Sắc vàng mùa xuân nơi ngã ba Đông Dương

13/02/2021 13:17

Chúng tôi có dịp ghé ngã ba Đông Dương vào những ngày cuối năm. Những hàng dã quỳ nở rộ như khoác lên ngã ba biên giới một chiếc áo mới, vàng óng, lấp lánh đón chào năm mới. Du khách tứ phương tập trung rất đông để lưu lại những khoảnh khắc đẹp nhất, duy nhất chỉ có một lần trong năm.

“Nơi một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe”

Ngã ba Đông Dương (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) - nơi tiếp giáp ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia – thường được gọi một cách dân dã là “nơi một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe”. Nơi đây còn được mệnh danh là khu “tam giác vàng” diễn ra hoạt động giao thương quan trọng giữa 3 nước.

Cứ vào dịp Tết, dọc hai bên đường, trên những sườn đồi tại ngã ba Đông Dương, hoa dã quỳ nở rộ trải màu vàng óng, lấp lánh mê mẩn lòng người. Những khóm hoa rực rỡ khoác lên ngã ba biên giới một chiếc áo mới đầy màu sắc chào đón năm mới.

Đặc biệt, điểm nhấn cột mốc 3 biên luôn thu hút đông đảo lượng khách du lịch kéo đến tham quan. Họ đến để tìm hiểu về cột mốc, về chủ quyền thiêng liêng của lãnh thổ. Đặc biệt, du khách được chiêm ngưỡng và lưu lại những khoảnh khắc hòa mình cùng hoa dã quỳ, loài hoa dại mang vẻ đẹp thuần khiết, sức sống mãnh liệt đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ.

Tỉnh Kon Tum có chiều dài đường biên giới hơn 292km, tiếp giáp hai nước bạn là Lào và Campuchia. Trong suốt chiều dài tuyến biên giới đó, có một vị trí đặc biệt là quả đồi nằm ở độ cao 1.086m so với mực nước biển, thuộc địa phận xã Bờ Y (Ngọc Hồi).

Biển thể hiện tinh thần đoàn kết hợp tác hữu nghị giữa ba nước được đặt nơi cột mốc ba biên.

Trước đó, năm 2007, với tinh thần hợp tác của Chính phủ và nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia trong thực hiện giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ, một cột mốc 3 biên đã được xây dựng và hoàn thành vào đầu năm 2008. Cột mốc là biểu tượng của sự tin cậy, đoàn kết trong xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị của 3 nước láng giềng.

Cột mốc được làm bằng đá hoa cương nguyên khối với tổng trọng lượng trên 1 tấn, có hình trụ tam giác ba cạnh hướng về ba nước. Phía Việt Nam là tỉnh Kon Tum, phía Lào là tỉnh Attapư và phía Campuchia là tỉnh Rattanakiri.

Với vị trí địa lý đặc biệt, trong những năm qua, cột mốc ba biên ở xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) thường xuyên là điểm đến trong các hoạt động về nguồn, là nơi giao lưu, gặp gỡ trong hoạt động đối ngoại nhân dân, đối ngoại biên phòng với tinh thần hợp tác hòa bình, hữu nghị của lực lượng chuyên trách tỉnh Kon Tum (Việt Nam), Attapư (Lào) và Rattanakiri (Campuchia).

Trong thời khắc thiêng liêng của những ngày áp Tết, chúng tôi ngỡ ngàng như lạc vào chốn “tiên cảnh” bởi vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc say đắm lòng người. Chậm rãi từng bước dọc theo những bậc thang dẫn lên cột mốc, hai hàng dã quỳ khoe sắc, từng đàn bướm trắng bay lượn. Từng tốp du khách say sưa chụp ảnh, lưu lại những khoảnh khắc đẹp nơi vùng biên giới Tây Nguyên.

Sắc vàng say đắm lòng người

Say sưa tạo dáng chụp ảnh, sự phấn khích hiện rõ trên nét mặt đang nở nụ cười thân thiện, anh Trần Văn Hùng (ngụ TP.HCM) chia sẻ: “Qua thông tin báo đài, tôi nghe đến cụm từ “một tiếng gà gáy ba nước đều nghe” nên cảm thấy rất tò mò, nhiều lần muốn được trải nghiệm. Ấp ủ ý định đã lâu, mãi đến hôm nay tôi mới cùng nhóm bạn thực hiện chuyến du lịch trải nghiệm mảnh đất Tây Nguyên này. Quả thật, khi đặt chân đến đây, tôi và nhóm bạn cảm thấy mãn nguyện. Chúng tôi bị cuốn hút bởi vẻ đẹp đơn sơ mộc mạc của núi đồi, của loài hoa dã quỳ trải dài vô tận đặc trưng của núi rừng nơi đây”.

“Trước đây trong tưởng tượng của tôi, Tây Nguyên là nơi rừng núi hoang vu, đi lại chắc hẳn gặp nhiều khó khăn. Cột mốc ngã ba biên giới chắc sẽ nằm ở nơi hẻo lánh khó đến được. Tuy nhiên, thực tế khác xa với những gì tôi nghĩ, bởi đường sá đi lại khá dễ dàng. Tôi thật sự xúc động khi đứng trước cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”, anh Hùng tâm sự.

Du khách đến tham quan cột mốc ba biên lưu lại nhưng khoảnh khắc hòa mình cùng vẻ đẹp mộc mạc đặc trưng nơi đại ngàn.

Mặc dù đã đến đây nhiều lần, nhưng trong chuyến du lịch dã ngoại lần này cùng cơ quan, chị Lê Mỹ Phương Trang (đến từ Gia Lai) thực sự ngỡ ngàng. “Đây là lần thứ ba tôi đến nơi đây, nhưng lần này thực sự quá đẹp. Ở Gia Lai cũng có hoa dã quỳ nhưng cảnh sắc hoa dã quỳ ở đây khác hẳn, vì ở đây có độ cao, có sự giao thoa của núi rừng, lại gắn với cột mốc chủ quyền biên giới. Tôi sẽ giới thiệu cho bạn bè của mình biết đến nơi này”, chị Trang nói.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Đặng Nguyên Hương - Chính trị viên đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Bờ Y - cho biết: “Hoa dã quỳ dọc trên đường dẫn lên cột mốc ba biên là do lực lượng thanh niên của huyện Ngọc Hồi trồng, chăm sóc. Đây là thời điểm hoa đang nở rực rỡ nên mỗi ngày có nhiều đoàn du khách đến đăng ký tham quan, ngắm hoa. Du khách khi đến đây phải tuân thủ Nghị định 34 năm 2014 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền nước CHXHCN Việt Nam”.

Tuân thủ quy định

“Tất cả du khách khi đến thăm khu vực biên giới, Cột mốc ngã ba biên giới đều phải đăng ký với Đồn. Chúng tôi sẽ cử cán bộ đi cùng để hỗ trợ và giám sát. Nếu khách tham quan tự do thì tổ công tác tạo điều kiện tham quan chụp ảnh, nếu đi theo đoàn thì hướng dẫn viên phải liên hệ đồn hướng dẫn, cử người tham gia để giới thiệu cho du khách về cột mốc, chủ quyền biên giới và giám sát tránh tình trạng lợi dụng du lịch để làm những điều không được phép”.

Trung tá Đặng Nguyên Hương - Chính trị viên đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Bờ Y

Theo doisongphapluat.com

Nguồn bài viết: https://www.doisongphapluat.com/doi-song/sac-vang-mua-xuan-noi-nga-ba-dong-duong-a355482.html

Bạn đang đọc bài viết "Sắc vàng mùa xuân nơi ngã ba Đông Dương" tại chuyên mục Đọc chuyên sâu. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin