Sửa đổi Luật Kiểm toán: Cần tập trung làm rõ đối tượng, thẩm quyền và trách nhiệm của Kiểm toán

(Pháp lý) - Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0 gắn với việc hội nhập, đòi hỏi Quốc hội cần nâng cao hơn nữa năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước (KTNN). Do đó, sửa đổi Luật Kiểm toán cần tập trung làm rõ các vấn đề: đối tượng kiểm toán; thẩm quyền và trách nhiệm của kiểm toán; tố tụng kiểm toán; vai trò của kiểm toán trong phòng, chống tham nhũng…

Luật KTNN năm 2015 đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung
Luật KTNN năm 2015 đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung)

Luật KTNN được ban hành năm 2015 trên cơ sở sửa đổi, bổ sung khá nhiều nội dung của Luật Kiểm toán năm 2005. Có thể nói việc ban hành Luật KTNN 2015 là bước phát triển khá quan trọng trong nhận thức về KTNN, đã khắc phục nhiều vấn đề bất cập, nhiều hạn chế của Luật KTNN 2005.

Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thi hành, Luật KTNN năm 2015 đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Đối tượng kiểm toán: quy định rõ để tránh lạm quyền

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật KTNN lần này chính là việc mở rộng đối tượng kiểm toán.

Về vấn đề này, KTNN đã đề xuất 2 phương án trong Dự thảo Luật. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, 2 phương án thực chất là giữ nguyên như đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

Bởi, phương án 1 là giữ nguyên như đã trình; phương án 2 là chuyển nội dung đã bổ sung tại phương án 1 sang Điều 3 dẫn đến chưa rõ ràng và mở rộng đối tượng kiểm toán so với quy định tại Điều 4 Luật KTNN hiện hành, đặc biệt là sẽ bao gồm các tổ chức là doanh nghiệp không thuộc sở hữu nhà nước.

Trên cơ sở đó, ông Hải đề xuất nên sửa đổi theo hướng bổ sung nội dung để làm rõ khái niệm tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán trên nguyên tắc bảo đảm điều kiện các tổ chức, cá nhân này là tổ chức, cá nhân mà kiểm toán viên xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán là có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán.

Đồng thời, bổ sung quy định để làm rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; quyền hạn, phạm vi, trách nhiệm, trình tự, thủ tục của KTNN khi kiểm tra, đối chiếu đối với tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trước vấn đề trên, theo ông Hồ Đức Phớc, ở đâu có tài chính công, tài sản công thì ở đó phải được kiểm toán. Trên thực tế có nhiều cơ quan nhà nước liên kết với các doanh nghiệp không trong khối nhà nước. Do đó phải kiểm toán các tổ chức có liên quan này để đối chiếu với cơ quan nhà nước.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nơi nào sử dụng tài chính, tài sản công thì nơi đó phải được kiểm toán. Ví như trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn có sự tham gia của các tổ chức khác nên không phải cái gì kiểm toán cũng “xông vào” kiểm toán. Do đó Luật cần quy định rõ, bởi nếu không quy định rõ sẽ dẫn đến lạm quyền.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi Kiểm toán Nhà nước có thẩm quyền điều tra hay không?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi Kiểm toán Nhà nước có thẩm quyền điều tra hay không?)

Quy định về thẩm quyền của KTNN cần thống nhất với các luật hiện hành

Nhận định dự thảo Luật mở rộng quyền hạn của KTNN, song Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) lại cho rằng, dự thảo chưa bám sát Nghị quyết số 18-NQ/TW của BCH Trung ương về tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn hiệu lực hiệu quả, chưa đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Cụ thể, vị ĐBQH này chỉ ra, dự thảo Luật còn có nội dung chồng chéo với một số luật khác, có nội dung vượt thẩm quyền, mới chỉ chủ yếu đề cập đến chức năng, nhiệm vụ và mở rộng quyền hạn của KTNN,….

Thêm vào đó, một số quy định không thuộc phạm vi của Luật này mà phải quy định trong các luật khác như: Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Giám định tư pháp.

Do đó, Đại biểu Tạo lo ngại, việc dự thảo chồng lấn với các Luật hiện hành sẽ gây khó khăn trong bảo đảm tổ chức bộ máy của KTNN tinh gọn hay bảo đảm nguồn lực thực hiện nếu mở rộng phạm vi nhiệm vụ quyền hạn.

Trước băn khoăn của các đại biểu liên quan tới các quy định về thẩm quyền của KTNN, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết, việc bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp, quyền xử phạt vi phạm hành chính, thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Tổng KTNN…đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đặt ra.

“Các luật liên quan không có quy định về vấn đề này nên gây khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của KTNN”, ông Phớc nói. Ông Hồ Đức Phớc cũng nêu rõ, thực tiễn các cơ quan điều tra vẫn có yêu cầu KTNN tham gia giám định tư pháp đối với các vụ án tham nhũng nhưng Luật Giám định tư pháp không có quy định nên KTNN khó thực hiện nhiệm vụ.

Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN

Về quyền xử phạt hành chính, dự thảo Luật chỉ quy định xử phạt hành chính đối với hành vi cản trở và chống đối trong quá trình kiểm toán. Về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật chỉ đề nghị ban hành văn bản trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng.

Các quy định về mức phạt tiền tối đa và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, cũng là một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm tại dự thảo sửa đổi Luật Kiểm toán.

Theo đó, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương, ĐB Tống Thanh Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu) đều có chung câu hỏi: liệu có quá chức năng nhiệm vụ hay không, liệu có phù hợp với xử lý vi phạm hành chính hay không?

Giải trình về vấn đề này, Tổng KTNN cho rằng, KTNN không xử phạt hành chính các công chức, viên chức, mà những đơn vị có liên quan khi kiểm toán nếu có hành vi cản trở hoạt động kiểm toán ngoài Luật Công chức, viên chức thì xử phạt hành chính.

“Chúng tôi chỉ phạt hành vi cản trở và chống đối. Các quốc gia trên thế giới đều có quy định về vấn đề này, thậm chí tại Hàn Quốc còn phạt tù lên đến 6 tháng”, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Kiểm toán không phát hiện được tham nhũng, có bị xử lý?

Đồng tình với việc cụ thể hoá trách nhiệm chống tham nhũng khi sửa đổi Luật KTNN mà bất cập thể hiện rõ nhất ở vụ việc 11 đoàn thanh kiểm tra ở Vinashin nhưng không phát hiện ra vi phạm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cần quy định rõ, trách nhiệm của đoàn thanh tra, kiểm toán khi đã vào thanh tra, kiểm toán nhưng không phát hiện ra sai phạm.

Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị đưa Điều 62 Luật Phòng, chống tham nhũng vào, chứ không nên sửa đổi nội dung này. “Một số quy định phải cụ thể hóa quy định phòng, chống tham nhũng trong Luật Kiểm toán nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch và chống tham nhũng trong chính cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng”, bà Nga nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề cụ thể hoá Luật Phòng chống tham nhũng nêu trên , Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc cụ thể hóa là đúng, nhưng phải quy định như thế nào để phù hợp với bản chất, yêu cầu của hoạt động kiểm toán. KTNN có thẩm quyền điều tra hay không?. Cho nên cụ thể hoá Luật Phòng, chống tham nhũng thì cụ thể như thế nào? Đây là những vấn đề mà các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét kĩ lưỡng trước khi Quốc hội cho ý kiến Luật.

Cần bổ sung quy định về tố tụng kiểm toán

Phát biểu trước Quốc hội về sự cần thiết trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) chỉ rõ, thực tiễn hiện nay, Luật Kiểm toán nổi lên ba vấn đề vướng mắc cần phải giải quyết.

Vướng mắc đầu tiên mà vị ĐBQH chỉ ra, đó là chưa có quy định về việc theo đuổi đến cùng quyền khiếu nại, tố cáo của người nộp thuế. Hai là, kết luận của KTNN không giống với bản án đã có hiệu lực của tòa án là có giá trị bắt buộc thi hành nhưng hiện nay kết luận của KTNN lại có giá trị bắt buộc thực hiện và không có cơ chế tố tụng. Ba là, Tổng KTNN không có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính cho nên gặp khó khăn trong việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo về kết luận kiểm toán.

Do đó, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị bổ sung trong dự thảo Luật quy định về tố tụng kiểm toán theo hai hướng là tố tụng trong nội bộ hoạt động kiểm toán ở cấp khiếu nại tố cáo đối với hoạt động kiểm toán ban đầu, khiếu nại lên Tổng KTNN, khiếu nại lên Hội đồng Kiểm toán và tố tụng tại tòa án. Đồng thời, Luật Quản lý thuế ghi nhận quyền người nộp thuế trong trường hợp không thỏa mãn với kết luận kiểm toán thì có quyền khởi kiện.

 Theo ông Hồ Đức Phớc, ở đâu có tài chính công, tài sản công thì ở đó phải được kiểm toán
Theo ông Hồ Đức Phớc, ở đâu có tài chính công, tài sản công thì ở đó phải được kiểm toán)

Trước ý kiến của ĐB Vân, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết: dự thảo cần sửa đổi lại Điều 7 Luật Kiểm toán hiện hành theo hướng bổ sung quyền kiến nghị, khiếu nại đối với báo cáo kiểm toán cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan. Đây là căn cứ để cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khiếu nại và giải quyết khiếu nại.

Điều 22, dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) quy định trách nhiệm của Kiểm toán viên nhà nước như sau:

1. Thực hiện nhiệm vụ kiểm toán và chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán được phân công; đưa ra ý kiến đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán.

2. Tuân thủ pháp luật, nguyên tắc hoạt động, chuẩn mực, quy trình, nghiệp vụ Kiểm toán nhà nước và các quy định khác có liên quan của Tổng Kiểm toán nhà nước.

3. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về những bằng chứng, đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán.

4. Thu thập bằng chứng kiểm toán, ghi nhận và lưu trữ tài liệu làm việc của Kiểm toán viên nhà nước theo quy định của Tổng Kiểm toán nhà nước.

5. Giữ bí mật thông tin, tài liệu thu thập được trong quá trình kiểm toán.

6. Khi thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước phải xuất trình thẻ Kiểm toán viên nhà nước.

7. Thường xuyên học tập, rèn luyện để nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp; thực hiện chương trình cập nhật kiến thức hàng năm theo quy định của Tổng Kiểm toán nhà nước.

8. Báo cáo kịp thời, đầy đủ với người ra quyết định thành lập Đoàn kiểm toán khi có trường hợp quy định tại Điều 28 của Luật này và các tình huống khác làm ảnh hưởng đến tính độc lập của Kiểm toán viên nhà nước.

Giang Nguyễn (tổng hợp)

 

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin