'Quốc triều hình luật'- bộ Tổng luật điều chỉnh hầu hết các quan hệ xã hội

Quốc triều hình luật là một bộ luật lớn với 722 điều, chia thành 13 chương, có đánh số chương, điều và đặt tên cho từng chương, điều. Dưới thời trị vì của Vua Lê Thánh Tông, công việc “San định Luật lệ cho thích dụng với thời thế” thành bộ luật, Quốc triều hình luật được tiến hành một cách kiên trì và mạnh mẽ.

Một buổi xử án thời phong kiến.Ảnh minh họa.
Một buổi xử án thời phong kiến.Ảnh minh họa.)

Bộ luật được soạn thảo trong suốt 14 năm từ những năm mang niên hiệu Hồng Đức và được chính thức có hiệu lực thi hành vào năm 1483. Để thừa nhận và ngợi ca công lao của vị vua anh minh Lê Thánh Tông về sau được gọi là Bộ luật Hồng Đức. Sở dĩ Bộ luật Hồng Đức là công trình pháp điển hóa đầy đủ nhất, mẫu mực nhất trong chế độ phong kiến Việt Nam và được đời sau đánh giá cao là bởi vì cả về nội dung lẫn kỹ thuật lập pháp đều hơn hẳn các bộ luật khác trong thời kỳ phong kiến Việt Nam.

Xét một số nội dung, Bộ luật chứa đựng nhiều quy định nhân văn, tiến bộ vượt trội so với ý thực hệ pháp lý phong kiến đương thời. Có được nội dung tiến bộ đó bởi trong quá trình “San định Luật lệ cho thích dụng với thời thế biến thành điều khoản” những người soạn thảo đã kế thừa, tiếp thu và phát triển những giá trị pháp lý vốn có ở trong và ngoài nước qua các triều đại phong kiến Việt Nam và Trung Quốc.

Tư tưởng nhân văn cao cả của Bộ luật Hồng Đức là bảo vệ quyền con người, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em, người già, người tàn tật, người cô đơn và tầng lớp bình dân ở địa vị thấp nhất của xã hội. Các quyền bình đẳng nam, nữ trong một số quan hệ hôn nhân, tài sản và thừa kế thông qua việc bảo vệ các quyền của người phụ nữ như điều 308 về quyền ly hôn của người vợ: “phàm chồng đã bỏ lửng vợ 5 tháng không đi lại (vợ được trình với quan sở tại và xã quan làm chứng) thì mất vợ. Nếu vợ đã có con thì cho hạn một năm. Vì việc quan phải đi xa thì không theo Luật này. Nếu đã bỏ vợ mà ngăn cản người khác lấy vợ cũ thì phải tội biếm”.

Nội dung của Bộ luật phản ánh đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội Việt Nam, thể hiện sâu đậm đặc thù, tâm sinh lý, tập quán, truyền thống tốt đẹp của xã hội Việt Nam. Là Bộ luật của một nước phong kiến phương Đông, chịu nhiều ảnh hưởng của pháp luật nhà nước phong kiến Trung hoa, nhưng mang đậm những nét riêng biệt của người Việt.

Chính vì thế, Giáo sư Lưu Nhân Thiện (In-Sun-Yu), Chủ nhiệm Khoa Đại học Cao Ly, Đại học Quốc gia Seoul trong tác phẩm “Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII” đã đưa ra nhận xét: “Quốc triều hình Luật nhà Lê có 249 điều giống luật nhà Đường và 68 điều vay mượn từ Luật nhà Minh, nhưng còn 456 điều của Quốc triều hình luật thì không tìm thấy trong hai bộ luật đó của các triều đại phong kiến Trung Hoa”.

Hay nói như GS Vũ Văn Mẫu – nguyên trưởng khoa Luật Đại học Sài Gòn trước đây rằng: “Trong Bộ luật nhà Lê có rất nhiều điều tân kỳ, chưa hề được ban hành bao giờ ở Trung Quốc. Những điều luật ấy rải rác khắp trong Bộ luật nhà Lê, nhất là trong hai chương Hộ hôn và Điền sản. Hai chương này là… một tân kỳ mới mẻ”.

Một trong những điều “tân kỳ mới mẻ” đó mà GS Vũ Văn Mẫu lý giải là: “Theo quan niệm cổ điển, các điều thuộc về dân Luật thường không được nhà làm Luật Đông phương quy định, cũng không nói rõ ràng về cách thức thảo các văn tự, chứng thực, chúc thư, không định rõ về chế độ tài sản của vợ chồng trong lúc sinh thời cũng như trong khi góa bụa, không ấn định minh bạch các việc thừa kế; còn ba điều 374, 375, 376 thuộc mục “điền sản mới tăng thêm” của Quốc triều hình luật lại ghi rất rõ những nội dung này. Về Luật Thừa kế, Luật nhà Lê cũng giải thích cặn kẽ. Các điều về hương hỏa đã đề cập đến một chế độ hoàn toàn Việt Nam, không hề thấy trong Luật nhà Đường, nhà Minh”.

Bộ luật Hồng Đức cũng như quy định về thập ác (10 tội ác đặc biệt nguy hiểm), bát nghị (8 điều xét nghị giảm), ngũ hình (5 hình phạt) của pháp luật triều Đường, triều Minh (Trung Quốc) nhưng với rất nhiều quy định về các tội danh đã được sửa đổi, bổ sung, thêm bớt cho phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, tập quán, truyền thống đạo đức của con người Việt Nam. Ví dụ, “thập ác” (theo quan niệm ngày nay là 10 tội đặc biệt nghiêm trọng) theo Luật nhà Đường quy định thì khi cha mẹ còn sống, con phải sống chung với cha mẹ, nếu bỏ cha mẹ xây dựng gia đình ra ở riêng là bất hiếu thuộc về một trong các tội “thập ác”. Ngược lại, Bộ luật Hồng Đức lại không coi là tội, theo đó, con cái được phép xây dựng gia đình riêng khi cha mẹ vẫn còn sống.

Không như các bộ luật ngày nay, Bộ luật Hồng Đức có nội dung điều chỉnh rất rộng mà nhiều người xem là một bộ tổng Luật. Bởi nội dung của nó điều chỉnh hầu hết các quan hệ xã hội, bao gồm quy định của nhiều ngành Luật như: Hình sự, Dân sự, Hôn nhân gia đình, Hành chính, Tố tụng, Luật Đất đai,… Bộ tổng luật mang tính đa ngành luật là một phương tiện thuận lợi cho việc tra cứu, thực hiện và áp dụng pháp luật. (Còn tiếp)

Theo Bao Phapluat

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin