Chiều ngày 2/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch.
Một trong những nội dung được quan tâm tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch là tránh sự trùng lặp giữa quy hoạch tỉnh trong luật quy hoạch và quy hoạch xây dựng tỉnh mà dự án luật đang đề cập đến.
Theo đó, phát biểu tại hội trường, ĐBQH Đặng Thế Vinh (đoàn Hậu Giang) bày tỏ: “Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch. Về tên gọi của dự án luật, tôi đề nghị lấy tên là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều 37 luật liên quan đến quy hoạch”. ..
Để góp phần hoàn thiện dự án luật, tôi xin có 2 ý kiến sửa lại. Một là Điều 6, sửa đổi, bổ sung một số điều luật Đất đai. Hai là, Điều 29 sửa đổi, bổ sung một số điều về luật Xây dựng”.
ĐBQH Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng) nêu ý kiến: “Luật Quy hoạch được ban hành nhằm khắc phục sự chồng chéo trong quy hoạch. Trong luật Quy hoạch đưa ra khái niệm quy hoạch ngành và quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành. Như vậy, chúng ta khẳng định, quy hoạch ngành và quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành thuộc ngành và bộ nào thì thuộc chức năng của bộ ngành đó.
Cho đến nay, chúng ta chưa có quy định cụ thể như vậy nên trong luật Xây dựng hiện nay, tại mục 3 Điều 24 liên quan tới quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù, có nêu quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù được lập theo khu chức năng khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghiệp cao, khu du lịch, khu sinh thái, khu bảo tồn, khu di tích lịch sử, cảng biển, cảng hàng không... Rất nhiều lĩnh vực không thuộc chức năng của bộ Xây dựng thì được quy định tại Luật xây dựng...
Luật Quy hoạch ban hành đang đưa khái niệm quy hoạch ngành và quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, để rạch ròi lĩnh vực nào thuộc bộ ngành nào, thì bộ ngành đó lập quy hoạch, chứ cứ như thế này vừa lãng phí tiền bạc, mâu thuẫn, chồng chéo.
Thứ hai, nguyên tắc tích hợp, giảm số lượng quy hoạch trong một khu vực. Ví dụ, quy hoạch tỉnh, nếu không sử dụng phương pháp tích hợp, chúng ta đang lập rất nhiều khu quy hoạch như hiện nay đang làm. Trong quy hoạch tỉnh có phương án cho nhiều nội dung cụ thể, cơ sở xây dựng quy hoạch đô thị, nông thôn; quy hoạch chức năng trong địa bàn tỉnh. Tại sao chúng ta lại làm quy hoạch xây dựng tỉnh? Tôi không hiểu, cố gắng của ban soạn thảo đưa quy hoạch này vào dự thảo luật làm gì?
Thứ ba, một lãnh đạo bộ Xây dựng nói rằng, cho đến giờ quy hoạch xây dựng tỉnh vẫn hoạt động tốt. Như vậy, làm gì phải ban hành luật Quy hoạch, phải đưa vào hệ thống?”.
ĐBQH Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) hoàn toàn đồng ý với việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến quy hoạch.
“Phải nói rằng, luật này thông qua là lần đầu tiên chúng ta sử dụng quyền của Quốc hội là ban hành bộ luật. Nhưng lại tiến hành theo thủ tục trình, cho ý kiến và thông qua. Nhưng, có một số nội dung như luật Xây dựng, luật Đất đai sửa đổi khá nhiều nội dung, đây là điều mà Ban soạn thảo cần phải rà soát kỹ. Về tên gọi, tôi đồng ý là phải gọi là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch”. Chứ không phải “Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật”.
Về nội dung, theo điều 5 của luật Quy hoạch có các thứ bậc trong điều luật đã thông qua, trong hệ thống quy hoạch quốc gia, có các loại quy hoạch tổng thể quốc gia,… Như vậy, cần một nghị định hướng dẫn thi hành luật chung trên cơ sở đó mới có thể sửa các luật khác. Tôi thấy, ở đây khó ở chỗ là các luật khác quy định về quy hoạch, quy định rất cụ thể. Nhưng, hướng dẫn chung về thi hành luật chưa ban hành. Cho nên, dẫn đến việc khó đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật", ông Thân nêu ý kiến.
Cũng theo ông Thân, về luật Đất đai, toàn bộ chương IV quy định về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai, trong chương này quy định chung về quy hoạch và kế hoạch. Trong khi đó, Điều 45 của luật Quy hoạch quy định rõ “quy hoạch là quy hoạch” “kế hoạch là kế hoạch”… Như vậy có bị lẫn? Tôi đề nghị phải nghiên cứu tách ra, quy hoạch đất đai riêng và kế hoạch đất đai riêng. Có như vậy mới không lẫn lộn, rối…
Tại buổi làm việc chiều nay, còn nhiều ý kiến khác nhau của các ĐBQH khi góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch, do đó các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm. Đồng thời, để đảm bảo cho ngày 21/11 tới đây sẽ bấm nút thông qua luật này, các đại biểu mong muốn được xem xét thông qua báo cáo tiếp thu giải trình.
Theo Nguoiduatin.vn
Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/nhieu-y-kien-dbqh-gop-y-du-an-luat-sua-doi-bo-sung-cac-luat-co-quy-dinh-lien-quan-den-quy-hoach-a409562.html