Những vấn đề về xử lý hình sự trong lĩnh vực BHXH cần hướng dẫn

09/01/2019 11:05

TANDTC và BHXH Việt Nam vừa phối hợp tổ chức hội thảo: “Trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm theo quy định của Bộ luật Hình sự và những vấn đề cần hướng dẫn thi hành” với nhiều nội dung quan trọng.

Mục đích của hội thảo nhằm tạo cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về các tội phạm trong lĩnh vực BHXH.

Báo cáo tổng kết của cơ quan chức năng cho thấy, sau hơn một năm thi hành BLHS 2015, Cơ quan điều tra chưa khởi tố vụ án nào liên quan đến lĩnh vực BHXH quy định tại các Điều 213, 214, 215 và 216 của BLHS liên quan đến lĩnh vực BHXH, mặc dù các cơ quan BHXH đã gửi 43 hồ sơ sang Cơ quan điều tra. Nguyên nhân là do quy định của BLHS 2015 còn có những điểm chưa cụ thể, chưa chi tiết, cần hướng dẫn áp dụng.

Một trong những nội dung quan trọng được BLHS năm 2015 bổ sung là nhóm tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, gồm: Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213); Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 214); Tội gian lận bảo hiểm y tế (Điều 215) và Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 216). Để triển khai thi hành BLHS trong TAND, ngày 9/8/2017TANDTC đã ban hành Quyết định số 151/QĐ-TANDTC, theo đó một trong những nhiệm vụ quan trọng là hướng dẫn áp dụng thống nhất luật. Bên cạnh đó, TANDTC cũng phối hợp với BHXH Việt Nam triển khai nghiên cứu đề án: “Xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN- Thực trạng và giải pháp”.

Theo Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ, Luật BHXH quy định tổ chức công đoàn là đại diện người lao động khởi kiện những vấn đề liên quan đến BHXH ra Tòa, nhưng để ra Tòa án thì liên quan đến Luật tố tụng dân sự, phải có sự ủy quyền và rất nhiều vấn đề liên quan mà cơ quan BHXH đang gặp rất nhiều vướng mắc cần có hướng dẫn.

Việc tội phạm hóa một số hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm không chỉ thể hiện các hành vi vi phạm này có tính chất phổ biến và gây nguy hiểm đáng kể cho xã hội đến mức phải dùng loại chế tài nghiêm khắc nhất - chế tài hình sự để xử lý, mà còn thể hiện rõ quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo vệ và phát triển hệ thống an sinh xã hội.

7

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng cần thiết ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS 2015 về tội có liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm.

Cụ thể: Thống nhất cách hiểu đối với một số khái niệm, tình tiết là yếu tố định tội, định khung hình phạt trong các điều luật như: Gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; trốn đóng bảo hiểm; thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; có tính chất chuyên nghiệp… (một số tình tiết này đã được TANDTC hướng dẫn trước đây nhưng hiện nay đã hết hiệu lực). Xác định rõ phạm vi BHXH quy định tại các điều khoản trên, bao gồm BHXH bắt buộc và tự nguyện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất). Xác định thế nào là “chiếm đoạt” tiền bảo hiểm, hành vi chiếm đoạt này có gì khác với các tội chiếm đoạt tài sản khác khác, tại sao lại tách hành vi chiếm đoạt này ra xử lý bằng tội phạm riêng, có phải vì khách thể mà điều luật này bảo vệ không chỉ là quyền sở hữu tài sản mà còn là quan hệ lao động và hoạt động bình thường của hệ thống an sinh xã hội. Việc xác định số tiền chiếm đoạt cũng cần phải hướng dẫn cụ thể (số tiền chiếm đoạt bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc trường hợp người thực hiện hành vi chiếm đoạt nhiều lần khác nhau bao nhiêu để xác định khung hình phạt).

Ngoài ra, căn cứ, cơ sở để xác định thiệt hại cũng là vấn đề cần phải hướng dẫn. Thiệt hại do các hành vi gian lận BHXH, bảo hiểm thất nghiệp gây ra phải được xác định bằng tiền. Thiệt hại này được xác định trên cơ sở nào, có thể bao gồm cả chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại như chi phí cho việc thanh tra, kiểm tra, chi phí hợp lý để thuê dịch vụ giám định, ngăn chặn, khắc phục hành vi vi phạm và chi phí cho việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến hành vi xâm phạm… Bên cạnh đó, cần phải hướng dẫn cụ thể trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội vừa chiếm đoạt tiền bảo hiểm vừa gây thiệt hại theo mức quy định thì xác định họ phải chịu trách nhiệm hình sự như thế nào; việc không đóng hoặc đóng BHXH không đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên (6 tháng liên tiếp hay không liên tiếp) để có căn cứ xử lý trách nhiệm hình sự; xác định tư cách pháp lý tham gia tố tụng của Cơ quan lao động, thương binh và xã hội, Cơ quan bảo hiểm xã hội đã chi trả chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp có liên quan là bị hại hay là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan hay nguyên đơn dân sự; xác định thời điểm truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người hoặc pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội về bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của các chuyên gia, đại biểu tại hội thảo, tới đây, TANDTC sẽ nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS 2015 về tội có liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm để bảo đảm áp dụng thống nhất trong quá trình triển khai, thi hành.

Theo congly.vn

Nguồn bài viết: https://congly.vn/hoat-dong-toa-an/tieu-diem/nhung-van-de-ve-xu-ly-hinh-su-trong-linh-vuc-bhxh-can-huong-dan-282942.html

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề về xử lý hình sự trong lĩnh vực BHXH cần hướng dẫn" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin