Những khía cạnh pháp lý về vật chứng vụ án nhìn từ việc tịch thu vốn góp của Công ty Hoa Tháng Năm trong vụ “đất vàng” 8-12 Lê Duẩn.

(Pháp lý) – Ngay sau khi kết thúc phiên toà sơ thẩm xét xử vụ “đất vàng ở 8-12 Lê Duẩn”, cựu chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm (HTN) và công ty này đã gửi đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND TP HCM. Đáng chú ý, công ty HTN cho rằng số tiền góp vốn vào Công ty Lavenue không phải là vật chứng để bị tịch thu. Vậy tang chứng, vật chứng vụ án được pháp luật quy định như thế nào? Vì sao tịch thu toàn bộ số vốn của HTN mà không thu của các công ty còn lại?

Toà tuyên tịch thu vốn góp của Hoa Tháng Năm, thu hồi “đất vàng”

Theo bản án, HĐXX cho rằng CTCP Đầu tư Lavenue không thuộc đối tượng được chỉ định giao đất thực hiện dự án tại số 8 – 12 Lê Duẩn nên giao UBND TPHCM thực hiện thu hồi, quản lý sử dụng toàn bộ khu đất theo quy định pháp luật. Lavenue có trách nhiệm nộp lại bản chính các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hợp đồng thuê đất cho Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM.

Cũng theo HĐXX, Công ty HTN không có năng lực tài chính, không có kinh nghiệm, mới thành lập nhưng bị cáo Thúy đã ký văn bản gửi công ty quản lý kinh doanh nhà, tự nhận có năng lực tài chính, kinh nghiệm để xin tham gia đầu tư dự án 8-12 Lê Duẩn.

HĐXX tuyên tịch thu toàn bộ vốn góp của công ty Hoa Tháng Năm tại Lavenue

Lợi dụng mối quan hệ quen biết với ông Tài để ông Tài ký nhiều văn bản có lợi cho bị cáo Thúy. Tại tòa, bị cáo Thúy cũng thừa nhận có quan hệ quen biết với bị cáo Tài và một số cán bộ để dễ dàng được tham gia dự án, được giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá.

Công ty Lavenue đã nộp vào ngân sách 647 tỷ đồng để thực hiện nghĩa vụ tài chính, trong đó các công ty đóng góp theo tỷ lệ phần trăm góp vốn, cụ thể Công ty HTN 30%, Công ty quản lý kinh doanh nhà 20%, Công ty Kido 50%.

HĐXX tuyên tịch thu vốn góp của công ty HTN do số tiền này được sử dụng vào việc phạm tội. Trả lại số tiền góp vốn của công ty quản lý kinh doanh và Công ty Kido.

Đối với việc 4 công ty thuộc Bộ Công Thương đã bán 50% vốn góp cho Công ty Kido lấy 200 tỷ đồng, HĐXX cho rằng các công ty này không có năng lực tài chính nhưng không báo cáo với UBND TP, do đó cần thu hồi số tiền bán cổ phần nêu trên.

Ngoài ra, đối với căn nhà số 12 Lê Duẩn do cho Công ty Lavenue thuê nên phải đập bỏ, nhà nước thiệt hại 4,7 tỷ đồng và 5 bị cáo phải liên đới bồi thường số tiền này.

Hoa Tháng Năm bị tịch thu vốn góp, các cổ đông khác được trả lại

Ngay sau phiên xét xử, cựu chủ tịch Công ty HTN và công ty này đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND TP HCM. Trong đó, Công ty HTN cho rằng chủ trương thành lập dự án tại khu đất 8-12 Lê Duẩn đã hình thành từ năm 2007. Nhưng đến năm 2010 vẫn chưa được thực hiện do các đối tượng tham gia dự án ban đầu không đủ năng lực để thực hiện dự án.

Công ty quản lý kinh doanh nhà đã đề xuất UBND TP.HCM thành lập một pháp nhân mới, huy động thêm nguồn vốn khác để thực hiện dự án. Bên cạnh đó, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại mà UBND TP.HCM tổ chức, Công ty HTN biết được dự án 8-12 Lê Duẩn có chủ trương đầu tư. Đồng thời, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - cựu giám đốc Công ty quản lý kinh doanh nhà TP - cũng đề xuất Công ty HTN cùng góp vốn vào để thực hiện dự án. Theo hướng dẫn của bà Thủy, Công ty HTN đã gửi văn bản xin tham gia cho Công ty quản lý kinh doanh nhà TP đề nghị được góp 30% vốn đầu tư. Sau đó được UBND TP chấp thuận.

Đại diện công ty HTN cho rằng, công ty này tham gia dự án là phù hợp với quy định của pháp luật. Công ty HTN là một trong các cổ đông sáng lập của Công ty Lavenue. Công ty Lavenue đã thực hiện các thủ tục cần thiết, nộp vào ngân sách 647 tỉ để thực hiện dự án, trong đó Công ty HTN đã góp đủ 235 tỉ. Vốn góp của Công ty HTN là tài sản chung, không thể tách rời của Công ty Lavenue.

Công ty HTN có quyền và nghĩa vụ bình đẳng, tương ứng với các cổ đông khác là Công ty quản lý kinh doanh nhà, 4 công ty thuộc Bộ Công thương sau này là Công ty Kinh Đô. Công ty HTN không phải là đơn vị trực tiếp được hưởng ưu ái hay nhận được khoản lợi nào hơn các công ty cổ đông khác.

Tuy nhiên, bản án sơ thẩm tuyên các cổ đông còn lại là Công ty quản lý kinh doanh nhà TP, Công ty Kinh Đô đều được trả lại số vốn đã góp vào dự án, trong khi đó Công ty HTN bị tịch thu số vốn này.

Hơn nữa, Công ty quản lý kinh doanh nhà TP với người đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Thị Thu Thủy (bị can bị truy nã trong vụ án). Bà Thủy cũng lợi dụng Công ty quản lý kinh doanh nhà để góp vốn vào dự án, về bản chất hành vi cũng là sử dụng phần vốn góp, đưa công ty vào tham gia đầu tư, nhưng không bị xử lý, tịch thu tài sản.

Công ty HTN cho rằng đây là sự không công bằng giữa các nhà đầu tư. Ngoài ra, Công ty HTN nói không có bất cứ tài liệu, chứng cứ nào chứng minh Công ty HTN được thành lập nhằm mục đích phạm tội nên số tiền góp vốn vào Công ty Lavenue không phải là vật chứng.

Sau phiên xét xử sơ thẩm, cựu chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm và công ty này đã gửi đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND TP HCM

Vật chứng trong vụ án hình sự theo qui định của pháp luật.

Theo quy định BLTTHS 2015, vật chứng cùng với lời khai, kết luận giám định, định giá tài sản… sẽ là nguồn chứng cứ chứng minh tội phạm. Theo đó, chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Điều 89 BLTTHS quy định, vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Mỗi chứng cứ phải được kiểm tra, đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Việc xác định những chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải kiểm tra, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện mọi chứng cứ đã thu thập được về vụ án.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Phóng viên, trong pháp luật tố tụng hiện hành cũng như văn bản hướng dẫn thực thi không có quy định nào quy định cụ thể về việc đánh giá chứng cứ như thế nào, bằng phương pháp nào… Do đó việc đánh giá chứng cứ của vụ án hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực, trình độ của Thẩm phán, cán bộ điều tra, kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ án.

Điều này dẫn đến một thực tế là: cùng một hồ sơ vụ án, cùng một chứng cứ trong vụ án, nhưng có nhiều quan điểm khác nhau, dẫn đến quan điểm về xử lý chứng cứ trong đó có tang vật, vật chứng cũng khác nhau.

Bàn về xử lý vật chứng trong vụ “ đất vàng” 8- 12 Lê Duẩn

Quay trở lại vụ “đất vàng” 8-12 Lê Duẩn, trong khi các cơ quan tiến hành tố tụng đã xác định tang vật, vật chứng của vụ án này bao gồm: các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hợp đồng thuê đất. Bởi theo bản án sơ thẩm, khu đất 8 - 12 Lê Duẩn có tổng diện tích hơn 4.800m2, là tài sản thuộc sở hữu nhà nước, giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM quản lý và cho thuê, TP HCM chủ trương xây khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại, yêu cầu đấu thầu chọn nhà đầu tư uy tín, không áp dụng hình thức liên doanh.

Tuy nhiên, năm 2011, ông Tài "do quen biết" với bà Thuý nên đã ký nhanh, ký nhiều văn bản sai quy định, chủ trương của thành phố. Sau khi cho Thuý góp vốn 30% tham gia thực hiện dự án và trở thành Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Lavenue, ông Tài chỉ định giao đất cho công ty này, hoàn thành chuyển dịch quyền sở hữu khu nhà đất từ Nhà nước sang tư nhân. Đồng thời toà án cũng cho rằng, số vốn 30% cổ phần Lavenue mà công ty HTN được sử dụng vào việc phạm tội.

Nhưng, phía HTN lại cho rằng Công ty Lavenue đã thực hiện các thủ tục cần thiết, nộp vào ngân sách 647 tỷ đồng để thực hiện dự án, trong đó Công ty HTN đã góp đủ 235 tỷ đồng. Vốn góp của Công ty HTN là tài sản chung, không thể tách rời của Công ty Lavenue. Ngoài ra, trong hồ sơ vụ án không có bất cứ tài liệu, chứng cứ chứng minh Công ty HTN được thành lập nhằm mục đích hoạt động tội phạm. Nên số tiền góp vốn vào Công ty Lavenue không phải là vật chứng.

Theo chúng tôi, mấu chốt của vấn đề là ở chỗ xác định đâu là vật chứng của vụ án, vật chứng đó tham gia vào tiến trình thực hiện hành vi phạm tội như thế nào.

Trong vụ án này, HĐXX nhận định công ty Lavenue không thuộc đối tượng được chỉ định giao đất thực hiện dự án tại số 8-12 Lê Duẩn nên giao UBND TPHCM thực thu hồi, quản lí sử dụng toàn bộ khu đất theo qui định. Đồng thời Hội đồng xét xử tuyên tịch thu vốn góp của HTN do số tiền này được sử dụng vào việc phạm tội.

Căn cứ pháp lý, theo quy định Điều 46, 47 BLHS 2015, một số biện pháp tư pháp đối với người phạm tội, pháp nhân thương mại phạm tội như: tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; Khôi phục lại tình trạng ban đầu; Thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra…

Trong đó, tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với: Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội; Vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, cấm lưu hành.

Ngoài ra, Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu.

Theo quy định Điều 106 BLTTHS 2015, việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử.

Vật chứng được xử lý như sau: Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy; Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước; Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.

Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền có quyền: Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó; Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án…

Ngoài ra, theo Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTC-BTP ngày 24/10/1998, hướng dẫn một số vấn đề bảo quản, xử lý tài sản là vật chứng, tài sản bị kê biên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Trong quá trình tiến hành tố tụng, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án phải kịp thời xem xét, phân loại tài sản là vật chứng và tài sản không phải là vật chứng để có biện pháp bảo quản và xử lý phù hợp như sau:

Đối với tài sản không phải là vật chứng, thì cơ quan tiến hành tố tụng không được thu giữ, tạm giữ; nếu đã thu giữ, tạm giữ thì cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án phải trả lại ngay cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp các tài sản đó. Trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm thi hành án đối với các hình phạt tiền, tịch thu tài sản, bồi thường thiệt hại, thì cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền huỷ bỏ quyết định thu giữ, tạm giữ và ra quyết định kê biên đối với tài sản đó.

Đối với tài sản là vật chứng thì tuỳ từng giai đoạn tố tụng, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án đang thụ lý, giải quyết vụ án có trách nhiệm xem xét, phân loại để quyết định kịp thời những biện pháp bảo quản, xử lý thích hợp đối với từng loại vật chứng theo quy định…

Như vậy, khi thu được vật chứng là tài sản nói chung, tuỳ vào từng giai đoạn cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ xử lý vật chứng theo nguyên tắc chung là tịch thu nộp ngân sách nhà nước, tịch thu tiêu huỷ, trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp, bán hoặc giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành xử lý.

Không rõ, phiên toà phúc thẩm “đất vàng” 8-12 Lê Duẩn sẽ diễn ra như thế nào? Nhưng, việc xử lý vật chứng trong các vụ án đã được pháp luật quy định khá rõ ràng. Vốn của các doanh nghiệp tại Lavenue trong đó có HTN được xử lý như thế nào phụ thuộc rất lớn vào việc đánh giá vật chứng của HĐXX phúc thẩm.

Song, như phân tích ở trên, đánh giá chứng cứ của vụ án hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực, trình độ của Thẩm phán, cán bộ điều tra, kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ án mà chưa có quy định hướng dẫn cụ thể. Do đó, để đảm bảo kết quả đánh giá thống nhất và xử lý vật chứng phù hợp quy định pháp luật, cơ quan chức năng có cần phải có văn bản hướng dẫn về đánh giá chứng cứ vụ án.

Nam Kiên

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin