Những câu nói của Đại biểu Quốc hội “găm” vào lòng cử tri về phòng, chống tham nhũng

(Pháp lý) - Quốc hội khóa cũ đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử. Nhiều ấn tượng của Quốc hội khóa cũ còn in đậm trong lòng cử tri. Đặc biệt là những câu nói, câu hỏi, lời chất vấn của ĐBQH “ găm” vào lòng cử tri về hoạt động phòng, chống tham nhũng (PCTN)…

>> Chọn lựa Đại biểu QH và những góp ý tâm huyết của vị Tướng tham gia Quốc Hội 3 khóa

>> Quốc hội khóa XIII và những dấu ấn trong lòng cử tri

>> Tăng hay giảm ĐBQH chuyên trách không quan trọng…, quan trọng là…

>> Trung tướng Trần Văn Độ: Quốc hội cần tạo ra một thiết chế đặc biệt để phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn

“Bao giờ phản công, sao cứ cầm cự mãi thế?”

Tài sản tham nhũng thu hồi rất thấp. Nói chống tham nhũng nhiều nhưng số phát hiện, xử lý tham nhũng chưa hiệu quả là vấn đề cử tri quan tâm. Cho rằng tham nhũng hi sinh đời bố, củng cố đời con, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Trần Đình Nhã bày tỏ băn khoăn khi kỳ họp kết thúc, đi tiếp xúc cử tri, nếu cử tri chất vấn vì sao tham nhũng chưa được đẩy lùi thì nên trả lời như thế nào? Nếu nói lâu nay chống tham nhũng đang ở giai đoạn “phòng ngự, cầm cự” thì cử tri sẽ hỏi bao giờ phản công, sao lại cầm cự mãi thế?

Ông Nhã nêu lên các câu hỏi và tự trả lời, phải chăng đến năm 2018 khi đạo luật phòng, chống tham nhũng hiện nay được sửa đổi và có hiệu lực thì chúng ta mới phản công?

“Sao bị can tội tham nhũng tâm thần nhiều thế?”

Tại phiên họp toàn thể Ủy ban Tư pháp ngày 15/9/2015, thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014. Báo cáo của Chính phủ cho biết trong năm 2014, ngành thanh tra đã phát hiện 54 vụ, 87 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 68,5 tỷ đồng; lực lượng cảnh sát điều tra các cấp đã thụ lý 415 vụ án, 1.031 bị can phạm tội về tham nhũng (trong đó khởi tố mới 256 vụ, 593 bị can); thiệt hại do tham nhũng là trên 6.000 tỷ đồng (đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 700 tỷ).

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thừa nhận: số vụ việc tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra còn ít. Việc xử lý một số vụ án tham nhũng chưa kịp thời; trong một số vụ án tham nhũng, việc phối hợp đánh giá chứng cứ, tội danh giữa các cơ quan tố tụng chưa thật chặt chẽ... Đặc biệt, nhân dân vẫn chưa thực sự tin tưởng vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Bình luận về báo cáo của Chính phủ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương nói rằng “qua báo cáo thì tôi thấy tình hình tham nhũng tương đối ổn định, thể hiện qua con số báo cáo tăng, giảm không đáng kể”. Ông cho rằng những nguyên nhân, kiến nghị trong báo cáo vẫn chung chung, không khác báo cáo năm trước là mấy. Trong hoàn cảnh xét xử tội phạm tham nhũng gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, ông Đương nói dư luận bức xúc, đặt vấn đề hoài nghi tại sao có những vụ án tham nhũng bị can lại bị tâm thần, sau đó được miễn trách nhiệm hình sự?

"Bỏ tử hình tham nhũng, xã hội sẽ loạn, nhân dân sẽ không tha cho chúng ta"

[caption id="attachment_140768" align="aligncenter" width="410"]Đại tá Đỗ Ngọc Niễn (Đại biểu đoàn Bình Thuận) nổi tiếng với câu nói đề nghị giữ án tử hình... không xã hội sẽ loạn, nhân dân không đồng tình. Đại tá Đỗ Ngọc Niễn (Đại biểu đoàn Bình Thuận) nổi tiếng với câu nói đề nghị giữ án tử hình... không xã hội sẽ loạn, nhân dân không đồng tình.[/caption]

Trong quá trình lập pháp, nhiều bức xúc của cử tri về PCTN cũng được chuyển tải vào dự luật. Sáng 16/6/2015, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Đại tá Đỗ Ngọc Niễn (Đại biểu đoàn Bình Thuận) - Ủy viên Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phản đối bỏ tử hình với tội tham nhũng, bởi làm như vậy là không công bằng với các tội tử hình khác, đồng thời sẽ tạo kẽ hở cho kẻ phạm tội tham nhũng lợi dụng, dùng tiền để đổi mạng. Ông Niễn phân tích: “Làm như vậy chẳng khác nào khuyến khích dung túng bao che cho tham nhũng. Tham nhũng là tội có mục đích kinh tế. Tham nhũng là quốc nạn, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Chúng ta đang kiên quyết phòng, chống tham nhũng, nhưng đến nay kết quả không đạt được như mong muốn, mà tham nhũng ngày càng tinh vi phức tạp hơn. Dư luận xã hội vô cùng bất bình, đòi hỏi phải có hành động kiên quyết hơn nữa. Ông này nhấn mạnh: “Làm như vậy thì xã hội tất sẽ loạn và chắc chắn nhân dân sẽ không tha cho chúng ta nếu đạo luật sửa đổi này được thông qua”. Sau này đồng tình với nhiều đại biểu, QH đã giữ án tử hình với tội tham nhũng.

“Nói phải đi đôi với làm thì dân mới tin"

Trước tình hình, tham nhũng được Đảng ta nhìn nhận đánh giá là ngày càng diễn biến phức tạp và chúng ta chưa ngăn chặn đẩy lùi được thực trạng này, nhưng công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử đối với loại bệnh này ngày một giảm? Theo báo cáo của Viện trưởng Viện KSND Tối cao thì tội tham nhũng khởi tố giảm 29 vụ và 21,8% so với cùng kỳ.

Phải chăng là chúng ta chưa trọc thủng được bức màn che đậy hành vi tham nhũng để xử lý một cách triệt để? Chúng ta thường nghe nói Chính phủ lắng nghe ý kiến của dân nhân. Vậy thì Chính phủ lắng nghe điều gì ở dân? Cử tri cho rằng, Quốc hội, Chính phủ của chúng ta thảo luận rất hay, rất đúng, ra nghị quyết thì rất là trúng. Thế nhưng quá trình triển khai thực hiện thì nói chưa đi đôi với làm. Cử tri đề nghị phải nói đi đôi với làm. Đề nghị Chính phủ phải làm như nói thì dân mới tin.

“Người trong sạch không ai chơi, bị coi là quan hệ kém”

[caption id="attachment_140766" align="aligncenter" width="410"]ĐBQH Đỗ Văn Đương nổi tiếng với phát ngôn: Người trong sạch thì không ai chơi ĐBQH Đỗ Văn Đương nổi tiếng với phát ngôn: Người trong sạch thì không ai chơi[/caption]

Nói về nạn chạy chức chạy quyền, ĐBQH Đỗ Văn Đương nói: "Dư luận râm ran có tình trạng chạy chức chạy quyền, hay đó là sự thật? Vì sao người ta thích chạy? Vì sao chạy được? Câu hỏi rất lớn mà trong nhiều nhiệm kỳ qua mà cho đến nay cử tri cả nước vẫn chờ câu trả hỏi. Tôi cho rằng nạn chạy chức quyền tạo ra bất công rất lớn. Cuộc đời này còn nhiều cô Tấm trong sáng. Nhưng nước sạch thì không có cá, người trong sạch không ai chơi, bị coi là quan hệ kém. Ở đây có cách nhìn nhận đánh giá về mặt đạo đức cán bộ. Cứ đánh giá nặng về đánh giá chung chung".

“Ăn một phá mười”: Lãng phí còn hơn cả tham nhũng

Tham nhũng là có tội, còn lãng phí thì chưa bị truy trách nhiệm. Nhưng trên thực tế, lãng phí gây ra thiệt hại rất lớn, đôi khi còn hơn cả tham nhũng. Đại biểu Lê Nam cho rằng ở tương quan giữa tham nhũng và lãng phí thì “ăn một phá mười”. Nếu phân tích kỹ lưỡng, có thể thấy lãng phí còn nguy hiểm hơn cả tham nhũng. Tham nhũng dù sao cũng còn giữ lại đồng tiền, tài sản, cho dù nằm trong túi của kẻ tham nhũng. Tài sản đó được sử dụng, hoặc còn tồn tại để có thể thu hồi. Lãng phí thì không, là vô phương kiểm soát và không thể thu hồi.

Từ đó ĐBQH Lê Nam đề xuất ” Khi Luật có hiệu lực, cũng phải quan tâm đến việc hướng dẫn thực hiện, nhằm hạn chế việc có những địa phương làm vượt khả năng, hoặc đầu tư không thiết thực, gây lãng phí…

“Một ông nông dân cõng 4 ông công chức béo...”

Bất lực về tình trạng công chức cắp ô, công chức lười gây lãng phí tại buổi thảo luận của Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2016 và kế hoạch phát triển giai đoạn 2016-2020, sáng 24/3/2015, đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) khẳng định chủ trương của Bộ Chính trị về tinh giảm biên chế là rất đúng nhưng cứ hết xây dựng đề án rồi lại báo cáo cấp thẩm quyền phê duyệt… “Một ông nông dân cõng 4 ông công chức béo” thì chết, dân oán thán lắm. Làm quan có thời, về thì cần lấy cái đức cho mình. Thời gian tới phải coi trọng chống tội phạm tham nhũng.

“Việc gì cũng phải lót tay, phải có phong bì"

Góp ý về hoạt động của nhiệm kỳ của Quốc hội khóa 13, đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) phát biểu, ngoài những nỗi lo về “ngoại xâm” thì còn có những nỗi lo về “nội xâm”, đó là vấn đề tham nhũng - một trong những mối nguy hại cho xã hội: “Việc gì cũng phải lót tay, phải chạy, phải lại quả, việc gì cũng phải có phong bì, gây nên một lối sống nguy hại cho xã hội. Tình trạng lãng phí cũng là quốc nạn, gắn với tham nhũng làm cản trở sự đi lên của đất nước”.

“Chim chưa đậu thì đã nhậu hết cả chim”

Nói về cái khó do cơ chế và nạn phong bì, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh cũng nói: “Rất nhiều doanh nghiệp tâm sự với chúng tôi rằng mọi người cũng rất muốn làm giàu cho đất nước, cho quê hương. Nhưng mà đất lành thì chim đậu, nhưng chim chưa đậu thì đã nhậu hết cả chim. Đây là một sự thật mà chúng tôi nghe thấy và chúng tôi rất xót xa”- bà Khánh nói.

“Có hay không tham nhũng ở các ngân hàng bị mua 0 đồng? “

[caption id="attachment_140767" align="aligncenter" width="410"]ĐBQH Trương Trọng Nghĩa hỏi thẳng vấn đề, có hay không tham nhũng ở những ngân hàng bị  mua 0 đồng? ĐBQH Trương Trọng Nghĩa hỏi thẳng vấn đề, có hay không tham nhũng ở những ngân hàng bị mua 0 đồng?[/caption]

Tiếng nói của ĐBQH thể hiện trong việc nhìn nhận các vụ việc cụ thể. Trong một phiên chất vấn Đại biểu Trương Trọng Nghĩa kiến nghị Chính phủ báo cáo rõ với Quốc hội việc mua các ngân hàng cổ phần thương mại với giá 0 đồng thời gian qua. Ông cảnh báo ngân sách nhà nước có thể phải “gánh” những khoản “âm” của các ngân hàng này, mà nguyên nhân có thể bắt đầu từ tham nhũng.

Ông Nghĩa đặt vấn đề: “Các ngân hàng tư là tiền của các ông chủ góp vào, và đặc biệt nguồn vốn cực lớn của ngân hàng là của dân góp vào. Vừa rồi một loạt ngân hàng chúng ta không cho phá sản mà đi mua nó với cái giá 0 đồng. Nói cách khác là Nhà nước quốc hữu hóa các ngân hàng này và mua với giá bằng 0. Tiền của chủ ngân hàng mất đi thì không nói, họ thua lỗ thì phải chịu; nhưng số 50.000 tỉ của nhân dân góp, bây giờ Nhà nước lấy tiền đâu để gánh chỗ này?”.

Ông Nghĩa thắc mắc: “Chúng tôi không nói về chủ trương, vì trong hoàn cảnh như vậy quốc hữu hóa có thể là không sai. Nhưng chúng tôi muốn hỏi là: nếu như có việc các ông chủ ngân hàng chỉ góp một phần để thành lập, sau đó huy động 4-5 phần khác từ nhân dân, rồi đem tiền này phân bổ (cho vay) về các công ty con, các dự án của các ông ấy và những người thân quen, chạy chọt có phải là tham nhũng không?

“Tham nhũng tăng tốc vào lúc hoàng hôn nhiệm kì”

Trước thực trạng nhiều quan chức sắp về hưu cố tình bổ nhiệm cán bộ, kí quyết định cho doanh nghiệp đầu tư để “ăn hoa hồng”… “tham nhũng tăng tốc vào lúc hoàng hôn nhiệm kì”, ĐBQH Lê Như Tiến chất vấn: “Trách nhiệm cá nhân và giải pháp của Tổng Thanh tra như thế nào trong việc ngăn chặn quan chức “chạy nước rút” để thực hiện những “chuyến tàu vét” trước khi hạ cánh, như biến tài sản nhà nước thành tài sản nhà mình, bất động sản của công thành của tư, đề bạt bổ nhiệm không bình thường cho công chức thân hữu…?”

Kết mở

Xuyên suốt cả nhiệm kì của Quốc hội XIII, phát ngôn về Phòng và chống tham nhũng rất nhiều. Phần nào nó phản ánh suy nghĩ của cử tri về vấn đề này. Tiếng nói của ĐBQH nói thay cử tri đến giờ vẫn còn nguyên giá trị, mong rằng các ĐBQH khóa tới soi vào đó như một tấm gương để hành động cho xứng với gửi gắm của cử tri.

Nhóm PV chuyên mục TCSĐNT (tổng hợp)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin