Tài sản bị tịch thu trong đại án thất thoát 9.000 tỷ đồng

29/07/2016 04:35

Nhà chức trách kê biên tài sản giá trị hàng trăm tỷ đồng của ông Phạm Công Danh, Tập đoàn Thiên Thanh nhưng hầu hết chúng đã được đảm bảo cho các khoản vay khác có giá trị cao hơn.

Cáo trạng của VKSND Tối cao thể hiện, khi thực hiện lệnh bắt và khám xét đối với ông Phạm Công Danh (51 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh), cơ quan điều tra đã thu giữ 217 triệu đồng, 121.900 USD ông Danh mang trong người và 500.000 USD để trong phòng tại khách sạn Sofitel Hà Nội.

21 sổ chứng nhận sở hữu 84% cổ phần tại VNCB đã được ông Danh ủy quyền cho người thân đứng tên cũng bị thu giữ. Tuy nhiên, chúng không còn giá trị thực tế vì VNCB đã thua lỗ nặng, âm vốn chủ sở hữu và được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.

[caption id="attachment_145166" align="aligncenter" width="410"] Những tài sản tịch thu của ông Danh để đảm bảo thi hành án không thấm vào đâu so với thiệt hại. Ảnh: H.D
Những tài sản tịch thu của ông Danh để đảm bảo thi hành án không thấm vào đâu so với thiệt hại. Ảnh: H.D[/caption]

124 sổ tiết kiệm của nhóm Trần Ngọc Bích (Giám đốc Công ty TNHH Tân Hiệp Phát) có giá trị 5.881 tỷ đồng cũng bị tịch thu. Nhưng toàn bộ đã được nhóm bà Bích thế chấp cho chính VNCB vay 5.490 tỷ đồng và sau đó bị ông Danh chỉ đạo chuyển vào tài khoản của mình để trả nợ cho các khoản vay trước đó với nhóm Trần Ngọc Bích. Quá trình xét xử, bà Bích cho rằng, không biết việc ông Danh tự ý rút tiền trong tài khoản của mình và yêu cầu HĐXX tuyên buộc VNCB trả lại 124 sổ tiết kiệm để tất toán các khoản vay.

Ngoài ra, cơ quan điều tra đã tịch thu kê biên 37 bất động sản tại các tỉnh: TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, 7 bất động sản và 10 lô đất là Sân vận động Chi Lăng tại TP Đà Nẵng, đất tại Quảng Nam, Quảng Ngãi. Những bất động sản này hầu hết đứng tên các công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và đã được ông Danh đem thế chấp tại các tổ chức tín dụng đảm bảo cho khoản vay hơn 7.170 tỷ đồng.

Để làm rõ khả năng khắc phục hậu quả trong đại án này, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã trưng cầu Hội đồng định giá tài sản tại các tỉnh, thành phố có liên quan. Đến nay, ngoài lô đất tại 209 Trường Trinh (là sân vận động Chi Lăng – Đà Nẵng) chưa có kết quả định giá, các tài sản còn lại có tổng giá trị 642 tỷ đồng.

Kết quả xác minh cũng cho thấy, số dư trên các tài khoản của ông Danh cũng như các công ty của ông Danh tại Ngân hàng ACB và VNCB chỉ còn khoảng 5 tỷ đồng.

Như vậy, những tài sản đã kê biên của ông Danh cũng như Tập đoàn Thiên Thanh theo kết quả định giá hiện nay chỉ có giá trị khoảng gần 700 tỷ đồng. Số tiền này không thấm vào đâu so với thiệt hại 9.000 tỷ đồng cùng với hàng nghìn tỷ đang nợ tại các tổ chức tín dụng khác.

Phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm về các tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng vẫn đang tiếp tục với phần xét hỏi. Phiên xử dự kiến kéo dài đến cuối tháng 8.

Trong quá trình tham gia tái cơ cấu Ngân hàng xây dựng, ông Danh bị cáo buộc chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hợp đồng kinh tế khống để rút tiền khỏi VNCB chi chăm sóc khách hàng, nợ cá nhân... dẫn đến thất thoát 9.000 tỷ đồng. Còn sai phạm của ông trong việc giải ngân trái phép hơn 6.600 tỷ đồng được tách ra để xử lý trong một vụ án khác.

Theo Vnexpress

Bạn đang đọc bài viết "Tài sản bị tịch thu trong đại án thất thoát 9.000 tỷ đồng" tại chuyên mục Bài nổi bật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin