Lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro Ruz đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 22 giờ 29 phút ngày 25/11/2016 (giờ Cuba), nhưng đã từ rất lâu, tên tuổi của ông đã có chỗ đứng vững chắc trong trang vàng của lịch sử nhân loại.
Những câu chuyện dưới đây sẽ cho chúng ta thấy phần nào sự vĩ đại của con người lãnh tụ cách mạng Fidel:
Dị ứng với tham nhũng
Ông Antonio Núñez Jimenez, nhà cách mạng lão thành, nguyên Phó Chủ tịch Viện Cải cách ruộng đất Cuba (INRA) kể lại: Ít lâu sau ngày cách mạng thành công, vào khoảng tháng 9/1959, báo Havana Pots đăng tin nói một người trong dòng họ Castro đã lập ra một hãng bảo hiểm đối với tất cả đất đai được giao cho nông dân trong quá trình cải cách ruộng đất.
Tờ báo cho biết vụ làm ăn có thể đem lại nhiều triệu peso lợi nhuận và chủ nhân của công ty này đã lập văn phòng ngay tại cơ quan INRA.
Đọc được tin này Fidel, lúc đó là Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ tịch Viện INRA, tự mình đến gặp Phó chủ tịch Núñez Jimenez, người đang trực tiếp điều hành công việc hàng ngày của Viện để hỏi cho rõ đầu đuôi sự việc ra sao.
Ông Núñez Jimenez báo cáo rằng ông không hề biết gì về sự việc này kể cả việc có ai đó đặt văn phòng hãng bảo hiểm tại đây. Ngay tức thì, chánh văn phòng INRA được gọi đến, ông này thừa nhận chính mình đã đồng ý cho công ty nói trên mượn chỗ đặt nơi làm việc của họ bời người đến giao dịch là một thân nhân trong gia đình của Thủ tướng (Fidel giữ chức Thủ tướng Chính phủ từ 1959 cho tới 1976 mới kiêm chức Chủ tich Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng) và ông tưởng rằng đề nghị đó đã được “bật đèn xanh” từ cấp cao.
Nghe xong câu chuyện, Fidel hết sức phẫn nộ trước việc người ta đã không hiểu tính chất nghiêm trọng của vấn đề mà các thế lực thù địch có thể lợi dụng chống phá chính quyền cách mạng còn non trẻ.
Ngay lập tức, Fidel ký sắc lệnh chấm dứt hoạt động của công ty bảo hiểm nói trên, ông nói dứt khoát, bất kỳ ai cũng đều không được phép lợi dụng sự thân quen và chức quyền để trục lợi. Ông cũng ra lệnh đình chỉ chức vụ Chánh văn phòng Viện INRA trong 6 tháng vì đã không báo cáo vụ việc lên cấp trên mà tự ý giải quyết một vấn đề nhạy cảm có thể gây ảnh hưởng xấu tới uy tín của lãnh đạo và cơ quan nhà nước, mặc dù ông này chỉ vì cả tin chứ không có ý đồ trục lợi. Fidel luôn là người dị ứng với tệ tham nhũng, thói lạm dung quyền hành, nhưng cũng rất công bằng với cấp dưới.
Chỉ có Raul thuyết phục được mẹ
Vào khoảng cuối năm 1959 Fidel cử ông Antonio Núñez Jimenez, Phó Chủ tịch Viện Cải cách ruộng đất Cuba (INRA) về Birán gặp bà Lina Ruz, mẹ của Fidel để thuyết phục bà giao lại khu điền trang rộng lớn của gia đình cho cách mạng. Sau mấy ngày đi Birán, thuộc tỉnh Oriente cũ (nay là tỉnh Holguin), ông Núñez Jimenez trở về báo cáo lại rằng ông đã trổ hết tài thuyết khách nhưng cũng không thể nào làm bà lay chuyển. Trước sau bà chỉ nói: Những trang trại này là do ông bà khai phá, gây dựng nên, vì vậy sẽ không giao lại cho bất cứ ai.
Nghe xong, Fidel ngẫm nghĩ hồi lâu rồi bảo: Thôi được, để giao việc này cho Raul, chỉ có Raul mới thuyết phục được bà cụ. Ít ngày sau, Raul trở về nói: Có gì đâu, mọi việc xong xuôi rồi và ông kể: Tôi về nói chuyện với bà già một hồi về đủ thứ trên trời dưới biển, bỗng bà bảo bà không hiểu chính trị cho lắm, mà cũng chẳng biết chủ nghĩa xã hội là cái gì. Tôi bèn nói: À đúng rồi, chủ nghĩa xã hội có nghĩa là phải cải cách ruộng đất, mà cải cách ruộng đất tức là…như nhà mình có chừng này ha đất trang trại thì phải giao lại nhà nước bao nhiêu còn chỉ được giữ lại chừng nào thôi…Bà già lại hỏi thế chủ nghĩa cộng sản là gi? Tôi mới bảo: Chủ nghĩa cộng sản tức có nghĩa là…nhà mình sẽ phải nộp lại toàn bộ đất đai cho quốc gia ấy mà…Thế là bà nhìn tôi và mắng toáng lên: A đồ quỷ sứ, anh vẫn như cái thằng quỷ con ngày nào, thế bao giờ thì tôi phải giao nộp đất đai, vườn ruộng đây?
Không quên bạn cũ
Bà Conchita Fernández, từng là thư ký riêng của Fidel nhiều năm cho biết: lãnh tụ Cuba là người không quên một ai trong số những người bạn đã ít nhiều có giúp đỡ ông trong thời kỳ trước khi cách mạng thành công. Ông Ramón Vasconcelos là một nhà tư sản hoạt động trong lĩnh vực báo chí đã giúp Fidel một số việc như đăng tải các tài liệu tố cáo sự đàn áp của chế độ độc tài Batista, hoặc các bài phỏng vấn Fidel và những thông điệp của phong trào 26/7 gửi tới nhân dân Cuba.
Sau ngày cách mạng thành công, nhà tư sản Vasconcelos đã tình nguyện hiến khu trang trại rộng mấy chuc ha của mình cho nhà nước. Nơi đó ngày nay là khu hội chợ triển lãm EXPOCUBA rộng lớn nằm ở phía tây nam thủ đô La Habana. Ít lâu sau vì những lý do riêng tư, ông lặng lẽ chuyển sang sinh sống ở Miami (bang Florida, Mỹ), nhưng không tham gia vào các hoạt động tuyên truyền chống phá cách mạng của các nhóm người Cuba lưu vong. Đến khi già yếu, Vasconcelos muốn trở về quê hương và người con gái của ông đã liên hệ với bà Conchita nhờ giúp đỡ.
Khi được nghe báo cáo về nguyện vọng của người bạn cũ, Fidel đã ngay lập tức quyết định cho người ra sân bay đón và đưa ông Vasconcelos về một ngôi nhà nghỉ dưỡng ở khu bãi biển Santa María del Mar. Tại đây, Fidel thường xuyên đến thăm và chuyện trò với ông già Vascocelos về các vấn đề xã hội và lịch sử một cách hoàn toàn thoải mái, không chút cách biệt cho tới khi vì tuổi cao, bệnh năng ông này đã ra đi về cõi vĩnh hằng.
Không phải chuyện thoáng qua
Víctor Mesa, một vận động viên bóng chày nổi tiếng của Cuba nhớ lại: Có lần ông gặp Fidel trong một buổi mít tinh, hai người cùng nói chuyện về thể thao. Trong câu chuyện, Fidel hỏi: Bao giờ thì anh sẽ viết hồi ký về cuộc đời thể thao của mình? Lúc đó Victor Mesa đã trả lời: Vâng, tôi cũng định sắp viết.
Tưởng rằng chỉ là câu chuyện thoáng qua, bẵng đi một thời gian, chừng nửa năm sau ông lại có dịp gặp Fidel trong một hoạt động khác. Vừa trông thấy ông, Fidel hỏi ngay: Này Victor, sách viết đến đâu rồi? Hóa ra Fidel vẫn nhớ, chẳng phải là chuyện nói chơi, Victor Mesa bèn trả lời: Thưa Tư lệnh, tôi đang…đang viết ạ. Fidel vỗ vai ông và động viên: Cố gắng viết cho xong, và nhớ gửi cho tôi một quyển nhé. Ngay sau đó, Victor Mesa bắt tay vào viết và một năm sau ông hoàn thành cuốn tự truyện: Bóng chày trong cuộc đời tôi, và việc đầu tiên là ông viết lời đề tặng để gửi sách tới Tổng tư lệnh Fidel Castro.
Tôi không phải là người thích đứng ở ban công
Nhà văn và nhà báo Cuba Luis Baez thuật lại: Trong chuyến thăm đầu tiên tới Mỹ vào tháng 4/1959, Fidel tỏ ý muốn có sự tiếp xúc trực tiếp với người dân Mỹ, nhưng các nhà chức trách nước này không muốn điều đó diễn ra.
Mister Houghton, người mà ai cũng biết là một sỹ quan mật vụ luôn theo sát mọi hoạt động của phái đoàn Cuba, một hôm phát hiện thấy Fidel có ý định ra phía ngoài để bắt tay những người đang hô khẩu hiệu và hò reo ủng hộ cách mạng Cuba bèn tiến lại sát bên và nói nhỏ: Nếu muốn Ngài nên ra ngoài ban công trên tầng cao của khách sạn sẽ nhìn thấy nhiều người hơn. Nghe vậy, Fidel liền quay sang đáp: Tôi không phải là người thích đứng ở ban công!
Nói rồi ông bước nhanh ra khỏi cửa tiến về phía đám đông đang tụ tập bên ngoài sảnh khách sạn trước sự ngỡ ngàng của nhiều nhân viên FBI và cảnh sát Mỹ dày đặc xung quanh. Và như thế, cuộc gặp gỡ đầu tiên của nhà lãnh đạo hòn đảo tự do vừa thoát ra khỏi chế độ thực dân kiểu mới của Mỹ và dân chúng nước này đã kéo dài hàng giờ trước sự chứng kiến của những người đã ra sức ngăn cản điều đó diễn ra.
Người phụ trách các vấn đề Cuba là tôi
Cũng trong chuyến thăm Mỹ nói trên có buổi tiếp kiến tại Bộ Ngoại giao. Khi Fidel từ bên ngoài bước tới gần cửa phòng khách, ngoại trưởng Christian Herter bước ra bắt tay mời vào. Hai người ngồi xuống ghế, những câu thăm hỏi xã giao diễn ra khá nhanh, hai người lại đứng lên và cùng bước về phía phòng ăn bên cạnh để dùng bữa trưa. Trong khi chúc rượu, sau khi ngoại trưởng Mỹ nói lời chào mừng, Fidel nâng ly đáp lời: Chúng tôi hy vọng rằng một ngày nào đó nước Mỹ sẽ hiểu rõ và ghi nhận cuộc đấu tranh của nhân dân Cuba, một cuộc đấu tranh đầy sự tích anh hùng và những sự hy sinh phi thường …
Kết thúc buổi gặp gỡ, William Wieland, Giám đôc Văn phòng khu vực Caribe tiến đến bắt tay Fidel và tự giới thiệu:
-Thưa tiến sỹ Fidel Castro, tôi là người phụ trách các vấn đề Cuba…
Ông ta vừa dứt lời, không cần chờ người phiên dịch dịch lại, Fidel nói ngay:
-Xin lỗi ông…nhưng, người phụ trách các vấn đề Cuba là tôi.
William Wieland hơi sững người, và mọi người có mặt cùng cười.
Thi nấu ăn với đại diện của Giáo hoàng
Vào những năm đầu sau ngày cách mạng Cuba thành công, Tòa thánh Vatican có một vị đại sứ khá đặc biệt tại La Habana. Đó là đức ông Cesare Zacchie, một người Italy rất mê nấu nướng và thường khoe rằng mình làm món spagueti (món mỳ kiểu Italy) và món bánh piza rất tuyệt. Một lần nghe vị đại diện của Giáo hoàng nói vậy, Fidel liền cười bảo: Hôm nào ngài tổ chức một cuộc thi nấu ăn tại đại sứ quán, tôi và ngài sẽ cùng nhau trổ tài xem sao. Nghe thấy thế mọi người cười ồ lên vui vẻ tán thưởng…
Không ai biết về sau một cuộc thi nấu ăn thật sự giữa hai người có diễn ra hay không, chỉ biết rằng quan hệ giữa người đứng đầu đất nước Cuba và vị đại diện của Nhà nước Tòa thánh La Mã hết sức thân tình trong nhiều năm. Thời gian đó, Fidel thường lui tới đại sứ quán Vatican và ngồi nói chuyện hàng giờ liền với đức ông Cesare Zacchie về đủ mọi đề tài, từ triết học, lịch sử, văn hóa cho tới các vấn đề về gia đình, tuổi trẻ và thể thao.
Qua những câu chuyện như trên, người ta dễ dàng hiểu được sự chân thành của nhà lãnh đạo Cuba khi ông khẳng định: “Không bao giờ cách mạng Cuba nuôi dưỡng tình cảm chống tôn giáo. Chúng tôi luôn xuất phát từ niềm tin sâu sắc rằng không có sự mâu thuẫn giữa cách mạng xã hội và quan niệm tôn giáo của quần chúng. Thậm chí trong cuộc đấu tranh của chúng tôi đã có sự tham gia rộng rãi của nhân dân, bao gồm cả những người theo đạo” (trích bài nói chuyện tại Jamaica trong chuyến thăm tháng 10/1977, theo sách “Fidel và tôn giáo,” Hội đồng Nhà nước Cuba xuất bản 1985).
Tôi là người chịu trách nhiệm
Tháng 2/1960, Phó Thủ tướng Anastas I. Mikoyán, nhà lãnh đạo cao cấp đầu tiên của Liên bang Xô viết thăm hữu nghị chính thức Cuba. Fidel đích thân đón tiếp và tháp tùng nhà lãnh đạo Liên Xô trong toàn bộ hành trình của chuyến thăm tại Cuba. Sau khi thăm các cơ sở ở thủ đô La Habana, hôm đó doàn có chương trinh đến thăm hồ Tesoro trong vùng đầm lầy Zapata, nơi có khu du lịch nghỉ dưỡng và trại nuôi cá sấu nổi tiếng nằm ở phía nam tỉnh Matanzas.
Khi chiếc trực thăng chuyên cơ KL18 mang từ Liên Xô sang do phi công người Nga trực tiếp điều khiển đã bay ở độ cao ổn định được một lúc thì Fidel cứ hết nhìn sang trái lại ngoái sang phải có vẻ bồn chồn sao đó. Ông Antonio Núñez Jimenez lúc đó trong vai trò trợ lý của Fidel, vốn là một nhà địa lý học bèn rút trong túi ra một chiêc la bàn.
Fidel hỏi ngay: Máy bay đang bay theo hướng đông phải không? Quả nhiên, nếu cứ tiếp tục bay theo hướng đông thì sẽ ngày càng xa bờ biển, trong khi đáng lẽ phải bay theo hướng bắc để tới vùng hồ Tesoro. Fidel nói với ông Mikoyán qua người phíên dịch rằng máy bay đang bay sai hướng, cần phải quay sang hướng bắc, nếu không sẽ bay xa ra phía biển cả và có nguy cơ hết xăng. Ý kiến đó được nhà lãnh đạo Liên Xô cho truyền đạt tới tổ lái, nhưng viên phi công nói rằng máy bay còn phải qua một đảo nhỏ mới tới điểm đổi sang hướng bắc.
Ông Mikoyán tin vào lời giải thích của phi công, nhưng Fidel biết rằng máy bay đã cất cánh từ đảo Cayo Largo và nếu lại bay theo hướng đông thì phía trước chỉ là đại dương bao la, không còn đảo nào nữa, ông nói với Phó Thủ tướng Liên Xô:
"Tôi chịu trách nhiệm về sự an toàn của đồng chí và phái đoàn, chúng tôi nắm rõ địa lý vùng này, vì vậy máy bay cần phải chuyển hướng bắc để tránh tai nạn xảy ra."
Ông bước lên cùng người phiên dịch, trực tiếp giải thích cho viên phi công. Máy bay chuyển hướng bắc và mọi người thở phào nhẹ nhõm khi nhìn thấy bờ biển, tiếp đó là vùng đầm lầy Zapata hiện ra ở phía dưới. Sau đó viên phi công thừa nhận rằng anh ta đã nhầm lẫn giữa hai dấu chấm chỉ đẫn hai hòn đảo Cayo Largo và Cayo Rosario trên bản đồ.
Dù thế nào cũng phải thăm vùng giải phóng Miền Nam Việt Nam
Ông Hector rodriguez Llompart, thành viên trong đoàn đại biểu cấp cao Cuba do Fidel dẫn đầu thăm Việt Nam tháng 9/1973 kể lại: Trong chuyến thăm đầu tiên đó của lãnh tụ Cuba tới Viêt Nam, theo đề nghị của chính Fidel, phía Việt Nam có bố trí trong chương trình một cuộc đi thăm vùng giải phóng Miền Nam ở tỉnh Quảng Trị. Tất nhiên là trong điều kiện chiến tranh lúc đó, kế hoạch phải được giữ bí mật hoàn toàn. Tin tức chỉ được công bố sau khi đoàn đã kết thúc cuộc đi thăm và trở về Hà Nội.
Buổi tối trước ngày đoàn lên đường vào vùng giải phóng Miền Nam như dự kiến thì Thủ tướng Phạm Văn Đồng và một số cán bộ cao cấp của Việt Nam tới nhà khách chính phủ gặp Fidel có việc gấp cần trao đổi. Thủ tướng cho biết có một cơn bão xuật hiện ở biển Đông có thể ảnh hưởng tới chuyến đi bằng máy bay của đoàn vào ngày hôm sau, và yêu cầu ông Giám đốc Tổng cục Khí tượng trình bày cụ thể tình hình. Fidel chăm chú lắng nghe sau đó hỏi cặn kẽ về vị tri hình thành, tốc độ và hướng di chuyển của cơn bão so với hướng hành trình và điểm đến của đoàn.
Sau đó, ông nói với Thủ tướng Phạm Văn Đồng: Chúng tôi đến đây là để bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam đang chiến đấu, bất kể trong hoàn cảnh nào phái đoàn Cuba cũng phải đến được vùng giải phóng Miền Nam Việt Nam.
Cuối cùng thì chuyến thăm đã diễn ra suôn sẻ, tốt đẹp.
Hình ảnh vị Tổng tư lệnh của cách mạng Cuba giương cao lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam giữa vòng vây các chiến sĩ quân giải phóng là một biểu hiện sinh động của tình đoàn kết quốc tế trong sáng kết tinh trong câu nói nổi tiếng của Fidel: “Vì Việt Nam Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”.
Người dân Cuba khi kể lại những chuyện này, thưởng kết luận bằng một câu ngắn gọn: Así es Fidel (Fidel là như thế!) !
Theo Vietnam+