Những bài hát của một thời cách mạng và kháng chiến: Ở hai đầu nỗi nhớ

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu từng thổ lộ: "Điểm đặc biệt của "Ở hai đầu nỗi nhớ" là càng trải qua thời gian càng có thêm nhiều người yêu mến. Trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của mình, "Ở hai đầu nỗi nhớ" là bài thơ, bài hát mà tôi yêu thích nhất".

[caption id="attachment_143691" align="aligncenter" width="410"]Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu[/caption]

Trong đời sống âm nhạc cách mạng và kháng chiến, chen giữa vô vàn khúc tráng ca hào hùng đầy khí thế vẫn có những bản tình ca dịu dàng đắm thắm khiến ta nghe một lần mà nhớ mãi. Ca khúc Ở hai đầu nỗi nhớ của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, phổ thơ Trần Hoài Thu là một tác phẩm như vậy.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh năm 1924, mất ngày 29.6 năm ngoái, vừa tròn giỗ đầu, tức là chỉ thêm 1 năm nữa là ông đầy cửu thập, cái độ tuổi mà Đỗ Phủ nếu chứng kiến chắc phải viết lại câu thơ nổi tiếng "Nhân sinh thất thập cổ lai hy". Hồi nhạc sĩ còn sống, mà nào có xa xôi, năm 2014 mới đây thôi, tôi còn nghe chuyện rằng mức U.90 với ông vẫn chả là cái đinh gì, thỉnh thoảng người ta vẫn thấy ông cưỡi chiếc xe máy cũ chở bà xã cũng lão tuế gần bằng ông chạy tà tà trên phố. Người Sài Gòn đã từng quen hình ảnh một ông lão vào độ gần bách tuế cùng phu nhân xấp xỉ độ ấy ngự ngựa sắt ngao du phố phường. Nay thì ông bà đều đã đi xa, nhưng vẫn còn một Phan Huỳnh Điểu sừng sững in đậm dấu ấn trong làng âm nhạc nước nhà, khó có thể phai mờ.

Tôi được nghe những bài hát của cụ Phan Huỳnh Điểu từ hồi còn bé, cả mấy bài ông sáng tác thời kỳ đầu, lúc kháng chiến chống Pháp như Đoàn vệ quốc quân (còn có tên là Đoàn giải phóng quân), sau này rất thích bài Những ánh sao đêm (do ca sĩ Quốc Hương hát), Cuộc đời vẫn đẹp sao, Hành khúc ngày và đêm, Bóng cây kơ nia, Đêm nay anh ở đâu..., rồi sau nữa là những ca khúc phổ thơ Xuân Quỳnh (Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu)... bài nào cũng hay.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu viết Ở hai đầu nỗi nhớ phổ từ thơ Trần Hoài Thu. Riêng xung quanh phần ca từ của bài hát này cũng đã nhiều chuyện hay và xúc động. Trần Hoài Thu tên thật là Trần Đình Chính, phóng viên báo Nhân Dân. Năm 1984, khi tham gia chiến trường K (Campuchia) ông Chính có mối tình với một cô gái Sài Gòn sang công tác ngắn hạn bên đó. Bài thơ sinh ra từ một đêm mưa là tiếng lòng chân thật, đắm say của người chiến sĩ với người yêu đang nơi xa cách, cái riêng hòa quyện cái chung, ngọt ngào đằm thắm mà thật cao cả thiêng liêng. Lời thơ giản dị nhưng bộc lộ những sâu thẳm của tâm hồn: "Có một không gian nào, đo chiều dài nỗi nhớ. Có khoảng mênh mông nào, sâu thẳm hơn tình thương. Ở đầu này nỗi nhớ, anh mơ về bên em. Ngôi sao như xuống thấp, Cho ta gần nhau hơn". Nhà báo Thép Mới từng viết: "Đời mỗi người làm văn, làm thơ, làm báo cũng chỉ cần một tác phẩm như Ở hai đầu nỗi nhớ là đủ". Chính nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cũng thổ lộ: "Điểm đặc biệt của Ở hai đầu nỗi nhớ là càng trải qua thời gian càng có thêm nhiều người yêu mến. Trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của mình, Ở hai đầu nỗi nhớ là bài thơ, bài hát mà tôi yêu thích nhất". Khi nhà báo nhà thơ Trần Đình Chính bị bệnh nan y, cuộc sống khó khăn, chi phí điều trị tốn kém, một doanh nhân ở Sài Gòn đã giúp ông bằng cách mua bản quyền bài thơ Ở hai đầu nỗi nhớ với giá 300 triệu đồng

Nhiều ca sĩ thể hiện ca khúc tình cảm này nhưng người nghe có lẽ ấn tượng nhất với 2 giọng ca Ái Xuân (em gái Ái Vân) và Bảo Yến. Chỉ tiếc bản do Ái Xuân hát thì dàn nhạc đệm quá ồn, tiếng trống cứ như đục vào tai, còn bản Bảo Yến phần đệm công phu hơn, hay hơn, tuy nhiên ca sĩ Bảo Yến hơi tùy tiện sửa giai điệu, nhịp điệu khiến bài hát bị chia thành từng quãng thiếu sự gắn kết tình cảm như vốn có.

The Motthegioi

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin