Những người làm nên “hồn cốt” của một dự Luật đang được toàn dân mong đợi

(Pháp lý) - Tôi tin không phải là không có cách để thay đổi nền hành chính công hiện nay. Và việc đầu tiên để có một nền hành chính thực sự vì dân thì cần một cái gốc là Luật Hành chính Công. Tin vui đã đến với tất cả người dân, Dự Luật HCC đã được đề nghị đưa vào chương trình bổ sung cho ý kiến luật của Quốc hội, kỳ họp cuối năm nay. Điều đặc biệt, Dự án Luật HCC là sáng kiến làm luật duy nhất của ĐBQH khóa XIII – ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh và những cộng sự.

Quốc hội đang họp những ngày cuối nhiệm kì XIII, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh rất bận rộn. Thế nhưng khi được Phóng viên quan tâm tìm hiểu về Dự án Luật HCC do bà và một nhóm cộng sự soạn thảo, bà vẫn nhiệt tình dành thời gian chia sẻ. Bà nói: Để có được dự luật như vậy, góp công với tôi là nhiều cộng sự, muốn hiểu về Luật HCC, phóng viên hãy gặp họ… Theo lời chỉ dẫn đó, chúng tôi tìm gặp Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, Tiến sĩ Phan Thị Lan Hương, PGS. TS Nguyễn Hữu Hải… Những cộng sự đã tích cực góp những ý kiến tâm huyết của mình tạo nên “hồn cốt” của dự luật được toàn dân mong đợi.

TS Lê Hồng Sơn: Trách nhiệm pháp lý của người ban hành quy định pháp luật

TS Lê Hồng Sơn nguyên là Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp. Ông được dư luận biết đến là “ông tuýt còi văn bản”. Ông đã có 10 năm làm việc trên cương vị của một người “soi” kĩ lưỡng văn bản của các bộ ngành. Thời gian giữ cương vị cục trưởng, ông nổi tiếng vì “tuýt còi” nhiều văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật như văn bản cấm công chức chơi golf ở Bộ GTVT; văn bản cấm nhập cư ở Đà Nẵng; xử lý văn bản tính diện tích căn hộ chung cư theo tim tường; quy định “ngực lép, chân ngắn” không được lái xe; chứng minh mình không vi phạm pháp luật mới được hưởng bảo hiểm khi bị tai nạn giao thông; cấm người dân quay phim, chụp ảnh CSGT; mỗi người dân chỉ được đăng ký một xe máy; cấm vận chuyển gia súc, gia cầm vào nội thành, nội thị; cấm học sinh, sinh viên biểu diễn nghệ thuật; chỉ được bán hàng ở cửa hàng văn minh, tiện lợi (cấm chợ cóc, hàng rong); bản quy định về quan tài không được lắp ô kính; bảo vệ học sinh ở Bắc Giang quay clip phản ánh tiêu cực trong thi cử (vụ Đồi Ngô)…vv...

[caption id="attachment_138998" align="aligncenter" width="410"] Tiến sĩ Lê Hồng Sơn Tiến sĩ Lê Hồng Sơn[/caption]

Ông Sơn đã nghỉ hưu được hơn 1 năm. Nói nghỉ hưu nhưng ông vẫn miệt mài làm việc, ông thường xuyên được mời tới các cuộc hội thảo do Quốc hội, các cơ quan ban ngành tổ chức để phát biểu. Ở đó, ông luôn thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình việc soạn thảo văn bản, chính sách. Qua báo chí, đến thời khắc nghỉ hưu ông vẫn còn trăn trở: “Điều tôi mong muốn là những người ban hành văn bản sai trái phải được xử lý một cách công bằng, nghiêm minh vì hậu quả một văn bản sai trái gây ra cho xã hội không hề nhỏ". Trăn trở đó của ông có phần trùng lặp với “hạt nhân” quan trọng của Dự án Luật HCC do ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh đề xuất. Đó là việc ban hành quyết định hành chính và trách nhiệm pháp lý đặt ra đối với người ban hành quyết định đó.

Không chỉ vậy, trong Dự thảo Luật HCC, có quy định về các nguyên tắc xây dựng và kiểm soát thủ tục hành chính, ông cũng đóng góp những ý kiến tâm huyết. Theo đó, thủ tục hành chính đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm việc tổ chức thực hiện pháp luật, đưa pháp luật vào đời sống đạt hiệu quả, giảm bớt khó khăn phiền hà cho các cá nhân, tổ chức. Do đó, cần có những quy định mang tính nguyên tắc về xây dựng thủ tục hành chính, ví dụ như thủ tục hành chính chỉ được quy định trong văn bản luật (không quy định trong văn bản dưới luật), nguyên tắc công khai, minh bạch trong xây dựng thủ tục hành chính, hay nguyên tắc bảo đảm sự tham gia của người dân trong thủ tục hành chính…

Nói thêm về trăn trở với dự án Luật HCC, Tiến sĩ Lê Hồng Sơn cho hay: Theo Hiến pháp và Luật thì ĐBQH có quyền kiến nghị và trình dự án Luật. Lần đầu tiên tôi gặp một đại biểu tâm huyết đến vậy với công việc soạn thảo luật. Quốc hội đã cân nhắc, trân trọng và đưa vào chương trình làm việc. Nếu đại biểu Khánh thành công sẽ hình thành những kinh nghiệm cho đại biểu khác có cùng nguyện vọng đề xuất, xây dựng dự án Luật. Tôi cũng đóng góp ý kiến vào một số “hạt nhân” quan trọng của Dự án Luật. Mong rằng trong thời gian tới, nhóm chuyên gia sẽ nhiệt tình hơn nữa để các quy định trong Luật có tính khả thi hơn…

TS Phan Thị Lan Hương: Nền hành chính tốt sẽ hạn chế được tham nhũng

Tiến sĩ Phan Thị Lan Hương hiện công tác tại Phòng Hợp tác Quốc tế, Đại học Luật Hà Nội. Chị đã có quá trình nghiên cứu luật hành chính gần 20 năm… Nói về pháp luật hành chính, chị chia sẻ: Hành chính công là một lĩnh vực pháp luật có nội dung rất rộng và đã có nhiều luật điều chỉnh. Thế nhưng nhìn sâu vào nền hành chính thì thấy còn những khoảng trống chưa có quy định điều chỉnh. Bởi vậy tôi cho rằng, Luật hành chính công cần có những quy định về nguyên tắc quản lý hành chính nhà nước. Các nguyên tắc này sẽ đóng vai trò nền tảng cho mọi hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Nội dung của các nguyên tắc này cần được xây dựng dựa trên các tiêu chí, nguyên tắc của quản trị công mà các nước trên thế giới đều hướng tới, ví dụ như: Nguyên tắc công khai, minh bạch, kiểm soát tham nhũng, tăng cường trách nhiệm. Hiện nay, chưa có văn bản luật nào quy định về những nguyên tắc này.

[caption id="attachment_138999" align="aligncenter" width="410"]Tiến sĩ Phan Thị Lan Hương Tiến sĩ Phan Thị Lan Hương[/caption]

“Tôi may mắn được sống ở Nhật 5 năm, tôi được chứng kiến một nền hành chính tận tụy phục vụ nhân dân. Tôi luôn trăn trở, làm thế nào để người dân Việt Nam cũng được thụ hưởng nền hành chính như vậy? Bởi vậy, khi nhận được lời đề nghị giúp đỡ ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, tôi đã dùng hết tâm huyết của mình để hỗ trợ. Khi làm dự án Luật, tôi bị không ít những băn khoăn, đầu tiên là không phải ở đất nước nào cũng có Luật HCC, khi ban hành Luật liệu tính thực tế đến đâu? Trong hoàn cảnh Việt Nam Luật quy định thế nào cho hợp lý? Thế nhưng, khi nhìn lại, tôi thấy đất nước mình đang tích cực hội nhập FTA, TPP… và nền hành chính cũng phải đặt ra vấn đề hội nhập Quốc tế với các nguyên tắc hành chính theo chuẩn quốc tế. Luật HCC sẽ đưa ra tiêu chí, quy chuẩn để tránh tùy tiện trong hành chính… Xa hơn, Luật HCC hướng đến nền hành chính minh bạch, tạo điều kiện cho phản biện xã hội giám sát từ đó phục vụ người dân tốt hơn và chống tham nhũng hiệu quả. Đó thực sự là điều mà đất nước ta đang cần.

Với kinh nghiệm của một chuyên gia luật quốc tế, TS Hương đã bổ khuyết cho dự án Luật HCC những quy định mà luật quốc tế có mà luật Việt Nam chưa đề cập. “Tôi cùng nhóm cộng sự do ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh mời thường xuyên làm việc vào thứ 7 và chủ nhật, đôi khi buổi làm việc kết thúc rất muộn. Chúng tôi tranh cãi nảy lửa xung quanh phạm vi điều chỉnh của Luật, quy định theo chuẩn nào, quy định như thế nào… Có những buổi làm việc có đến mấy chuyên gia nhưng chỉ hoàn thành 2 điều luật. Hiện nay tuy còn nhiều ý kiến xung quanh về dự luật nhưng tôi lạc quan về tính khả thi của dự án Luật”, Tiến sĩ Phan Thị Lan Hương chia sẻ.

PGS TS Nguyễn Hữu Hải: Muốn chuyển biến phải có Luật HCC

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hải hiện là trưởng khoa Hành Chính của Học viện Hành chính Quốc gia. Ông từng có nhiều công trình nghiên cứu khoa học về chính sách hành chính công, cải cách hành chính, dịch vụ công... Câu chuyện của ông với phóng viên bắt đầu về thực trạng nền hành chính công của Việt Nam. Ông thẳng thắn: Tôi không mấy lạc quan về tiến trình cải cách hành chính ở Việt Nam. Tôi nghĩ cần thời gian khá lâu để cải thiện và muốn cải thiện được ta phải có những quy chuẩn, quy tắc được luật hóa, cụ thể như Luật HCC.

Nói về băn khoăn nhất của mình, Tiến sĩ Hải chia sẻ: Trong giai đoạn hiện nay cải cách về dịch vụ công cần được quan tâm. Hiện nay quan hệ nhà nước với người dân là quan hệ “ngược”. Cụ thể, chủ thể nhà nước là người đi cho, người dân đi xin ( xin học, xin cấp phép, xin sổ đỏ… - PV). Thực tế thì, việc cung cấp các dịch vụ cho người dân là trách nhiệm của nhà nước, nếu nhà nước không lo được cho người dân thì cán bộ công chức phải chịu trách nhiệm… Tuy nhiên ở Việt Nam, phải rất lâu nữa chúng ta mới thay đổi được thực tế trên.

Quy định rõ ràng về dịch vụ công trong Luật là cần thiết để thay đổi thực tế trên. Nếu chúng ta đặt mối quan hệ người công chức và người dân là quan hệ của người cung cấp dịch vụ và khách hàng thì sẽ tốt hơn. Điều đó phù hợp với thực tế phát triển và đáp ứng mong mỏi của người dân về nền hành chính.

Vì những tâm huyết như vậy nên Tiến sĩ Hải nhiệt tình thể hiện sự phản biện, đóng góp của mình trong dự án luật trong phần dịch vụ công. Ông nói với phóng viên: Tôi không nghĩ góp những ý kiến vào dự luật là điều gì to tát. Với khả năng khiêm tốn của mình, tôi sẽ đóng góp những ý kiến tốt cho người dân.

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh: Người góp phần quan trọng làm nên “hồn cốt” Luật HCC

Dự thảo Luật HCC đã được đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh - ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17/2/2016. Đối với dự án Luật này Chính phủ cũng đã có ý kiến. Công văn do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký, ghi rõ: “Chính phủ đánh giá cao sự trăn trở, tâm huyết và sự kiên trì của đại biểu đối với việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật hành chính nói riêng và hệ thống luật nói chung. Chính phủ nhận thấy đề xuất xây dựng Luật hành chính công của đại biểu với mục đích “lấp” những khoảng trống pháp luật và bổ khuyết cho pháp luật hành chính công trong bối cảnh tăng cường thực hiện cải cách toàn diện nền hành chính quốc gia là rất có ý nghĩa, cần được ghi nhận, đề nghị báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV (cuối năm 2016)”.

[caption id="attachment_138997" align="aligncenter" width="410"]ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh phát biểu trước Quốc hội ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh phát biểu trước Quốc hội[/caption]

Nói về dự luật mà mình dồn vào đó nhiều tâm huyết, ĐBQH Quốc Khánh nói: Nhiều năm liền, tôi dành toàn bộ sức lực và tâm huyết cho việc xây dựng Luật HCC. Góp sức với tôi là những cộng sự nhiệt tình, tâm huyết. Đặt mục tiêu vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia, nhóm nghiên cứu nỗ lực đặt quyết tâm khó mấy cũng phải làm, khó mấy cũng phải vượt qua. Vì làm gì còn thời gian nữa. Như hiện nay, cứ sửa một luật này thì luật khác lại va chạm. Vậy cần có một luật mang tính chất chung của nền hành chính điều phối các luật ngành bên dưới. Chúng tôi cố gắng đảm bảo việc xây dựng luật một cách khoa học để tránh tình trạng làm rồi sau này lại sửa chữa.

Kể về quá trình đeo đuổi dự án Luật, bà Khánh chia sẻ: Trong 4 năm liên tục, lúc nào tôi cũng đề nghị, theo đuổi Dự án Luật HCC. Và đến phiên họp Thường vụ Quốc hội thứ 45, tôi mới có cơ hội được trình ra. Tôi đeo đuổi đến nỗi cả Quốc hội nói: “Cứ thấy chị Khánh là thấy hành chính công”. Như kỳ họp vừa qua, mỗi lần tôi phát biểu mọi người đều nói: “Cô này giỏi thật, cứ nói việc A, việc B rồi lại vẫn quay về hành chính công được!”.

Khi dự án luật HCC được đưa ra, đã có nhiều ý kiến e ngại cho rằng, dự thảo luật là viển vông, không khả thi… Có người hỏi, bà có nản lòng? Bà Khánh đã nói dứt khoát: Không. Chưa bao giờ tôi thấy nản chí. Mọi thứ, mọi kinh phí trước mắt hầu hết tôi phải “bỏ tiền túi” nhưng tôi không quan tâm đến điều đó vì mong muốn lớn nhất của tôi là mọi người hiểu vấn đề. Rất may, tôi không phải dành nhiều thời gian cho gia đình nên cũng có điều kiện tập trung nghiên cứu và được mọi người trong gia đình ủng hộ, tạo điều kiện.

Thời gian đầu, nhiều người không tin tưởng là tôi có thể làm được. Họ vạch ra rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, tôi lại không coi đó là vướng mắc mà tôi coi đó là động lực thôi thúc mình phải cố gắng hoàn thiện. Ai nói gì cũng không làm tôi nhụt chí. Tôi chỉ e rằng mọi người không đồng ý là vì mọi người chưa hiểu, chưa có đủ thông tin. Kể cả sau này không tái cử thì tôi vẫn tiếp tục giao cho một ĐBQH khác thay tôi làm. Vì trước mắt, rất nhiều các Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ cũng như các ĐBQH đồng tình, ủng hộ tôi.

Dự án Luật HCC là sáng kiến làm luật duy nhất của ĐBQH khóa XIII. Có không ít ĐBQH bày tỏ ngưỡng mộ, ủng hộ và góp ý cho dự luật. ĐBQH Nguyễn Văn Giàu nói: Tôi ngưỡng mộ chị Trần Thị Quốc Khánh vì dự thảo đồ sộ này và làm trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, đại biểu cũng cần nghiên cứu nền hành chính của các nước trong khu vực, đặc biệt là Singapore . Hai là, Chính phủ vừa ban hành kế hoạch cải cách nền hành chính nhà nước và so với dự án luật này nó xa nhau lắm nên cần phải nghiên cứu kỹ…

Vũ Anh Tuấn

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin