Ông Thẩm phán đề cao lẽ hiếu sinh

Là một Thẩm phán, làm đến Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đồng thời là Trung tướng, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương, nhưng suốt cả cuộc đời gắn bó với hoạt động xét xử ông Trần Văn Độ chưa từng tuyên một bản án tử hình nào, trường hợp nào ông cũng tìm thấy lý do để họ được sống…

Ông Trần Văn Độ - Ảnh: Kim Anh

Những bản án sinh tử

Mỗi lần gặp Trung tướng Trần Văn Độ, tôi thường hỏi chuyện ông về pháp luật, về các vụ án mà ông đã xét xử hoặc chỉ đạo, ông kể nhiều chuyện, có chuyện rất hay nhưng không tiện công bố. Một trong những ấn tượng khó quên là nhiều vụ án bị cáo bị Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt tử hình hay bị truy tố về tội danh có hình phạt đến tử hình nhưng qua xét xử, ông đều tìm thấy lý do để không tước đoạt mạng sống của họ.

Một lần vào Tây Nguyên xét xử phúc thẩm, ông xử một bị cáo là một người lính biên phòng trẻ, quê Hà Tây. Là lính mới, anh ta thường xuyên bị lính cũ ức hiếp, đi lấy củi cũng bị đánh, quét nhà cũng bị đánh, đi lấy cơm rồi ăn trước cũng bị đánh… Mỗi lần đánh, mấy lính cũ đều bắt anh ta phải ngậm một viên đá cuội để không kêu được. Một thời gian ngắn anh ta bị đánh bảy lần và nhiều lính trẻ khác cũng bị đối xử như thế. Hôm đó đang đứng gác thì nhóm lính cũ gọi một người bạn thân của anh ta đến và hành hạ, cơn uất ức dồn nén lâu nay bùng lên, sẵn súng trong tay anh bóp cò, súng nổ liên thanh làm ba người chết, hai người bị thương. Vào trại giam, anh ta nghe mọi người nói với tội trạng như thế, có tử hình ba lần cũng không hết tội, và quả thật bản án sơ thẩm đã tuyên phạt anh ta mức án tử hình. Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm, Thẩm phán Trần Văn Độ cho rằng, nếu xử y án sơ thẩm thì cũng không ai trách cứ, nhưng nguyên nhân xảy ra vụ án có lỗi của bị hại, bị cáo vốn là người tốt, bị ức hiếp, kích động dẫn đến phạm tội; ở đây còn có lỗi quản lý yếu kém của lãnh đạo đơn vị, nên cần khoan hồng, mở cho anh ta con đường sống. Các Thẩm phán trong Hội đồng đồng xét xử phúc thẩm đã sửa án, xử phạt bị cáo mức án tù chung thân. Nghe Tòa tuyên án, bị cáo ngơ ngác một lúc mới hiểu là mình được sống. Sau nhiều năm thụ án anh lính được trả tự do và ngày nay được biết là một chủ doanh nghiệp phát đạt có nhiều công nhân. Dù chưa gặp lại sau phiên tòa ấy nhưng thông tin về người lính trẻ năm xưa khiến ông rất vui.

Kể lại vụ án này, ông chứng minh cho quan điểm về án tử hình của mình. Ông cho rằng tử hình một người kéo theo gia đình, cha mẹ, vợ con, thậm chí cả dòng họ sống trong mặc cảm, không lúc nào dám ngẩng cao đầu. Chưa kể những đứa con có thể vì cha mẹ bị tử hình mà bỏ học, có thể đi bụi đời, trở nên hư hỏng, có thể sa chân thành tội phạm mà chưa mấy ai nghĩ đến hệ lụy đó. Do đó, ông cho rằng chỉ những trường hợp đặc biệt mới dùng đến hình phạt tước đoạt sinh mệnh con người. Quan điểm đó ông chia sẻ ở nhiều diễn đàn và áp dụng triệt để trong thực tiễn xét xử, nên Tòa án quân sự các cấp dưới sự lãnh đạo của Trung tướng Trần Văn Độ cũng thấm nhuần tinh thần ấy.

Trong vụ án Nguyễn Thị Th ở Mỹ Đình, Hà Nội, vì nghi kỵ, mâu thuẫn nhỏ nhặt mà bị cáo nhờ hai đối tượng đổ xăng đốt nhà anh Nguyễn Chí H (Đại úy Quân đội) khiến vợ chồng anh H và con gái 6 tuổi thiệt mạng, Tòa án Quân sự Quân khu Thủ đô tuyên phạt Nguyễn Thị Th mức án tù chung thân, hai kẻ thực hành 20 năm và 18 năm tù. Dư luận ồn ào cho rằng mức hình phạt chưa thỏa đáng, gia đình các nạn nhân kháng cáo bản án sơ thẩm, đề nghị tuyên phạt bị cáo Th mức án tử hình. Ngày 1/12/2010 Tòa phúc thẩm Tòa án Quân sự Trung ương đã tiến hành xét xử phúc thẩm và tuyên y án sơ thẩm, phạt tù chung thân đối với Nguyễn Thị Th.

Chánh án Tòa án quân sự Trung ương Trần Văn Độ cho rằng mức án tù chung thân dành cho bị cáo Th là phù hợp, bị cáo có con nhỏ, nên dành cho bị cáo cơ hội cải tạo tốt để trở về làm chỗ dựa cho con cái. Hơn nữa đây là án truy xét, lỡ có sai sót gì trong điều tra, truy tố, xét xử mà tuyên phạt tử hình bị cáo thì không thể khắc phục được.

Bản án cần nghiêm minh, không nên nghiêm khắc

Trung tướng Trần Văn Độ học đại học Luật, sau đó được tuyển thẳng lên nghiên cứu sinh và bảo vệ Luận án Tiến sĩ tại Đại học Lômôlôxốp (Liên Xô) nổi tiếng. Năm 1986, ông về công tác tại Tòa án quân sự Trung ương liên tục, qua nhiều cương vị khác nhau, cho đến lúc nghỉ hưu với cương vị lãnh đạo cao nhất của cơ quan này. Ông là một Thẩm phán Tòa án tối cao dày dạn kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời là một nhà khoa học với học hàm Phó Giáo sư, có quan điểm về pháp luật hình sự nhất quán, đó là công lý vượt qua pháp luật vì pháp luật luôn chậm hơn thực tiễn cuộc sống. Pháp luật phải đề cao nguyên tắc pháp quyền, đề cao quyền con người và nguyên tắc nhân đạo, lẽ công bằng. Trong xét xử, Thẩm phán ngoài căn cứ pháp luật, phải dựa vào lương tâm của mình, có cảm nhận công lý đúng đắn để đưa ra phán quyết nghiêm minh, nhân đạo, không chỉ đảm bảo phòng ngừa tội phạm, mà còn mở đường cho người phạm tội có cơ hội khắc phục sai lầm, tái hoà nhập xã hội.

  • Tôi hay nói với anh em, với các học viên, là người phạm tội giống như họ đã bước vào vũng bùn, nhiệm vụ của Tòa án là kéo họ trở lại, chứ không phải đẩy tiếp cho họ sa lầy hơn.
  • Quan niệm thông thường cho rằng, Tòa án là cơ quan xét xử đưa ra hình phạt nhằm trừng trị người phạm tội để bảo đảm công bằng, nhiều trường hợp dư luận rất mong Tòa xử phạt thật nghiêm khắc, ông có nghĩ sao về quan niệm đó?
  • Tôi luôn phản đối quan điểm cho rằng mục đích hình phạt là trừng trị, bởi vì mục tiêu cao nhất của hình phạt là giáo dục. Tôi đã nghiên cứu nhiều bộ luật hình sự của các quốc gia trên thế giới thì không thấy quốc gia nào coi trừng trị là mục đích tự thân của hình phạt, thậm chí các bộ luật còn quy định hình phạt không được gây đau đớn về thể chất, xúc phạm đến nhân phẩm của người bị kết án. Thực tế cho thấy những nước có chính sách hình sự nhân đạo thì tội phạm ít, nhiều nước Bắc Âu nhà tù không có phạm nhân. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những nước có chính sách hình sự quá nghiêm khắc, tạo ra một bối cảnh xã hội căng thẳng, con người sống trong bối cảnh ấy dễ có hành vi bức xúc, mất kiểm soát, dẫn đến phạm tội.
  • Ông có nghĩ rằng xử phạt nghiêm khắc có tác dụng mục đích răn đe những đối tượng khác?
  • Chưa có một nghiên cứu nào chỉ ra rằng hình phạt càng hà khắc thì tội phạm càng giảm. Hồi xét xử vụ án Vũ Xuân Trường với hành vi mua bán, vận chuyển trái phép 15 bánh hêrôin, Tòa án tuyên 6 bản án tử hình. Lúc đó nhiều người nói rằng xử như thế thì không ai dám mua bán hêrôin nữa. Thực tế chứng minh nhận định đó sai. Đến nay những người buôn bán, vận chuyển ma túy không ở mức mấy chục bánh nữa mà lên đến hàng ngàn, con số án tử hình đến vài ba chục, con số ngoài sức tưởng tượng hồi đó.
  • Nếu hình phạt nhẹ quá thì liệu có dẫn đến dân nhờn luật hay không?
  • Khi xét xử, Tòa án phải ra những bản án nghiêm minh, tức là không có bản án “nhẹ quá” như bạn lo ngại. Nghiêm minh là đúng pháp luật, không oan sai, không bỏ lọt tội phạm - Trung tướng Trần Văn Độ nói rồi kể về vụ án Lữ Anh Dồi.

Thiếu úy Lữ Anh Dồi bị sát hại năm 1979 tại Hộ Phòng (Giá Rai, Bạc Liêu) và bị Chỉ huy trưởng Công an vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng) tỉnh Minh Hải vu khống tội phản quốc. Theo hồ sơ tố tụng, thiếu úy Lữ Anh Dồi quen biết Thái Văn Hùng nên đề nghị Hùng cho mượn tàu để bắt những người vượt biên trái phép. Hùng báo cáo với trung tá Nguyễn Ngọc (Phó ty Công an, Chỉ huy trưởng Công an vũ trang Minh Hải). Ngọc nhân cơ hội này để hãm hại Lữ Anh Dồi nên báo cáo cho Trưởng ty Công an Minh Hải rằng Dồi có tư tưởng tiêu cực, sa sút nhân phẩm, phản bội, có ý định cướp tàu, cướp vũ khí để trốn đi nước ngoài.

Sau đó, Ngọc chỉ đạo Hùng chủ động móc nối, tổ chức vượt biên để lừa người dân và đưa Lữ Anh Dồi vào bẫy. Ngày 27/3/1979, Ngọc chỉ đạo thuộc cấp và nhóm vây bắt gồm 12 người mai phục sẵn quanh cửa hàng thu mua hải sản ở Hộ Phòng. Sau khi 53 người vượt biên xuống tàu, Hùng và Dồi vẫn đi lại ở khu vực bến tàu và xe của Ngọc chạy đến. Hùng bất ngờ rút khẩu K54 ra bắn Lữ Anh Dồi. Súng cướp cò, đạn bắn xuống sàn gạch khiến Lữ Anh Dồi giật mình. Anh nhìn vào Hùng thì đã thấy hắn chĩa súng vào mặt mình, chỉ kịp nói "Mày bắn tao sao Hùng?" thì hắn siết cò, sau đó hắn còn bắn thêm hai phát nữa để giết chết Lữ Anh Dồi. Nhóm vây bắt ập vào thấy Lữ Anh Dồi nằm chết khi súng vẫn trong bao, trên tay còn điếu thuốc hút dở dang, họ hỏi Hùng sao bắn chết người thì Ngọc xuất hiện và nói: "Nó phản bội tổ quốc, bắn bỏ không sao".

Nguyễn Ngọc chỉ đạo mang thi thể Lữ Anh Dồi đi chôn cất tạm bợ ở bìa rừng mà không lập biên bản. Hai ngày sau, Ngọc mới cho thuộc cấp báo vụ việc đến Viện kiểm sát.

Giữa năm 1979, Hùng bị bắt tạm giam để điều tra. Một năm sau, lực lượng Công an vũ trang chuyển cho Bộ Quốc phòng quản lý. Lúc này, Nguyễn Ngọc ở lại ngành Công an, lên Bộ Nội vụ làm việc với cấp hàm thượng tá và đi học ở nước ngoài.

Mãi đến đầu năm 1988, vợ của thiếu úy Lữ Anh Dồi gặp được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại Cà Mau để trình bày vụ việc. Viện kiểm sát quân sự Quân khu 9 sau đó nhận được thông báo của Ban Bí thư về việc thành lập ban chỉ đạo giải quyết vụ án. Có ý kiến của một lãnh đạo ngành Kiểm sát nhận định Nguyễn Ngọc chỉ có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Khi đó TS Trần Văn Độ được cử vào hỗ trợ Tòa án Quân khu 9 xét xử vụ án. Do vụ án phức tạp, hai Thẩm phán được giao rất lúng túng, nên ngay trong một đêm TS Trần Văn Độ phải viết 70 trang kế hoạch xét hỏi và 70 trang bản án. Phiên xét xử diễn ra đúng kế hoạch, bị cáo Nguyễn Ngọc bị kết án 18 năm tù (trong đó 15 năm về tội Giết người và 3 năm tội Vu khống), Thái Văn Hùng bị kết án tù chung thân vì Giết người. Năm sau tại phiên phúc thẩm, Hội đồng xét xử xử phạt Ngọc 15 năm tù và Hùng 20 năm tù.

Trung tướng Trần Văn Độ nói rằng: Như thế là nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm và hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra.

Bản lĩnh của người Thẩm phán

Để xét xử nghiêm minh, Thẩm phán phải am hiểu pháp luật nhưng áp dụng một cách linh hoạt, không máy móc và có bản lĩnh, dám quyết định theo lương tâm của mình. Ông kể: Có vụ án đánh bạc với số tiền 7 triệu đồng, Thẩm phán bày tỏ băn khoăn, các bị cáo phạm tội lần đầu, số tiền đánh bạc không lớn, nếu phạt tù thì ái ngại, mà không phạt tù thì sợ dư luận. Chánh án Trần Văn Độ nói: Luật có chế tài lựa chọn, với tội ít nghiêm trọng thì có thể áp dụng hình phạt khác, sao nhất thiết phải phạt tù?! Vậy là bốn cán bộ đó bị kết tội và đều bị xử phạt tiền. Sau khi phạm tội họ trở lại công tác rất tốt và có nhiều tiến bộ. Họ nói rằng “Sau khi bị kết án, họ không bao giờ nghĩ đến bài bạc nữa, vì như thế là vô ơn với Tòa án”.

Có một vụ án, trong đó bị cáo đầu vụ xách 6 thùng đạn đi bán đồng nát, đang đi thì gặp một đồng đội, thấy bạn xách nặng nên xách hộ 2 thùng đi khoảng 30m thì đặt xuống rồi đi hướng khác. Khi vụ án bị điều tra, truy tố, người xách hộ 30 m bị truy tố với vai trò đồng phạm giúp sức. Theo Điều 47 Bộ luật Hình sự 1999 về quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của của luật thì “Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật” nên Tòa án cấp sơ thẩm xử người xách hộ mức án 7 năm tù (là mức thấp nhất của khung liền kề). Khi xét xử phúc thẩm, Thẩm phán Trần Văn Độ thấy mức án dành cho anh ta quá nặng do quy định của luật và áp dụng máy móc. Ông thuyết phục hai thành viên Hội đồng và quyết định sửa hình phạt từ 7 năm tù sang cảnh cáo. Tòa tuyên án, bộ đội vỗ tay vang dội và đồng thanh nói Tòa án công minh.

Hôm sau gặp Chánh án Tòa án tối cao Trịnh Hồng Dương, ông Độ nói: Hôm qua em xử vụ án nhưng áp dụng trái quy định của Điều 47, anh xử lý thế nào em cũng chịu. Nghe kể lại vụ án và quyết định cảnh cáo, ông Dương phẩy tay và nói: Xử thế là đúng.

Một trưởng bản ở miền núi phía Bắc, có bố và ông đều là liệt sĩ, anh ta bị truy tố về tội tham ô tài sản. Trong 10 năm làm trưởng bản, anh ta tham ô 22 triệu đồng, bản án sơ thẩm xử phạt 3 năm tù cho hưởng án treo. Bản án bị kháng nghị với quan điểm án tham nhũng không cho hưởng án treo, phải hủy án để xử án giam. Là thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Trung tướng Trần Văn Độ tha thiết thuyết phục các thành viên rằng bản án xử như thế là phù hợp, không nên phạt tù giam vì số tiền tham ô không lớn, tính ra mỗi năm có 2,2 triệu đồng. Ông nói rằng xử phạt giam thì liệu có đáp ứng nguyên tắc nhân đạo của pháp luật, có an lòng với các Liệt sĩ đã hy sinh… Nhờ ý kiến tâm huyết của ông nên nhiều Thẩm phán đồng tình và người có thẩm quyền đã rút kháng nghị.

Nhà làm luật có nhiều ý kiến được tiếp thu

Ông Trần Văn Độ là Đại biểu Quốc khóa XII và XIII, từ năm 2007 đến năm 2016. Trên diễn đàn Quốc hội ông đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, có tính thực tiễn và dựa trên những nghiên cứu sâu sắc. Vì vậy nhiều quan điểm mới mẻ của ông từ xa lạ dần trở nên quen thuộc và được ghi nhận trong các đạo luật, bộ luật được thông qua và ban hành.

Đại biểu Trần Văn Độ phát biểu tại Quốc hội - Ảnh Qh.vn

Ông là một trong những người đầu tiên nói đến tranh tụng tại Tòa án khi xây dựng Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược Cải cách tư pháp và Bộ luật tố tụng hình sự. Ông cho rằng: Trong xét xử, phiên tòa là giai đoạn có vai trò đặc biệt quan trọng và Tòa án ra phán quyết trên cơ sở kết quả tranh tụng tại phiên tòa là đảm bảo quan trọng cho việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Với vai trò cực kỳ quan trọng như vậy, việc nâng cao chất lượng phiên tòa luôn luôn là một nhu cầu, một đòi hỏi cấp thiết khách quan. Sau đó, Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm đã được đưa vào Hiến pháp 2013 và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Trung tướng Trần Văn Độ đưa ra quan điểm về hình phạt, về giảm hình phạt tù, hạn chế áp dụng hình phạt tử hình khi thảo luận dự thảo Bộ luật hình sự, ông đặt vấn đề: Tại sao phải giảm hình phạt tử hình, quy định tử hình có tác dụng răn đe hay không? Tôi thấy hình phạt nặng nề đó không giải quyết được vấn đề phòng ngừa tội phạm. Chúng ta phải giải quyết nguyên nhân xã hội của tội phạm là chủ yếu. Đó là môi trường xã hội, chính sách kinh tế - xã hội, công ăn việc làm, đời sống, quản lý xã hội, giáo dục… Quan điểm của tôi là chỉ với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mới áp dụng hình phạt tử hình. Chỉ nên giữ lại một ít tội danh có hình phạt tử hình. Đối với các tội phạm về kinh tế thì không nên áp dụng hình phạt tử hình. Vì tử hình chỉ nên được áp dụng khi người phạm tội không có khả năng giáo dục trở thành người lương thiện được nữa; trong khi đối với các tội phạm về kinh tế thì chúng ta cần chú trọng vấn đề khắc phục hậu quả hơn là hình phạt tước đi mạng sống.

Trung tướng Trần Văn Độ cũng nêu lên những giải pháp ngăn ngừa oan sai, chống bức cung, nhục hình. Ông nói: Trong một số vụ án oan sai hình sự thời gian gần đây cho thấy, khi ra trước tòa, các đối tượng đều khai rằng, họ bị cơ quan điều tra bức cung, dùng nhục hình nên “buộc phải nhận tội”, có đối tượng còn giãi bày “nhận tội để được sống và có cơ hội kêu oan”. Để khắc phục được tình trạng đó, tăng cường nguyên tắc đảm bảo đúng đắn, khách quan, toàn diện trong hoạt động điều tra, đảm bảo cho bị can, bị cáo quyền im lặng là điều tất yếu cần thiết.

Ông nói ông rất tâm đắc với một vị thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ khi ông chia sẻ: “Ở nước Mỹ, có thể có bệnh nhân chết mà không có được sự giúp đỡ của bác sĩ nhưng không có người nào phải vào tù mà không có sự trợ giúp của luật sư”. Ở quốc gia này, quyền im lặng đã được quy định từ rất lâu, sự tham gia của luật sư chính là một biểu hiện cụ thể của việc thực thi quyền im lặng của bị can.

Khi bàn về dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, ông Độ đề nghị sửa Điều 47 nhưng nhiều ý kiến không đồng tình, cho rằng sửa như vậy tạo ra không gian tùy nghi quá rộng cho Thẩm phán dễ dẫn đến tiêu cực, ông Độ kể lại vụ án bị cáo xách hộ bạn 2 thùng đạn, hội đồng xét xử không áp dụng Điều 47, quyết định sửa án sơ thẩm từ 7 năm xuống cảnh cáo. Qua ví dụ này, các đại biểu đồng tình ngay và khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được bổ sung “Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu, là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể”. Phải nói rằng, rất nhiều ý tưởng nhân đạo, chính sách hình sự hướng thiện, coi trọng tính phòng ngừa mà ông Trần Văn Độ là một người ủng hộ tích cực đã thấm đẫm trong Bộ luật Hình sự 2015 nước ta.

Ông cũng là người khi bàn về dự thảo Luật Thi hành án hình sự đưa ra quan điểm người bị phạt tù vẫn được hưởng bảo hiểm xã hội, rất nhiều ý kiến phản đối nhưng sau đó với phân tích có lý có tình của ông, vấn đề đó đã được ghi nhận trong luật.

Ngày nay, dù đã nghỉ hưu, PGS.TS Trần Văn Độ vẫn tích cực hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo. Với những bài giảng, những tham luận có hàm lượng khoa học và thực tiễn cao; những quan điểm nhân văn, đề cao quyền con người của ông như những hạt giống tốt đẹp vẫn liên tục được gieo trồng với các thế hệ học trò và lan tỏa trong cộng đồng qua các bài báo, các diễn đàn mà ông chia sẻ…

Theo tapchitoaan.vn

Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/nhan-vat/ong-tham-phan-luon-tim-thay-ly-do-de-bi-cao-duoc-song

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin