Tập huấn kỹ năng tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho người lao động phi chính thức

01/10/2021 08:14

(Pháp Lý) - Sáng ngày 30/9/2021, tại Hà Nội, Trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách về Y tế, HIV/AIDS ( thuộc Hội Luật gia VN) đã tổ chức  “Hội nghị tập huấn kỹ năng tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho người lao động phi chính thức tại Hà Nội”. Hoạt động này được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ và trẻ em trong khu vực lao động phi chính thức về lao động việc làm và thực thi thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế và giáo dục; Ưu tiên phụ nữ, trẻ em  nhiễm HIV và có nguy cơ cao lây nhiễm HIV” do Quỹ thúc đẩy các sáng kiến tư pháp EU-JULE JIFF tài trợ. 

12-1633050810.jpg

Quang cảnh Hội nghị 

Theo báo cáo thống kê đầu tiên của Việt Nam về lao động phi chính thức được Tổng Cục Thống kê và Viện Khoa học Lao động – Xã hội công bố tại Hà Nội năm 2016 (Báo cáo được thực hiện với sự hỗ trợ của ILO) thì quy mô của lao động phi chính thức khá lớn với trên 18 triệu người, chiếm 57,2 % tổng số lao động phi hộ nông nghiệp. Nếu tính cả lao động trong khu vực hộ nông nghiệp, tỷ lệ lao động phi chính thức chiếm đến 78,6%. Trong khi chỉ có 1,7% lao động chính thức không được ký hợp đồng lao động,  thì có tới 76,7% lao động phi chính thức làm việc mà không có bất cứ một hợp đồng lao động bằng văn bản nào liên quan đến công việc đang làm. Trong đó, 62,1% có thỏa thuận miệng và 14,6% không có bất cứ một thỏa thuận nào. 

Với thực tế này, có thể nói người lao động phi chính thức luôn ở trong tình trạng không bảo đảm về việc làm, yếu thế trong thỏa thuận tiền lương, không được hưởng các chế độ phúc lợi và không được bảo đảm đầy đủ các điều kiện lao động.

Về tham gia BHXH: Chỉ có 0,2% số lao động phi chính thức tham gia BHXH bắt buộc và 1,9% tham gia BHXH tự nguyện. Trong khi đó có 80,9% lao động chính thức tham gia BHXH. Việc đa số lao động phi chính thức và một bộ phận người lao động chính thức không tham gia BHXH (cả bắt buộc và tự nguyện) đang đặt ra những hệ lụy to lớn cho người lao động khi gặp rủi ro dẫn đến mất thu nhập, cũng như những thách thức lớn cho hệ thống an sinh xã hội quốc gia.

Phát biểu tại Hội nghị tập huấn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam , bà Lê Thị Kim Thanh nhấn mạnh: Hiện nay, những vấn đề chính mà lao động phi chính thức đang gặp phải như: việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp, thời gian làm việc dài; không có hợp đồng lao động hoặc có nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác nhất là nhóm người làm việc trong khu vực  nhạy cảm, giúp việc gia đình, người lao động di cư. Vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động phi chính thức ngày càng tốt hơn thì sự tham gia của Hội Luật gia VN trong công tác truyền thông pháp luật, tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho các nhóm đối tượng này là rất quan trọng.

Mục tiêu của “Hội nghị tập huấn kỹ năng tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho người lao động phi chính thức tại Hà Nội” hướng tớí các hoạt động truyền thông, tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho các nhóm đối tượng lao động giúp việc gia đình, người làm dịch vụ nhạy cảm và những người bán hàng rong. Trong đó, tập trung vào các khía cạnh pháp luật lao động việc làm, y tế và giáo dục … 

Với mục đích nâng cao nhận thức về pháp luật để những lao động phi chính thức nhận thức được quyền và nghĩa vụ, nhận diện được các hành vi xâm phạm quyền theo quy định của pháp luật, hội nghị tập huấn hỗ trợ pháp lý tập trung vào các nội dung như: Những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến người lao động phi chính thức; Nhận diện các hành vi xâm phạm quyền và các kỹ năng tự vệ; Kỹ năng tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho người lao động phi chính thức; Kỹ năng giao tiếp với cơ quan, tổ chức trong việc tiếp cận và bảo vệ các vấn đề về lao động, việc làm, y tế, giáo dục; Truyền thông pháp luật về lao động, việc làm, BHYT, BHXH cho người lao động phi chính thức, nội dung, hình thức và các kỹ năng cần có; Các thủ tục hành chính trong lĩnh vực lao động, việc làm, y tế, giáo dục và những vướng mắc cần khắc phục; Và các bài tập thực hành tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho người lao động phi chính thức…

Với đặc điểm chủ yếu là thu nhập thấp và điều kiện làm việc không đảm bảo, lao động phi chính thức, đặc biệt là nữ giới dễ bị tổn thương hơn trước các tác động bên ngoài. Phần lớn trong số họ không được ký kết hợp đồng lao động nên không được tiếp cận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế mà chỉ có thể tham gia BHXH tự nguyện song với một tỷ lệ rất nhỏ trên thực tế. Vì vậy, mặc dù là nhóm lao động có việc làm nhưng họ lại đứng giữa ranh giới của sự bấp bênh giữa có việc làm và thất nghiệp, rất cần sự bảo vệ của pháp luật.

Tập huấn kỹ năng tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho người lao động phi chính thức cho những người làm dịch vụ nhạy cảm, người giúp việc gia đình, người bán hàng rong để họ tự bảo vệ bản thân là hết sức cần thiết và cấp bách. Thông điệp “Hiểu biết pháp luật và chấp hành pháp luật là bảo vệ chính mình và cộng đồng” nhằm hướng tới bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền được tôn trọng danh dự nhân phẩm con người, bảo vệ quyền trong lao động việc làm và an sinh xã hội.

Thành Chung
 

Bạn đang đọc bài viết "Tập huấn kỹ năng tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho người lao động phi chính thức" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin