Phi công Việt: Những hình ảnh giản dị, dũng cảm

13/07/2016 01:54

(Pháp lý) - Hai chiếc máy bay quân sự Su 30 và Casa 212 gặp tai nạn khiến 10 chiến sĩ hi sinh trong thời gian vừa qua khiến triệu triệu trái tim bàng hoàng, xót xa và thương cảm. Hơn lúc nào hết, nghề phi công được gọi tên như một nghề nghiệp trân quý nhưng lại chứa đựng nhiều hiểm nguy. Nhìn lại lịch sử ngành không quân Việt Nam, ta thấy không ít những phi công mà tấm gương của họ, khiến ai cũng nghẹn ngào, xúc cảm và vô cùng tự hào.

Nổi danh trong cuộc chiến giữ nước của dân tộc

Chiến tranh Việt Nam ghi nhận cuộc chạm trán không cân sức giữa lực lượng không quân hùng hậu nhất thế giới của Mỹ với lực lượng không quân còn non trẻ của Việt Nam. Tuy mới thành lập, thiếu kinh nghiệm, trang thiết bị kém hiện đại hơn nhưng với sự nỗ lực phi thường cộng với tinh thần sáng tạo, dũng cảm các phi công Việt Nam đã lập được những chiến công hiển hách. Trong cuộc chiến tranh đó, có đến 16 phi công Việt Nam được công nhận danh hiệu Át - Là danh hiệu phi công được công nhận khi có từ 5 lần bắn rơi máy bay địch trở lên (trong khi đó con số phi công Át của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam chỉ có 5 người). Tiêu biểu phải kể đến như phi công Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Hồng Nhị, Phạm Thanh Ngân, Mai Văn Cương, Đặng Ngọc Ngự, Nguyễn Đức Soát…

[caption id="attachment_144303" align="aligncenter" width="410"]Phi công Nguyễn Văn Cốc – phi công phản lực Trung đoàn 921, Sư đoàn 371 – đã bắn rơi 9 máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phi công Nguyễn Văn Cốc – phi công phản lực Trung đoàn 921, Sư đoàn 371 – đã bắn rơi 9 máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân[/caption]

Phi công Nguyễn Văn Cốc được mệnh danh là “chim cắt” ông đứng đầu trong danh sách các “Át”. Ông Cốc có 9 lần bắn rơi máy bay Mỹ trong đó có 7 lần được phía Mỹ công nhận. Phi công Nguyễn Văn Cốc sinh năm 1943 tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Ông được tuyển chọn đi học lái máy bay MiG-17 vào năm 1961. Sau đó, ông lại sang Liên Xô học chuyển loại MiG-21. Ông bắt đầu các hoạt động bay chiến đấu với MiG-21 trong biên chế Trung đoàn 921, đoàn Sao Đỏ từ tháng 12/1965. Chỉ trong vòng 2 năm (1967-1968), ông đã bắn rơi 9 máy bay Mỹ (gồm 3 F-4, 3 F-5, 1 F-102, 2 UAV tầng cao AQM-34A).

Một trong những trận đánh đáng nhớ nhất của ông, được tuyển chọn vào tập sách những trận đánh hay của không quân là trận ngày 30/4/1967. Khi đó, biên đội của ông gồm phi công Nguyễn Ngọc Độ bay số 1, ông bay số 2 cất cánh đánh chặn một tốp F-105 của địch.Trong trận đánh, sau khi phi công Nguyễn Ngọc Độ phóng tên lửa diệt một máy bay, tranh thủ lúc địch chưa phát hiện ra ta, ông đã nhanh chóng công kích bắn hạ thêm một máy bay F-105.

Đây có thể nói là bước “cải tiến chiến thuật”, vì theo nguyên tắc chiến thuật bài bản, trong biên đội 2 MiG-21 thì số 2 chỉ có nhiệm vụ yểm trợ, quan sát đối phương giúp số 1 công kích. Tuy vậy, Nguyễn Văn Cốc đã sáng tạo cải tiến chiến thuật, khi thời cơ đến, ở thế có lợi cùng tham gia tiêu diệt máy bay địch, vừa bảo vệ đồng đội nhưng vừa tăng hiệu suất chiến đấu. Việc sáng tạo ra chiến thuật cải tiến số 2 cùng công kích, ông đã được đồng đội đặt cho biệt danh “chim cắt số 2”. Với những chiến công xuất sắc trong 2 năm chiến đấu, năm 1969, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị cũng là một trong những phi công Át xuất sắc của Không quân Nhân dân Việt Nam. Chỉ trong vòng 3 năm từ 1966-1968, phi công Nguyễn Hồng Nhị đã lập chiến công bắn hạ 8 máy bay địch. Trong đó, riêng năm 1967, ông bắn hạ tới 6 chiếc F-4 và F-8 của địch. Một trong những trận đánh đáng lưu ý của ông là vào ngày 4/4/1966, khi đó ông đã dùng một chiếc MiG-21 bắn hạ máy bay không người lái tầng cao ở độ cao 18.000m. Điều đặc biệt ở đây, ông là người đầu tiên bay trên MiG-21 chiến và cũng là lần đầu tiên MiG-21 của ta lập công diệt địch. Trong quá trình học tập trở thành phi công của ông. Ban đầu, ông được chọn đi học lái tiêm kích – bom. Nhưng khi về nước lại được giao lái máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-21. Đây là một trở ngại lớn vì những khoa mục, bài tập tiêm kích ông học rất ít, không thuần thục.

Bằng lòng dũng cảm, sáng tạo, Thiếu tướng Nhị đã lập được những chiến công xuất sắc bảo vệ bầu trời miền Bắc Việt Nam. Thậm chí, đối phương cũng phải “ngả mũ kính phục” ông. Năm 2005, một sĩ quan cao cấp Hải quân Mỹ (sau này trở thành Đô đốc Hải quân) đã tới Hà Nội du lịch với mong muốn được gặp Thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị để bày tỏ lòng ngưỡng mộ. Rất tiếc, khi đó ông không có mặt ở Hà Nội.

Phi công Châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ

Không chỉ nổi tiếng trong cuộc chiến giữ nước của dân tộc, nhiều phi công Việt Nam còn nổi tiếng cả trên thế giới. Đó là trường hợp của phi công Phạm Tuân. Ông sinh ngày 14/2/1947 tại xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Năm 1965, tốt nghiệp Trường phi công quân sự ở Liên Xô. Năm 1972, trong 12 ngày đêm, Mỹ sử dụng 193 máy bay B52 và hơn 1.000 máy bay chiến thuật, trung bình mỗi đêm đánh vào Hà Nội 50-70 lượt B52, cao điểm lên đến 100 lượt B52. Ngoài ra, mỗi đêm trung bình 300 lượt, cao điểm 450 máy bay chiến thuật đánh phá để yểm trợ. B52 được bảo vệ bằng các máy bay chiến đấu, tiêm kích đánh chặn, đánh ngay vào mục tiêu như sân bay, trận địa tên lửa. Vì vậy, không quân phải tập bay ở những sân bay ngắn, mới làm ở các nông, lâm trường, tập bay thấp, bay cao để có thể tiếp cận nhanh được B52.

[caption id="attachment_144304" align="aligncenter" width="410"]Những phi công trưởng thành cùng lịch sử hào hùng của dân tộc (ngoài cùng bên trái là phi công Phạm Tuân) Những phi công trưởng thành cùng lịch sử hào hùng của dân tộc (ngoài cùng bên trái là phi công Phạm Tuân)[/caption]

Với ý chí quyết tâm của quân ta trong những ngày đối đầu với B52. Đêm 27/12/1972, ông bắn rơi một máy bay B52 của Mỹ, trở thành người đầu tiên bắn hạ được loại máy bay này từ trên không và trở về an toàn. Năm 1973, được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Một dấu mốc khác trong cuộc đời người lính này đó là không những đã lái được máy bay chiến đấu mà còn được bay vào vũ trụ. Vào 1h33 ngày 23/7/1980 (giờ Hà Nội), Phạm Tuân cùng nhà du hành vũ trụ Xô Viết Viktor Vassilyevich Gorbatko được phóng vào không gian từ sân bay vũ trụ Baikonur trên tàu Soyuz 37. Vận tốc phóng nhích dần từ 0 đến 7,92 km một giây, lên đến độ cao 300 km thì tàu bay song song với trái đất và đạt vận tốc cao nhất. Hành trang ông mang theo là ảnh gia đình, vợ con, phong thư, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Lê Duẩn, một nắm đất Ba Đình, bản Tuyên ngôn độc lập, di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cờ Việt Nam và cờ Nga.... Tất cả những kỉ vật đó được đóng dấu trạm vũ trụ và mang trở về mặt đất.

Với vai trò phi công thí nghiệm, kỹ sư của con tàu, Phạm Tuân ngồi ở vị trí lái phụ, chịu trách nhiệm toàn bộ thông số của tàu. Khi có tình huống khẩn cấp thì ấn những nút giúp chỉ huy xử lý. Kể về hành trình và cảm xúc của mình, Phạm Tuân chia sẻ: "Phút được phóng đi tôi rất hồi hộp bởi ngồi trên quả tên lửa cao khoảng 40m, xung quanh động cơ làm việc ù ù. Nhưng sau đó tập trung làm việc nên quen dần, chỉ thấy bị lực đè nặng nhưng không ảnh hưởng gì. Hơn nữa, tôi từng là phi công lái máy bay chiến đấu nên không bị áp lực tâm lý... Con tàu vũ trụ đi 9 phút thì lên đến quỹ đạo và một ngày sau mới lắp ráp xong trạm vũ trụ. Tại đây, chúng tôi cùng làm việc, thực hiện các thí nghiệm trong tình trạng không trọng lực; quan sát bề mặt trái đất xem mũi đứt gãy để phán đoán vị trí các mỏ khoáng sản, quan sát hướng chảy của sông, vùng biển tập trung nhiều cá để hướng dẫn ngư dân, quan sát các hành tinh xa...

Trên hành trình của mình, ông có những hành động cụ thể để về quê hương. Ông nói: "Ở vòng thứ hai mươi, con tàu bay qua địa phận Việt Nam, dù chỉ vài giây nhưng tôi đã được nhường vị trí quan sát tốt nhất để chụp hình ảnh Việt Nam nhìn từ vũ trụ. Có lần đi qua Hà Nội, tôi được gửi điện xuống thủ đô với nội dung người con của Việt Nam đang bay qua bầu trời Tổ quốc, xin gửi lời hỏi thăm và cảm ơn nhân dân đã tạo điều kiện để tôi được bay vào vũ trụ".

Những phi công dũng cảm hi sinh trong thời bình

Gần đây một sự kiện thời sự là tiêm kích Su 30MK2 gặp nạn trên vùng biển Nghệ An khi thiếu tá Nguyễn Hữu Cường và thượng tá Trần Quang Khải làm nhiệm vụ huấn luyện trên biển. Một ngày sau, thiếu tá Cường (39 tuổi) được tàu của ngư dân cứu sống. Trong quá trình tìm kiếm phi công Trần Quang Khải, máy bay Casa 212 chở 6 sĩ quan và 3 quân nhân chuyên nghiệp đã gặp nạn trên vùng biển Hải Phòng, cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 44 hải lý. 9 phi công sau đó được xác nhận là hi sinh. Đảng và nhà nước đã công nhận các anh là liệt sĩ. Câu chuyện đời thường về các anh có thể khiến triệu triệu trái tim nghẹn ngào.

Trong 9 người có mặt trên Casa 212, Đại úy Lê Văn Đình là 1 trong 9 quân nhân có mặt. Anh từng tham gia lực lượng cảnh sát biển, đội phòng chống ma túy đóng quân tại Nghệ An và hiện là nhân viên tuần thám trên không thuộc Lữ đoàn 981 Bộ Tư lệnh Phòng không không quân. Anh học cấp 3 tại trường THPT Bãi Cháy, niên khóa 1998-2001, hình ảnh đọng lại của những người bạn thân và cô giáo dạy anh là một học sinh vạm vỡ, hiền lành, chịu khó.

[caption id="attachment_144305" align="aligncenter" width="410"]Những thành viên của Casa đã hi sinh Những thành viên của Casa đã hi sinh[/caption]

Anh Đình có người vợ trẻ và 2 con nhỏ (con gái lớn 2 tuổi và con trai út mới chỉ 3 tháng tuổi). Hai anh chị đã ấp ủ dự định sau chuyến bay này của anh Đình thì cả gia đình sẽ chuyển từ Thái Nguyên về căn hộ chung cư Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội mới mua. Thế nhưng, nhà mới chưa kịp ở thì anh đã hi sinh. Chuyện anh hi sinh, không phải dễ dàng nói với những đứa trẻ. Cảm nhận sự vắng mặt lâu của bố kể từ chuyến công tác, chúng hỏi 'Bố sao chưa về mua sữa cho con'?.

Trung uý Nguyễn Văn Thái (34 tuổi, Quỳnh Giang, Quỳnh Lưu, Nghệ An) - nhân viên tuần thám trên không Lữ đoàn 918 cũng đã hi sinh trên chuyến bay làm nhiệm vụ. Anh hi sinh bất ngờ, vợ anh vẫn vẹn nguyên hồi ức về chồng: Đơn vị của anh bên Gia Lâm. Trước hôm bay ấy anh vẫn tranh thủ về nhà ăn cơm với vợ con. Trước bữa ăn hôm ấy, anh tỉ mỉ cầm kéo cắt tóc cho 2 con trai, cậu lớn đã 4 tuổi. “Thấy vậy bà nội có hỏi sao không để cuối tuần hãy cắt thì anh bảo ‘Có thể cuối tuần con bận không về được’. Đến khoảng 21h, anh nhận được điện thoại từ đơn vị báo sớm mai phải nhận nhiệm vụ bay. Anh nói phải đi tìm đồng đội trên Su-30 mất tích. Nói đoạn anh xoa đầu con rồi đi”, chị Nguyệt rưng rưng kể.

Anh Thái là con thứ 4 trong gia đình. Sinh trong gia đình bần nông, vất vả từ nhỏ nên hiền lành, chịu khó. Anh chọn nghề phi công vì yêu thích những thú vị và hiểm nguy. Cuộc sống của anh bươn chải, nhọc nhằn như bao người lính ở thời bình. Mẹ anh kể lại: “Trước đây vợ chồng nó thuê được 1 gian nhỏ 1 triệu/tháng, sau này có 2 đứa con thì chuyển sang thuê căn rộng hơn ở chung cư mất 2,5 triệu/tháng. Chưa kể hồi năm ngoái vợ chồng nó còn phải thuê thêm người giúp việc chăm con, cuộc sống rất chật vật”. Đến đầu năm nay, vợ chồng anh Thái được tạo điều kiện thuê nhà công vụ giá rẻ trong chung cư Tổng cục Cảnh sát biển. Anh Thái là người sống tình cảm với vợ và con. Ngày nào cũng gọi 2 cuộc sáng và chiều về nhà hỏi mấy bà con ăn gì, con trai đã ăn cơm chưa. Hôm nào con ốm thì anh sốt sắng gọi liên tục xem đã uống thuốc chưa, đỡ sốt chưa...

Trên Casa 212 còn có trung úy Lê Đức Lam, nhân viên Cơ giới trên không thuộc Lữ đoàn 918, quê ở Vân Hội (Ninh Giang, Hải Dương). Lúc ở đơn vị, Lam được đại tá Ngô Quang Trung và nhiều lãnh đạo đơn vị cực kì “để ý”. Sau ngày Lam mất tích, đại tá Trung chia sẻ một số kỉ niệm với anh: Cách đây 3 năm, Lam mới sang nhận nhiệm vụ tại Phi đội CASA-212. Hơn 21h đêm, tôi nhìn thấy Lam gầy lòng khòng, cởi trần hì hục lau chùi hành lang phi đội. Tôi đến gần và hỏi, anh lính thật thà nói "cháu làm cho đỡ buồn". Đại tá Trung có thêm cảm tình với cậu lính trẻ. Sau này thân quen hơn, ông mới biết vì đồng lương chẳng dư dả gì nên anh ngại đi chơi.

Trung úy Lam có tuổi thơ nhọc nhằn, vất vả. Ai từng tiếp xúc với anh đều ấn tượng về con người chăm chỉ học tập, hay lao động, sống hòa nhã và có trách nhiệm với người xung quanh. Ham học hỏi nên Lam thường theo anh Luận, nhân viên cơ giới ra máy bay cả tuần để có thêm kinh nghiệm. "Nó còn mong tôi dạy thêm về dẫn đường, dù không phải là chuyên ngành. Thằng bé cũng chẳng bao giờ ngại việc, luôn nhận thiệt thòi về mình", đại tá Trung chia sẻ.

Năm 2014, một lần trên đường thực hiện nhiệm vụ trở về căn cứ, anh Lam rút điện thoại ra khoe với anh Chính (thiếu tá Nguyễn Văn Chính, Chính trị viên phi đội, phi công cấp 3 cùng mất tích trên CASA-212) về vợ sắp cưới. Cô gái ấy tên Thúy Nga, cũng là người vợ hiện tại của trung úy Lam. Khi ông Trung hỏi "Sao cưới vợ đến nơi rồi mới khoe với anh em?", chàng trung úy phòng không ngại ngùng nói "Người yêu cháu vừa xinh, lại có hai bằng đại học, cháu vừa xấu lại nghèo, sợ người ta chê nên mãi chẳng dám khoe ai".

Trung úy Lam kết hôn đầu năm 2015. Đồng lương bộ đội ít ỏi, vợ chưa có công ăn việc làm ổn định nên cuộc sống thiếu trước hụt sau. Đại tá Trung là người đầu tiên được trung úy trẻ khoe tin vợ mang bầu và biết được từ hôm đó anh nuôi lợn tiết kiệm để dành cho đứa con sắp chào đời. Trước hôm lên đường làm nhiệm vụ, ông Trung hỏi "Tiết kiệm được bao nhiêu rồi?". Khi biết anh để dành được khoảng 1,5 triệu đồng, ông còn trêu "để dành 6 tháng mới được triệu rưỡi", nhưng ông biết số tiền đó được tích cóp từ những đồng lẻ hàng ngày làm quà để dành cho con nhỏ sắp sinh.

Ngày 30/6/2016 buổi lễ tiễn biệt các phi công hi sinh trong thời bình đã diễn ra. Trời Hà Nội hôm ấy đổ mưa tầm tã. Sự mất mát trong thời bình đó để lại nỗi khắc khoải khôn nguôi trong lòng triệu triệu người. Đau xót nhất là thân nhân các anh, những người vợ trẻ, những đứa con thơ. Một sinh viên Sư phạm đã có những vần thơ khi chứng kiến hình ảnh con các anh ngày tiễn biệt bố:

“Con yêu bé bỏng
Nào đã hiểu đâu
Hà Nội mưa ngâu
Tiễn cha đi mãi…”

Phan Tĩnh (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Phi công Việt: Những hình ảnh giản dị, dũng cảm " tại chuyên mục Bài nổi bật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin