Luật sư Trương Thị Hòa luôn dùng tấm chân tình mộc mạc để thu hút thân chủ và người đối diện. Khi tiếp nhận vụ việc dù lớn hay nhỏ, án ly hôn hay tranh chấp, điều bà nghĩ đến đầu tiên là hàn gắn, xử lý sao cho có đạo lý dựa trên pháp lý.
Duyên nghề từ một lần trú mưa
Luật sư Trương Thị Hòa (đoàn Luật sư TP.HCM) là Trưởng văn phòng Luật sư Trương Thị Hòa (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM). Bà hành nghề luật sư từ trước năm 1975 và gắn bó với nghề hơn 45 năm.
Nhiều người biết đến luật sư Trương Thị Hòa bởi bà thường đi nói chuyện chuyên đề pháp luật từ cấp phường đến cấp thành phố. Trong giai đoạn những năm 1990, các doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp làm ăn nhưng không rành luật, bà chính là người đăng đàn trò chuyện pháp luật, gỡ rối về thủ tục pháp lý để giúp họ bước vào con đường kinh doanh.
Dù là nữ luật sư có tiếng của đoàn Luật sư TP.HCM nhưng trong hơn 45 năm làm nghề, bên cạnh việc tham gia bảo vệ pháp lý nhiều vụ ly hôn đình đám của những đại gia và giới nghệ sĩ, bà chưa bao giờ từ chối người nghèo. Nhiều lao động nghèo, nhất là phụ nữ thường tìm đến bà Hòa để tư vấn pháp lý miễn phí.
Nói về cơ duyên theo nghề “thầy cãi”, luật sư Hòa nhớ lại: “Hồi nhỏ, trong một lần tình cờ, trên đường đi học về, tôi phải trú mưa trong khuôn viên tòa án. Đứng ở đó, tôi thấy một nữ luật sư đang tham gia tranh luận trong một phiên xét xử. Tôi vẫn nhớ mãi cái không gian im phăng phắc của phiên tòa mỗi khi nữ luật sư cất tiếng. Với tôi, hình ảnh của nữ luật sư đẹp lắm. Từ lần ấy, tôi bắt đầu tìm hiểu về nghề luật sư. Tôi nhận ra luật sư là một nghề độc lập. Làm luật sư có thể tiếp cận được với mọi người và đặc biệt có thể giúp đỡ được rất nhiều người. Do đó, nghề luật sư càng ngày càng thu hút tôi”.
Tuy nhiên, nghề nào cũng có những khó khăn của riêng nó, nghề luật cũng vậy, nhất là với nữ giới như bà Hòa. Bởi, trong xã hội, nhiều người vẫn nghĩ luật sư phải là nam giới mới tốt. “Tôi nhớ có người từng nói thẳng với một luật sư của văn phòng tôi rằng: “Nghe giới thiệu luật sư Hoà là luật sư nữ, tôi đã không muốn nhờ...”. Dù vậy, tôi vẫn quyết tâm theo đuổi nghề này bởi tôi tin rằng, dần dần xã hội cũng xa rời quan niệm đó. Nhất là các thân chủ nữ, họ có xu hướng đi tìm luật sư nữ nhiều hơn”, luật sư Hòa bộc bạch.
Với bà Hòa, làm luật sư, điều quan trọng nhất là làm cho khách hàng quý trọng mình. Để làm được điều đó, người luật sư phải đối xử một cách chân thành, phải thu hút thân chủ của mình bằng tấm chân tình, phải thấy vấn đề của họ là vấn đề của mình, không được đổi trắng thay đen, không nói không thành có, nói có thành không. Nếu không, chính khách hàng của mình sẽ khinh mình, bản thân khách hàng sẽ thấy mình là người không đàng hoàng.
Trước mỗi phiên toà, luật sư Hòa vẫn cho rằng, các luật sư phải hùng biện chứ không phải hùng hổ. Hùng biện nằm ở lý lẽ, nói năng cho có lập luận, chứng cứ. “Tôi vẫn nói với học trò của mình là pháp lý phải có đạo lý. Mình nói chuyện pháp lý mà nghe chối tai cũng không được”, bà Hòa thủ thỉ.
Hạnh phúc khi giúp đỡ ai đó
Do làm công tác mặt trận, công tác của hội Phụ nữ nên luật sư Hòa có cơ hội gặp gỡ nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Với tâm niệm giúp đỡ những trường hợp ấy bằng mọi cách, trong khả năng của mình nên bà Hòa đi đến quyết định trợ giúp pháp lý với những người nghèo.
Bà chia sẻ, điều đáng buồn là hiện nay, tỉ lệ ly hôn ở nước ta rất cao. Hàng tháng, văn phòng của bà phải nhận giải quyết rất nhiều vụ ly hôn. Khi tiếp cận khách hàng, bà nhận thấy phụ nữ thường là người chủ động ly hôn nhiều hơn. Mỗi người đến tìm gặp luật sư Hòa đều có những số phận, cảnh ngộ và mong muốn khác nhau, nhưng tựu trung lại thì nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ phần nhiều vẫn là do sự bất đồng quan điểm giữa những người trong gia đình mà không có cách nào để hàn gắn, chia sẻ.
Những vụ ly hôn gây cho luật sư Hòa nhiều ấn tượng, xúc động nhất là những vụ ly hôn của những người công nhân nghèo. Bà kể: “Tôi nhớ có lần nhận hồ sơ của một cô gái làm công nhân tại TP.HCM. Chồng cô ấy làm thợ hồ ở tỉnh, lên TP.HCM thì cả hai quen nhau rồi cưới. Sau khi cưới, anh ta đưa vợ về tỉnh ở và có con. Nhưng không lâu sau, vợ chồng mâu thuẫn rồi quyết định ly hôn. Khi ra toà ở tỉnh, toà giải quyết quyền nuôi con cho anh chồng nên cô vợ đến đây tìm tôi”.
Khi nghe câu chuyện, bà thấy toà giải quyết không sai. Bởi sau ly hôn, người vợ phải về TP.HCM. Ở quê chồng, cô ấy không có nhà, cũng không có việc làm. Trong khi đó, con của cô ấy đang sinh sống ổn định ở quê, chồng cô có việc làm. Cô ấy cũng nói, dù toà không nói ra nhưng cô hiểu họ cũng thương mẹ chồng của cô. Bà đã già và mù nên họ muốn để cho bà có cháu để “thủ thỉ” sớm hôm.
Sau đó, cô ấy có hỏi ý kiến luật sư Hòa và được bà khuyên, cô phải có việc làm, chỗ ở. Đặc biệt, nữ luật sư muốn cô ấy phải hứa sau này phải thường xuyên cho bà nội thăm cháu, cho con qua lại bên nội, không được ngăn cản, xa rời bên nội. Cô ấy đều hứa với luật sư hết và bà Hòa tin nên đã làm đơn giúp. “Tôi cũng nói rõ trong đơn là quan điểm của tôi là vì đứa trẻ, chứ không phải vì người lớn. Do đó, trong đơn, tôi đưa ra lý do bà nội khó có thể chăm sóc cháu bé được, hơn thế nhà của người chồng lại ở bên sông, rạch... Đây là vụ án tôi cảm thấy đau lòng và mãi đến bây giờ vẫn còn cảm giác day dứt. Dù tôi đã giúp cho người mẹ ấy có được đứa con nhưng lại thấy thương bà mẹ chồng. Đành rằng vẫn biết bà ấy khó có thể chăm sóc tốt cho đứa bé nhưng sao tôi mãi cảm thấy day dứt”, luật sư Hòa tâm sự.
Tham gia giải quyết các vụ ly hôn, luật sư Hòa may mắn được cả hai bên chia sẻ thật lòng. Bà tâm sự: “Thường thì họ kể cho tôi nghe về chuyện quá khứ, kỷ niệm ngày gặp nhau, yêu nhau như thế nào. Với tôi, để giải quyết các vụ ly hôn, tôi luôn tâm niệm, dù thế nào, người ta cũng có một thời gian sống với nhau. Do đó, luật sư làm án ly hôn phải hiểu hơn ai hết hôn nhân là “dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”. Thế nên, luật sư không nên thúc đẩy chuyện ly dị, ly hôn mà phải nói sao đó để người ta có thể hàn gắn.
Tôi nhớ hoài lần tại tòa TP.HCM, có đôi vợ chồng sau khi được tòa giải quyết ly hôn đã nói với tôi: “Vậy là tụi con xong rồi đó hả cô. Chắc tụi con muốn đoàn tụ quá”. Nghĩa là, lúc ấy, người ta mới cảm nhận được sự luyến tiếc, hụt hẫng khi đánh mất đi một thứ quý giá, gần gũi và thân thuộc”.
Khi tiếp nhận một vụ ly hôn, luật sư Hòa thường khuyên khách hàng hàn gắn. “Có vụ tôi hàn gắn thành công, có vụ kéo dài đến khi con vào đại học. Tôi nhớ vụ của một khách hàng đến đòi ly hôn chồng. Lúc này, con chị ấy đang học THPT, sắp vào đại học. Nghe tôi khuyên, chị ấy không ly hôn nữa. Sau đó, khi con chị vào đại học, chị ấy lại đến tìm tôi và nói nhất quyết ly hôn chồng. Nhưng khi ngồi với tôi, chị ấy nói chồng vừa mất chức. Thấy vậy tôi nói: “Đó, ông ấy vừa mất chức giờ lại chuẩn bị mất vợ”. Nghe vậy, chị ấy suy nghĩ rồi nói: “Thôi để tôi suy nghĩ lại” rồi ra về”, bà Hòa thuật lại.
Nữ luật sư chia sẻ: “Như đại thi hào Goethe từng nói: “Mọi lý thuyết đều là màu xám, chỉ cây đời là mãi mãi xanh tươi”, vì thế cho nên, người luật sư nếu biết khai thác tình tiết khách quan trong vụ án thì sẽ có sự công bằng, đạo lý. Dù người ta căng thẳng với nhau nhưng khi mình đưa được những vấn đề chạm đến trái tim và chạm đến tâm hồn thì người ta sẽ khác. Niềm hạnh phúc của chúng tôi là khi giúp đỡ được ai đó, họ đến đây nói lời cảm ơn...”.
Theo doisongphapluat.com
Nguồn bài viết: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/tam-chan-tinh-cua-nu-luat-su-co-duyen-lam-cau-noi-cho-nhung-ran-nut-a266677.html