PGS.TS. Trần Văn Độ nói về nguyên nhân, tác hại của tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp và kiến nghị 5 giải pháp

24/06/2021 12:15

(Pháp lý) - Thời gian qua, các vụ, việc tiêu cực, xâm phạm hoạt động tư pháp liên tục bị cơ quan chức năng phát hiện, điều tra và xử lý. Mặc dù, so với các vụ án hình sự kinh tế, tiêu cực tham nhũng trong lĩnh vực khác không nhiều, nhưng tính chất, mức độ và hậu quả của nó rất nghiêm trọng. Bởi vì chủ thể của loại tội phạm này là những người được giao nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nhưng hành vi của họ lại trực tiếp xâm phạm đến quyền con người, bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội, gây ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với cơ quan tư pháp, ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của pháp luật.

Ngày 10/5 ,Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ra quyết định khởi tố nhóm 3 cán bộ, chiến sĩ công an quận Đồ Sơn, Hải Phòng

Theo PGS.TS Trần Văn Độ có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiêu cực tham nhũng trong hoạt động tư pháp. Đặc biệt trong đó phải kể đến là hoạt động tư pháp thuộc lĩnh vực khép kín, ít phải đối mặt với sự giám sát của người dân so với các lĩnh vực khác. Trong khi đó, pháp luật hiện nay chưa có những quy định cơ chế cụ thể về giám sát từ bên ngoài của quần chúng nhân dân đối với hoạt động tư pháp. Do đó, để phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp tới đây rất cần có nhiều giải pháp đồng bộ.

Liên tục các vụ, việc có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp bị phát giác .

Điển hình như mới đây, cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao đã ra quyết định khởi tố nhóm 3 cán bộ, chiến sĩ công an quận Đồ Sơn, Hải Phòng gồm trung tá Đinh Đình Việt (46 tuổi - đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm hình sự kinh tế và ma túy); thượng úy Đỗ Hữu Dũng (29 tuổi - phó đội trưởng Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội) và thượng úy Nguyễn Viết Công (29 tuổi - cán bộ Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội) để điều tra hành vi cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Cũng liên quan đến vụ việc này, trước đó, ngày 21/1, cơ quan điều tra VKSND tối cao đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Hữu Cường (36 tuổi - phó đội trưởng Đội điều tra tổng hợp Công an quận Đồ Sơn) để điều tra về hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Nhóm cán bộ, chiến sĩ trên bị khởi tố do có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ liên quan vụ bắt giữ nhóm người dương tính với chất ma túy tại quán karaoke Hải Sơn 86 phường Hợp Đức bị phanh phui khi cấp dưới của ông Nguyễn Hữu Cường là thiếu tá Trịnh Văn Khoa đã làm đơn tố cáo với cơ quan điều tra VKSND Tối cao.

Hay hồi đầu tháng 11 năm 2020, trong vụ án liên quan đến Nguyễn Xuân Đường (Đường Nhuệ), Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã ra quyết định khởi tố, tạm giam Nguyễn Bằng Giang (39 tuổi) và Hoàng Hồng Hạnh (42 tuổi), hai cựu công an huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, để điều tra hành vi “làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc”, theo điều 375 Bộ luật hình sự năm 2015.

Quá trình xác minh, điều tra, VKSND Tối cao Tối cao xác định ông Giang và Hạnh là cán bộ Đội điều tra Hình sự, trực tiếp thụ lý vụ việc đã có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp trong quá trình xử lý vụ cố ý gây thương tích đối với nhóm Tiến “Trắng”.

Hay như nghi án xâm phạm hoạt động tư pháp tại Công an Quận Tây Hồ, Hà Nội hồi đầu tháng 5/2020, Công an TP Hà Nội cho biết đã tạm đình chỉ công tác một số cán bộ và cựu lãnh đạo Công an quận Tây Hồ, trong đó có đại tá Phùng Anh Lê (Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế), thượng tá Phạm Quý Hải (Phó trưởng công an quận Tây Hồ) và trung tá Nguyễn Đức Châu (Đội trưởng Cảnh sát hình sự quận Tây Hồ) để cơ quan chức năng xác minh, làm rõ một số dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp của những người này.

Theo đại diện Công an TP Hà Nội, ông Lê và Hải được cho có liên quan đến việc Công an quận Tây Hồ không xử lý hình sự nhóm cướp tài sản gây án vào năm 2016 tại quận này. Thời điểm năm 2016, ông Lê là Trưởng Công an quận Tây Hồ. Ông Châu bị tình nghi liên quan đến một vụ việc khác.

Ngoài ra, Cơ quan điều tra VKSNDTC đã phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp về tội phạm tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp cũng như làm rõ những vụ án oan sai, bỏ lọt tội phạm được dư luận xã hội quan tâm, như: Vụ án Ngô Thanh Phong, nguyên Phó Thủ trưởng thường trực, Nguyễn Văn Nên, nguyên Phó Thủ trưởng và Phạm Văn Út, nguyên Thủ kho vật chứng kiêm Thủ quỹ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” chiếm đoạt hơn 1,2 tỷ đồng; Vụ án Đinh Thiên Tường, nguyên Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; Vụ án Châu Tùng Chinh, nguyên Chi Cục Trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ về tội “Tham ô tài sản” với số tiền 2,6 tỷ đồng…

Truy nguyên nhân

Trao đổi với PV Pháp lý, PGS.TS Trần Văn Độ - nguyên Phó chánh án Toà án nhân dân tối cao cho rằng, tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp luôn có nguy cơ cao. Tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp đều có thể xuất hiện ở hầu hết các giai đoạn tố tụng, từ giai đoạn tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư tố giác, khiếu nại, tố cáo các vụ việc, vụ án cho đến giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử…

Có thể nhận diện các hành vi tiêu cực điển hình như bao che cho cơ quan, đơn vị, người bị khiếu nại, tố cáo gây nên khiếu kiện phức tạp, kéo dài; tìm lý do khác để không giải quyết, xử lý vụ phạm tội; ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự không có căn; bức cung, nhục hình; làm sai lệch hồ sơ vụ án; lạm dụng chức vụ quyền hạn để vụ lợi; tha trái pháp luật người đang bị giam giữ; không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tham nhũng trong hoạt động điều tra, xử lý vụ án hình sự; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ thiếu căn cứ…

Theo PGS.TS Trần Văn Độ, tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp xuất phát từ nhiều nguyên nhân, đó là hệ thống pháp luật của nước ta còn chồng chéo, có những qui định chưa rõ ràng, việc giải thích, hướng dẫn pháp luật chưa kịp thời; việc kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp (điều tra, truy tố, xét xử…) chưa chặt chẽ, phân công, phân cấp chưa rõ ràng, việc quản lý nghiệp vụ, quản lý cán bộ, công chức tại một số cơ quan tư pháp còn lỏng lẻo …

Theo PGS.TS Trần Văn Độ có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiêu cực tham nhũng trong hoạt động tư pháp. Đặc biệt trong đó phải kể đến là hoạt động tư pháp thuộc lĩnh vực khép kín, ít phải đối mặt với sự giám sát của người dân so với các lĩnh vực khác. Trong khi đó, pháp luật hiện nay chưa có những quy định cơ chế cụ thể về giám sát từ bên ngoài của quần chúng nhân dân đối với hoạt động tư pháp. Do đó, để phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp tới đây rất cần có nhiều giải pháp đồng bộ.

Đặc biệt theo PGS.TS Trần Văn Độ một nguyên nhân không thể không kể đến là hoạt động tư pháp là lĩnh vực khép kín, ít phải đối mặt với sự giám sát của người dân so với các lĩnh vực khác. Trong khi đó, pháp luật hiện nay chưa có những quy định cơ chế cụ thể của việc giám sát từ bên ngoài đối với hoạt động tư pháp.

PGS.TS Trần Văn Độ - nguyên Phó chánh án Toà án nhân dân tối cao

Đáng nói, từ các vụ, việc xâm phạm hoạt động tư pháp xảy ra trong thời gian gần đây, chúng tôi nhận thấy, trong các cơ quan tư pháp vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức bị tha hoá về phẩm chất đạo đức. Những người này đã lợi dụng quyền hạn, chức vụ của mình để câu kết, tham nhũng trong hoạt động điều tra, xử lý vụ án hình sự.

Điển hình như trong vụ khởi tố, bắt giam 4 cán bộ công an quận Đồ Sơn, Hải Phòng mới đây, theo chia sẻ của thiếu tá Trịnh Văn Khoa với báo chí, vào rạng sáng 13/11/2020, các cán bộ chiến sĩ thuộc Đội điều tra tổng hợp và quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận Đồ Sơn kiểm tra hành chính quán karaoke Hải Sơn 86 tại tổ dân phố Trung Nghĩa, phường Hợp Đức, phát hiện 28 người có dấu hiệu sử dụng trái phép chất ma túy. Tại hiện trường, công an thu được một số viên màu hồng và bột trắng nghi là ketamine.

Sau khi thu giữ tang vật, lập biên bản hiện trường, đến 6h cùng ngày, 28 người được đưa về Công an quận Đồ Sơn để lấy mẫu xét nghiệm và kết quả 25/28 người dương tính với ma túy. Bất thường là ngay chiều 13/11/2020, thiếu tá Nguyễn Hữu Cường - phó đội trưởng Đội điều tra tổng hợp chỉ đạo cấp dưới của mình là thiếu tá Trịnh Văn Khoa dừng việc lấy lời khai để những người bị tạm giữ gọi điện về cho người thân. Đến tối cùng ngày, lần lượt những người bị bắt giữ trước đó đều được cho về. Cũng theo thiếu tá Khoa, sau vụ việc trên, Đội điều tra tổng hợp được yêu cầu làm lại hồ sơ vụ bắt giữ nhóm bay lắc theo hướng ghi lời khai không có ai sử dụng ma túy. Tuy nhiên, các cán bộ Đội điều tra tổng hợp không thực hiện. Ngay sau đó, vụ việc được giao cho những người khác thực hiện.

Đáng chú ý, theo thiếu tá Khoa, hai ngày hôm sau (15/11/2020) thiếu tá Cường mang về đội 30 triệu đồng nói là được thưởng, đề nghị đưa vào quỹ chung của đội 15 triệu, chia cho đội trưởng 6 triệu, số tiền còn lại chia đều cho những cán bộ, chiến sĩ trong đội. Tuy nhiên, thiếu tá Khoa cùng nhiều đồng đội không nhận số tiền này.

Hay như trong vụ án cựu kiểm sát viên Viện KSND huyện Ba Vì (Hà Nội) nhận hối lộ 20 triệu đồng và 13 quả trứng đà điểu vừa được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử hôm 1/6 vừa qua, cũng cho thấy tham nhũng bắt nguồn từ sự tha hoá của cán bộ trong chính cơ quan tư pháp.

Theo cáo trạng, ngày 18/7/2016, Công an huyện Ba Vì đã thụ lý đơn tố giác tội phạm của quần chúng nhân dân về việc Nguyễn Thị Bích Thủy (41 tuổi, ở Ba Vì, Hà Nội) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đến ngày 21/7/2016, Viện KSND huyện Ba Vì phân công ông Đỗ Văn Khoa là kiểm sát viên thực hiện giải quyết vụ việc trên.

Trong thời gian điều tra, Thủy gặp Khoa tại hành lang trụ sở Công an huyện Ba Vì, kể về việc công an "đòi" đưa 150 triệu đồng để làm trắng hồ sơ (tức là không khởi tố Thủy). Lúc này, Khoa hỏi "Viện kiểm sát không được gì à?" và yêu cầu Thủy đưa thêm tiền.

Khoảng giữa tháng 8/2017, Thủy đến nhà Khoa đưa cho ông này 20 triệu đồng. Sau đó Khoa có hẹn Thủy đưa tiếp 20 triệu đồng vào ngày 22/8/2017, còn 120 triệu đồng hẹn một tháng sau đưa nốt. Tuy nhiên, Thủy không thực hiện việc đưa thêm tiền cho Khoa

Chiều 25/8/2017, Khoa gọi cho Thủy yêu cầu mua 13 quả trứng đà điểu cho vào các hộp để mang đi biếu cấp trên. Ngày 28/8/2017, Thủy mang 13 quả trứng đà điểu (tổng trị giá 2,3 triệu đồng) đến nhà Khoa và đưa cho ông này.

Tuy nhiên, đến tháng 5/2018, Thủy vẫn bị khởi tố nên bà này đã đến nhà ông Khoa nhắc lại về số tiền 20 triệu đồng, tiếp tục nhờ vị kiểm sát viên này "lo giảm án". Khoa bảo Thủy chuẩn bị 430 triệu đồng, tuy nhiên Thủy không đưa.

Tại phiên toà ngày 1/6, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Đỗ Văn Khoa (57 tuổi, ở Ba Vì, Hà Nội, cựu kiểm sát viên Viện KSND huyện Ba Vì) 3 năm tù về tội nhận hối lộ.

Tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp đều có thể xuất hiện ở hầu hết các giai đoạn tố tụng, từ giai đoạn tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư tố giác, khiếu nại, tố cáo các vụ việc, vụ án cho đến giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử…

Có thể nhận diện các hành vi tiêu cực điển hình như bao che cho cơ quan, đơn vị, người bị khiếu nại, tố cáo gây nên khiếu kiện phức tạp, kéo dài; tìm lý do khác để không giải quyết, xử lý vụ phạm tội; ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự không có căn; bức cung, nhục hình; làm sai lệch hồ sơ vụ án; lạm dụng chức vụ quyền hạn để vụ lợi; tha trái pháp luật người đang bị giam giữ; không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tham nhũng trong hoạt động điều tra, xử lý vụ án hình sự; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ thiếu căn cứ…

Kiến nghị

Tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp luôn có nguy cơ cao và có thể xảy ra ở hầu hết ở các giai đoạn tố tụng, từ giai đoạn tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư tố giác, khiếu nại, tố cáo các vụ việc, vụ án cho đến giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử… Tính chất, mức độ và hậu quả của nó rất nghiêm trọng. Bởi vì chủ thể của loại tội phạm này là những người được giao nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nếu không ngăn chặn được tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp thì công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là công tác phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực khác sẽ không đạt được hiệu quả cao nhất,.

Ðể phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp có hiệu quả tốt, trong thời gian tới theo các chuyên gia cần có nhiều giải pháp đồng bộ.

Trong đó, cần hoàn thiện thể chế pháp luật, nhất là thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động tư pháp. Đặc biệt, cần cơ chế kiểm tra, giám sát đặc biệt để có sự giám sát từ bên ngoài quần chúng nhân dân và báo chí đối với hoạt động tư pháp.

Đề cao trách nhiệm pháp lý của cán bộ có chức danh tư pháp trong hoạt động tố tụng; thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và xử lý kỷ luật đối với cán bộ của cơ quan điều tra, kiểm sát, toà án.

Điều cần nói đến nhiều hơn là cơ chế, chính sách quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị đối cán bộ tư pháp. Có cơ chế thu hút, tuyển chọn những người có tâm huyết, đủ đức, đủ tài vào làm việc ở các cơ quan tư pháp. Có cơ chế kiểm soát không cho những người không đủ phẩm chất, năng lực lọt vào hệ thống.

Cần có giải pháp làm sạch đội ngũ tư pháp. Cán bộ tư pháp phải có bàn tay sạch thì tội phạm mới sợ và cuộc đấu tranh với tội phạm nói chung, tội phạm tham nhũng nói riêng mới đạt kết quả cao.

Đinh Chiến

Bạn đang đọc bài viết "PGS.TS. Trần Văn Độ nói về nguyên nhân, tác hại của tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp và kiến nghị 5 giải pháp" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin