"Trên cơ sở những phát hiện của doanh nghiệp về 25 điểm còn chồng chéo trong các luật, tôi đề nghị có một làn sóng cải cách lần thứ 3 trong xây dựng pháp luật kinh doanh", TS. Vũ Tiến Lộc kiến nghị.
Nhấn mạnh tại Hội thảo công bố báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2019” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 26/12, Chủ tịch VCCI, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết vẫn còn 25 điểm xung đột, chồng chéo trong pháp luật liên quan đến đầu tư, sản xuất kinh doanh...
"Đây chỉ là xung đột, chồng chéo ở cấp độ luật, còn thông tư và nghị định thì rất nhiều", TS. Lộc cho biết thêm.
Theo người đứng đầu VCCI, chính 25 điểm xung đột, chồng chéo này là cản trở rất lớn, làm chậm lại quá trình huy động nguồn vốn đầu tư (ở cả khu vực công và tư) vào phát triển kinh tế, xã hội; tập trung nhiều ở các mảng như đầu tư, đấu thầu, môi trường, nhà ở…
Trình bày báo cáo tóm tắt của VCCI tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI cho biết, năm 2019 là năm có số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ít hơn so với các năm trước đó.
Theo Cổng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật, tính đến hết tháng 11/2019, mới chỉ có 267 thông tư được ban hành, thấp hơn nhiều so với con số từ 500 đến 800 thông tư của các năm trước đó; đối với nghị định, cũng mới chỉ có 91 nghị định được ban hành, thấp hơn con số 155 nghị định cùng kỳ năm 2018, và mức 125 nghị định trong 11 tháng đầu năm của năm 2017.
Tuy nhiên, nhóm chuyên gia thuộc Ban Pháp chế VCCI cho rằng, số lượng văn bản giảm không đồng nghĩa với việc khối lượng công việc xây dựng pháp luật của các bộ, ngành giảm.
Tạo làn sóng cải cách lần thứ 3?
Nhìn nhận về vấn đề này, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, đã có những làn sóng lớn trong cắt giảm, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính.
Năm 2016, Việt Nam đã thành công khi làm một cuộc rà soát tổng thể các điều kiện kinh doanh được quy định ở cấp thông tư, để quyết định loại bỏ hàng ngàn điều kiện kinh doanh và chỉ giữ lại điều kiện kinh doanh hợp lý theo quy định của Chính phủ, theo TS. Lộc nhìn nhận.
Năm 2018 cũng được xem là thành công trong việc đưa ra chỉ tiêu áp đặt buộc các bộ, ngành phải tìm những biện pháp để cắt giảm, đơn giản hoá 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành. Dưới sự đôn đốc của Chính phủ, phần lớn các bộ, ngành đều đạt mức cắt giảm trên 50%.
Tất nhiên là thực chất của các điều kiện kinh doanh cắt giảm còn phải bàn đến bởi cũng có những câu chuyện 2 điều kiện kinh doanh sáp nhập làm một.
"Theo tính toán sơ bộ của chúng tôi, khoảng 30% số điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành đã được cắt giảm một cách thực chất", TS. Lộc cho biết. Và theo đó, vẫn còn dư địa rất lớn cho cải cách trong lĩnh vực này.
Năm nay, việc ban hành những nghị định, thông tư để tiếp tục hành cắt giảm và đơn giản hoá các điều kiện kinh doanh hay thủ tục hành chính nói chung, theo góc nhìn của VCCI, ít sôi động hơn so với năm 2018.
Vì vậy, trong năm 2020 VCCI cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào cắt giảm, đơn giản điều kiện kinh doanh, hoá thủ tục hành chính và không phải chỉ dừng lại ở các quy định ở cấp nghị định, thông tư.
"Đặc biệt, trên cơ sở những phát hiện của doanh nghiệp về 25 điểm còn chồng chéo trên những văn bản pháp luật, tôi đề nghị có một làn sóng cải cách lần thứ 3 trong xây dựng pháp luật kinh doanh. Cần có sự sửa đổi tích cực và sửa đổi căn bản liên quan đến các quy định này", TS. Lộc kiến nghị.
Ông Lộc cho rằng, nếu tập trung mọi nỗ lực để giải quyết được 25 điểm còn chồng chéo này sẽ tạo nên sự nhất quán, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh và lan toả tác động sâu rộng tới đời sống xã hội.
Theo bizlive.vn
Nguồn bài viết: https://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/phat-hien-25-diem-chong-cheo-trong-luat-vcci-kien-nghi-tao-lan-song-cai-cach-nam-2020-3531256.html