Quyền lực mềm của Việt Nam

01/05/2022 07:32

Theo dõi TGVN trênBaoquocte.vn. 45 năm sau ngày thống nhất, cùng với việc phát triển sức mạnh cứng vật chất, Việt Nam đang nỗ lực phát huy sức mạnh mềm là nguồn lực xã hội mạnh mẽ để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, và vì dân, một đất nước hùng cường, có uy tín và nhân văn trên thế giới.

1-1651364998.jpg

Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thủ đô Moscow với khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Làn sóng trỗi dậy và lan rộng của thế giới trực tuyến ở thời đại số, cùng xu hướng hội nhập quốc tế, đã đẩy nhanh ảnh hưởng của quyền lực mềm.

Không giống như các nguồn sức mạnh cứng vật chất, hữu hình như quân đội, vũ khí, quy mô lãnh thổ và dân số, các tài sản vô hình như văn hóa, giá trị tư tưởng và các ý tưởng mới đang ngày càng có ảnh hưởng hơn. Sự gia tăng mối quan hệ giữa các quốc gia trên toàn cầu làm cho các nền văn hóa khác nhau dễ tiếp cận và thuận tiện giao thoa.

Một siêu cường thế kỷ XXI không chỉ phải sở hữu sức mạnh cứng hữu hình, mà còn phải có nền văn hóa có ảnh hưởng bao gồm âm nhạc, phim ảnh, phong tục tập quán, các hình thức nghệ thuật, lối sống và giải trí khác.

Thước đo sức mạnh thay đổi

Theo các nhà nghiên cứu, việc sử dụng thành công quyền lực mềm nằm ở ba nguồn lực, bao gồm văn hóa của quốc gia, các giá trị chính trị của quốc gia và chính sách đối ngoại của quốc gia đó. Ba tài nguyên này được sắp xếp theo thứ tự thời gian.

Văn hóa của một quốc gia là thứ có thể tạo ra sức thu hút ban đầu. Sau khi văn hóa đã được lan toả, quốc gia đó bắt đầu đưa vào các giá trị chính trị. Cuối cùng, quốc gia này sử dụng chính sách đối ngoại để tích cực tạo ra ảnh hưởng, vào giai đoạn mà thế giới coi quyền lực mềm của họ là hợp pháp và đạo đức.

Trong những thập niên 30 của thế kỷ XX, Vương quốc Anh đã sáng lập và duy trì sự phát triển của kênh đối ngoại quan trọng hoạt động dưới sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao và Khối thịnh vượng chung Anh, đó là Hội đồng Anh (BC). Hiện nay, sự hoạt động của kênh đối ngoại văn hoá và ngôn ngữ Anh văn độc nhất vô nhị này ảnh hưởng rất lớn đối với thế giới, góp phần gia tăng sức mạnh mềm của Anh, tạo nên lợi thế định vị sức mạnh quốc gia trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc trên thế giới.

Hai thập kỷ qua, Trung Quốc cũng xây dựng chiến lược quyền lực mềm qua việc khai trương các Viện Khổng Tử và phổ biến các di sản văn hoá. Tuy nhiên, chiến lược này không chỉ giới hạn trong lĩnh vực văn hóa. mà vươn xa hơn trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư. Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) khởi xướng từ năm 2013 đã một phần khẳng định rõ điều này.

Vào những năm 1980, trong bối cảnh suy giảm kinh tế dẫn đến suy giảm quyền lực, các nhà chiến lược Mỹ lập luận rằng thước đo đã thay đổi và nhấn mạnh ảnh hưởng của Washington sẽ tiếp tục thông qua việc sử dụng quyền lực mềm, mặc dù có thể mất vị thế quyền lực cứng. Cường quốc số một thế giới đã thúc đẩy giá trị dân chủ lên hàng ưu tiên trong đường lối đối ngoại, coi “dân chủ hóa thế giới” theo các tiêu chuẩn của mình là phương thức quan trọng nhằm giữ vững ngôi vị siêu cường.

Coi trọng nguồn lực mềm

Ở Việt Nam, nếu như tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đã góp phần quảng bá văn hóa Việt ra thế giới thì sức mạnh mềm đã được nhà anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi vận dụng vào việc chống ngoại xâm trong thế kỷ XV qua tư tưởng “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ khi mới thành lập nước năm 1945, đã vận dụng nguồn lực mềm trong việc đặt tên nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” với bản tuyên ngôn bất tử cho dân tộc Việt. Cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại với khẩu hiệu huyền thoại “không có gì quý hơn độc lập tự do” của Người đã dẫn dắt cả dân tộc đi tới chiến thắng vĩ đại 30/04/1975.

Tư tưởng thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với với quan điểm chính trị tự do và dân chủ đã được sự ủng hộ của toàn thế giới kể cả phương Tây.

Chính sách “ngoại giao tâm công” của Người trong thời kỳ đất nước khó khăn nhất với chiến lược “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của văn hóa phương Đông cũng đã trở thành giá trị cốt lõi của ngành Ngoại giao.

Ngày nay ở Việt Nam, các lý luận về con người, bản chất chiến tranh đang được phát triển mạnh mẽ để chúng ta có thể xây dựng và phát triển một đất nước có quá nhiều hy sinh mất mát bởi các cuộc chiến tranh cũng như đang gặp nhiều vấn đề trong việc phát triển nền kinh tế thị trường như pháp luật, hiệu quả, xung đột lợi ích khu vực, tham nhũng…

Bên cạnh việc phát triển sức mạnh cứng, Việt Nam cần coi trọng phát triển sức mạnh mềm. Đặc biệt, trong cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam vừa xuất bản, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết và đúc kết những vấn đề lịch sử sinh động nhất về toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng ta với tư tưởng xuyên suốt đó là phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đây là nhân tố quyết định thành công.

Vấn đề này cũng được nhà lý luận Đoàn Duy Thành đã đề cập sâu sắc trong tác phẩm Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, và vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh (NXB Quốc gia Sự thật - tháng 12/2021). Tác giả nhấn mạnh rằng để xây dựng và hoàn thiện nhà nước của dân, do dân, và vì dân, thể chế tam quyền phân lập và cơ chế thị trường ở Việt Nam là chưa đủ.

Chính vì vậy, điều cốt lõi là phải xây dựng được một Đảng tiên phong, Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân (sách Lý luận Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng tiền phong, NXB Hà Nội và NXB Thông tin và truyền thông - 2016).

Chỉ có như vậy, chúng ta mới giải quyết được mặt tiêu cực và phát huy được tính tích cực của hai thuộc tính của con người như đã trình bày ở trên để phát triển đất nước.

“Quyền lực mềm là dùng khả năng giành được những thứ mình muốn thông qua việc gây ảnh hưởng để khiến người khác làm theo. Quyền lực mềm tác động đến hệ thống giá trị, làm thay đổi cách suy nghĩ của người khác, và qua đó khiến người khác mong muốn chính điều mà mình mong muốn.” (Giáo sư Joseph Samuel Nye, Đại học Harvard, Mỹ)

Tóm lại, cùng với việc phát triển sức mạnh cứng vật chất, phát huy sức mạnh mềm là nguồn lực xã hội mạnh mẽ để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, một đất nước hùng cường, có uy tín và nhân văn trên thế giới, chúng ta phải phấn đấu thực hiện ba nội dung cốt yếu sau.

Một là, xây dựng hệ thống thể chế nhà nước pháp quyền và cơ chế thị trường phát triển hoàn thiện, với những giá trị cốt lõi của văn hóa Việt và tư tưởng Hồ Chí Minh về chính trị - ngoại giao từ những ngày đầu thành lập nước.

Hai là, xây dựng và phát triển Đảng cầm quyền của đất nước, của nhân dân theo Lý luận Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng tiền phong làm cơ sở cho sự đột phá và lan tỏa sức mạnh mềm Việt đến các giai tầng trong xã hội đảm bảo sự trường tồn của hình mẫu Việt trên thế giới.

Ba là, cần nâng cao nhận thức quá trình trên là chặng đường chưa có tiền lệ và đầy khó khăn, thử thách. Chính vì vậy, tất cả chúng ta cần nêu cao tinh thần, phương pháp học tập và lao động theo phương châm lý luận 18 chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết tiến đến lý luận, lý luận lãnh đạo thực hành”.

Theo baoquocte.vn

Nguồn bài viết: https://baoquocte.vn/quyen-luc-mem-cua-viet-nam-181910.html

Bạn đang đọc bài viết "Quyền lực mềm của Việt Nam" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin