Nhật Bản khuyến nghị Việt Nam nên sớm có Luật Đăng ký tài sản

11/02/2017 12:05

Hôm qua (9/2), trong khuôn khổ Chương trình hợp tác, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm lập pháp của Nhật Bản trong lĩnh vực đăng ký tài sản và khuyến nghị xây dựng Luật Đăng ký tài sản tại Việt Nam.

46

Theo Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp Phạm Tuấn Ngọc, thiết chế đăng ký tài sản có ý nghĩa quan trọng trong công khai, minh bạch thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản, gắn liền với quyền dân sự của mỗi cá nhân, tổ chức khi xác lập, thực hiện quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản.

Thời gian qua, Nhà nước đã có những cố gắng trong xây dựng pháp luật về đăng ký tài sản, được quy định trong nhiều đạo luật khác nhau như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Hàng không dân dụng, Luật Giao thông đường bộ… cùng các văn bản hướng dẫn chi tiết có liên quan. Các quy định này bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực trong công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản của người dân, qua đó giúp quản lý tài sản tốt hơn.

Tuy nhiên, do đăng ký mỗi loại tài sản được nhìn nhận dưới một góc độ khác nhau và phân tách theo chức năng, thẩm quyền quản lý nhà nước của bộ, ngành quản lý tài sản đó nên pháp luật hiện hành còn thiếu tính thống nhất và thiếu nguyên tắc pháp lý chung nhất về đăng ký tài sản.

Cùng với đó, mô hình tổ chức và nguyên tắc vận hành của hệ thống đăng ký ở nước ta hiện nay còn chịu sự chi phối của tư duy hành chính, chưa đáp ứng mục tiêu phục vụ thị trường, tạo ra nhiều khó khăn khi cá nhân, tổ chức muốn tìm hiểu, tiếp cận thông tin. Ngoài ra, pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định đăng ký sở hữu tài sản là động sản theo yêu cầu. Do đó, việc xây dựng Luật Đăng ký tài sản ở Việt Nam là vô cùng cần thiết.

Chia sẻ kinh nghiệm về hệ thống đăng ký bất động sản, đại diện đến từ Bộ Tư pháp Nhật Bản nhấn mạnh đăng ký bất động sản nhằm quản lý tốt hơn thông tin về lãnh thổ như xác định rõ vị trí, kế hoạch sử dụng, tình trạng sử dụng, diện tích, người sử dụng, giá đất, thuế. Đồng thời, còn giúp quản lý thông tin về giao dịch bất động sản như vị trí, diện tích đất, người sở hữu, giá đất, giá mua bán, có được thiết lập quyền cho thuê không, có nhằm mục đích thế chấp không, có bị kê biên không…

Đề xuất về một số nội dung trong Luật Đăng ký tài sản của Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng cần quy định rõ về phương pháp sổ đăng ký; các thông tin liên quan tới tài sản đăng ký, quyền lợi và sự biến động quyền lợi của tài sản đăng ký; thủ tục đăng ký, các giấy tờ cần thiết để yêu cầu đăng ký, phương pháp công bố đăng ký…

Để việc đăng ký diễn ra thuận lợi, người đăng ký cần cung cấp thông tin chính xác về tài sản và tiến hành giao dịch tài sản một cách an toàn, nhanh chóng. Tùy theo từng loại tài sản, tần suất và phương pháp giao dịch, cần áp dụng các phương pháp đăng ký khác nhau, trong đó đất, công trình xây dựng, động sản, trái quyền là những tài sản nên đăng ký để hạn chế tối đa các rủi ro.

Ngoài ra, việc đăng ký nên được công khai như thế nào cũng là một vấn đề nhận được nhiều quan tâm của Hội thảo bởi bên cạnh ưu điểm là truyền đạt thông tin để thúc đẩy việc sử dụng tài sản có hiệu quả, thúc đẩy cạnh tranh tự do để phát triển kỹ thuật mới, xây dựng thị trường thì nhược điểm là thông tin riêng tư cũng phải công khai theo. Do vậy, cần cân nhắc và điều chỉnh phù hợp giữa ưu và nhược điểm để xây dựng quy định phù hợp với thực tiễn.

Theo Bao Phapluat

Bạn đang đọc bài viết "Nhật Bản khuyến nghị Việt Nam nên sớm có Luật Đăng ký tài sản" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin