Ngày 17/7, TANDTC phối hợp với Liên minh Châu âu và Chương trình phát triển Liên Hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với 14 dự thảo án lệ nhằm góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp.
PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án TANDTC; TS. Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TANDTC; bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.
Cùng tham dự Hội thảo có đại diện Thẩm phán TANDTC, TAND cấp cao tại Hà Nội; thành viên Hội đồng tư vấn án lệ, TAND hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc, các chuyên gia, nhà khoa học, luật sư đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu…
Đảm bảo các án lệ được ban hành có chất lượng cao
Hội thảo nhằm lấy ý kiến góp ý đối với các dự thảo án lệ được tổ chức với mục đích góp ý, hoàn thiện các dự thảo án lệ được Hội đồng tư vấn án lệ rà soát, lựa chọn phát triển thành án lệ.
Tại Hội thảo, TANDTC sẽ tham vấn ý kiến đóng góp của các nhà khoa học thực tiễn, các chuyên gia pháp lý để từ đó tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo án lệ. Đảm bảo các bản án, quyết định được lựa chọn, phát triển thành án lệ phải thực sự chất lượng, có tính chuẩn mực, có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án TANDTC nhấn mạnh: Trong những năm vừa qua TANDTC đặc biệt quan tâm đến công tác lựa chọn, công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Đến nay, TANDTC đã công bố được 37 án lệ, trong đó có 07 án lệ về hình sự, 19 án lệ về dân sự, 07 án lệ về kinh doanh, thương mại, 01 án lệ về lao động, 01 án lệ về tố tụng dân sự, 02 án lệ về tố tụng hành chính.
Tiếp tục triển khai công tác phát triển án lệ năm 2020, thông qua hoạt động thường xuyên về rà soát, phát hiện án lệ cũng như trên cơ sở đề xuất của chuyên gia, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC đã xây dựng 14 dự thảo án lệ trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, kinh doanh, thương mại. Để đảm bảo các án lệ được ban hành có chất lượng tốt,
PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, phát biểu ý kiến đối với nội dung từng dự thảo án lệ. Các ý kiến của các chuyên gia, luật sư tại hội thảo sẽ là nguồn tư liệu tham khảo quan trọng cho Hội đồng Thẩm phán TANDTC trong quá trình lựa chọn, thông qua án lệ.
Tại hội thảo, ông Ngô Văn Nhạc, Vụ Phó Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC đã báo cáo, đề xuất 14 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của các Tòa án làm nguồn đề phát triển thành án lệ.
Cụ thể, về hình sự, có 1 dự thảo án lệ về phân biệt tội “Giết người” và tội “Giết người” do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Về dân sự, có 10 dự thảo án lệ, gồm: Giá trị pháp lý của thỏa thuận hòa giải thành khi quyết định công nhận thỏa thuận bị hủy vì sai thủ tục; Công nhận việc chuyển đổi quyền sử dụng đất ở trên thực tế; Hiệu lực của bản sao có chứng thực khi bản gốc bị thất lạc; Quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề; Quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy kết quả bán đấu giá tài sản; Quyền được ưu tiên thanh toán của người trả nợ thay bên vay để giải chấp tài sản khi xử lý tài sản đó; Quyền khởi kiện lại vụ án sau khi có quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án do nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí định giá tài sản; Quyết lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có thỏa thuận trọng tài; Chấm dứt hôn nhân thực tế; Xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết.
Về kinh doanh thương mại, có 2 dự thảo án lệ gồm: Hiệu lực của hợp đồng thế chấp trong trường hợp tài sản thế chấp là nhà đất do bên thế chấp nhận chuyển nhượng của người khác, nhưng chưa thanh toán đủ tiền cho bên mua; Hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có thỏa thuận về nghĩa vụ trả lãi nếu chậm nộp phí bảo hiểm; Xác định quyền sở hữu đối với hợp đồng đặt cọc.
Xem xét, lựa chọn các bản án, quyết định để phát triển án lệ
Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe các tham luận góp ý đối với 14 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC đề xuất lựa chọn làm nguồn phát triển thành án lệ. Nhiều đại biểu tham dự hội nghị trực tiếp trao đổi, gợi mở nhiều nội dung, mở rộng phạm vi áp dụng án lệ hoàn thiện bổ sung dự thảo báo cáo. Đa số các các ý kiến đánh giá cao chất lượng của nguồn phát triển thành án lệ.
Bên cạnh đó vẫn còn một số ý kiến khác nhau. Thạc sỹ Đào Sỹ Hùng, Phó Chánh án TANDT thành phố Hà Nội cho biết: Qua thực tiễn xét xử, trong đời sống xã hội phát sinh nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp mà Tòa án phải giải quyết. Có những tranh chấp đã được các quy định pháp luật điều chỉnh. Tuy nhiên đã phát sinh một số tranh chấp mà quy định của pháp luật về những tranh chấp này chưa cụ thể, chưa rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau. Thậm chí theo quy định tại khoản 2, Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng”.
Do vậy, Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP về việc lựa chọn các bản án có hiệu lực pháp luật đẻ phát triển án lệ đáp ứng tiêu chí: Có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khách nahu, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lỗi xử lý, quy phạp pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể, hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề có có điều luật cụ thể, nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết các tranh chấp..
Trình bày ý kiến tại Hội thảo, ông Tưởng Duy Lượng, nguyên Phó Chánh án TANDTC cho rằng, án lệ là một loại gương phản chiếu hình ảnh của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, hình ảnh của TANDTC. Đối với nhiều người, nhất là người ngoài thi nó là hình ảnh của Tòa án Việt Nam. Bởi vậy, khi chọn án lệ cần cân nhắc toàn diện, không phải chỉ quan tâm đến đoạn sẽ chọn là án lệ mà phải chú ý tới nguồn án lệ.
Theo ông Lượng, để thuận lợi trong việc theo dõi nắm bắt nội dung trong khi nghiên cứu án lệ, không nên viết tắt tên đương sự mà nên đổi tên hoặc đổi họ để sự vật thay đổi, không lo xâm phạm quyền nhân thân.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc của các đại biểu và ghi nhận các ý kiến tham luận, trao đổi, góp ý hết sức thẳng thắn, cụ thể và sâu sắc, có giá trị cao giúp cho TANDTC trong việc xem xét, lựa chọn các bản án, quyết định để phát triển án lệ.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, các bản án được đưa ra tại Hội thảo hôm nay chưa phải là án lệ mà mới chỉ là những lựa chọn bước đầu, dự kiến đề xuất làm nguồn để phát triển thành án lệ. Để được công nhận là án lệ, các bản án, quyết định này cần phải được đa số các ý kiến đồng tình, được Hội đồng tư vấn án lệ cho ý kiến trước khi trình Hội đồng Thẩm phán TANDTC công nhận là án lệ.
Trên cơ sở còn nhiều ý kiến khác nhau, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đề nghị Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu đối với dự thảo 14 án lệ để lựa chọn, chỉnh lý và trình Hội đồng Thẩm phán TANDTC nghiên cứu, xem xét trước khi ban hành chính thức.
Theo congly.vn
Nguồn bài viết: https://congly.vn/hoat-dong-toa-an/tieu-diem/tandtc-to-chuc-hoi-thao-lay-y-kien-doi-voi-14-du-thao-an-le-351262.html