Sẽ chuyển cơ quan điều tra xử lý chủ đầu tư không khắc phục PCCC

Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, đang củng cố hồ sơ để chuyển cơ quan điều tra xử lý theo pháp luật về những toà chung cư có biểu hiện chây ì, chậm khắc phục PCCC.

Sáng nay (6/7), tại kỳ họp thứ 6 - HĐND TP.Hà Nội khóa XV đã diễn ra buổi chất vấn giữa các thành viên UBND thành phố về vấn đề yếu kém trong việc quản lý vận hành nhà chung cư. Trong đó, nhiều Đại biểu (ĐB) đã đưa ra câu hỏi liên quan tới việc PCCC các toà nhà chung cư.

Liên quan tới việc nhiều toà chung cư cao tầng xảy ra cháy nổ trong thời gian vừa qua, nhiều ĐB đã tỏ ra lo lắng về các toà nhà chung cư mất an toàn cháy nổ và chất vấn trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu?

Tại phiên họp, ĐB Duy Hoàng Dương đặt ra câu hỏi, trên địa bàn TP.Hà Nội còn bao nhiêu công trình chung cư không đảm bảo PCCC, 6 tháng đầu năm đã phát sinh thêm bao nhiêu công trình vi phạm mới?

Qua đó, ĐB Dương đề nghị lãnh đạo lực lượng Cảnh sát PCCC, Công an TP.Hà Nội làm rõ trách nhiệm của mình đối với những trường hợp này và cho biết lộ trình cụ thể khắc phục vi phạm. “Đặc biệt đối với 68 chung cư tái định cư không đảm bảo PCCC, phải có giải pháp như thế nào và đến khi nào mới xong?”.

 Trung tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC.
Trung tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC.)

Trả lời chất vấn những nội dung liên quan tới PCCC của các toà nhà chung cư, Trung tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC cho biết, từ cuối năm 2016 đến 30/6 vừa qua đã có 55/79 công trình vi phạm an toàn PCCC khắc phục và được nghiệm thu. 24 công trình còn lại đã có 10 công trình đang tích cực khắc phục, tiến độ đã đạt 70%.

Nói về các công trình chưa đạt PCCC, Trung tướng Định cho rằng, có 7 công trình dù chủ đầu tư có ý thức tìm giải pháp nhưng liên quan đến nhiều vấn đề thay đổi mục đích, công năng sử dụng, kết cấu xây dựng nên phải báo cáo cấp có thẩm quyền.

Ngoài ra, còn có 5 công trình chủ đầu tư có biểu hiện chây ì, chậm khắc phục, khả năng tài chính cũng khó đáp ứng, đang củng cố hồ sơ để chuyển cơ quan điều tra xử lý theo pháp luật.

Trước đó, đã có 3 trường hợp, 2 công trình trên địa bàn Long Biên, Cầu Giấy người dân không đồng tình phương án khắc phục vì thay đổi kết cấu, làm ảnh hưởng đến môi trường sống.

Về hướng xử lý vi phạm, ông Định cho hay, quá trình xử lý, khắc phục vi phạm an toàn PCCC tại các chung cư còn nhiều vướng mắc liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn của pháp luật, phải báo cáo bộ Công an và các bộ ngành thẩm quyền hướng dẫn, có giải pháp tháo gỡ.

Trung tướng Định cho biết thêm, đối với 168 chung cư tái định cư, chất lượng công trình nói chung là thấp và tồn tại nhiều hạn chế, bất cập trong công tác PCCC. Hiện nay, thành phố đã giao các cơ quan liên quan khảo sát các hạng mục vi phạm để tìm giải pháp xử lý.

Tháng 3 vừa qua, UBND TP đã có văn bản giao ban QLDA Văn hoá xã hội Hà Nội thực hiện cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hệ thống PCCC đối với các chung cư tái định cư trên địa bàn.

Trong đó, ưu tiên 5 công trình, đảm bảo hoàn thành trước tháng 3/2019. Các đơn vị quản lý cũng phải tập trung hoàn thiện hồ sơ hoàn công, tổ chức lực lượng tại chỗ nhằm ứng phó khi xảy ra cháy.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp để nâng cao hiệu quả PCCC tại các chung cư cao tầng. Các cấp ngành, đơn vị và chính người dân phải nâng cao nhận thức về an toàn PCCC. Đối với các vấn đề tồn tại cũ phải tích cực gải quyết, ngăn ngừa phát sinh thêm các vấn đề mới.

Chính quyền địa phương cần tăng cường giám sát quá trình đầu tư, xây dựng nhà chung cư cao tầng, khi chưa hoàn thành PCCC phải có cảnh báo để người dân biết, không mua và yêu cầu chủ đầu tư khắc phục trước khi mở bán...

Theo NĐT

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin