Quan ngại tình trạng doanh nghiệp của Trung Quốc vỡ nợ

07/12/2019 16:22

(Pháp lý) - Trung Quốc (TQ) ban hành Luật Phá sản vào năm 2007. Thế nhưng nhiều năm qua, Tòa án ở TQ không ngừng bác đơn xin phá sản của nhiều doanh nghiệp cũng như chủ nợ của họ bởi lo lắng về khả năng bất ổn xã hội tăng cao cũng như sa thải người lao động trên quy mô lớn.

Tuy nhiên, sau nhiều năm không ngừng bơm tiền nhằm giữ cho nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng cũng như giúp người lao động hài lòng, TQ đã bắt đầu quá trình điều chỉnh nợ nần. Hiện tại, Bắc Kinh đang xây dựng hệ thống quy định phá sản giúp giải quyết hàng loạt vụ vỡ nợ của doanh nghiệp.

Và thông tin mới đây nhất, Tập đoàn Tewoo, có trụ sở tại Thiên Tân, có nguy cơ trở thành doanh nghiệp Nhà nước đình đám nhất của TQ vỡ nợ trong hai thập kỷ qua, theo Bloomberg. Nếu để cho Tewoo phá sản, thì đây có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang sẵn sàng chấp nhận việc phá sản của các Công ty trong khu vực quốc doanh, vốn nhạy cảm với chính trị, thay vì đưa ra các gói cứu trợ như trước đây.

Đối mặt vụ vỡ nợ doanh nghiệp Nhà nước lớn nhất 20 năm

Năm 2018, Tewoo đạt doanh thu 66,6 tỷ USD, lợi nhuận khoảng 122 triệu USD.
Năm 2018, Tewoo đạt doanh thu 66,6 tỷ USD, lợi nhuận khoảng 122 triệu USD.)

Theo thông tin trên website, Tập đoàn Tewoo, đặt trụ sở tại thành phố Thiên Tân, thuộc sở hữu và được vận hành bởi chính quyền địa phương, hoạt động trong nhiều lĩnh vực gồm cơ sở hạ tầng, hậu cần, khai khoáng, ôtô và cảng biển. Tập đoàn này cũng hoạt động tại một số quốc gia trên thế giới, bao gồm Mỹ, Đức, Nhật và Singapore.

Những rắc rối tài chính của Tewoo bắt đầu trở thành tâm điểm chú ý từ tháng 4, khi công ty này cố gắng gia hạn nợ với các chủ nợ và bán đồng với giá thấp hơn thị trường trong bối cảnh khủng hoảng tiền mặt. Cùng tháng đó, Fitch Ratings đã hạ 6 bậc tín nhiệm của công ty này xuống mức B-, cho thấy tình trạng thanh khoản yếu và tỷ lệ đòn bẩy cao hơn dự báo.

Công ty này cũng đề xuất phương án hoán đổi trái phiếu đối với 3 trái phiếu bằng đồng USD sắp đáo hạn trong vòng 3 năm tới, cũng như một trái phiếu vĩnh viễn (không có ngày đáo hạn).

Tewoo có nguy cơ vỡ nợ với số trái phiếu trị giá 300 triệu USD đáo hạn vào ngày 16/12 tới. Đây là một trong số các trái phiếu thuộc kế hoạch tái cơ cấu nợ trên. Các trái chủ chỉ có 2 tuần để quyết định hai lựa chọn: Lỗ tới 64% hoặc chấp nhận thanh toán chậm với tỷ lệ chiết khấu lớn cho số trái phiếu bằng đồng USD trị giá 1,25 tỷ USD.

Phương án tái cơ cấu nợ trên được đưa ra vào tuần trước, sau khi Tewoo thừa nhận không thể trả lãi đối với số trái phiếu trị giá 500 triệu USD, khiến Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc (ICBC) phải thay mặt chuyển 7,87 triệu USD cho các trái chủ. ICBC là ngân hàng bảo lãnh tín dụng cho trái phiếu này. Tuy nhiên, khoảng 1,6 tỷ USD trái phiếu của công ty này không được bảo lãnh tín dụng như vậy.

Nguy cơ vỡ nợ của Tewoo cho thấy Bắc Kinh đang ngày càng cứng rắn hơn đối với các công ty quốc doanh gặp vấn đề, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nước này giảm tốc mạnh nhất trong 3 thập kỷ. Việc này cũng làm dấy lên những quan ngại đối với Thiên Tân, sau khi thành phố này đồng loạt bị hạ xếp hạng tín nhiệm và đối mặt với nhiều khó khăn trong việc huy động vốn. Thiên Tân hiện là thành phố có tỷ lệ nợ trên GDP lớn nhất tại Trung Quốc.

Ảnh: Bloomberg
Ảnh: Bloomberg)

Vì sao TQ giờ mới chấp thuận cho doanh nghiệp phá sản?

TQ đưa ra Luật Phá sản vào năm 2007. Thế nhưng nhiều năm qua, Tòa án không ngừng bác đơn xin phá sản của nhiều doanh nghiệp cũng như chủ nợ của họ bởi lo lắng về khả năng bất ổn xã hội tăng cao cũng như sa thải người lao động trên quy mô lớn.

Nhiều công ty mất thanh khoản đã sống lay lắt bằng tiền trợ cấp từ Nhà nước cũng như khoản vay từ ngân hàng quốc doanh. Một số công ty mặc kệ nợ nần và đẩy chủ nợ vào tình thế bi đát.

Việc tái cấu trúc hay đóng cửa một số công ty dường như khá lộn xộn trong nhiều trường hợp, nhiều khi nó gặp khó bởi nhiều sự bất đồng, biểu tình và rối loạn tại một đất nước có tỷ lệ phá sản cao.

Sau một thập kỷ tăng trưởng nóng và vay nợ trầm trọng, tăng trưởng của Trung Quốc đang chững lại. Tòa án trên khắp TQ đã chấp thuận khoảng 19 nghìn hồ sơ phá sản trong năm 2018, cao gấp 3 lần con số của 2 năm trước đó.

Hệ thống phá sản tại TQ, vốn dựa trên chương 11 Luật Phá sản Mỹ, cho phép các công ty tái cấu trúc theo quy định của tòa án nhằm duy trì được công việc kinh doanh và trả tiền cho chủ nợ qua thời gian.

DN của Trung Quốc vỡ nợ lớn nhất lịch sử trong năm nay?

Còn nhớ hồi giữa tháng 5 năm nay, Bloomberg thông tin năm 2019 có thể sẽ là năm mà TQ phải hứng chịu khoản vỡ nợ lớn nhất lịch sử trong thị trường trái phiếu trị giá 13 nghìn tỷ USD của nước này.

Theo Bloomberg, các công ty TQ đã vỡ nợ 39,2 tỷ nhân dân tệ (tương đương 5,8 tỷ USD) trái phiếu trong 4 tháng đầu năm, gấp 3,4 lần cùng kỳ năm 2018, theo dữ liệu được biên soạn bởi Bloomberg.

Tốc độ này cũng tăng gấp 3 lần so với năm 2016, khi các khoản vỡ nợ tập trung nhiều hơn trong nửa đầu năm, không giống như năm 2018.

Do đó, theo Bloomberg, xu hướng này đang ngày càng trở nên rõ ràng và trừ khi có gì đó thay đổi, không thì năm 2019 sẽ có một mức vỡ nợ kỷ lục mới.

Tại thời điểm tháng 5, theo Bloomberg dự báo 5 công ty tư nhân TQ sẽ vỡ nợ trong năm là Neoglory Holding Group, Shandong SNTON Group, China Minsheng Investment Group, Citic Guoan Group, và Goocoo Investment.

Neoglory – 1 trong 3 Tập đoàn tư nhân lớn của TQ đã không thể thanh toán khoản nợ 7 tỷ nhân dân tệ trái phiếu vào năm 2019.
Neoglory – 1 trong 3 Tập đoàn tư nhân lớn của TQ đã không thể thanh toán khoản nợ 7 tỷ nhân dân tệ trái phiếu vào năm 2019.)

Neoglory Holding Group là 1 trong 3 công ty tư nhân lớn có trụ sở tại Chiết Giang. Tuy nhiên, Neoglory đã không thể thanh toán khoản nợ 7 tỷ nhân dân tệ trái phiếu vào năm 2019, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.

Shandong SNTON Group là tập đoàn lớn nhất trong số ít các công ty tư nhân bị phá sản trong những tháng đầu năm 2019 ở phía Đông tỉnh Sơn Đông.

Một đặc điểm nổi bật của nhà sản xuất dây thép này là mức độ mà nó tham gia bảo lãnh chéo, có nghĩa là công ty này cam kết trả nợ cho các công ty khác nếu vỡ nợ. Điều này khiến nguy cơ vỡ nợ lan rộng và chính quyền tỉnh Sơn Đông đã phải đưa ra động thái giải quyết bằng cách "chống lưng" cho China Wanda.

Tập đoàn đầu tư TQ Minsheng được Dong Wenbiao mệnh danh là phiên bản Trung của JPMorgan Chase & Co., được biết đến như là cha đỡ đầu của khu vực tư nhân. Đáng nói, công ty có trụ sở tại Thượng Hải này đã khiến các nhà đầu tư trái phiếu "shock" hoàn toàn khi tuyên bố không thể thanh toán khoản nợ vào cuối tháng 1.

Không giống như những công ty khác trong danh sách này, Citic Guoan Group có các liên kết với Nhà nước quan trọng, điều này có nghĩa là các chủ đầu tư trái phiếu có thể an tâm hơn đôi chút. Tuy nhiên, công ty này lại thiếu lượng cổ phần đủ để kiểm soát, dẫn đến tình trạng quyền lực bị hạn chế đối với việc công ty thuộc sở hữu Nhà nước Citic Group cố gắng cung cấp hỗ trợ.

Citic Guoan tham gia vào nhiều lĩnh vực, từ đầu tư tài chính cho tới bất động sản. Sau một loạt các vụ tịch thu tài sản làm tổn hại đến tính thanh khoản của nó, công ty đã không thể trả nợ 3 tỷ nhân dân tệ.

Công ty cho biết trên trang web của mình rằng luôn cố gắng giành vị trí số 1, hướng tới mục tiêu gia nhập 500 công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới. Nhưng đến bây giờ, nó là 1 trong 5 công ty có nguy cơ vỡ nợ cao nhất của TQ trong năm 2019.

Hồng Quân (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Quan ngại tình trạng doanh nghiệp của Trung Quốc vỡ nợ" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin