Những chiến lược mới trong chống dịch và phát triển kinh tế

27/05/2021 13:46

Chiều 26-5, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm “Những chiến lược mới trong chống dịch và phát triển kinh tế”.

Tham dự Tọa đàm có các vị khách mời: ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội; ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Lê Thanh Vân, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, nhiệm kỳ vừa qua là một nhiệm kỳ rất thành công về phát triển kinh tế - xã hội. Đà cải cách của chúng ta được đẩy mạnh, hội nhập đỉnh cao của đất nước được rộng mở. Riêng về mặt kinh tế cộng đồng doanh nghiệp đang có những bước phát triển hết sức mạnh mẽ chưa bao giờ có về số lượng cũng như chất lượng doanh nghiệp. Dịch Covid-19 năm 2020 cũng một phần nữa cho thấy sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết tâm của toàn dân. Một lần nữa, khả năng chống chịu của nền kinh tế đã được tỏa sáng và chúng ta trở thành một trong những điển hình thành công của phòng, chống Covid-19, điển hình thành công tăng trưởng trong khó khăn. Chúng ta trở thành điểm đến an toàn, tin cậy, sự lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư kinh doanh nước ngoài. Trong những lĩnh vực khác như quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội thì đều có những bước phát triển hết sức mạnh mẽ đồng bộ với những cải cách, tiến bộ trong lĩnh vực kinh tế. Tôi cho rằng, đó là bối cảnh hết sức thuận lợi cho các thế hệ lãnh đạo, cho Chính phủ mới trong chặng đường sắp tới.

Khẳng định chúng ta kế thừa nhiều thành quả. Kế thừa các thể chế, cơ chế và cơ sở vật chất, những nguồn lực mà những nhiệm kỳ trước để lại và chúng ta được kế thừa cả tinh thần đổi mới và dám vươn tới - ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, bên cạnh đó, chúng ta kế thừa cả bộ máy cán bộ, một hệ thống rất nặng nề. Và chúng ta không chỉ kế thừa thuận lợi mà cả những khó khăn và cũng phải nói rằng chúng ta kế thừa cả những khát vọng, kỳ vọng nhưng vẫn còn những vấn đề băn khoăn, còn sức ép. Sức ép của đại dịch, và sức ép phía trước là mục tiêu rất lớn mà Đại hội XIII đề ra, phía sau là sức ép của sự thành công và đổi mới của Quốc hội khóa XIV cũng như của bộ máy Nhà nước. Đó sẽ là sức ép lớn của nhiệm kỳ Chính phủ mới kiện toàn cũng như là của Quốc hội, phải có sức mạnh hoàn hảo hơn, quyết liệt hơn để chúng ta vươn lên đạt được những mục tiêu mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Chúng ta thừa kế được cái quan trọng nhất là sự ổn định, đó là một thế mạnh rất lớn của mô hình thể chế chính trị của chúng ta, của đất nước ta - ông Nguyễn Sỹ Dũng khẳng định: Không một đất nước nào có thể phát triển kinh tế vững mạnh, hùng cường được nếu không có sự ổn định. Trong sự ổn định đó có ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng quan trọng hơn là ổn định chính trị - xã hội. Đó là nền tảng mà chúng ta có được trong một thời gian rất dài, nền tảng để kinh tế phát triển và tiếp tục là nền tảng rất quan trọng.

Nói nhiều hơn về thách thức, chúng ta thừa kế di sản, thành tựu về phòng, chống dịch Covid-19 nhưng quả thực những hình thức, phương thức mà chúng ta chống với thực tiễn đang diễn ra bây giờ thì đó là một thách thức. Bởi khống chế dịch Covid-19, thì chúng ta đi đầu nhưng tạo ra miễn dịch cộng đồng, chúng ta có vẻ đi sau.

Chúng ta đã thắng những trận đầu rất oanh liệt nhưng thắng những trận đó không quan trọng bằng thắng cuộc chiến tranh và chỉ có thể thắng cuộc chiến tranh này nếu chúng ta có được một chương trình tiêm chủng đạt hiệu quả càng nhanh càng tốt. Đây là điều kiện tiên quyết nhất để bảo vệ sức khỏe, đời sống của nhân dân, tạo khuôn khổ, tạo môi trường phát triển kinh tế. Cái đó rất quan trọng và phải là ưu tiên số 1 của Chính phủ vào thời điểm này.

Một thách thức nữa cũng quan trọng là chúng ta có cơ hội từ việc chuyển chuỗi cung ứng, chiến tranh thương mại, chúng ta được hưởng lợi nhiều vì được chứng minh là một đất nước an toàn nhất trong dịch Covid-19. Người ta dịch chuyển sang nước ta vì nhiều lý do. Một trong những nguyên nhân là chúng ta an toàn về trật tự xã hội, ổn định chính trị… Chúng ta sẽ mất danh tiếng đó nếu trong năm nay chúng ta không có sự phát triển vượt bậc về tiêm chủng.

Ông Lê Thanh Vân thì cho rằng, nói đến tình hình đất nước khi có cuộc chuyển giao quyền lực cuối nhiệm kỳ, chúng ta phải nhìn thành tựu của cả quá trình đổi mới hơn 30 năm. Đó là sự kế thừa liên tiếp một chặng đường dài dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự nỗ lực cố gắng của toàn hệ thống chính trị, nhất là vai trò của nhân dân. Tích lũy được cho đến ngày nay là cả một quá trình đổi mới liên tục thường xuyên, gắn với thành tựu của nhiệm kỳ vừa rồi, mới thấy được bước chuyển mình của đất nước không phải một nhiệm kỳ mà là sự kế thừa của nhiều nhiệm kỳ, được khởi động từ năm 1986, khi Đảng ta dựng cờ Đổi mới.

Nói đến tình hình, bối cảnh, chúng ta cũng không thể không nhắc đến cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã chiến đấu rất anh dũng. Tất nhiên, nói đến bối cảnh như vừa nêu còn phải nói đến cả thách thức, áp lực đối với đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của cả bộ máy, cả hệ thống và đòi hỏi quyết tâm, sáng tạo cũng như cả những đột phá trong thể chế, chính sách và cả giải pháp cụ thể thì mới đưa Việt Nam cất cánh theo kỳ vọng.

Theo ông Vũ Tiến Lộc: Dự báo của thế giới đưa ra trước khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, cho nên những con số dự báo được đưa ra theo tôi rất khó đạt được kỳ vọng, quá trình phục hồi tăng trưởng sẽ trở nên khó khăn hơn. Riêng đối với kinh tế nước ta, chúng ta đã rất thành công trong việc thực hiện mục tiêu kép của năm 2020. Nhưng giờ bối cảnh sẽ khó khăn hơn. Trong khi đó dư địa của chính sách tài khóa tiền tệ của chúng ta bị thu hẹp lại sau một thời gian chúng ta tích lũy, nguồn lực đó đã để dành cho chúng ta chống chịu, ứng phó với Covid-19. Các doanh nghiệp của chúng ta đã chống chịu hết sức kiên cường từ năm 2020, nhưng phải nói rằng khả năng chống chịu vẫn còn yếu thì Covid-19 lại bùng phát trở lại.

Chúng ta đang ở trong bối cảnh duy trì nền kinh tế có nhiều thách thức mới. Quan điểm thực hiện một cách chủ động, tích cực, ưu tiên phòng, chống dịch bệnh nhưng vẫn phải phát triển kinh tế, lo sinh kế của người dân vô cùng quan trọng. Đây là một thách thức rất lớn, đòi hỏi phải có sự vào cuộc, sự đồng tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, phải hết sức linh hoạt trong điều hành phát triển kinh tế, trong ứng phó với dịch bệnh, đối với các doanh nghiệp phải có hệ thống quản trị có khả năng chống chịu tốt hơn.

Tinh thần của giai đoạn hiện nay là chủ động, tích cực nhưng phải tăng khả năng thích ứng, chống chịu và sống chung với dịch. Việc chủ động tấn công, bảo đảm hài hòa giữa tấn công và phòng vệ là chiến lược cần thiết và không thể có sự lựa chọn thích hợp hơn.

Xem xét ở bình diện của ý kiến người dân và cử tri cả nước hiện nay, đang đặt ra những yêu cầu rất lớn cho Chính phủ và cho các bộ, ngành địa phương, nhất là bây giờ đang đặt niềm tin vào Chính phủ ở khía cạnh thứ nhất là làm thế nào để bảo đảm nhịp điệu tăng trưởng. Nếu các địa phương đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như đình trệ trong sản xuất kinh doanh thì sẽ dẫn đến toàn bộ hệ thống của chúng ta bị ảnh hưởng rất lớn, có nghĩa là những chỉ tiêu kinh tế không đạt được - Ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

Tôi nhớ trong các phiên làm việc, từ ngày 5-4 khi Thủ tướng Chính phủ nhậm chức cho đến ngày 15-4, đều tập trung các vấn đề chỉ đạo để chuẩn bị cho các hoạt động của Thủ tướng cũng như Chính phủ. Sau đó liên tiếp các ngày 5, 7, 8, 9, 10, 11, 14, 15, 20-5 và đến ngày hôm nay, tôi theo dõi hoạt động của Thủ tướng thì nhận ra Thủ tướng đang đặt vấn đề lớn cho toàn hệ thống. Khi Thủ tướng chủ trì hai cuộc họp của Chính phủ làm việc tại hai hội nghị quốc tế và đặc biệt là làm việc với một số bộ, ngành, địa phương, trong đó làm việc với các tỉnh Tây Nam và ngày hôm nay là làm việc với Bắc Giang, Bắc Ninh, thì thấy rằng, lo lắng của Thủ tướng và Chính phủ hiện nay là về vấn đề chúng ta không giữ được nhịp độ tăng trưởng bảo đảm để sau đây chúng ta không rơi vào tình trạng hỗn loạn và đình trệ toàn bộ hệ thống.

Vấn đề thứ hai là trong bình diện toàn xã hội thì làm thế nào để bảo đảm cho người dân cùng đồng lòng, đồng tâm phòng dịch, không lơ là, không chủ quan và bảo đảm đời sống giữa các địa phương có dịch với phần còn lại. Hiện nay, người dân đang rất lo lắng. Làm thế nào để người dân bớt lo lắng, tin tưởng vào Chính phủ và bộ máy của chúng ta, vào khả năng điều hành. Ngoài những vấn đề vĩ mô, còn những vấn đề của đời sống.

Vấn đề thứ ba, có thể nói chúng ta đang tập trung vào chống dịch, nhưng chúng ta lại đặt ra vấn đề chống dịch phải song song với sản xuất kinh doanh. Vậy giải pháp nào để bảo đảm chúng ta thực hiện một lúc ba việc? Người ta đòi hỏi phải có một cơ chế, phải có một biện pháp, giải pháp cụ thể, hữu hiệu và sự quyết tâm. Các địa phương, các bộ, ngành sẽ làm như thế nào? Tôi nghĩ đây là một vấn đề khó khăn.

Và một ý tôi nói vừa nãy là làm thế nào chúng ta đặt mình, đặt Việt Nam trong mối tương quan với khu vực và toàn thế giới, chứ chúng ta không thể sống một mình được, Việt Nam không thể tách ra khỏi phần còn lại của thế giới. Đây là vấn đề tôi cho là không đơn giản.

Ông Nguyễn Sỹ Dũng nhìn nhận Chính phủ mới kiện toàn tương đối ổn, tôi phấn khởi và có lòng tin vào Chính phủ. Thực chất, Chính phủ ngày càng chứng tỏ là một Chính phủ kỹ trị. Về vấn đề xem xét lại đầu tư công trên cơ sở đầu tư cần phải đúng, cái nào hiệu quả tốt thì đầu tư cái đó. Nếu anh đầu tư đúng thì hiệu quả rất lớn, còn ngược lại, nếu đầu tư dàn trải, anh sẽ được "cái khác", được sự vừa lòng của rất nhiều đối tượng. Đó không phải chính trị. Khi tập trung đầu tư những cái có hiệu quả cho kinh tế, cho xã hội, đó chính là chính trị. Nền tảng của Chính phủ tốt trên cơ sở chính trị quả thực sẽ đúng khi nền kinh tế phát triển, và sẽ đúng khi chống Covid-19.

Khi chống Covid-19, phải có chiến lược đúng trên cơ sở chính trị, thì mới hiệu quả.

Thứ hai, Chính phủ hiện nay là Chính phủ hành động, nói ít làm nhiều. Đó mới là điều rõ nhất của Chính phủ hành động, hình thành nên phong cách mới của Chính phủ, có lẽ sẽ tạo ra một động lực mạnh.

Thứ ba, về thúc đẩy cải cách thể chế, coi thể chế là nền tảng, đây là một trọng tâm. Chúng ta nói cải cách thể chế thì dễ, nhưng thể chế nào? Môi trường thể chế kinh tế thị trường như châu Âu, hay Nhà nước công lập như Bắc Âu. Mô hình thể chế cần thiết để thúc đẩy mà chúng ta đang theo là mô hình thể chế của các nước Đông - Nam Á, có văn hóa gần chúng ta, coi trọng vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong việc thúc đẩy kinh tế phát triển.

Thứ tư, về phân cấp phân quyền, đó là vừa nâng cao trách nhiệm nhưng vừa khuyến khích, khen thưởng ngay khi làm đúng. Thí dụ như việc Thủ tướng khen thưởng huyện Đông Anh trong việc chống Covid-19. Quy trách nhiệm nhưng vẫn bảo đảm khen thưởng kịp thời, đúng lúc, đó chính là động lực.

Theo nhandan.vn

Nguồn bài viết: https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/nhung-chien-luoc-moi-trong-chong-dich-va-phat-trien-kinh-te-647874/

Bạn đang đọc bài viết "Những chiến lược mới trong chống dịch và phát triển kinh tế" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin