Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Một số vấn đề lớn nhận được sự quan tâm đặc biệt của NLĐ và xã hội, cần tiếp tục nghiên cứu kĩ lưỡng

(Pháp lý) - Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của người lao động và xã hội. Trong đó, chính sách hưởng BHXH một lần, đề xuất hoán đổi năm đóng BHXH để được nghỉ hưu sớm và những vấn đề phát sinh khi cải cách tiền lương... cần được cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu kĩ lưỡng, đánh giá tác động cụ thể, để khi các chính sách bảo hiểm có hiệu lực đi vào cuộc sống, nhận được sự đồng thuận cao và bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động.
1-1714709946.jpg

Sửa Luật BHXH cần bảo đảm tốt hơn nữa quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động

Nhiều ý kiến vẫn băn khoăn về 2 phương án rút BHXH một lần

Rút BHXH một lần là chính sách có lẽ nhận được quan tâm nhiều nhất, bởi vậy đã qua nhiều cuộc hội thảo, hội nghị, thảo luận, góp ý, chính sách này vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Cụ thể, tại bản Dự thảo Luật (sửa đổi) mới nhất, quy định về rút BHXH một lần tiếp tục trình xin ý kiến với 2 phương án.

Phương án 1, người lao động đã tham gia BHXH trước khi luật có hiệu lực (dự kiến 01/07/2025), sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.

Người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi thì không được nhận BHXH một lần. Quy định này không áp dụng với các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định của luật.

Phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Đánh giá về các phương án như đề xuất, nhiều đại biểu có ý kiến cho rằng, mỗi phương án đều có ưu điểm và nhược điểm, còn nhiều vấn đề cần đánh giá tác động...Theo phân tích của đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, quy định ở phương án 1 là người lao động tham gia BHXH từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định hưởng bảo hiểm một lần là “chưa thấu hiểu nhân dân, chưa thấu hiểu người đóng bảo hiểm; có những trường hợp nghèo khổ lắm, chỉ cần một vài triệu đồng đã quý, nên phải xem xét lại quy định này xem như thế nào”.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí phương án 2 cũng chỉ giải quyết được một phần, nhưng tối đa không quá 50%, thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu, nhưng không biết bảo lưu đến bao lâu mới được hưởng? Ông nhấn mạnh: “Hưởng BHXH một lần là điều trăn trở vô cùng và được thảo luận rất nhiều lần, nhưng tôi cho rằng, cả 2 phương án vẫn chưa thực sự thỏa đáng”.

Nhìn từ góc độ quyền lợi của người đóng bảo hiểm, đại biểu Lý Tiết Hạnh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho rằng: người lao động đang làm việc bình thường và không nằm trong diện có thể rút BHXH một lần, nhưng chẳng may họ bị đột tử, mà trong số những người đó, có nhiều người có thời gian đóng BHXH rất lâu, có nhiều người là trụ cột trong gia đình, khi rơi vào trường hợp đó, theo luật, họ chỉ được hưởng chế độ tử tuất. Như vậy, theo nguyên tắc đóng hưởng, khi họ rơi vào trường hợp này, lại không được hưởng chế độ tương xứng. Đây là vấn đề tôi rất trăn trở, vị đại biểu tỉnh Bình Định bày tỏ.

thể thấy, mong muốn chung của người lao động là đảm bảo quyền lợi thực tế cuộc sống, như vậy dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cần xem xét dung hòa lợi ích giữa chính sách và nguyện vọng của người lao động để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, cần có quy định tăng chế độ chính sách của BHXH nhằm giữ người lao động tham gia thay vì hạn chế quyền rút của người lao động.

Kiến nghị hoán đổi năm đóng BHXH để được nghỉ hưu sớm

Theo quy định hiện hành, lao động nam muốn hưởng lương hưu tối đa 75% phải đóng đủ 35 năm BHXH, nữ đủ 30 năm. Nếu nghỉ hưu sớm sẽ bị khấu trừ 2%/năm. Còn nếu đóng thừa thời gian, người lao động (NLĐ) nhận khoản trợ cấp bằng 0,5 lần bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho mỗi năm thừa. Trên thực tế nhiều công nhân lao động đi làm khi tuổi còn rất trẻ, hiện nay đã thừa năm đóng BHXH để được hưởng 75%, nhưng lại thiếu tuổi nghỉ hưu nên khi về hưu sớm họ phải nhận mức lương hưu thấp.

Tại hội thảo góp ý cho dự thảo luật BHXH sửa đổi do Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc, đưa ra đề xuất cho NLĐ được hoán đổi năm đóng BHXH thừa cho số năm nghỉ hưu còn thiếu. Theo bà Hà, Luật BHXH (sửa đổi) cần tính toán kỹ để NLĐ không thiệt thòi. Nếu được thông qua, số người rút BHXH một lần cũng sẽ giảm.

Tại đã có rất nhiều ý kiến đề đạt nguyện vọng lao động vượt quá 30 năm đóng BHXH mà chưa đủ tuổi về hưu được quy đổi năm đóng để về hưu sớm. Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách - pháp luật (Tổng LĐLĐ VN) cho biết đối với người lao động trực tiếp sản xuất, sức khỏe kém không thể làm việc chờ đủ tuổi nghỉ hưu, muốn về hưu trước tuổi thì mỗi năm nghỉ sớm bị trừ đi 2%. Như vậy việc hoán đổi số năm đóng BHXH thừa để được ngh hưu sớm sẽ giảm thiệt thòi cho người lao động. Ủng hộ đề xuất hoán đổi thời gian đóng BHXH thừa trong lúc tuổi nghỉ hưu chưa đủ, ông Quảng cho rằng đây là nội dung mà cơ quan soạn thảo, Quốc hội cần nghiên cứu, xem xét trong quá trình sửa đổi luật BHXH.

2-1714709953.jpg

Đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động trong quá trình tham gia và thụ hưởng các quyền lợi về BHXH ( ảnh minh hoạ)

Từ thực tế khảo sát cho thấy đa số lao động muốn giảm tuổi nghỉ hưu. Giải pháp này đáp ứng được nguyện vọng của những người lao động đã tham gia BHXH sớm, thời gian đóng dài. Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết. Cơ quan này tính toán nếu đề xuất được thông qua sẽ tác động không lớn đến cân đối quỹ hưu trí. Biện pháp cũng phù hợp với tinh thần cải cách tăng quyền lợi để lao động tham gia BHXH sớm, gắn bó lâu dài với hệ thống, giảm rút BHXH một lần.

Theo BHXH Việt Nam, nhóm đóng vượt số năm tối đa hầu hết tham gia BHXH sớm, thời gian đóng dài nên xứng đáng được hưởng lương hưu sớm nếu có yêu cầu. Điều này còn đảm bảo công bằng giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp. Bởi quy định nghỉ hưu trước tuổi mà không bị trừ tỷ lệ hưởng hiện chỉ áp dụng với người thuộc diện tinh giản biên chế, sắp xếp lao động dôi dư, khối lực lượng vũ trang. Chính sách này chưa được áp dụng với doanh nghiệp.

Sửa luật, cần tính kĩ những vấn đề phát sinh khi cải cách tiền lương, bãi bỏ mức lương cơ sở

Theo tinh thần Nghị quyết số 27 của Trung ương, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ "bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng chế độ tiền lương mới, theo đó mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới". Như vậy, từ ngày 1/7/2024, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ phát sinh một số vấn đề liên quan đến sửa Luật BHXH.

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Ủy ban Xã hội chỉ rõ, do bãi bỏ "mức lương cơ sở" nên không còn căn cứ thực hiện được việc điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH để tính lương hưu; không còn căn cứ để tính hưởng một số chế độ BHXH và một số chế độ quy định ở các luật khác. Bên cạnh đó, theo UBXH, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của nhóm đối tượng thực hiện tiền lương do Nhà nước quy định sẽ tăng lên so với hiện hành, dẫn đến tiền đóng BHXH cũng tăng lên đáng kể. Điều này sẽ làm tăng phần chi ngân sách Nhà nước đóng cho những đối tượng này. Như vậy, việc cải cách tiền lương cũng sẽ làm phát sinh chênh lệch khá lớn về lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và sau ngày 1/7/2024, nếu không thực hiện điều chỉnh cho đối tượng nghỉ hưu trước thời điểm này khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Theo đó, nếu nghỉ hưu sau thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương (1/7/2024) từ 4 đến 6 năm, lương hưu của người nghỉ hưu sau khi thực hiện chính sách tiền lương đã tăng 40-50% so với những người nghỉ hưu trước khi thực hiện chính sách tiền lương mới.

Từ thực tế những tác động này, Thường trực Ủy ban Xã hội của QH cho rằng còn nhiều vấn đề Chính phủ cần phải tiếp tục làm rõ. Chính phủ cần rà soát đầy đủ và báo cáo, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung, bao gồm cả quy định việc thay thế "mức lương cơ sở" hiện hữu trong nhiều văn bản luật, nghị định, thông tư có liên quan.

Th nhất, cần làm rõ căn cứ để tính quy đổi thành mức tiền tuyệt đối khi chuyển xếp lương mới (bỏ mức lương cơ sở và hệ số), mức sàn an sinh xã hội tối thiểu và căn cứ tính.

Thứ hai là căn cứ để tính và điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với mức lương cơ sở khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương.

Thứ ba, cơ cấu tiền lương làm căn cứ để đóng BHXH đối với các đối tượng thực hiện tiền lương do Nhà nước quy định, bao gồm các khoản phụ cấp nào?

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Chính phủ làm rõ những vấn đề phát sinh cụ thể về lương hưu, các chế độ trợ cấp BHXH hàng tháng đối với lực lượng vũ trang (công an, quân đội), do nhóm đối tượng này có những đặc thù khác hệ dân sự (hệ số lương 1,8; tuổi nghỉ hưu thấp hơn...) và biện pháp xử lý.

Cải cách tiền lương là vấn đề lớn và sẽ tác động đến nhiều đối tượng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết các chế độ cụ thể của BHXH nên cần thiết phải sửa đổi những quy định về cách tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần; việc điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng BHXH và các quy định liên quan đến "mức lương cơ sở" trong dự thảo Luật BHXH.

Thành Chung (T/h)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin