Tăng tính dân chủ, pháp quyền và chủ động của Quốc hội

13/05/2022 08:53

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội, một văn bản có ý nghĩa rất quan trọng quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 11, sáng 12/05, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Theo Tờ trình về dự thảo Nghị quyết, việc thực hiện Nội quy hiện hành đã góp phần thúc đẩy hoạt động của Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp, bài bản và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các Kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, sau hơn 06 năm thi hành, Nội quy năm 2015 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung.

Việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định liên quan đến kỳ họp Quốc hội theo hướng quy định cụ thể những quy trình, thủ tục tại kỳ họp chưa được quy định tại các luật chuyên ngành; còn những quy trình, thủ tục về các vấn đề cụ thể đã được quy định tại các luật chuyên ngành thì chỉ dẫn chiếu tại dự thảo Nghị quyết; sửa đổi, bổ sung cụ thể hóa những vấn đề về cải tiến, đổi mới công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, về quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp đã được thực tiễn kiểm nghiệm chứng minh là đúng đắn và phù hợp trong việc tổ chức kỳ họp (cả thường lệ và bất thường) nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp; đáp ứng kịp thời hơn yêu cầu thực tiễn...

10-1652406718.jpg

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển.

Trình bày báo cáo tóm tắt thẩm tra sơ bộ về dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết sửa đổi Nội quy Kỳ họp Quốc hội; tán thành 4 mục đích, quan điểm xây dựng dự thảo Nghị quyết được nêu trong tờ trình.

Đồng thời, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung và nhấn mạnh việc ban hành Nội quy Kỳ họp (sửa đổi) lần này phải đáp ứng được các mục tiêu, quan điểm: Bảo đảm tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, tính chủ động trong hoạt động của Quốc hội, tăng cường tính tranh luận trong các phiên họp, cuộc họp; phát huy trí tuệ, tinh thần đổi mới sáng tạo của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; bảo đảm các quy trình, thủ tục làm việc của Quốc hội tại Kỳ họp được xây dựng khoa học, chặt chẽ, logic, sát thực tiễn, khả thi, có tính chuyên nghiệp cao; tăng cường tính công khai, minh bạch trong các hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp; đưa hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó, gần gũi với Nhân dân.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định trong quá trình điều hành thảo luận tại hội trường, Chủ tọa có thể linh hoạt điều chỉnh thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội để bảo đảm chất lượng, hiệu quả thảo luận cũng như để có nhiều đại biểu hơn được tham gia thảo luận. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ và quy định cụ thể các trường hợp Chủ tọa có quyền quyết định kéo dài hoặc rút ngắn thời gian phát biểu (không quy định chung là “khi cần thiết”, nhằm bảo đảm minh bạch, thống nhất trong quá trình thực hiện).

Về thời gian phát biểu của đại biểu, các đại biểu cho rằng, không nên rút ngắn thời gian phát biểu xuống còn 5 phút, vì như thế là quá ngắn để đại biểu có thể lập luận đầy đủ vấn đề cần nói.

Tán thành với quy định thời gian phát biểu tối đa của đại biểu Quốc hội là 7 phút, tuy nhiên, song Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, có thể linh hoạt điều chỉnh thời gian phát biểu để bảo đảm chất lượng, hiệu quả thảo luận.

Đánh giá dự thảo Nghị quyết đã được xây dựng rất công phu, tâm huyết, song Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, chắc chắn, lập luận thuyết phục và đi vào những vấn đề lớn mang tính căn cơ.

Cụ thể, theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo Nghị quyết nêu vấn đề tăng cường tính dân chủ, mở rộng dân chủ  trong hoạt động của Quốc hội tại Kỳ họp, thì thực tế Kỳ họp Quốc hội từ trước đến nay vấn đề này đã được thực hiện như thế nào? Định hướng của việc mở rộng dân chủ tại Kỳ họp Quốc hội tới đây ra sao?. Dự thảo nội quy quy định đại biểu Quốc hội không được chất vấn quá 2 lần có hợp lý không, trong khi đang muốn có một Quốc hội tranh luận. Ngược lại, làm thế nào để quyền phát biểu của đại biểu mà không ảnh hưởng đến công tác điều hành kỳ họp.

Về tính chủ động thích ứng của Quốc hội, theo Chủ tịch Quốc hội cũng đặt ra nhiều vấn đề, không chỉ là chủ động thích ứng với dịch bệnh Covid-19 mà còn là những yêu cầu đặt ra trong cuộc sống cần phải có Kỳ họp bất thường, thích ứng với khoa học công nghệ…

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo và các cơ quan của Quốc hội tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội.

Theo thuonghieucongluan.com.vn

Nguồn bài viết: https://thuonghieucongluan.com.vn/tang-tinh-dan-chu-phap-quyen-va-chu-dong-cua-quoc-hoi-a171595.html

Bạn đang đọc bài viết "Tăng tính dân chủ, pháp quyền và chủ động của Quốc hội" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin