Quốc hội tăng cường giám sát tối cao để loại bỏ các dự án ảnh hưởng đến rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên

05/11/2020 10:38

Tiếp tục Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng về tình trạng lụt bão, nguyên nhân và rà soát lại các dự án thủy điện trên cả nước.

Nhiều ngôi nhà ở xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, Quảng Trị nước lũ ngập sâu – Ảnh: Phạm Việt Thắng

Rừng bị chặt, sông bị chặn, núi bị đào

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang) nói: Những ngày qua và có thể là ngay ngày mai chúng ta đã, đang và sẽ chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp của những cơn bão tràn vào Việt Nam. Bão thì năm nào cũng có nhưng tại sao bão năm nay lại cứ nặng nề hơn năm trước, mức nước lụt trên tường nhà mỗi đợt bão về lại ngày càng cao hơn. Đó chính là hậu quả của việc chúng ta đã “tấn công” vào mẹ trái đất, tấn công vào những ngọn núi con sông, cánh rừng như những vòng tay bao bọc cho con người hàng nghìn năm nay. Rừng bị chặt, sông bị chặn, núi bị đào vậy nên nước mới lúc khô lúc ngập, trời lúc nóng kỷ lục, lúc lại lạnh thấu xương.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu

Vừa trở về từ miền Trung hôm kia, tôi thấu hiểu tình cảm của cả nước hướng về khúc ruột yêu thương, nhưng thảm hỏa sẽ xảy ra ở bất cứ nơi đâu trên mảnh đất hình chữ S này nếu chúng ta không thay đổi. Chúng ta hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép những đại dự án khởi công ngay lõi rừng hay thủy điện cóc vẫn tiếp tục được duy trì hoạt động hoặc thậm chí còn được cấp giấy phép mới… Nếu vậy sẽ lại còn những trận lụt lịch sử, những cột mốc tang thương nữa phải ghi nhận. Chúng ta phải thay đổi cách làm và phải nhận thấy những sai lầm trong quá khứ. Việc này thật khó vì thay đổi trên giấy tờ văn bản chúng ta đã làm nhưng thay đổi trong tư duy chẳng dễ tẹo nào. Đơn cử khi mỗi người trong đầu vẫn quan niệm gỗ quý tự nhiên là đẹp hơn gỗ công nghiệp, vẫn khoe với khách đến thăm cái cầu thang, cái tủ, cái bàn làm từ giáng hương hay lim sến táu… Rồi tự huyễn hoặc là gỗ của mình nhập khẩu từ Lào, Miến… không phải phá rừng đặc dụng Việt Nam. Philipin là quốc gia chịu bão nhiều nhất Đông Nam Á nên chúng ta có thể học rất nhiều từ phía bạn. Họ giữ rừng, giữ những ngọn núi cao còn hơn cả con ngươi của mắt mình vì họ biết đây chính là thành trì quan trọng nhất để bảo vệ đất nước con người trước sự giận dữ của thiên nhiên.

Siêu bão số 10 đập vào dãy núi và rừng già của Philipin đã hạ cấp độ nguy hiểm là ví dụ rõ ràng nhất.

Bảo vệ môi trường theo tôi phải bắt đầu từ tư duy, mà tư duy là phải nhờ giáo dục mà có. Với cách giáo dục như hiện nay việc hình thành một tư duy mạch lạc, năng động và hướng thiện là vô cùng khó khăn. Chúng ta thử hình dung một cháu bé vào lớp 1 với quyển sách giáo khoa chưa qua thử nghiệm rõ ràng, đang học lại thay đổi bổ sung, sửa chữa hay đính chính. Một nền giáo dục loay hoay tìm triết lý sẽ tạo ra những sản phẩm định hướng không rõ ràng, chỉ biết cóp nhặt, a dua và nói dối.

Đại biểu bày tỏ: Bão lụt chắc chắn sẽ còn xảy ra hàng năm như là một qui luật của thiên nhiên. Chính vì vậy không thể dùng lòng tốt để khắc phục được những hậu quả của bão lũ từ năm này sang năm khác. Chúng ta cần có chiến lược LÂU DÀI để giảm hậu quả nặng nề của bão lụt. Chiến lược đó cần phải được bàn bạc cẩn thận ở cấp quốc gia và có sự đóng góp của nhiều chuyên gia. Từ vấn đề vĩ mô như thảo luận với các nước thượng nguồn các dòng sông đổ vào Việt Nam, hạn chế Trung Quốc, Lào, Campuchia hay Thái Lan xây và vận hành các thủy điện mới và cũ đến những việc cấp thiết như cập nhật vẽ bản độ sạt lở khắp các tỉnh thành phố, xây nhà chống lũ, trang thiết bị cứu hộ, hệ thống cảnh báo bão lũ hữu hiệu quả hơn, hay có sẵn những khu tập trung người dân bị nạn khi lũ lụt…

Có vậy người dân mà ở đây là những người nghèo, yếu thế cũng như những ngành chức năng bộ đội, công an, y tế, … mới tránh được những tổn thất hy sinh vô cùng đau xót.

Thủy điện vừa và nhỏ lợi bất cập hại

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) cho rằng, thiên tai bão lụt ở miền Trung thời gian qua có liên quan đến diện tích rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn bị thu hẹp, đòi hỏi việc trồng rừng tái sinh cần được triển khai ngay bởi đây là giải pháp cấp bách để giảm nhẹ thiệt hại do mưa lũ gây ra. Bởi có rừng sẽ giữ được nguồn nước, giảm nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất. Trong chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, đề nghị Quốc hội, Chính phủ bổ sung nội dung trồng rừng tái sinh và bố trí vốn cho việc này, vì lợi ích trước mắt và lâu dài cho các thế hệ sau.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân

Bên cạnh đó, Chính phủ, Bộ Công thương cần nhanh chóng đánh giá lại việc đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ tại các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung và các tỉnh miền núi phía Bắc; cân nhắc loại bỏ các dự án thủy điện vừa và nhỏ không hiệu quả, thiếu tính khả thi ra khỏi Quy hoạch điện đến năm 2030. Đại biểu nêu thực tế, việc xây dựng thủy điện vừa và nhỏ như thời gian vừa qua là lợi bất cập hại, khiến cho sông suối cạn kiệt nước khi thủy điện tích nước và ngập úng khi xả nước. Nước sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất đều thiếu trong khi đó các hồ thủy điện chưa phát huy được vai trò thủy lợi, điều tiết nước cho khu vực hạ lưu.

Qua hoạt động tiếp xúc cử tri, người dân đã phản ánh tình trạng rừng và tài nguyên rừng bị các chủ đầu tư khai thác triệt để, đầu tư thủy điện nhỏ nhưng thực chất là để khai thác gỗ và tài nguyên một cách hợp pháp. Cử tri cũng phản ánh nhiều chủ dự án thủy điện nhỏ được cấp giấy phép xây dựng đã nhanh chóng bán lại dự án thủy điện cho các chủ đầu tư khác sau khi đã khai thác tài nguyên khoáng sản từ rừng. Đây là vấn đề cần được nghiên cứu nghiêm túc, do vậy Chính phủ cần xem xét rà soát tổng thể các dự án thủy điện vừa và nhỏ trong cả nước, kiểm tra xem có bao nhiêu dự án thủy điện đã sang tên cho các chủ đầu tư khác như cử tri đã phản ánh. Đồng thời, đánh giá hiệu quả của các dự án thủy điện nhỏ và vừa trong cả nước để có quy hoạch phát triển điện hiệu quả bền vững; Quốc hội cũng cần có chuyên đề giám sát việc trồng rừng thay thế của các dự án xây dựng hồ đập và thủy điện trong những năm qua.

Đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) cũng đề nghị Chính phủ rà soát lại toàn bộ hệ thống hồ đập, các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên cả nước, đánh giá tác động của các dự án này như thế nào đến môi trường. Từ đó có giải pháp đảm bảo an toàn hồ đập và có thông tin rộng rãi để nhân dân yên tâm.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) cho rằng, thủy điện không làm tăng lũ nhưng thủy điện làm mất rừng là tác nhân khiến lũ dữ dội hơn và tàn phá nặng nề hơn.

Nhìn lại cơn đại hồng thủy vừa qua, khi miền Trung phải oằn mình chống chọi với thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên, gây hậu quả lớn về trước mắt và lâu dài, đại biểu Hoàng Đức Thắng, phân tích, những bất thường về lũ lụt thời gian qua bên cạnh nguyên nhân biến đổi khí hậu, còn có nguyên nhân diện tích rừng tự nhiên giảm sút nghiêm trọng. Nhìn lại đợt lũ lụt ở miền Trung vừa qua càng thấy thấm thía cái giá phải trả cho tình trạng mất rừng. Trong hơn 20 năm qua, các dự án thủy điện nhỏ ồ ạt được xây dựng ở các quy mô khác nhau; cùng với nhu cầu mưu sinh của người dân và phát triển cơ sở hạ tầng, hàng chục ngàn hecta rừng đầu nguồn đã biến mất.

Mặc dù chỉ tiêu về độ che phủ rừng hàng năm đều tăng nhưng điều này không nói lên được điều gì khi vai trò giữ đất, giữ nước, phòng chống thiên tai khi diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ ngày càng giảm. Phần lớn các vùng có lũ dữ, sạt lở đất ngoài yếu tố về địa chất, phần lớn xảy ra ở những nơi đồi núi trọc, rừng nghèo, diện tích rừng tự nhiên thấp. Mất rừng, mất đất, tất yếu mất khả năng điều tiết nước ở thượng nguồn, là nguyên nhân kích hoạt lũ quét, sạt lở đất cao hơn, lũ đai nhanh hơn, tai họa khủng khiếp hơn.

Đại biểu cho rằng, sẽ quá muộn nếu Chính phủ không kiên quyết chỉ đạo tổng rà soát, đánh giá đầy đủ trực trạng rừng hiện nay, đặc biệt chất lượng rừng, khả năng thực tế về độ che phủ; tình hình thực hiện các dự án thủy điện nhỏ, nhất là ở khu vực miền Trung, Tây nguyên để có giải pháp căn cơ và lâu dài. Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội tăng cường các cuộc giám sát tối cao để có các quyết sách mạnh mẽ về mục tiêu, giải pháp, nhất là kiên quyết dừng, loại bỏ các dự án không hiệu quả, không đảm bảo an toàn, làm ảnh hưởng đến rừng, đặc biệt là diện tích rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên, tác động đến chế độ dòng chảy, dòng chảy tự nhiên, môi trường và đời sống người dân.

Đảm bảo tuyệt đối an toàn hồ đập thủy lợi, thủy điện

Bày tỏ lo lắng trước thực trạng thiên tai, biến đổi khí hậu, mưa lũ bất thường, khắc nghiệt xảy ra gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của người dân, đại biểu Mai Sỹ Diến (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) nêu quan điểm, việc bảo đảm an toàn các công trình thủy điện, hồ đập thủy lợi trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và mưa lũ kết hợp với biến đổi địa chất đặt ra thách thức ngày càng lớn.

Đại biểu Mai Sĩ Diến – Ảnh các đại biểu của Qh.vn

Điển hình như hệ thống bậc thang thủy điện với hồ chứa lớn trong mùa mưa năm 2016-2017 phải xả lũ khẩn cấp để bảo đảm an toàn đập đã tạo nên sự cố lũ chồng lũ, ảnh hưởng nghiêm trọng cho nhiều vùng hạ lưu. Năm 2018-2019 lại xảy ra hạn hán, lượng nước thiếu hụt tại các hồ thủy điện, sản lượng phát điện của các nhà máy điện trên cả nước sụt giảm. Bên cạnh đó, việc đảm bảo yêu cầu cấp nước cho sản xuất nông nghiệp những tháng mùa khô gặp khó khăn. Đại biểu đặt vấn đề, việc tuân thủ các quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa có nhiều bất cập, khi có lũ lớn thì quyền kiểm soát, vận hành hồ chưa được chuyển giao từ chủ đập sang cấp có thẩm quyền. Hậu quả là người dân vùng hạ lưu vẫn bị thiệt hại về sản xuất, tài sản; Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần giải trình trước Quốc hội về vấn đề này.

Đại biểu Mai Sỹ Diến cho rằng, bản chất vấn đề quyết định vận hành, điều tiết cắt giảm lũ hay xả nước trong quá trình vận hành liên hồ chứa là giải quyết mâu thuẫn giữa đảm bảo an toàn hồ đập, bảo đảm an toàn vùng hạ lưu cho người dân và việc sử dụng hiệu quả nguồn nước phục vụ ngành điện, ngành thủy lợi. Đặt lợi ích nào lên trên cũng là câu hỏi mà đại biểu của cử tri và đại biểu dân cử gửi đến cơ quan chức năng, nhằm bảo đảm tính minh bạch, trách nhiệm trong công tác vận hành.

Theo tapchitoaan.vn

Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/thoi-su/quoc-hoi-tang-cuong-giam-sat-toi-cao-de-loai-bo-cac-du-an-anh-huong-den-rung-dac-biet-la-rung-dau-nguon-rung-tu-nhien

Bạn đang đọc bài viết "Quốc hội tăng cường giám sát tối cao để loại bỏ các dự án ảnh hưởng đến rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin