Thanh tra Chính phủ vừa ra ban hành chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ.
Chương trình nhằm tạo chuyển biến tích cực trong thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN).
Theo chương trình, căn cứ định hướng công tác thanh tra năm 2021 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội ở các cấp, các ngành; đổi mới trong xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra; nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động thanh tra.
Thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động thanh tra, nhất là Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, Nghị quyết 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thanh tra; tập trung thanh tra vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật; chú trọng công tác kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước đối với ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương.
Hoạt động thanh tra chuyên ngành chú trọng thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực của các tổ chức, cá nhân, nhất là các lĩnh vực mà dư luận xã hội quan tâm. Chương trình nêu rõ sẽ nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm bảo nội dung kết luận chặt chẽ, khách quan, kịp thời và khả thi; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật; quan tâm kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra; đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng và đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật.
Phối hợp chặt chẽ trong quá trình hoạt động giữa cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán với nhau và với các cơ quan nội chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra.
Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC; tăng cường phối hợp, trao đổi với bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND nhằm tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC; nghiêm túc thực hiện chế độ tiếp công dân định kỳ và đột xuất, công khai lịch tiếp công dân trên cổng thông tin điện tử của cơ quan.
Tăng cường trao đổi, phối hợp giữa các cơ quan ở Trung ương và địa phương, tạo sự thống nhất trong quá trình xem xét, giải quyết, nhất là đối với những vụ việc KNTC phức tạp.
Mặt khác, đổi mới, có giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, tập trung ở những địa bàn, lĩnh vực xảy ra KNTC đông người, vượt cấp, không để phát sinh “điểm nóng”; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở gắn với công tác dân vận, tích cực vận động quần chúng nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hạn chế việc KNTC không đúng quy định.
Chương trình hành động xác định giải pháp quan trọng là nghiên cứu, phát huy cách làm mới, phù hợp trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình dịch bệnh Covid-19 để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC.
Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC, tập trung ở khu vực xã, phường, thị trấn...
Liên quan tới công tác PCTN, sẽ tập trung xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng; tiến hành thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện pháp luật về PCTN, nhất là công tác kê khai tài sản, xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện quy định về công khai, minh bạch trên các lĩnh vực tuyển dụng, bổ nhiệm...); phát hiện, xử lý kịp thời nghiêm minh các vụ việc tham nhũng; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng và chuyển điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng...
Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng.
Tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước và hướng dẫn thực hiện pháp luật về PCTN, nhất là việc theo dõi, đánh giá công tác PCTN trên phạm vi cả nước và từng bộ, ngành, địa phương.
Mở rộng hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp, trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, rà soát và hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN trong tình hình mới.
Theo noichinh.vn
Nguồn bài viết: https://noichinh.vn/cong-tac-phong-chong-tham-nhung/202103/tao-chuyen-bien-tich-cuc-trong-cong-tac-thanh-tra-giai-quyet-kntc-va-pctn-309276/