(Pháp lý) - Nhiều chính sách liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân được Chính Phủ, các Bộ ban hành nhằm đảm bảo cho hoạt động phòng chống dịch bệnh thông suốt và hiệu quả.
Quy định về miễn thuế đối với mặt hàng chống dịch
Quyết định 155 ngày 7/2 của Bộ Tài chính ban hành danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
Các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu bao gồm khẩu trang, nước rửa tay sát trùng (chế phẩm sát trùng tay dạng gel hoặc dạng lỏng). Nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế gồm vải không dệt để sản xuất khẩu trang y tế, màng lọc kháng khuẩn để sản xuất khẩu trang y tế, dây thun để sản xuất khẩu trang y tế, thanh nẹp mũi để sản xuất khẩu trang y tế (dạng thanh/cuộn). Ngoài ra, danh mục còn các mặt hàng khác như nước sát trùng (chế phẩm diệt khuẩn dạng dung dịch); các loại vật tư, thiết bị cần thiết khác thuộc bộ trang phục phòng chống dịch, trong đó có quần, áo, kính, khẩu trang y tế, mũ bảo hộ, găng tay, giày.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị hải quan thực hiện thống nhất việc miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để phòng, chống dịch bệnh kịp thời. Cơ quan hải quan làm thủ tục miễn thuế nhập khẩu trong thông quan đối với hàng hóa tại Danh mục ban hành kèm theo Quyết định này; phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, đảm bảo việc nhập khẩu đúng mục đích miễn thuế. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu sử dụng không đúng mục đích miễn thuế thì xử lý theo quy định của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính và pháp luật về quản lý thuế.
Trong quá trình thực hiện có phát sinh vướng mắc, cơ quan hải quan, doanh nghiệp nhập khẩu; các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố phản ánh về Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) để được xem xét, hướng dẫn thực hiện.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký đến ngày có văn bản công bố hết dịch của cấp có thẩm quyền. Quyết định 155 của Bộ Tài chính được ban hành ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có công văn số 197/TTg-KTTH ngày 7.2 về việc miễn thuế nhập khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát trùng; nguyên liệu để sản xuất khẩu trang, nước sát trùng, các vật tư, thiết bị cần thiết phục vụ việc phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra.
Chỉ đạo kiểm soát, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu
Theo Bộ Tài chính, để đạt mục tiêu CPI dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra thì mỗi tháng còn lại trong năm CPI (11 tháng) sẽ phải tác động giảm khoảng 0,12%.
Nếu mặt bằng giá chung không có biến động lớn, giá dịch vụ y tế dự kiến chịu tác động từ việc điều chỉnh kết cấu chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế, việc điều chỉnh kết cấu chi phí quản lý tiền lương, điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục theo lộ trình đã được đề ra trong kịch bản từ đầu năm thì phải kiểm soát chặt chẽ mặt bằng giá của quý I; giảm CPI tháng 2 và tháng 3; trong đó chủ yếu tập trung vào việc điều hành giá các mặt hàng xăng dầu, thịt lợn và phải tính đến yếu tố thị trường là giá gas, mặt hàng ăn uống ngoài gia đình sau Tết.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giá thịt lợn giảm 10% ngay trong tháng 2 sẽ giúp CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ 2019 chỉ tăng 5,67% và CPI bình quân cả năm ở mức 4,59%; nếu giá thịt lợn giảm thêm 8 – 10% trong tháng 3 sẽ giúp CPI bình quân cả năm ở mức 4,22%.
Do đó, Bộ Tài chính đã có văn bản chỉ đạo điều hành yêu cầu cần làm tốt các biện pháp điều hành cung - cầu giúp giá thịt lợn hơi về mức 60.000 – 65.000 đồng/kg hơi và các tháng tiếp theo giá bình ổn hoặc tiếp tục giảm về mức 45.000 – 50.000 đồng/kg hơi (mức bình thường trước khi có dịch), tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy khâu phân phối, bán lẻ.
Theo Bộ Tài chính, việc điều hành giá góp phần kiểm soát lạm phát, CPI dưới 4% là nhiệm vụ rất khó khăn nếu không chỉ đạo điều hành ngay từ quý I.
Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng cho rằng, bên cạnh việc phải triển khai đồng bộ các giải pháp để kiểm soát mặt bằng giá quý I thì phải tập trung nguồn lực để kiểm soát, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho việc phòng chống dịch bệnh.
Theo đó, đối với mặt hàng thuốc chữa bệnh cho người, bao gồm cả các loại thuốc phục vụ cho phòng chống dịch thì tổ chức triển khai ngay việc đấu thầu thuốc, tập trung đàm phán giá để bảo đảm có đủ nguồn cung trong và sau dịch bệnh thông qua đó điều tiết mức giảm giá bán phù hợp.
Với các mặt hàng nhập khẩu là đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, phải có đánh giá tổng thể về nhu cầu hiện nay của các cơ sở sản xuất, nguồn cung thực tế trên thị trường trong ngắn hạn để triển khai ngay các biện pháp cân đối cung cầu. Một mặt có giải pháp sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước để thay thế, đẩy mạnh tìm kiếm và nhập khẩu từ các thị trường khác, đồng thời giảm bớt các thủ tục hành chính nhằm xúc tiến nhanh quá trình nhập khẩu đảm bảo phục vụ đủ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Từ tình hình thực tế trên, Bộ Tài chính cho rằng, việc quản lý điều hành giá trong năm 2020 sẽ gặp nhiều khó khăn thách thức. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành địa phương cần quyết liệt triển khai ngay các ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban điều hành giá. Bộ Công Thương cần theo dõi sát giá xăng dầu thế giới để dự báo các diễn biến, trên cơ sở đó sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá xăng dầu; tăng cường quản lý giá nhà nước đối với mặt hàng gas.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cho biết sẽ tăng cường việc tiếp nhận kê khai giá, kiểm soát chặt chẽ hoạt động kê khai của doanh nghiệp để tránh tình trạng lợi dụng tăng giá bất hợp lý.
Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu qua biên giới
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện 224/CĐ-TTg về việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới.
Nội dung công điện ghi rõ: Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới, đồng thời đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút corona gây ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Các Bộ: Công Thương, Y tế, Ngoại giao, Tài chính, Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 808/VPCP-KTTH ngày 05 tháng 02 năm 2020.
2. Bộ Y tế khẩn trương chủ trì, thống nhất với các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Công Thương, Ủy ban nhân dân các tỉnh có đường biên giới và cơ quan liên quan xây dựng quy trình kiểm dịch y tế, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh của phương tiện và người điều khiển phương tiện để áp dụng tại các cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu biên giới đường bộ, đường sắt trên nguyên tắc tạo thuận lợi, đẩy nhanh hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, đồng thời bảo đảm yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa phải mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh tại cửa khẩu để khi trở lại Việt Nam không phải áp dụng biện pháp cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh có đường biên giới chủ trì, phối hợp với các Bộ: Y tế, Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương và cơ quan liên quan trao đổi, làm việc với các địa phương biên giới phía Bạn để thống nhất triển khai thực hiện các quy trình tại điểm 2 nêu trên.
4. Đồng ý với đề nghị của Bộ Công Thương về việc tiếp tục hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu phụ Tân Thanh và Cốc Nam - tỉnh Lạng Sơn và lối mở Km3+4 phường Hải Yên, Thành phố Móng Cái - tỉnh Quảng Ninh theo quy định của pháp luật, trên nguyên tắc bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt về phòng chống dịch bệnh đối với người điều khiển và phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Giao các Bộ: Y tế, Công Thương và cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai cụ thể. Giao Ủy ban nhân dân các tỉnh có đường biên giới trao đổi, làm việc thống nhất với các địa phương biên giới phía Bạn và tổ chức triển khai thực hiện, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo các yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh.
Thông tin sai sự thật về dịch bệnh - Nhà mạng buộc phải gỡ thông tin
Ngày 5/2 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2020 - quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Nghị định này quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực sau đây: Bưu chính; Viễn thông, bao gồm: kinh doanh dịch vụ viễn thông; thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ; quy hoạch, thiết kế, xây dựng, sử dụng công trình viễn thông; quy hoạch, quản lý và sử dụng tài nguyên viễn thông, Internet; quản lý chất lượng và dịch vụ viễn thông; Tần số vô tuyến điện; Công nghệ thông tin, bao gồm: phát triển công nghiệp công nghệ thông tin; đầu tư, mua sắm; an toàn thông tin mạng; chống thư rác, tin nhắn rác; mạng xã hội, trang thông tin điện tử, trò chơi điện tử trên mạng, trò chơi điện tử công cộng; Giao dịch điện tử.
Ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả. Trong trường hợp các nhà mạng tạo ra nền tảng công nghệ nhưng các tài khoản cá nhân sử dụng để thông tin sai sự thật thì bị buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật (Điểm P khoản 2 điều 3 của Nghị định). Như vậy trách nhiệm với việc thông tin sai sự thật không chỉ là cá nhân người dùng mà còn là các pháp nhân cung cấp dịch vụ, nền tảng kĩ thuật mạng.
Phan Phan