Nhìn lại các chính sách kinh tế quốc tế 2019: Toàn cầu chao đảo vì thương chiến Mỹ - Trung

12/12/2019 08:49

(Pháp lý) - “Trong suốt năm 2019, các triển vọng kinh tế toàn cầu bị can thiệp và đe dọa bởi các chính sách kinh tế có phần can thiệp thô bạo của một số Chính phủ, trong đó Mỹ và Trung Quốc là 2 quốc gia đi đầu. Các chính sách đang tạo ra những tiền lệ, những tranh chấp chưa có hồi kết cho năm mới 2020”, Đài Truyền hình CNBC của Mỹ, ngày 26/11 đưa ra những nhận định trên trong chương trình “Tạp chí kinh tế cuối tuần”.

image001

Toàn cầu giảm 0,1% tăng trưởng

“Các chính sách kinh tế của nhiều quốc gia, bao gồm cả các điều chỉnh về mặt tạm thời năm 2019 có tác động trực tiếp đến “sức khỏe” của nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới đều có xuất phát hoặc liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Đó là một hiệu ứng “cánh bướm” trong bối cảnh toàn cầu hóa được coi là cơ hội nhưng cũng là thách thức chủ đạo hiện nay”, ông Koichi Hamada, Cố vấn Kinh tế Đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, là Giáo sư Danh dự về Kinh tế tại Đại học Yale và Đại học Tokyo nhấn mạnh khi mà chỉ có 1 tháng nữa, năm 2019 sẽ kết thúc.

Đáng lưu ý, chuyên gia kinh tế của Nhật cho rằng các tác động tiêu cực của cuộc thương chiến Mỹ - Trung đang được tạo ra một cách có chủ ý nhưng không có phương hướng rõ ràng (bị động), không có điểm dừng và giật cấp. “Nó bất ngờ với ngay cả người Mỹ” –ông Hamada nói.

Cạnh tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài hơn một năm qua hiện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Việc hai bên liên tục đưa ra các biện pháp thuế quan theo kiểu “ăn miếng, trả miếng” khiến thị trường toàn cầu chao đảo và làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái sẽ xảy ra trong thời gian tới.

“Chính sách thương mại của Washington không có phương hướng và đang tạo ra nguy cơ suy thoái kinh tế đối với chính nước này, điều mà Mỹ vẫn đặc biệt quan ngại”. Nhà kinh tế, học giả Vincent Smith thuộc Viện nghiên cứu kế hoạch Mỹ (AEI) đã đưa ra nhận định trên khi đề cập đến cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay.

Theo ông Smith, điều cần làm là Washington nên thể hiện sự rõ ràng về chính sách thương mại trong tương lai đảm bảo lợi ích cho cả Mỹ và kinh tế toàn cầu. Ông Smith cảnh báo nếu không chuyển đổi cách thức giải quyết tranh chấp thương mại, chính quyền Tổng thống Donald Trump có nguy cơ đẩy kinh tế nước này rơi vào suy thoái và điều này sẽ tạo nên những khủng hoảng mang tầm quốc tế.

Trong khi đó, một số nhà lãnh đạo thế giới bày tỏ quan điểm riêng về cuộc chiến thương mại. Tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nước phát triển hàng đầu thế giới (G7) vừa diễn ra tại Pháp, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết London không thích chính sách tăng thuế và nước này ủng hộ thương mại hòa bình.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh căng thẳng thương mại gây tổn hại cho tất cả mọi người, trong khi Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk hối thúc chấm dứt cuộc chiến thương mại hiện nay giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang ảnh hưởng đến sự tăng trưởng toàn cầu. Định chế cho vay hàng đầu thế giới này cho biết cuộc xung đột khiến dự báo tăng trưởng bị cắt giảm 0,1 điểm phần trăm trong năm 2019 và 2020.

Cùng với đó, tăng trưởng thương mại quốc tế đã bị đình trệ trong khi hoạt động đầu tư kinh doanh bị giảm tốc vì những biến động về thương mại. Sản lượng của các nhà máy đã giậm chân tại chỗ ở một số quốc gia, trong đó có Anh, Đức và Italy. Các ngân hàng trung ương trong đó có FED và Ngân hàng Trung ương châu Âu thì đang chịu áp lực cắt giảm lãi suất. Theo giới chuyên gia kinh tế, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung không chỉ khiến cả hai nước này tổn thương, mà tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng về dài hạn.

Nguy cơ suy thoái kinh tế vào năm 2020?

Trước các diễn biến nhanh, cấp tập và điều chỉnh liên tục về mặt chính sách giữa 2 siêu cường Mỹ, Trung, không chỉ ở Mỹ, lợi suất trái phiếu chính phủ trên khắp châu Âu trong những tháng cuối năm 2019 cũng đồng loạt giảm, với trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức xuống đáy mới - 0,65%. Tại Vương quốc Anh, đường cong lợi suất trái phiếu giữa kỳ hạn 2 năm và 10 năm cũng đảo chiều âm, phản ánh lo ngại về các bất ổn kinh tế toàn cầu.

Nhận định của các chuyên gia kinh tế về triển vọng 2020 dưới tác động về mặt chính sách, kể từ những năm 1990, thời gian trung bình mà một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra sau khi đường cong lợi suất trái phiếu đảo chiều âm là 22 tháng. Lần gần nhất xảy ra hiện tượng lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm vượt kỳ hạn 10 năm vào tháng 12/2005- 2 năm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007- 2008.

Theo nhận định của nhật báo kinh tế Les Echos (Pháp), khác với làn sóng tăng thuế trước, khi người tiêu dùng Mỹ cuối cùng không bị tác động nhiều lắm, đợt tấn công lần này liên quan đến nhiều mặt hàng tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, quần áo, thiết bị điện tử gia dụng, thiết bị tin học, điện thoại, máy ảnh…

Báo trên dẫn ý kiến của ông Rick Helfenbein, Chủ tịch American Apparel &Footwear Association, một hiệp hội đại diện cho cả ngàn nhãn hiệu quần áo, khẳng định: “Siết chặt và đưa thêm hàng tiêu dùng vào cuộc chiến thương mại, Tổng thống Trump cho thấy ông không quan tâm đến việc giá cả gia tăng, ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ gia đình, cũng như hàng triệu lao động Mỹ". Hiệp hội này ước tính mỗi năm một gia đình 4 người ở Mỹ sẽ phải chi thêm 2.300 USD cho các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Một hậu quả khác của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng được Les Echos nêu ra, đó là đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ trong năm 2018 đã giảm 80%, do tâm lý nghi kỵ và thị trường tài chính bị ảnh hưởng bởi các quyết định trừng phạt lẫn nhau.

Bắc Kinh đã kêu gọi một loạt tập đoàn lớn đang hoạt động mạnh ở Mỹ không những ngừng đầu tư mà còn thoái bớt vốn đầu tư để đề phòng tình hình tài chính xấu. Ở chiều ngược lại, đầu tư Mỹ vào Trung Quốc cũng giảm xuống 12,9 tỷ USD trong năm 2018, so với 14,1 tỷ USD của năm 2017.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3% trong năm nay và 3,4% trong năm 2020, thấp hơn so với dự báo 3,2% và 3,5% lần lượt cho 2019 và 2020 mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 7. IMF cho rằng tăng trưởng toàn cầu có thể xuống mức thấp trong một thập kỷ một phần do các rào cản thương mại ngày càng tăng.

"Chính sách tiền tệ không thể là biện pháp duy nhất mà nên được đồng hành cùng các hỗ trợ về tài khoá ở những nơi còn dư địa", IMF khuyến cáo.

Nhà kinh tế Zandi đồng tình rằng các chính phủ nên tăng chi tiêu để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng cũng cảnh báo rằng nhiều nền kinh tế lớn sẽ không đi theo con đường này. Ông giải thích rằng trong bối cảnh hai phe chính trị lớn đang đấu tranh để luận tội Tổng thống Trump, Quốc hội Mỹ nhiều khả năng sẽ không thông qua bất kỳ chính sách giảm thuế nào. Trong khi đó, ở châu Âu, Đức vẫn còn dư địa để chi tiêu tài khoá, nhưng chính phủ sẽ gặp khó khăn về mặt lập pháp nếu làm vậy.

Ông Hervé Goulletquer, Giám đốc viện nghiên cứu Asset Management, thuộc ngân hàng Banque Postale của Pháp, nhận định: “Trong ván bài này tất cả mọi người đều có thể thua. Vì không giống những gì ông Trump nói, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả giá cao hơn do thuế đánh vào các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc gia tăng".

Giá tiêu dùng tăng sẽ đẩy lạm phát lên cao và khi đó Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ buộc phải đẩy lãi suất ngân hàng lên và điều này sẽ làm chậm các hoạt động kinh tế. Tóm lại, Tổng thống Donald Trump phải chứng minh ông có thể đạt được “thỏa thuận tốt” thay vì phải đẩy cuộc chiến đi quá xa.

Việt Nam cần chuẩn bị sẵn kịch bản ứng phó

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, không nên quá lạc quan về tình hình kinh tế giới và thay vào đó, Việt Nam nên chuẩn bị sẵn kịch bản ứng phó với nguy cơ khủng hoảng toàn cầu có thể xảy ra sắp tới. “Mặc dù kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng cao…, song nền kinh tế Việt Nam không “đơn thương độc mã”, mà chịu tác động rất lớn từ kinh tế thế giới”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, khi nền kinh tế thế giới chao đảo, thị trường xuất khẩu sẽ bị thu hẹp lại, do đó, cần phải chuẩn bị cho kịch bản ngoại thương bị ảnh hưởng tiêu cực. Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, trong bối cảnh khủng hoảng có thể xảy ra, thì nhiều nước sẽ tìm cách đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam với giá rẻ. Điều đó có lợi cho người tiêu dùng, nhưng sẽ tạo áp lực cạnh tranh rất lớn cho các doanh nghiệp nội địa.

Hoa Nguyên

 

Bạn đang đọc bài viết "Nhìn lại các chính sách kinh tế quốc tế 2019: Toàn cầu chao đảo vì thương chiến Mỹ - Trung" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin