Tổ soạn thảo nhằm nắm bắt các ý kiến tiếp thu, ý kiến không tiếp thu, có sự trao đổi phản biện qua lại…

Bà Phan Minh Thủy, đại diện Ban Pháp chế VCCI cho rằng từ kinh nghiệm vận hành VCCI online 17 năm qua, chúng ta cần thiết kế Cổng tham vấn khoa học, dễ hiểu, thuận lợi nhất để doanh nghiệp có thể tham gia. Có thể ứng dụng Trí tuệ nhân tạo AI vào quá trình tham vấn để việc lấy ý kiến thuận lợi, minh bạch, dễ dàng hơn.

Ông Nguyễn Hoài Nam, đại diện Hiệp hội Xuất khẩu và chế biến thủy sản Việt Nam hy vọng Cổng tham vấn sẽ là kênh tháo gỡ các nút thắt hiện nay trong quá trình tham vấn ý kiến xây dựng chính sách và điều quan trọng nhất là sự tương tác, sự phản hồi trở lại với ý kiến đóng góp từ cộng đồng đoanh nghiệp. Nếu không có sự tương tác này, sẽ khiến doanh nghiệp, hiệp hội nản chí vì cảm thấy không được lắng nghe.

Ông Nguyễn Hải Minh, đại diện Eurocharm cho rằng chỉ cần Cổng tham vấn có cơ chế nền tảng chạy tốt, minh bạch, có phản hồi thì các doanh nghiệp, hiệp hội chắc chắn tham gia nhiệt tình. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp nước ngoài, sự minh bạch và tính phản hồi rất quan trọng để có thể theo dõi cơ chế đánh giá của cơ quan nhà nước, bộ, ngành, từ đó phát huy tác dụng và hiệu quả rõ hơn.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/tham-van-chinh-sach-quy-dinh-kinh-doanh-cua-doanh-nghiep-hiep-hoi-doanh-nghiep-tren-moi-truong-dien-tu.html

Bạn đang đọc bài viết "Tham vấn chính sách, quy định kinh doanh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên môi trường điện tử" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin