Nhiều “lỗ hổng” trong chính sách kiểm soát thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai làm thất thu ngân sách

(Pháp lý) – Trong số các nguồn thu của Ngân sách nhà nước (NSNN), thì nguồn thu tài chính từ đất đai là một nguồn thu quan trọng, luôn chiếm khoảng 8-12% tỉ lệ thu ngân sách của các tỉnh, thành. Tuy nhiên, công tác quản lý nguồn lực này thời gian qua, đặc biệt là công tác kiểm soát việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai còn nhiều hạn chế, bất cập. Nhiều nơi còn để xảy ra tham nhũng, thất thoát, lãng phí,… khiến nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan bị kỷ luật, khởi tố. Nguyên nhân được chỉ ra có phần xuất phát từ những bất cập trong các quy định pháp luật. Xử lý tận gốc rễ vấn đề là bài toán khó được đặt ra hiện nay cần các cơ quan chức năng vào cuộc.

Tổng cục Thuế đã ra văn bản khẩn chỉnh công tác xác định nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.

Vì sao nhiều cán bộ ngành thuế liên tục bị khởi tố ?

Điển hình như mới đây, liên quan đến vụ án sai phạm trong chuyển nhượng 43ha đất do Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty 3/2) của Tỉnh ủy Bình Dương quản lý, Bộ công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Lê Văn Trang - nguyên là Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương, ông Võ Thanh Bình - nguyên Cục phó và Nguyễn Thái Thanh - Phó trưởng phòng Quản lý hộ kinh doanh cá nhân và thu khác, Cục Thuế tỉnh Bình Dương.

Cả 3 người bị bắt để điều tra về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, liên quan đến việc giải quyết các hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai.

Ba bị can trái qua phải gồm: Nguyễn Thái Thanh, phó phòng; Lê Văn Trang - Nguyên Cục trưởng, Võ Thanh Bình - nguyên Cục phó Cục Thuế tỉnh Bình Dương bị khởi tố, bắt giam do liên quan đến chính sách tài chính đất đai.

Cũng liên quan đến một vụ án vi phạm về quản lý đất đai khác xảy ra tại Bình Thuận, Cơ quan CSĐT Công an Bình Thuận (PC03) cũng đã khởi tố 2 bị can là cán bộ Chi cục Thuế TP.Phan Thiết là Bạch Dân Vinh, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuế TP.Phan Thiết; Đỗ Lễ, nhân viên Chi cục Thuế TP.Phan Thiết.

Các bị can trên bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến các sai phạm đất đai tại địa bàn TP.Phan Thiết mà Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND TP.Phan Thiết đã bị truy tố và xét xử. Cùng bị khởi tố về tội danh này có Nguyễn Hồ Luân, Tạ Thị Thanh Huyền và Lê Thị Thanh Hạnh đều là nhân viên Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Phan Thiết.

Theo Cơ quan CSĐT Công an Bình Thuận, quá trình điều tra cho thấy, ông Bạch Dân Vinh được phân công phụ trách Đội trước bạ, thu khác; theo dõi việc xác định nghĩa vụ tài chính đối với các hồ sơ chuyển đích sử dụng đất; trực tiếp ký Thông báo nộp tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ.

Tuy nhiên, từ tháng 8/2016 đến tháng 8/2018, ông Vinh đã thiếu kiểm tra, kiểm soát những hồ sơ do Đội trước bạ, thu khác đề nghị nên đã ký Thông báo nộp tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ 42 hồ sơ (thửa đất) nên dẫn đến hậu quả là tính tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ gây thiệt hại cho NSNN số tiền gần 3,5 tỉ đồng.

Ông Đỗ Lễ là người được phân công trực tiếp thụ lý hồ sơ để xác định nghĩa vụ tài chính đối với những trường hợp hộ gia đình, cá nhân được chuyển mục đích sử dụng đất. Ông Lễ đã tự xác định sai thông tin đất nông nghiệp của 7 hồ sơ (thửa đất) dẫn đến hậu quả tính tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ gây thiệt hại cho NSNN số tiền trên 310 triệu đồng.

Cũng trong vụ án này, Ngày 7/1, Cơ quan CSĐT Công an Bình Thuận đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với 5 cán bộ TP Phan Thiết liên quan đến sai phạm đất đai trong đó có 2 cán bộ của Cục thuế TP.Phan Thiết là Trần Văn Đông (Đội trưởng Đội trước bạ, thu khác thuộc Chi Cục thuế TP Phan Thiết); Nguyễn Ngọc Quang (nguyên Đội phó Đội trước bạ, thu khác thuộc Chi Cục thuế TP Phan Thiết).

Cũng bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng như các bị can trong vụ án sai phạm đất đai tại địa bàn TP.Phan Thiết, hồi cuối năm 2019, Công an Quận 12, TP Hồ Chí Minh cho biết đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với bà Trương Thị Thu Thủy, cán bộ thuế Chi cục Thuế quận 12, TP Hồ Chí Minh, vì liên quan đến vụ án móc ngoặc trốn thuế khoảng 7 tỷ đồng trong việc phân lô, bán đất nền tại phường Thạnh Xuân, quận 12, TP Hồ Chí Minh.

Theo hồ sơ vụ án, bà Thủy được cho là đã xử lý hồ sơ tính thuế đối với việc tách thửa đất hơn 4.000m2 của ông Bùi Mạnh Hải (sinh năm 1967, ngụ 2721/3B khu phố 3, phường An Phú Đông, quận 12, giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Cơ khí và thương mại Hải Hà), gây thiệt hại cho NSNN khoảng 7 tỷ đồng. Hồ sơ gian lận thuế được nộp cho bộ phận một cửa do ông Trương Khánh Cường là Tổ trưởng tổ tuyên truyền tiếp nhận hồ sơ ban đầu và chuyển cho bà Thủy xử lý. Cụ thể, một số cá nhân do ông Hải cầm đầu đã phân chia thửa đất trên thành 4 lô với số diện tích dao động từ 900 - 1.400m2 thuộc Tờ bản đồ số 45 nằm ở đường Tô Ngọc Vân, phường Thạnh Xuân, quận 12, làm các thủ tục để giả mạo hồ sơ đóng thuế thấp hơn nhiều so với quy định của Nhà nước.

Theo Quyết định 61/2012/QĐ-UBND của UBND TP Hồ Chí Minh thì các thửa đất mặt tiền đường Tô Ngọc Vân, phường Thạnh Xuân, quận 12, đoạn từ Quốc lộ 1A đến đường Hà Huy Giáp, phải đóng tiền sử dụng đất và thuế đất theo khung quy định là 1,6 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, ông Hải đã tìm cách “phù phép” để “hoán đổi” vị trí cho những lô đất của mình vào vị trí đất hẻm nhựa và một phần thuộc đường Tô Ngọc Vân, để được hưởng mức đóng tiền sử dụng đất thấp (vị trí trong hẻm có mức giá 350.000 đồng/m2). Bằng thủ thuật này, thay vì thực tế 4 lô đất trên phải đóng số tiền hơn 9,6 tỷ đồng thì bằng những “hồ sơ mới”, ông Hải chỉ đóng khoảng hơn 2,1 tỷ đồng…

Tổng Cục thuế ra văn bản khẩn

Trước hàng loạt những sai phạm khiến cán bộ thuế liên tục bị khởi tố, ngày 3/3, Tổng cục Thuế đã ra văn bản khẩn chỉnh công tác xác định nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất. Theo đó, chỉ đạo bộ phận chuyên môn thuộc Cơ quan Thuế cần thực hiện phối hợp chặt chẽ với cơ quan Tài nguyên Môi trường để đối chiếu các thông tin hồ sơ địa chính của người nộp thuế; bổ sung thông tin, tài liệu để đảm bảo thông tin giữa 02 đơn vị thống nhất và việc xác định nghĩa vụ tài chính là đầy đủ căn cứ pháp lý.

Trong quá trình phối hợp, đối với những trường hợp có vướng mắc, Cục Thuế cần xác định rõ trách nhiệm của Cơ quan Thuế cũng như các cơ quan liên quan như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính… ở từng khâu của quy trình xác định vị trí đất, mục đích sử dụng đất, giá đất tính thu tiền sử dụng đất và tham mưu với UBND cấp tỉnh trong quyết định Bảng giá đất tính thu tiền sử dụng đất của các trường hợp cụ thể đối với hình thức nhà nước giao đất không thông qua đấu giá làm cơ sở để Cơ quan thuế thực hiện việc xác định nghĩa vụ Tài chính về tiền sử dụng đất của người nộp thuế.

Trường hợp qua kiểm tra, rà soát, phát hiện các hồ sơ có vi phạm, Cơ quan thuế xử lý theo đúng quy định. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển hồ sơ đến cơ quan chức năng để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Nhiều “lỗ hổng” chính sách làm thất thu ngân sách

Theo như tìm hiểu của PV, có rất nhiều khoản thu khác nhau cho NSNN như thuế, phí, lệ phí do các tổ chức và cá nhân nộp theo quy định của pháp luật; các khoản thu từ hoạt động kinh tế của Nhà nước; các khoản thu từ bán hoặc cho thuê tài nguyên, tài sản thuộc sở hữu nhà nước …

Trong đó, thu tài chính từ đất đai là một nguồn thu quan trọng cho NSNN, chiếm khoảng 8-12% tỉ lệ thu ngân sách của ác tỉnh, thành. Bao gồm các loại thuế, phí đất đai như tiền sử dụng đất; tiền thuê đất; thuế sử dụng đất; thuế thu nhập khi chuyển quyền sử dụng đất; phí và lệ phí về đất đai; các khoản thu khác…

Tuy nhiên, thời gian qua cho thấy công tác kiểm soát việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai cho thấy còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát, tham nhũng. Theo nhiều chuyên gia cho rằng, còn tồn tại nhiều lỗ hổng tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng lạng lách trốn tránh, giảm thiểu nghĩa vụ tài chính phải nộp.

Đó là việc chỉ định nhà đầu tư dự án có sử dụng đất không đúng đối tượng mà không thông qua phương thức đấu thầu rộng rãi; bán chỉ định đất công cho nhà đầu tư với giá thấp so với giá thị trường; lỏng lẻo trong quá trình thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, nhất là doanh nghiệp có nhiều quỹ đất có giá trị cao; lỏng lẻo trong quá trình thực hiện chủ trương thoái vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần có quỹ đất lớn; thực hiện đầu tư theo phương thức hợp tác công - tư theo hình thức chỉ định nhà thầu dẫn đến việc nhà thầu kiêm nhà đầu tư dự án BĐS có thể vừa được nhận thầu công trình với giá tốt, lại vừa được nhận quỹ đất phát triển dự án BĐS với lợi nhuận rất cao.

Đặc biệt, một số cơ quan, đơn vị đang sử dụng mặt bằng đất công đã thực hiện hợp tác đầu tư với doanh nghiệp tư nhân để phát triển dự án kinh doanh, dịch vụ, nhưng giá trị thương quyền của mặt bằng chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định lại giá trị sau khi đã cho chuyển đổi mục đích sử dụng; tình trạng cho thuê đất công với giá thấp so với giá thị trường; chuyển nhượng quỹ đất dự án của doanh nghiệp nhà nước cho tư nhân với giá thấp hơn giá thị trường; thỏa thuận ngầm giữa cán bộ nhà nước và doanh nghiệp để giảm thiểu khoản tiền sử dụng đất mà chủ dự án BĐS phải nộp…

Nhiều “lỗ hổng” trong kiểm soát thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai làm thất thu ngân sách

Nghiên cứu những “lỗ hổng” nói trên, có thể thấy phần lớn xuất phát từ những bất cập trong các quy định pháp luật liên quan như Luật đất đai, Luật thuế, Luật đầu tư, Luật kinh doanh bất động sản…

Cụ thể, Luật Đất đai 2013 quy định, nhà nước trao quyền sử dụng đất bằng quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Như vậy, việc quyết định quyền sử dụng đất (là một quyền tài sản) bằng một quyết định hành chính, do một người là đại diện cơ quan hành chính nhà nước ban hành. Quy định như vậy có thể tạo ra cơ chế xin – cho, dễ nảy sinh tham nhũng.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai cũng chỉ quy định việc đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất chứ chưa quy định chặt chẽ, bắt buộc phải đấu giá đối với đất do doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng khi chuyển mục đích sử dụng đất. Đồng thời quy định về đối tượng được giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá còn khá rộng, chưa cụ thể. Vì thế, rất nhiều địa phương tìm cách lách luật bằng cách cho thuê đất, lập dự án cho hoạt động thương mại dịch vụ, có thời hạn sử dụng đất là 50 năm, sau một hai năm cho phép sử dụng lâu dài, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, để tránh phải đấu giá đất.

Các nghĩa vụ tài chính về đất đai mà người sử dụng đất phải nộp vào NSNN như tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất, phí và lệ phí về đất đai… được xác định dựa trên các căn cứ: Diện tích đất được giao, được chuyển mục đích sử dụng, được công nhận quyền sử dụng đất; mục đích sử dụng đất; giá đất tính thu tiền sử dụng đất.

Trong khi đó, nhiều quy định pháp luật về định giá đất còn bộc lộ nhiều bất cập, chưa phù hợp thực tế. Theo đó, một trong những nguyên tắc định giá đất là phải “phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường” (điểm c, khoản 1, Điều 112) nhưng trên thực tế thực hiện thì hầu như lại thoát ly khỏi giá cả thị trường. Ngay từ khi thông qua Luật Đất đai năm 2013, Tổng Cục Quản lý đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ ra rằng, khung giá đất của Nhà nước chỉ bằng khoảng 20% khung giá đất thị trường. Tương tự như thế, khung giá đất của cấp tỉnh cũng chỉ bằng từ 30 đến 60% giá đất thị trường tại địa phương.

Đáng lưu ý, toàn bộ quy trình định giá đất đều do cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện. Mặc dù, Điều 115 và Điều 116 có đề cập đến tư vấn giá đất nhưng cũng chưa có quy định bảo đảm cho tổ chức tư vấn giá đất thực sự có vị trí độc lập… Do vậy, giá đất mang nặng tính “áp đặt”.

Trước đây, theo Luật Đất đai 2003, chỉ có Sở Tài chính chủ trì toàn bộ công tác xác định và thẩm định giá đất cụ thể. Còn theo Luật Đất đai 2013 và Nghị định 44/2014/NĐ-CP của Chính phủ, công tác này được phân chia cho 2 đầu mối. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường lập kế hoạch định giá đất cụ thể và tổ chức thực hiện việc xác định giá đất cụ thể; Sở Tài chính làm thường trực Hội đồng thẩm định giá đất cấp tỉnh để thẩm định phương án giá đất. Cơ chế này đã dẫn đến quy trình hành chính xác định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất thiếu tính minh bạch, thiếu tính liên thông, có sơ hở tạo ra cơ chế xin-cho, nhũng nhiễu.

Những vấn đề này là kẽ hở cho tiêu cực, cho các đối tượng lợi dụng lạng lách trốn tránh, giảm thiểu nghĩa vụ tài chính phải nộp gây thất thoát NSNN khi giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…

Không chỉ vậy, nhiều chuyên gia còn chỉ ra rằng, trong các hoạt động mua bán, sang nhượng đất đai, dự án BĐS… các đối tượng còn lợi dụng triệt để những lỗ hổng pháp luật nhằm giảm bớt thuế, phí phải nộp.

Đơn cử như, khi mua bán, sang nhượng quyền sử dụng đất, dự án BĐS… người dân, doanh nghiệp phải thực hiện các loại nghĩa vụ tài chính như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, phí trước bạ… dựa trên tỉ lệ % giá trị hợp đồng chuyển nhượng BĐS. Tuy nhiên, các cá nhân, doanh nghiệp thường sẽ ký các hợp đồng “giả cách” để làm thủ tục sang tên với giá chuyển nhượng thấp hơn nhiều lần so với thực tế, thậm chí thấp hơn hoặc chỉ bằng với giá đất hàng năm mà UBND các tỉnh, thành phố công bố. Bằng cách này giá trị thuế, phí phải nộp thông qua các hợp đồng “giả cách” đó sẽ thấp hơn rất nhiều lần so với thực tế.

Hay như lợi dụng lỗ hổng trong các quy định về đầu tư kinh doanh, bằng chiêu thức chuyển nhượng dự án BĐS thông qua việc chuyển nhượng cổ phần, các doanh nghiệp BĐS cũng có thể né được kha khá số tiền thuế phải nộp. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ mua luôn toàn bộ cổ phần và sở hữu luôn cả dự án BĐS của doanh nghiệp chủ đầu tư. Trong trường hợp này, thay vì phải đóng 20% thuế TNDN chuyển nhượng dự án thì doanh nghiệp chuyển nhượng chỉ phải đóng thuế chuyển nhượng cổ phần 0,1% .
Bên cạnh các trường hợp kể trên, các doanh nghiệp có thể thông qua các hình thức khác như hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác kinh doanh để thay đổi con số thuế phải nộp cho nhà nước…

Ngoài nguyên nhân nhìn thấy rõ từ những lỗ hổng pháp luật mà chúng tôi đã phân tích ở trên ra, còn một nguyên nhân không thể không nhắc đến khác là sự tha hóa của một bộ phận cán bộ thuộc Cơ quan Thuế, cán bộ chuyên môn cơ quan liên quan… câu kết với nhau, với doanh nghiệp cố ý làm trái, không tuân thủ các quy định pháp luật trong việc kiểm soát thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai nhằm trục lợi đã gây thất thoát ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng.

Kiến nghị

Đất đai là một trong những nguồn lực quan trọng góp phần tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, thời gian qua cho thấy công tác quản lý nguồn lực này, đặc biệt là kiểm soát việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai cho thấy còn nhiều hạn chế, bất cập. Nhiều nơi còn để xảy ra tham nhũng, thất thoát, lãng phí,… khiến nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan bị kỷ luật, khởi tố.

Các hành vi vi phạm gây thất thoát cho Nhà nước khi phát hiện đều sẽ bị xử lý nghiêm minh. Nhưng làm thế nào để ngăn ngừa cho vi phạm không xảy ra, không để tiền, tài sản nhà nước bị thất thoát, tức là xử lý tận gốc rễ vấn đề là bài toán khó được đặt ra hiện nay.

Thực tế vừa qua cho thấy, có nhiều nguyên nhân cả về lỗ hổng pháp lý và cơ chế quản lý đã khiến đất đai trở thành “miếng mồi béo bở” cho nhóm lợi ích, tham nhũng.

Do đó, chúng tôi cho rằng, điều quan trọng là các cơ quan có thẩm quyền phải khẩn trương sửa đổi triệt để, bịt kín các kẽ hở của chính sách pháp luật. Phải bịt được những lỗ hổng pháp luật liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất đai như Luật đất đai, Luật thuế, Luật đầu tư, Luật kinh doanh bất động sản…

Đặc biệt là phải tăng cường công khai, minh bạch trong thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai. Phải công khai, minh bạch từ việc giao đất, cho thuê đất… cho đến xác định giá đất phù hợp với giá thị trường khi chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…

Làm được như vậy, chúng tôi tin rằng, nghĩa vụ tài chính về đất đai của người sử dụng đất đối với NSNN sẽ được thực hiện đúng, đủ. Điều đó cũng đồng nghĩa nguồn thu của Nhà nước không bị thất thoát.

Đinh Chiến

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin