Trung Quốc bắt đầu chiến dịch chống rửa tiền dài 3 năm
Kế hoạch hành động nói trên do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Bộ Công an Trung Quốc và 9 cơ quan khác của chính phủ nước này thực hiện. Theo Hãng tin Tân Hoa xã, kế hoạch hành động này kêu gọi các cơ quan liên quan phối hợp và tham vấn để trấn áp tất cả các loại hoạt động rửa tiền. Chiến dịch này bắt đầu từ đầu năm 2022 và sẽ kéo dài đến cuối năm 2024.
Trong tuyên bố hôm 26/01/2022, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết tiến hành chiến dịch này nhằm "ngăn chặn xu hướng rửa tiền và các tội phạm liên quan khác đang lan rộng". Ngân hàng đã điều tra và trừng phạt các vụ rửa tiền với cường độ mạnh hơn trong những năm gần đây. Vào tháng 6/2021, cảnh sát Trung Quốc bắt hơn 1.100 người trong một đợt xử lý mạnh tay việc sử dụng tiền điện tử để rửa tiền.
Ưu tiên đề cao nghĩa vụ phòng, chống của tổ chức và cá nhân
1. Là một quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất trên thế giới, nên tội phạm về rửa tiền ở nước Mỹ xuất hiện từ rất sớm. Theo đó ngay từ những năm 1970, nước Mỹ đã ban hành Luật Bí mật ngân hàng (BSA) và các quy tắc. Mục đích của bộ luật này được xây dựng nhằm tạo hành lang pháp lý để điều tra tội phạm rửa tiền, trốn thuế, buôn lậu… Đây là một đạo luật được các chuyên gia đánh giá rất cao về sự chặt chẽ và tính khả thi. Sau đạo luật này, nước Mỹ tiếp tục ban hành một số đạo luật khác nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý việc phòng, chống rửa tiền phù hợp với thực tiễn, như: Luật Quản lý toàn diện tội phạm năm 1984, Luật Quản lý rửa tiền năm 1986, Luật Chống sử dụng ma tuý năm 1988, Luật Chống rửa tiền Annunzio - Wylie năm 1992.
Đến nay, hành lang pháp lý về phòng, chống rửa tiền ở Mỹ được quy định: Các tổ chức tài chính phải báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền và phải lưu giữ tất cả các chứng từ liên quan đến giao dịch trên 10.000 USD. Riêng đối với các cơ quan chức năng được quyền hạ thấp mức chuẩn 10.000 USD trong các cuộc điều tra nếu thấy cần thiết. Đặc biệt đối với các cá nhân và tổ chức, luật quy định phải có nghĩa vụ báo cáo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền nếu phát hiện các đối tượng tham gia vào bất kỳ hoạt động rửa tiền. Đây là một trong những căn cứ để tịch thu, sung quỹ tiền và tài sản có liên quan đến hoạt động rửa tiền của các đối tượng phạm tội.
Trường hợp các cá nhân phớt lờ không tuân thủ những quy tắc và luật lệ liên quan đến hoạt động phòng, chống rửa tiền thì có thể xử lý về mặt dân sự, hoặc hình sự, tùy vào mức độ vi phạm nặng hay nhẹ làm căn cứ xử lý. Về mặt dân sự, người vi phạm sẽ bị phạt nặng, số tiền phạt có thể lên đến 250.000 USD hoặc bị xử lý về mặt hình sự có thể phạt tù đến 5 năm tù giam. Các nhân viên ngân hàng cũng không ngoại lệ, nếu cố tình vi phạm những quy định về báo cáo và lưu giữ chứng từ của BSA, có thể bị phạt tới 100.000 USD.
2. Mặc dù chưa có đạo luật chuyên về phòng chống rửa tiền nhưng nước Anh đã ban hành khá nhiều các quy định cũng như luật lệ khác liên quan đến phòng, chống rửa tiền. Cụ thể, cuối năm 1990, nước Anh đã ban hành hàng loạt văn bản hướng dẫn cho hệ thống ngân hàng về phòng, chống rửa tiền. Trước đó là các đạo luật điều chỉnh ra đời, như: Luật Chống buôn bán ma túy năm 1986 cho phép cảnh sát có quyền điều tra những tài sản đáng ngờ có liên quan đến ma túy, phong tỏa và khi có chứng cứ sẽ tịch thu những tài sản này. Luật Phòng, chống khủng bố năm 1987 cho phép kết tội những người sử dụng hoặc sở hữu quỹ khủng bố. Luật Hình sự sửa đổi năm 1993 mở rộng quyền của tòa án trong việc kết tội rửa tiền như một tội phạm hình sự.
Cũng giống như tại Mỹ, đặc điểm chung trong các quy định phòng, chống rửa tiền tại Anh đề cao việc tuân theo những hướng dẫn và các luật lệ. Cụ thể là, các nhân viên của các định chế tài chính phải có nghĩa vụ hợp tác toàn diện với các cơ quan pháp luật và phải có nghĩa vụ thông báo trước cho các cơ quan có thẩm quyền tất cả các giao dịch đáng ngờ. Ngân hàng phải nhận dạng tất cả các khách hàng bằng mọi cách có thể, kể cả gặp mặt trực tiếp, đồng thời phải lưu giữ tất cả chứng từ giao dịch, tối thiểu là 6 năm. Đây là một trong những căn cứ để phục vụ công tác điều tra khi các đối tượng bị phát hiện có dấu hiệu rửa tiền. Trường hợp các tổ chức và cá nhân không tuân theo những hướng dẫn của luật và quy định về phòng, chống rửa tiền sẽ dẫn tới những trách nhiệm pháp lý.
Luật pháp nước Anh còn cho phép cảnh sát có quyền điều tra những tài sản nghi ngờ có liên quan đến hoạt động mua bán ma túy và có quyền phong tỏa, nếu có chứng cứ sẽ tịch thu những tài sản bất hợp pháp này. Tòa án có quyền kết tội những người cố tình che giấu, biển thủ, chuyển nhượng hoặc vận chuyển tài sản, hoặc giúp đỡ người khác làm việc đó khi biết hoặc nghi ngờ những tài sản do phạm tội buôn bán ma túy mà có, coi tội rửa tiền như tội phạm hình sự.
3. Nước Úc cũng thực hiện hệ thống báo cáo giao dịch tiền tệ tương tự như tại Mỹ. Bất kỳ một giao dịch tiền tệ nào tương đương hoặc lớn hơn 10.000 USD đều phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Những dữ liệu này sau đó được truyền tự động tới Cơ quan Báo cáo giao dịch tiền tệ. Trường hợp xác định là giao dịch rửa tiền thì coi đây là căn cứ để tịch thu, sung công quỹ tiền và tài sản liên quan đến hoạt động rửa tiền. Nếu các cá nhân của các tổ chức tín dụng không tuân thủ những quy định về luật liên quan đến hoạt động phòng, chống rửa tiền sẽ bị xử lý theo quy định và có thể phải xử lý hình sự.
4. Tại Nhật, các ngân hàng được yêu cầu phải báo cáo tất cả các giao dịch tiền tệ trong nước vượt quá 30 triệu Yên và các giao dịch tiền tệ quốc tế vượt quá 5 triệu Yên. Hơn nữa, trong trường hợp liên quan đến ma tuý, toà án có thể kết án ngân hàng và các tổ chức tín dụng về tội rửa tiền. Các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Myanma, Indonesia, Philippin đều có các văn bản về chống rửa tiền với những phạm vi và mức độ khác nhau. Các nước này cũng đã thành lập những cơ quan chuyên trách riêng xử lý vấn đề liên quan đến phòng, chống rửa tiền như AMLO hay AMLC. Các cơ quan này có chức năng chủ yếu là thu thập và xử lý thông tin liên quan đến tài sản liên quan đến buôn bán ma tuý và rửa tiền…
4 bài học kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam
Tại Việt Nam, kể từ khi Luật Phòng, chống rửa tiền được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực thi hành kể từ đầu năm 2013, công tác phòng, chống rửa tiền đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ, góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố nói riêng; cũng như góp phần làm minh bạch hệ thống tài chính, thúc đẩy hoạt động thanh toán và thương mại quốc tế phát triển. Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai thực hiện vấn nạn rửa tiền không những chưa được kiềm chế mà có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Nguyên nhân do hành lang pháp lý về phòng, chống rửa tiền đã bộc lộ một số hạn chế, chưa cập nhật và đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế mới cũng như yêu cầu quản lý trước sự phát triển nhanh chóng của thực tiễn, đặt ra yêu cầu cần thiết phải rà soát, tổng kết và đề xuất sửa đổi, bổ sung…
Từ kinh nghiệm phòng chống rửa tiền của các quốc gia trên thế giới (như đã phân tích và đánh giá ở trên), chúng tôi rút ra 4 vấn đề có thể tham khảo vận dụng vào hoàn thiện pháp luật về công tác phòng chống rửa tiền tại Việt Nam, như sau:
Một là: Đề cao vai trò và nghĩa vụ của các tổ chức và cá nhân, trong đó chủ yếu là ngân hàng (giống như pháp luật về phòng chống rửa tiền của Mỹ, Anh, Úc và kể cả Nhật Bản). Theo đó, để làm tốt vai trò của mình, các Ngân hàng buộc phải chủ động phối hợp với các cơ quan có chức năng tổ chức tập huấn về kỹ năng nhận diện, nhận biết về các hành động rửa tiền. Đồng thời đầu tư cơ cở vật chất cải thiện hệ thống lưu giữ chứng từ; xây dựng cơ chế sàng lọc các giao dịch tiền mặt lớn và giao dịch tiền mặt nhiều lần liên tục; xây dựng báo cáo tự động để có thể báo cáo kịp thời những hành động đáng ngờ cho cơ quan có thẩm quyền
Hai là: Xây dựng bộ nhận diện về hành vi rửa tiền phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong đó quy định cụ thể số tiền giao dịch phải báo cáo phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Trường hợp các tổ chức và cá nhân không tuân theo những hướng dẫn của luật và quy định về phòng, chống rửa tiền sẽ bị chế tài nghiêm khắc giống như chế tài của Luật BSA của Mỹ ban hành (về mặt dân sự, người vi phạm sẽ bị phạt nặng, số tiền phạt có thể lên đến 250.000 USD hoặc bị xử lý về mặt hình sự có thể phạt tù đến 5 năm tù giam)
Ba là: Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có liên quan để phòng chống rửa tiền nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của việc phòng chống rửa tiền, các cơ quan nhà nước như Ngân hàng Nhà nước, Hải quan, Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng. Trường hợp cần thiết các cơ quan chức năng được quyền hạ chuẩn giá trị giao dịch để phục vụ điều tra (giống như Luật BSA của Mỹ). Cơ quan công an có quyền điều tra những tài sản đáng ngờ có liên quan đến ma túy, phong tỏa và khi có chứng cứ sẽ tịch thu những tài sản này.
Bốn là: Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân về các rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố, giúp các tổ chức, cá nhân hiểu rõ tác hại của rửa tiền, từ đó thúc đẩy một nền văn hóa tuân thủ pháp luật giống như cách làm của Singapose.
Tóm lại phòng, chống rửa tiền là cuộc đấu tranh gian khổ, lâu dài đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi người dân, từ đó mới có thể phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ việc có liên quan đến rửa tiền. Hy vọng những bài học kinh nghiệm được rút ra sẽ tài liệu quý để các cơ quan chức năng tham khảo xây dựng, hoàn thiện các quy định về phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam./.