Quy định mới về trình tự chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định mới quy định trình tự, thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha.

Ngày 6/4, Thủ tướng đã có quyết định số 10/2022/QĐ-TTg quy định trình tự, thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha; đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 ha...

Theo đó, điều kiện chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư là phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt và các quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật; Đã được chấp thuận đầu tư theo quy định của pháp luật mà văn bản chấp thuận còn hiệu lực đến thời điểm đề xuất.

2-1649380827.jpg

Quy định mới về trình tự chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Đối với dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng, chủ đầu tư phải có phương án trồng rừng thay thế và đảm bảo kinh phí trồng rừng thay thế được xác định trong tổng mức đầu tư của dự án hoặc văn bản hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế…

Về đề nghị chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất, quy định nêu rõ: nhà đầu tư, chủ đầu tư dự án có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất thì đăng ký nhu cầu sử dụng đất tại UBND cấp huyện nơi thực hiện dự án. UBND cấp huyện có trách nhiệm tổng hợp gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất. Đối với trường hợp dự án thực hiện trên địa bàn từ 02 huyện trở lên thì chủ đầu tư, nhà đầu tư đăng ký trực tiếp với Sở Tài nguyên và Môi trường nơi thực hiện dự án.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ để thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các tổ chức có nhu cầu sử dụng đất, UBND cấp huyện, cấp xã nơi có đất lấy ý kiến về: vị trí, quy mô sử dụng đất của dự án đầu tư; ảnh hưởng đối với người có đất bị thu hồi (đời sống, việc làm, chuyển đổi nghề); tác động của việc chuyển mục đích sử dụng đất đến cộng đồng dân cư.

Việc lấy ý kiến được thực hiện qua 2 hình thức: Lấy ý kiến trực tiếp người có đất bị thu hồi, cộng đồng dân cư thông qua đại diện của điểm dân cư, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể ở địa phương nơi có đất chuyển mục đích; Lấy ý kiến bằng văn bản của các Sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi có đất chuyển mục đích.

Trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày kết thúc việc lấy ý kiến, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức có nhu cầu sử dụng đất, UBND cấp huyện nơi có đất để tổng hợp, giải trình, tiếp thu các ý kiến và lập hồ sơ đề nghị chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trình UBND cấp tỉnh.

Trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thẩm định việc chuyển mục đích sử dụng đất. Nội dung thẩm định gồm: Nhu cầu, sự cần thiết của việc chuyển mục đích sử dụng đất; Sự phù hợp của việc chuyển mục đích sử dụng đất với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được quyết định, phê duyệt và các quy hoạch khác có liên quan; Việc đáp ứng điều kiện và việc tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan khi chuyển mục đích sử dụng đất...

Quyết định trên có hiệu lực từ 6/4/2022 và áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn thành phố Hải Phòng, thành phố Cần Thơ, tỉnh Nghệ An và tỉnh Thanh Hóa.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/quy-dinh-moi-ve-trinh-tu-chap-thuan-chuyen-doi-muc-dich-su-dung-dat.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin