Nhà đầu tư ngoại: Đủ chiêu lách luật

Đang có hiện tượng nhiều dự án FDI lách luật, hưởng ưu đãi còn để lại cho các địa phương “trái đắng” mất cả chì lẫn chài. Bên cạnh đó còn xuất hiện tình trạng “núp bóng đầu tư”.

Công ty xe đạp Excel bị phát hiện núp bóng đầu tư theo kiểu gian lận xuất xứảnh: hải quan cung cấp.

Là một tỉnh miền núi, đến nay, Hòa Bình thu hút gần 40 dự án FDI với trên 500 triệu USD. Dù số dự án FDI không lớn nhưng lợi dụng kẽ hở của Luật Đầu tư, một số nhà đầu tư có dấu hiệu lách luật khiến cơ quan chức năng tỉnh này đang phải tính phương án đối phó.

Cho “chết non” để hưởng ưu đãi

Năm 2010, nhà đầu tư FDI mong muốn đầu tư gấp dự án nên UBND tỉnh Hoà Bình thành lập ban hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Đợt 1, UBND tỉnh Hòa Bình giải phóng được 36,3 ha và đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đợt 2, UBND tỉnh Hòa Bình giải phóng mặt bằng 77 ha, đã ra quyết định thu hồi đất.

Sau khi có quyết định thu hồi đất thì nhà đầu tư biến mất, lúc này tỉnh phải tự trả tiền 144 ha đất giải phóng mặt bằng. Khi chấm dứt dự án, nhà đầu tư bán tài sản trên đất cho nhà đầu tư khác. Dự án FDI kéo dài 50 năm và được miễn tiền thuê đất 15 năm. Tuy nhiên, sau khi hoạt động gần 10 năm, dự án FDI này chấm dứt hoạt động.

“Khi nhà đầu tư FDI chấm dứt dự án, tỉnh phải trả lại nhà đầu tư tiền giải phóng mặt bằng. Như vậy, nhà đầu tư không mất chi phí mặt bằng, trong khi vẫn thu được tiền từ việc bán tài sản cho nhà đầu tư mới. Nhà đầu tư mới sau khi mua tài sản trên đất đề nghị tiếp tục dự án trên mảnh đất này và theo quy định cũng không mất tiền thuê đất. Như vậy, địa phương “thiệt đơn thiệt kép”, đại diện Sở KH&ĐT Hòa Bình cho biết.

Trên đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp, nhà đầu tư lách luật. Để giải quyết thực trạng này, bà Phan Thị Thu Hằng, Ban quản lý KCN tỉnh Hòa Bình kiến nghị: Ban soạn thảo Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi bổ sung thời gian dự án được hưởng ưu đãi tại Khoản 6 điều 6 của Luật Đầu tư.

Hiện luật quy định ưu đãi dựa trên kết quả của dự án nhưng để có kết quả thì rất khó tính toán. Để thuận tiện nhất, nên quy định thời hạn miễn giảm tiền thuê đất dựa trên “tuổi thọ” dự án. Ví dụ, dự án hoạt động đủ 20 năm được miễn giảm 5 năm tiền thuê đất, dự án hoạt động đủ 50 năm mới được miễn giảm tiền thuê đất 15 năm.

“Khi xây dựng Luật Đầu tư, cơ quan chức năng thường tính toán theo tuổi thọ dự án ở mức 50 năm và cho miễn giảm tiền thuê đất trong 15 năm. Tuy nhiên, thực tế chỉ 5-10 năm nhiều dự án đã “chết”. Các địa phương không thu được lợi ích từ dự án FDI. Kẽ hở này đã tạo ra cơ hội cho nhà đầu tư lách luật ở khắp nơi”, bà Hằng phân tích.

Núp bóng đầu tư

Theo các chuyên gia, ngoài việc lách luật để hưởng ưu đãi, với việc FDI từ Trung Quốc tăng đột biến do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nguồn vốn FDI vào Việt Nam thời gian gần đây còn tiềm ẩn nguy cơ núp bóng đầu tư. Năm 2019 đầu tư từ Trung Quốc tăng gần 1,65 lần, từ Hồng Kông tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Trước lo ngại dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam nhằm hưởng hàng loạt ưu đãi, núp bóng đầu tư, lấy xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang các nước như Mỹ, Tổng cục Hải quan đã vào cuộc điều tra và công bố hàng loạt doanh nghiệp có vốn đầu tư Trung Quốc gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Sau khi kiểm tra, Tổng cục Hải quan chỉ ra một số DN có kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng đột biến nằm ở 19 nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận về xuất xứ.

Tổng cục Hải quan đã chỉ rõ trường hợp Công ty TNHH xe đạp Excel: Công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc, thành lập năm 2018, thực hiện lắp ráp xe đạp, xe đạp điện xuất khẩu. Qua kiểm tra, Cục Kiểm tra sau thông quan phát hiện công ty nhập khẩu 100% linh kiện xe đạp, xe đạp điện, xe lướt điện từ Trung Quốc về Việt Nam để lắp ráp đơn giản giai đoạn cuối thành sản phẩm hoàn chỉnh. Linh kiện nhập khẩu về Việt Nam không trải qua bất kỳ công đoạn gia công sản xuất nào và xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ, lấy nguồn gốc xuất xứ Việt Nam để được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan còn phát hiện hành vi gian lận để hưởng xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu đi Mỹ của 4 doanh nghiệp (3 doanh nghiệp lắp ráp xe đạp, xe đạp điện và 1 doanh nghiệp lắp ráp mặt hàng sản phẩm gỗ). Cục Kiểm tra sau thông quan cũng tiếp tục mở rộng kiểm tra một số nhóm hàng như pin năng lượng mặt trời, đèn LED…

Khi bị phát hiện gian lận xuất xứ, các doanh nghiệp FDI núp bóng đầu tư có nhiều cách đối phó như lấy lý do người phiên dịch dịch chưa rõ nội dung cần dịch lại, giám đốc bận phải đi công tác để cố tình không ký các biên bản làm việc, biên bản vi phạm hoặc có dấu hiệu bỏ trốn, tẩu tán tài sản,…

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng, việc cấp phép, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do chính quyền địa phương cấp. Hiện nay phát sinh rất nhiều vấn đề do pháp luật đầu tư ngày càng thông thoáng nên tình trạng núp bóng, người nước ngoài mạo danh người Việt Nam để mua cổ phần, cổ phiếu của các doanh nghiệp của Việt Nam để tránh việc thành lập các dự án mới.

PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, để giải quyết thực trạng này cần có “bộ lọc” thu hút FDI trong giai đoạn tới. Theo đó, cơ quan chức năng cần chuyển từ đầu tư FDI theo kiểu thụ động sang thế chủ động đi tìm những nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện mà chúng ta đang mong muốn.

Theo bizlive.vn

Nguồn bài viết: https://bizlive.vn/kinh-doanh/nha-dau-tu-ngoai-du-chieu-lach-luat-3532247.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin