Những nhân vật nỗ lực vì một thế giới hòa bình

(Pháp lý) - Họ đều là những người mang tư tưởng nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, đấu tranh bảo vệ cho nhân quyền, đấu tranh vì phụ nữ,… nhằm hướng tới mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển trên toàn thế giới.

Tổng thống Hàn Quốc Mon Jae-in và nỗ lực “nối” hai miền Triều Tiên

 Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in)

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là một trong những nhân vật được TIME đề cử bởi những nỗ lực và đóng góp quan trọng của ông đối với tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sau 3 Hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong năm 2018. Ông Mon Jae-in cũng được xem là cầu nối giúp Hội nghị thượng đỉnh Mỹ -Triều được diễn ra thành công tại Singapore vào tháng 6/2018.

Cuộc gặp lịch sử ngày 27/4/2018, Tổng thống Hàn Quốc đã chính thức bước qua đường ranh giới quân sự để đặt chân sang lãnh thổ Triêu Tiên khi ông tiếp đón nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Năm 2017, các vụ thử hạt nhân và tên lửa liên tiếp của Triều Tiên đã đẩy mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc xuống mức thấp nhất kể từ sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Tuy nhiên bước sang năm 2018, nhờ vào nỗ lực chung của Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, hai nước đã có những bước đi tích cực trong việc giải giáp vũ khí hạt nhân.

Hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều đã tổ chức liên tiếp 3 cuộc gặp thượng đỉnh từ đầu năm tới nay. Hồi tháng 4, tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở khu phi quân sự liên Triều, ông Kim Jong-un đã trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên đặt chân sang lãnh thổ Hàn Quốc từ sau chiến tranh Triều Tiên. Tới tháng 9, ông Moon Jae-in trở thành Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên tới Triều Tiên sau hơn 10 năm và ông Kim Jong-un hứa sẽ tới thăm Seoul trong thời gian tới.

Trước đó, động thái không cho phép các thanh sát viên quốc tế tới chứng kiến việc phá dỡ khu thử hạt nhân Punggye-ri hồi tháng 5 đã khiến nhiều người nghi ngờ việc Triều Tiên có thể khôi phục chương trình phát triển hạt nhân. Tuy nhiên Tổng thống Hàn Quốc khẳng định nhà lãnh đạo Kim Jong-un là người “chân thành, điềm tĩnh và lịch sự”.

Tổng thống Moon Jae-in cho biết ông hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh tiếp theo giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ cho phép hai nhà lãnh đạo tiến xa hơn so với những cam kết mà cả hai từng đưa ra tại cuộc gặp đầu tiên ở Singapore hồi tháng 6. “Tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên sẽ là sự khởi đầu để thiết lập một cơ chế hòa bình”, ông Moon nói, đồng thời kêu gọi Mỹ có những “biện pháp đáng tin cậy để bảo đảm an ninh cho chính quyền Triều Tiên”.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC, Tổng thống Moon cho biết ông rất lạc quan về các động thái của Triều Tiên trong việc hạn chế chương trình vũ khí của nước này. Với cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn, ông Kim Jong-un có ý định bắt đầu bằng việc dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, sau đó dỡ bỏ các cơ sở chế tạo hạt nhân và phát triển tên lửa trước khi xóa sổ hoàn toàn kho nguyên liệu và vũ khí hạt nhân hiện thời”, ông Moon nói với báo chí.

“Chúng ta cần trấn an ông Kim Jong-un rằng ông ấy đã có quyết định đúng đắn trong việc phi hạt nhân hóa và chúng ta cần ủng hộ mong ước của ông ấy về một nền hòa bình lâu dài và vững chắc”, Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh.

Federica Mogherini - nữ chính khách “thép” trong việc duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran

Tại phiên họp thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ở Brussels (Bỉ) vào ngày 30/8/2014, bà Federica Mogherini - Ngoại trưởng Italia đã được bầu chọn làm đại diện cấp cao của EU về ngoại giao và an ninh, trở thành vị chính khách trẻ tuổi nhất đảm nhiệm chức vụ đầy quan trọng này.

Bà Federica Mogherini sinh ngày 16/6/1973 ở vùng ngoại vi thủ đô Rome, trong một gia đình có cha là nhà hoạt động điện ảnh nổi tiếng. Năm 1990, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, F. Mogherini theo học tại Trường đại học Tổng hợp Sapienza ở Rome và trở thành cử nhân Khoa Triết học.

 Bà Federica Mogherini - đại diện cấp cao của EU về ngoại giao và an ninh
Bà Federica Mogherini - đại diện cấp cao của EU về ngoại giao và an ninh)

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, F. Mogherini đã là một thành viên năng nổ của Liên đoàn Thanh niên Cộng sản Italia (FGCI), tổ chức tiên phong của đảng Cộng sản Italia (PCI), sau đổi tên thành đảng Dân chủ cánh tả (PDS).

Đầu năm 2006, cùng với thủ lĩnh P. Fassino, bà F. Mogherini gia nhập đảng Dân chủ Italia (PD) mới thành lập trong khuôn khổ hình thành khối các đảng Dân chủ hợp nhất ở EU. Trong kỳ bầu cử năm 2008, bà F. Mogherini đã trúng cử vào Nghị viện Italia với số phiếu cao, rồi lần lượt được bầu vào Ủy ban Ngoại giao và Ủy ban Quốc phòng của Hạ viện Italia.

Tới kỳ bầu cử Quốc hội đầu năm 2013, bà F. Mogherini lại đắc cử, trở thành Trưởng đoàn nghị sĩ Italia tại Nghị viện EU (EP); đồng thời F. Mogherini cũng đảm nhiệm cương vị đặc trách công tác đối ngoại của PD. Trong khuôn khổ hình thành nội các mới của tân Thủ tướng kiêm Chủ tịch PD Matteo Renzi vào cuối tháng 2/2014, bà F. Mogherini được cử giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao. Đây là vị Ngoại trưởng trẻ tuổi nhất trong lịch sử Italia.

Ngoại trưởng F. Mogherini là người có công can thiệp với chính quyền Sudan, giải thoát nữ tử tù mang thai Mariam Ibrahim bị kết án về tội "tà giáo", bằng cách thuê một chuyến bay tới Sudan chở nạn nhân cùng hai đứa con nhỏ về Rome trước khi sang Mỹ đoàn tụ cùng gia đình. Bất chấp quan điểm "thân Nga", thể hiện qua chuyến thăm Điện Kremlin vào đầu tháng 7, trong vai trò là sứ giả của Italia đương kim chủ tịch luân phiên của EU, giữa bối cảnh EU đang tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Moskva, bà F. Mogherini vẫn trúng cử chức danh đại diện cấp cao của EU về ngoại giao và an ninh, hay thường được gọi phổ biến theo một cách khác là Cao ủy EU về đối ngoại và an ninh tương đương vị trí Phó chủ tịch EU.

Ngoài ra, bà F. Mogherini cũng là người cổ vũ cho dự án đường ống dẫn dầu "Dòng chảy phương Nam" dài 900km xuyên qua biển Đen, công trình hợp tác giữa Hãng Gazprom của Nga với Tập đoàn Dầu khí ENI của Italia nhằm cung cấp khí đốt cho EU không qua ngả Ukraina.

Trong cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị mới, tân Cao ủy EU về đối ngoại và an ninh F. Mogherini nhấn mạnh nhiệm vụ trước mắt của EU là phải đem hết nỗ lực giúp thiết lập các cuộc thảo luận giữa Nga và Ukraina, tiến tới chấm dứt cuộc khủng hoảng tang thương nhất ở Âu lục kể từ sau Thế chiến II.

Trong cuộc gặp mặt với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tại Geneva hồi cuối tháng 11/2018, đại diện về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, bà Federica Mogherini, đã nhắc lại quyết tâm của khối trong việc duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran.

Bà Mogherini nhấn mạnh cần tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả thỏa thuận hạt nhân Iran đối với tất cả các bên, "bao gồm cả lợi ích kinh tế phát sinh” từ thỏa thuận đa phương này.

Thỏa thuận hạt nhân 2015 được kí kết bởi Iran và 6 cường quốc bao gồm Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Anh, Nga, Trung Quốc. Theo thỏa thuận này, Tehran đã đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đáp ứng các điều khoản về không được sử dụng vũ khí hạt nhân. Đổi lại, Iran nhận được sự nới lỏng đối với các lệnh cấm vận, hầu hết trong số đó đã được dỡ bỏ vào tháng 1/2016.

Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed và tiến trình nối lại hòa bình với Eritrea sau 20 năm chiến tranh

Ông Abiy Ahmed nhậm chức Thủ tướng Ethiopia từ tháng 4/2018 thay cho người tiền nhiệm Hailemariam Deasalegn đã từ chức từ tháng 2. Ông là đại diện sắc tộc Oromo đầu tiên giữ chức thủ tướng sau 27 năm cầm quyền của Liên minh Mặt trận Cách mạng Dân chủ Nhân dân (EPRDF).

Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed
Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed)

Ông là vị Thủ tướng có nhiều đóng góp to lớn trong tiến trình hòa bình với quốc gia láng giềng Eritrea sau cuộc chiến âm ỉ kéo dài 20 năm.

Eritrea vốn là một tỉnh của Ethiopia trước đây. Sau 30 năm chiến tranh đòi độc lập và tách khỏi Ethiopia, năm 1993, Ethiopia đã đồng ý để Eritrea tách ra thành một quốc gia độc lập. Tuy nhiên, việc phân định đường biên giới giữa Ethiopia và Eritrea chưa rõ ràng cùng với nhiều vấn đề khác đã khiến quan hệ hai nước ngày càng rạn nứt.
Đỉnh điểm, bùng nổ cuộc xung đột tranh chấp khu vực đường biên giới chung vào tháng 5/1998 khiến hơn 80.000 người thiệt mạng và hàng chục ngàn người phải tị nạn.
Sau nhiều nỗ lực ngoại giao, sự trung gian hòa giải của nhiều nước, tổ chức quốc tế, tháng 6/2000, hai bên ký Hiệp định ngừng bắn. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) đã được triển khai tại khu đệm ở dọc biên giới hai nước, vào sâu lãnh thổ Eritrea 25 km để giám sát việc thực hiện Hiệp định hòa bình.

Tuy nhiên, trong suốt những năm qua tình hình căng thẳng giữa hai quốc gia vẫn âm ỉ, có nguy cơ bùng phát thành xung đột vũ trang. Đến đầu tháng 6/2018, binh sĩ hai nước lại tiếp tục giao tranh ác liệt tại khu vực biên giới, gây ra thương vong đáng kể.

Cho đến khi ông Abiy Ahmed lên cầm quyền, ông đã cam kết tôn trọng tất cả những điều khoản của Hiệp định hòa bình năm 2000, trong đó sẽ bao gồm cả việc nhượng lại Badme cho Eritrea.

Chỉ trong thời gian ngắn lên cầm quyền, ông Abiy Ahmed đã tạo ra nhiều thay đổi lớn ở Ethiopia trong đó có việc thả tù nhân và hướng tới tự do hóa nền kinh tế. Tân thủ tướng Abiy cũng cam kết sẽ thực hiện các cuộc cải cách dân chủ góp phần xoa dịu những căng thẳng giữa các nhóm sắc tộc ở Oromya.

Đặc biệt, Thủ tướng Abiy đề xuất rút quân đội Ethiopia khỏi khu vực tranh chấp với Eritrea, đồng thời, muốn tổ chức đàm phán với nước láng giềng này nhằm chấm dứt căng thẳng.

Quyết định trên đã giúp hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước, mở ra triển vọng bình thường hóa quan hệ. Và ngày 9/7/2018, hai nước đã nhất trí mở cửa trở lại các đại sứ quán và biên giới, các hãng hàng không và các cảng bắt đầu hoạt động, người dân có thể di chuyển giữa hai quốc gia.

Trước thiện chí của Ethiopia, Tổng thống Eritrea Isaias Afwerki cũng tuyên bố sẽ cử phái đoàn sang Ethiopia để đánh giá đề nghị hòa bình của Ethiopia cũng như đưa ra kế hoạch hành động trong tương lai. Eritrea cũng nêu rõ, việc phân định biên giới phải được hoàn thành trước khi tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào về bình thường hóa quan hệ song phương.

Với những gì mà Thủ tướng Abiy làm được trong thời gian qua, người dân tiếp tục kỳ vọng ông sẽ góp phần thay đổi đường lối lãnh đạo của EPRDF, đưa đất nước Ethiopia phát triển.

Denis Mukwege - vị bác sĩ “khâu lành” mọi vết thương chiến tranh

Trong tuyên bố chính thức công bố ngày 5/10, Ủy ban Nobel Na Uy tôn vinh bác sĩ Denis Mukwege là nhân vật nhận giải Nobel Hòa bình 2018 với những đóng góp trọng yếu giúp nâng cao nhận thức toàn cầu và chống lại các tội ác chiến tranh.

Bác sỹ Denis Mukwege đã dành cả sự nghiệp để bảo vệ và cứu giúp những nạn nhân bị bạo lực tình dục, trong khi đó có cô Nadia Murad - người phụ nữ từng là nạn nhân của IS đã trở thành nhà hoạt động nhân quyên và giành giải Nobel Hòa Bình .

Bác sỹ Mukwege, 63 tuổi, là người đã sáng lập bệnh viện Panzi ở Bukavu thuộc Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1988 để chữa trị cho những phụ nữ bị cưỡng hiếp tập thể trong thời chiến và các nạn nhân bị bạo hành tình dục.

Trong hơn 2 thập kỷ hành nghề, ông đã giúp đỡ hàng chục nghìn nạn nhân vượt lên trên nỗi đau kinh hoàng, trở thành người có tiếng nói mạnh mẽ chống lại nạn bạo lực tình dục trong chiến tranh và xung đột vũ trang. Vị bác sĩ cũng từng nhấn mạnh, một thế giới hòa bình chỉ có thể xây dựng nên nếu phụ nữ và các quyền cơ bản của nữ giới được công nhận và bảo vệ trong chiến tranh.

 Denis Mukwege - vị bác sĩ “khâu lành” mọi vết thương chiến tranh
Denis Mukwege - vị bác sĩ “khâu lành” mọi vết thương chiến tranh)

Năm 2012, trong bài phát biểu tại LHQ, ông Mukwege lên án kịch liệt cuộc xung đột ở Congo, kêu gọi những kẻ chịu trách nhiệm phải đối mặt với công lý, đồng thời lên án "sự im lặng cũng như thiếu can đảm của cộng đồng quốc tế".

Ngay sau đó, các tay súng vũ trang bắt cóc con gái của vị bác sĩ và tìm cách bắn ông. Một nhân viên bảo vệ của ông đã bị bắn chết trong khi ông thoát làn đạn trong gang tấc. Kẻ tấn công trốn thoát.

Bác sĩ Mukwege phải đưa gia đình sang Thụy Điển và sau đó tới Brussels - Bỉ, sống lưu vong 3 tháng cho tới khi những phụ nữ ở Bukavu khẩn thiết xin ông quay về.

Ngày ông trở về, họ xếp hàng dài trên đường chào đón.Tới nay, vị bác sĩ sống trong sự bảo vệ của lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại bệnh viện của ông.

Nadia Murad: Từ nô lệ IS trở thành chủ nhân giải Nobel Hòa bình

Nadia Murad 25 tuổi, là một nhà hoạt động nhân quyền người Yazidi, một cộng đồng sắc tộc tôn giáo người Kurd, đến từ tỉnh Sinjar, miền Bắc Iraq.

Tháng 8/2014, cô là một trong số hơn 5.000 người Yazidi bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt cóc và buộc phải làm nô lệ tình dục khi lực lượng này chiếm các vùng lãnh thổ ở miền Bắc Iraq. Ba tháng sau, cô đã trốn thoát và chạy tới một trại tị nạn trước khi xin tị nạn tại Đức. Cô đã chia sẻ câu chuyện của mình với truyền thông quốc tế, trở thành một tiếng nói đại diện cho những phụ nữ và trẻ em gái bị bắt cóc.

Nadia Murad, từ nô lệ IS trở thành chủ nhân giải Nobel Hòa bình
Nadia Murad, từ nô lệ IS trở thành chủ nhân giải Nobel Hòa bình)

Murad tên đầy đủ là Nadia Murad Basee Taha (sinh năm 1993) tại ngôi làng Kojo, quận Sinjar, miền bắc Iraq. Nadia bị nhóm phiến quân IS bắt cóc vào tháng 8/2014. Phải tới 3 năm sau đó, ngày 1/6/2017, cô mới được trở lại quê hương.

Cuối năm 2015, Nadia đã đem câu chuyện của mình chia sẻ trước các đại biểu của Liên Hiệp Quốc. Cô cũng lên tiếng trước nạn buôn bán người và xung đột chiến tranh. Nadia đã tham gia vào việc xây dựng các chương trình vận động toàn cầu, mang lại nhận thức về nạn buôn bán người và người tị nạn.

Nadia đã tìm cách tiếp cận với những người tị nạn, những nạn nhân còn sống sót của nạn buôn người và diệt chủng để lắng nghe câu chuyện của họ. Nadia có cuộc gặp mặt với Đức Giáo Hoàng Francis và Tổng giám mục Gallagher tại thành phố Vatican và yêu cầu được giúp đỡ đối với những nạn nhân vẫn bị IS giam giữ.

Cô là một nhà hoạt động nhân quyền và trở thành Đại sứ thiện chí của Liên Hiệp Quốc kể từ tháng 9/2016. Nadia vinh dự được nhận giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2018 cho những nỗ lực trong việc chấm dứt việc sử dụng bạo lực tình dục làm vũ khí chiến tranh và xung đột vũ trang.

Đình Hòa (tổng hợp)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin