Nhà ngoại giao Iran bị bắt giữ tại châu Âu: “Thủ thuật” nhằm vô hiệu hóa quyền miễn trừ ngoại giao?

Mới đây, cảnh sát Đức đã bắt giữ một nhà ngoại giao của Iran. Người này làm việc ở Đại sứ quán Iran tại Áo. Lý do được phía Đức nêu ra là người này chủ mưu tiến hành những vụ ám sát các nhân vật người Iran bất đồng chính kiến với chính phủ Iran hiện phải sống lưu vong ở châu Âu.

Luật pháp trong thế giới ngoại giao tuy rất rõ ràng và cụ thể nhưng lại có thể bị lách, bị lấn lướt và vô hiệu hoá (Hình minh họa)
Luật pháp trong thế giới ngoại giao tuy rất rõ ràng và cụ thể nhưng lại có thể bị lách, bị lấn lướt và vô hiệu hoá (Hình minh họa))

Thông thường, cứ nghe nói đến thế giới ngoại giao là thiên hạ nghĩ ngay đến quyền miễn trừ và ưu đãi ngoại giao. Tức là các nhà ngoại giao được hưởng nhiều quyền ưu đãi đặc biệt, đều không thể bị bắt giữ và đưa ra xét xử, có chăng thì chỉ có thể bị trục xuất về nước.

Tất cả những quyền ưu đãi và miễn trừ này được quy định trong hai Công ước của Liên hợp quốc về các quyền ưu đãi và miễn trừ trong quan hệ ngoại giao và lãnh sự giữa các quốc gia trên thế giới, ký kết và có hiệu lực từ năm 1963.

Sai lầm của nhà ngoại giao Iran trong chuyện này là đã rời Áo sang Đức. Theo Công ước kia, chừng nào còn ở trên lãnh thổ Áo, chừng đó nhà ngoại giao của Iran được hưởng đầy đủ mọi quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao, tức là phía chính phủ Áo chỉ có thể trục xuất nhà ngoại giao này về nước.

Phía Đức lập luận rằng nhà ngoại giao kia làm việc ở Áo chứ không phải ở Đức và nước Đức không phải nước tiếp nhận nên không công nhận nhà ngoại giao này được hưởng các quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao ở nước Đức.

Hai diễn biến tiếp theo đáng chú ý là phía Đức cho biết sẽ dẫn độ nhà ngoại giao Iran sang Bỉ và phía Áo tuyên bố không còn công nhận nhà ngoại giao kia ở Áo nữa. Chính quyền Áo làm vậy vì nhà ngoại giao Iran đã ra khỏi lãnh thổ Áo.

Luật pháp trong thế giới ngoại giao tuy rất rõ ràng và cụ thể nhưng lại có thể bị lách, bị lấn lướt và vô hiệu hoá. Ở đây có thể dễ dàng nhận ra được sự liên minh liên kết giữa nước Áo, Đức và Bỉ.

Ngay từ đầu, các nước này muốn bắt giữ nhà ngoại giao kia chứ không muốn không để cho người này hoạt động ở châu Âu nữa. Nếu muốn vô hiệu hoá mọi hoạt động trực tiếp của người này ở châu Âu thì phía chính phủ Áo chỉ cần ra lệnh trục xuất.

Theo Công ước Vienna của LHQ về quan hệ ngoại giao và lãnh sự giữa các quốc gia trên thế giới thì lẽ ra phía Áo phải trục xuất nhà ngoại giao Iran về nước. Phía Áo đã không làm như vậy xem ra vì muốn chờ cơ hội để bắt giữ nhà ngoại giao này.

Cũng theo Công ước nói trên, phía Đức lẽ ra sau khi bắt giữ phải dẫn độ nhà ngoại giao Iran về Áo nhưng Đức lại không làm vậy mà chủ ý dẫn độ nhà ngoại giao kia sang Bỉ. Chủ ý của họ là không để cho nhà ngoại giao Iran này nhờ được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao ở Áo mà không bị bắt giam và đưa ra xét xử.

Một khi trả lại người này cho phía Áo, phía Áo không thể không tiếp nhận và chỉ cần trở lại lãnh thổ Áo là lập tức người này được hưởng đầy đủ mọi quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao. Phía Đức giúp phía Áo tránh được bị sa vào tình thế khó xử về ngoại giao và pháp lý nên mới đẩy người kia sang Bỉ và phía Áo nhân thế tuyên bố không công nhận người này có tư cách nhà ngoại giao nữa ở Áo.

Luật ngoại giao đã thua lệ là thế. Cái lệ ở đây là các nước kia cùng một giuộc với nhau trong chính sách và quan hệ với Iran. Vì là đồng minh của nhau như thế nên chuyện họ liên minh liên thủ với nhau để giúp nhau đâu có gì lạ.

Nếu Áo trục xuất nhà ngoại giao này của Iran thì sẽ là chuyện tày đình trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước, sẽ không thể tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực tới chuyến thăm Áo của Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Áo có thể đổ trách nhiệm sang cho Đức.

Phía Đức lại có thể chối bỏ mọi trách nhiệm về ngoại giao khi việc dẫn lý do an ninh và nhấn mạnh chuyện này là chuyện chung của EU chứ không phải là chuyện quan hệ song phương, tức là không phải ngoại giao mà là chuyện chính trị.

Sau sự việc, Thứ trưởng Ngoại giao Iran "bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ của nước này về việc bắt giữ một nhà ngoại giao Iran, và nhấn mạnh rằng với quyền miễn trừ ngoại giao theo Công ước Vienna, nhà ngoại giao này cần được thả ngay lập tức và vô điều kiện".

Nhà ngoại giao Iran này nằm trong nhóm 6 người bị bắt giữ tại Bỉ, Pháp và Đức, với cáo buộc có âm mưu đánh bom nhóm người biểu tình do một nhóm đối lập Iran lưu vong tại Pháp, tổ chức.

Theo Bộ Ngoại giao Iran, vụ bắt giữ này là một âm mưu nhằm gây tổn hại cho quan hệ Iran - châu Âu, gây tâm lý không thiện cảm của công luận châu Âu nhằm vào quốc gia Hồi giáo này.

Bộ Ngoại giao Iran cho rằng, nước này có đầy đủ bằng chứng cho thấy cuộc tấn công đã được lên kế hoạch bởi một tổ chức khủng bố, và đây là một kịch bản đã được sắp đặt trước để gây ra căng thẳng trong quan hệ giữa Iran và các nước châu Âu.

Theo Hạ Nham (baophapluat.vn )

Nguồn bài viết: http://baophapluat.vn/quoc-te/nha-ngoai-giao-iran-bi-bat-giu-tai-chau-au-thu-thuat-nham-vo-hieu-hoa-quyen-mien-tru-ngoai-giao-401952.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin